Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Trầm tư - Võ Hồng


Chương Một

         1. Đừng ưa chê bai kẻ khác. Con hãy nhìn vào gương. Khi chê ai, mặt con nhăn nhíu xấu xí. Khi khen ai, Mặt con rạng rỡ xinh tươi. Hỏi còn có thuật trang điểm nào đơn giản mà hiệu quả hơn không?

         2. Khi tuổi cao, người ta hay ngồi gợi lại Quá khứ và chừng như ở kỷ niệm nào cũng bắt gặp một ngưồi nay không còn nữa. Ký ức biến thành một nghĩa trang mênh mông.

         3. Trong phiên tòa xử Lavoisier, ông chánh án Coffinhal (1) đã hùng dũng phán: "Cộng hòa không cần những nhà bác học cũng chẳng cần những nhà hóa học". Vậy đó, khi có quyền, nhiều người đã dùng tài hùng biện để tố cáo sự ngu dốt của chính họ.

         4. Dẫu là Voi cũng phải tự trồng lấy cỏ mà ăn.

         5. Chỉ có Chúa nhẫn nại đợi ngày phán xét cuối cùng mới kết luận. Người đời thì nhiều khi mới nghe 1 phần 8 câu nói đã lật đật kết luận rồi.

         6. Người gây tai tiếng thường không được nghe tai tiếng do họ gây. Như sự lặng yên nơi trung tâm của trận bão lớn.

         7. Người ta thường nói lòng tham không đáy, nhân dục vô nhai. Không hoàn toàn như vậy. Chín giờ tối ăn chè ngọt thì sáng hôm sau không thích uống cà phê. Năm giờ sáng uống ly nước cam thì nửa giờ sau tách trà không còn ngon nữa.

         8. Khi nghe chê ai, tôi thấy tôi dễ có cái xấu của người đó. Khi nghe khen ai, tôi thấy tôi khó có cái tốt của người đó.

         9. Người đàn bà soi gương nơi mắt của người đàn ông.

        10. Ông bảo tôi vô thần. Bà nói tôi mê tín. Cô cho tôi lập dị... Sai ráo. Không có tĩnh từ nào được cắt đo theo kích thước của tôi. Tôi có mỗi thứ một ít. Như người cưỡi bò, chân bên này chân bên kia. Hơn thế, như con nhện. Đứng bằng cả tám chân.

        11. Hãy bằng lòng mức sống trung bình. Tài trí ta không bằng nhiều người, cả sự gian hùng ta cũng thua nhiều người.

        12. Sự khổ đau nuôi dưỡng thiên tài. Nếu được thỏa mãn Hạnh Phúc thì đến hai phần ba danh nhân cổ kim trên thế giới đã bị xóa tên.

        13. Bất hạnh cho kẻ nào không thấy còn ai xứng đáng để kính trọng.

        14. May thay cuộc đời chỉ dài nhất trăm năm: bao nhiêu sai lầm, ân hận, hối tiếc... ta sẵn sàng quên đi khi nghĩ rằng cái chết rồi sẽ xóa hết. Ôi, nếu cuộc đời dài những ngàn năm !

        15. Hãy diệt nơi ta những tính xấu nào mà ta chê trách nơi người khác. Với chừng ấy, ta đã là người khá rồi.

        16. Mừng rỡ bấu vào một lời nói của người khác để dồn sức công kích, đó là cốt cách đồ tể. Chỉ căn cứ vào những điều phát biểu mà tự hào rằng hiểu hết tâm hồn một người, đó là cốt cách thầy lang, thầy bùa. Hiểu một người, phải hiểu cả những điều người ấy không nói.

        17. Ta biết về một người có thể nào rõ hơn một băng sơn? Ấy vậy mà cái phần nổi trên mặt nước mới chỉ là một phần mười của toàn khối.

        18. Ra ngoài đường, người đàn bà cười tươi với người này, lời ngọt ngào với người no, mắt mềm với người kia. Ai cũng thèm địa vị của người chồng. Nào ngờ anh ta đang câm lặng ở nhà, chuyên nhận lãnh các tĩnh từ ngược lại.

        19. Trà, cà phê, thuốc lá, rượu... không cần thiết như gạo muối... nhưng chúng làm đẹp cuộc sống. Nghệ thuật cũng vậy. Không có thứ nghệ thuật nào lại không vị nhân sinh. Chỉ có trực tiếp hay gián tiếp, gần hay xa, nặng hay nhẹ mà thôi.

        20. Quyền uy đòi hỏi sự hiện diện của ít nhất là hai người.

        21. Nghe Radio báo tin một danh nhân từ trần, tâm hồn thính giả cảm thấy buồn, thương, tiếc. Nhưng sau đó lại có cảm giác yên bình nhẹ nhàng. Một sự tự an ủi có hơi tàn nhẫn.

        22. Trên sân khấu chỉ có kẻ bại trận mới ngồi lại nói dai. Kẻ thắng trận đã mỉm cười bỏ đi mất. Với chiến lợi phẩm.

        23. Hãy nhìn cây ớt có bón đủ phân, cành lá sum suê, hoa trái đầy cành. Sau ba tháng huy hoàng, nó héo, chết. Còn cây ớt không phân, mọc len lỏi giữa khe đá, còm cõi, nhỏ bé, đến nay đã mười tháng hơn mà vẫn cứ sống. Muốn rút ra từ đó bài học gì tùy bạn.

        24. Có điều này để nhà làm phim giáo dục bớt lạc quan: khán giả trẻ con không thích nhớ đoạn chót của phim mà ưa nhớ đoạn giữa; không muốn nghe lời khuyên răn ở phần cuối, khoái bắt chước những hành động xấu ở phần đầu: du côn, ăn cắp, nói dối...

        25. Đừng bao giờ trách kẻ khác. Có thể họ đang ân hận vì những điều họ đã lỡ làm phiền lòng bạn. Có thể họ đang tìm dịp để chuộc lại. Có bao giờ bạn cũng ân hận tự trách như họ không?

        26. Truyện ngụ ngôn kể người cưỡi ngựa đã giết chết con chó chạy theo sủa, chỉ bằng một câu nói. Ngôn ngữ là một vũ khí. Gọi một người trí thức cẩn trọng, tinh tế bằng " ba phải" thì thật tiện lợi, bởi người dốt bao giờ cũng phán quyết dứt khoát hơn người học rộng. Nhị nguyên luận...Bất khả tri luận...là những danh từ họ thích dùng, vì chúng gần với Nhị Hà, tên một tiệm phở và Kha Nhi Luân, tên một nhân vật tuồng cải lương.

        27. Tài cao không có để người phục, đức lớn không có để người trọng, thì chỉ còn một đức nhỏ để người mến: đó là nhường nhịn, ít nói.

        28. Chỉ cần một lần tự trách mình sao nói quá ít, và 99 lần tự trách mình sao nói quá nhiều.

        29. Này con ánh sáng và khí trời dành cho mọi người. Đừng vội khinh ai.

        30. Khi phải chê ai, hãy chọn lời nhẹ nhất, nhẹ bằng một phần năm ý mình muốn nói. Bởi lời phê phán độc ác hành hạ tâm hồn người nhận.

        31. Dẫu là chân lý khoa học cũng chỉ đúng 99 phần trăm. Bạn đang vội vã chụp nhằm cái phần ngoại lệ 1 phần trăm rồi.

        32. Muốn làm một điều tốt cho người thì phải hao tiền tài, tốn sức lực. Có một điều tốt không đòi hỏi hao phí gì hết, đó là chọn một lời thân ái đem lại niềm vui cho người, góp một lời chân chính bày làm việc tốt cho người.

        33. Người kia nhân đức, nhường cơm xẻ áo. Bạn nỡ keo kiệt đến mức không nhường cho ai được một lời sao?

        34. Danh ngôn thường làm ta thích vì tính chất độc đáo của nó, chớ không hẳn là chân lý thập toàn. nó thường nhắm vào một điểm nóng nào đó nên nhiều lúc nó cực đoan. Và bởi cực đoan mà nó gây được sự chú ý.

        35. Nói theo danh ngôn thì hay, làm theo danh ngôn thì nhiều khi lại dở.

        36. Phải nhiều danh ngôn, hoặc thuận nhau, hoặc nghịch nhau, bổ túc cho nhau.

        37. Cho dẫu lời nhận xét của kẻ kia là sai, thì thái độ giận dữ của bạn vẫn không đúng. Chẳng lẽ bạn không có đủ lòng nhân ái nằm nghe tiếng mèo gào trong đêm với nụ cười bao dung.

        38. Nhìn quá xa, cái thấy ắt không đúng. Nhìn quá gần, cái thấy thường không đúng. Nhìn quá quen, cái thấy càng không đúng.

        39. Bao nhiêu phi lý trong chiến tranh: Kẻ gây chiến thì được sống an toàn... vì sợ bị bắn mà phải bắn trước... vì vua nó và vua mình tranh giành nhau, giận nhau, mà mình và nó nhào vô giết nhau... Dù bên nào thắng thì kẻ bại trận vẫn là người lính chết trận, chưa biết hương vị ái tình hoặc phải bỏ lại vợ goá con côi.

        40. " Chớ kết giao với người đáng ưa", cái chân lý sao mà sáng rực một ánh sắc lạnh như kim cương vậy!

        41. Hỷ ái, tham ái, lạc dục, tham dục, ái dục: 5 cánh hoa làm êm cảm giác. Còn trên dĩa cân bên kia? - Chỉ có hai: Lo và Sợ.

        42. Mọi người sinh ra đều có khiếu hội họa. Họ biết màu đen làm nổi màu trắng, do vậy họ thích nói cái xấu và nghe cái xấu của người khác. Cái xấu đó gián tiếp làm nổi cái tốt của họ, và cái tốt càng nhỏ, càng lợt thì càng cần cái xấu của người khác làm nổi bật lên.

        43. Tùy vị trí của người áp dụng nó mà Trung Dung được ngợi khen là đạo đức hay bị chê là thái độ hèn. Tôi ngượng mỗi khi khen ai hòa hưỡn trung dung dẫu rằng tôi biết: Trung Dung tuy không giúp người anh hùng tạo nên sự nghiệp, nhưng giúp giữ được sự nghiệp.

        44. Nhìn quá xa có thể làm mất Hạnh phúc.

        45. Đánh chuông gõ mõ mà chú ý cho ăn rập nhịp nhàng, thì đó là làm văn nghệ. Nhưng nói vậy không có nghiã là tôi chê chuông mõ. Này, hãy nhìn bàn tay tôi đây: chê bai sự nhịp nhàng chuông mõ chỉ là đốt chót của ngón giữa. Còn đồng ý về nội dung tu tập là trọn bàn tay. Hãy nhận bài học này: Đừng lấy cái đốt chót của ngón tay mà nói rằng đó là cả bàn tay.

        46. Tôi yêu biết bao cây mãng cầu đứng cạnh cửa sổ. Dáng đứng manh mảnh, cành nghiêng mềm nõn, màu lá xanh nhạt, sắc hoa nhũn nhặn. Nó lặng im đứng đó, không rực rỡ, không cạnh tranh hương sắc. Tôi cứ tưởng nó là tôi.

        47. Giá trị của một người như một quả cầu đường kính 10 mét, bao gồm nhiều mặt. Ít khi người ta nhìn toàn khối trước khi phê phán. Tệ hơn, có cả những người cứ cúi sát rờ mó một khoảng hẹp rồi chợt đắc thắng mừng rỡ la to: " Biết rồi! Tôi ngửi thấy mùi cống rãnh ở gần đây. Chẳng ra cái gì đâu!"

        48. Ta thường không an tâm, không phải vì nghĩ rằng người khác xấu, mà vì sợ họ nghĩ rằng ta xấu. Nếu họ xấu thật thì dễ: ta tránh họ. Nhưng nếu họ nghĩ rằng ta xấu thì ta biết làm sao để tốt theo ý họ? Thường ta không đủ khả năng để làm tốt theo ý họ muốn.

        49. Ý kiến đó, nếu được phát biểu 3 giờ sau khi sự việc xảy ra thì tin được. Nếu phát biểu liền sau đó thì khoan tin. Nếu phát biểu giữa cơn tức giận thì đừng tin.

        50. Sự thật nhiều khi không khó như ta tưởng. Sự thật nhiều khi không dễ như ta tưởng.


Chương Hai

         1. Cái khó ở đời là định được ranh giới. Tới đâu thì dân tộc tính dừng lại, hiện tại tính bắt đầu? Cả đến đạo đức cũng vậy. Đi quá ranh giới, TỐT sẽ thành XẤU. Tiết kiệm quá thành keo kiệt, chân thật quá thành thô lỗ.

         2. Khi khuyên ai, ta thường vụng về làm họ bị chạm tự ái. Thực ra thì với cách giải quyết của họ, họ chỉ nên thêm hơn một chút hay bớt đi một chút.

         3. Ôi tạo hoá rộng lượng! Một trái ổi có tới bốn trăm hột.

         4. Con người thường không ưa những ai chưa quen. Hãy quen với họ đi, và ta sẽ thấy họ có nhiều điểm tốt để ta mến.

         5. Càng thêm kinh nghiệm ở đời, tôi càng thấy thấm thía câu nói của Đức Khổng Tử: "Dư dục vô ngôn": ta chẳng muốn nói gì hết.

         6. Muốn được tiếng đạo đức, dễ nhất là nên nói ít. Người tầm thường, nói dở nên ít nói, do vậy mà những ý nghĩ xấu không lộ ra, không ai biết. Người khôn tự mãn hay nói, nên phanh phui hết cái xấu của mình.

         7. Ông nhà văn, ông được ưu đãi nhiều quá. Ông được nói chuyện dịu dàng với người đọc vào một giờ yên tĩnh nhất, trong một khung cảnh êm đềm nhất. Người đó đem trọn tâm hồn ra để nghe ông và ông được chọn nói những điều mà ông cho là thâm thúy. Những cánh cổng uy nghi, những cửa phòng hoa lệ tự nguyện mở ra đón ông.

         8. Cô ấy đồng ý với anh rằng "Im lặng là vàng" hả?...À, vậy thì tốt. Nhưng đừng vội mừng. Kìa, hãy nghe cô ấy nói tiếp cái gì kìa.

_ Dạ, đúng. Im lặng là vàng. Còn ồn ào là… kim cương.

         9. Bất hạnh cho kẻ nào phải giao thiệp với người độc dữ. Như con cú chỉ kêu được tiếng độc, họ quen miệng chỉ nói được lời dữ.

        10. Hoặc là trắng hoặc là đen, anh phải dứt khoát chọn một.

_ Nhưng thưa ông, màu trắng tự nó cũng không phải là một. Nó gồm tới bảy màu.

        11. Đừng bám vào một câu nói để đả kích, để xưng tụng, mà nên nhìn vào toàn thể việc làm. Một câu nói nhiều khi chỉ như cái chấm dùng làm đỉnh cho một hình tam giác. Cùng chung một đỉnh, nhưng cái đáy có thể nằm nơi khác thì bề mặt của hai tam giác hoàn toàn khác nhau.

        12. Liễu Tôn Nguyên kể chuyện người bắt rắn. Hiện tại không chắc có còn một nấm cổ khâu nào, trên đó những bụi cỏ dại lặng lẽ nở hoa mà người đời xác quyết rằng đó là mộ của Liễu thứ sử. Vậy mà, vào một ngày Tàn Đông của năm Nhâm Tuất, có một người dị tộc phương Nam lại ngồi bùi ngùi cảm mến tiên sinh trước trang sách mở.

        13. Tạo ra tiền của nhiều khi dễ hơn tạo được tình cảm. Bởi chưng tiền của không biết phê phán khen chê.

        14. Lên 60 tuổi, ta gặt những gì đã gieo suốt một đời người. Trễ rồi nếu chỉ có cỏ. Đâu còn thì giờ để gieo hột giống khác tốt hơn?

        15. Truyện cổ hay kể những cô thôn nữ trung thành với người yêu nghèo mà từ chối ông vua. Vậy đó, cái cao cả nhiều khi phát xuất từ cái bình dị. Có những tâm hồn mộc mạc làm những hành động hy sinh một cách tự nhiên. Y như hoa cỏ nở lác đác giữa đồng nội, không hề bận tâm tìm xem người ta có thể khen chê gì về chúng.

        16. Đừng nói những nhận xét quá tinh tế với những kẻ căn cơ quá tối. Nói "Ai cũng có lúc tham" sẽ được hiểu đơn giản rằng anh là đồ tham.

        17. Người tốt được 80 người khen, 20 người chê. Người xấu bị 80 người chê, được 20 người khen.

        18. Phước cho kẻ nào trên thế gian có ân huệ được một xá lợi tử cất giữ dùm kỷ niệm.

        19. Thỉnh thoảng hãy nhớ lại những ngày gian khổ của đời mình để bớt kiêu căng, để thêm nhân ái.

        20. Bất hạnh cho ta nếu có người họ hàng xấu: ta không nhận được cái tốt từ họ, không làm được cái tốt cho họ.

        21. Ngu ngốc thay cho kẻ tự hạ mình: " Tính tôi cà trớt... tôi không sâu sắc..." Người khác sẽ dùng những tính từ đó để kết luận về anh, như dùng những dụng cụ giảo hình tự anh rèn sẵn.

        22. Khi nhỏ, ta ghét những người ta phải kính trọng. Khi già, ta thèm có những người để ta kính trọng.

        23. Nhiều người đàn bà khổ chỉ vì vừa giàu vừa mạnh. Giàu tình cảm và mạnh lý trí.

        24. Đừng mắng trẻ con bằng từ ngữ tổng hợp mà nên phân tích cái lỗi, cái sai. Mắng "mày ranh mãnh, nói láo, ganh tị..." thì nhiều khi lại chính là dạy chúng ranh mãnh, nói láo, ganh tị...

        25. Bữa ăn sang làm khổ con người. Bữa ăn khổ làm sang con người.

        26. Dù khốn khổ nhất, người ta cũng nuôi một chút hy vọng về tương lai. Chính tâm lý đó nuôi sống nghề bói toán.

        27. Tôi thường nói chuyện đạo đức với cô. Cô tỏ ý không thích. Ghét tôi thì được, có thể tôi rất dễ ghét. Nhưng xin đừng ghét lây Đạo đức.

        28. Khi bị xúc phạm bằng lời nói, người ta thù hận sâu hơn là khi bị lừa đảo một cách lặng lẽ.

        29. Chỉ cần một lần nói lỡ lời đủ tạo một hình ảnh xấu cho suốt đời.

        30. Sự suy nghĩ có tỷ trọng của bạch kim. Nó khiến công việc thêm nặng. Nhen lửa đun cho ấm nước sôi, công việc dễ dàng, nhẹ nhàng biết bao. Nhưng ngồi mà nghĩ xung quanh việc đun nước thì ta sẽ thấy việc đó nặng cả tạ.

        31. Người ta ưa nói thái quá một cách tự nhiên, không băn khoăn. Họ không nghĩ rằng chỉ thêm chơi 1, 2, 3, 4... con số không ở đằng sau là một đại lượng nhỏ đã trở thành khổng lồ.

        32. Sự hiểu biết nông cạn thường dẫn tới cái nhìn thiên lệch và lời phê phán sai lầm. Ta khen Démosthène lập chí khi ngậm sỏi luyện giọng, ta phục Démosthène hùng biện, nhưng ta thường không biết thêm rằng ông ta là một chính khách dở. Thật bất công cho vua Philippe khi phải đương đầu với Démosthène và bị phê phán bởi những độc giả chột mắt.

        33. Người đàn ông có giá trị đối với kẻ dưới, người đàn bà có giá trị đối với người trên. Ông Vinh Khải Kỳ há không hiểu rằng, cả vào thời đại của ông, khi cần vận động xin xỏ với cấp trên thì nụ cười và khóe mắt của người đàn bà có hiệu lực hơn trí thức của ông sao?

        34. Chúng ta hiểu người khác qua từ ngữ. Nhưng những từ ngữ chính xác nhất vẫn không diễn tả đúng ý, huống chi còn có người dùng từ ngữ sai, từ ngữ hời hợt và cả từ ngữ dối trá.

        35. Mỗi chân lý thường chỉ đúng có một nửa. Nửa kia dành cho chân lý ngược lại.

        36. Tên những vị có quyền lực, tên những học thuyết, những trường phái, những chủ nghĩa, những...ism được các thiên tài cỡ nhỏ dùng thay lý luận, dùng làm kết luận.

        37. Con người có thể, bằng tài năng, bằng ý chí, chinh phục được tất cả, chiếm đoạt được tất cả. Ngoại trừ tình yêu.

        38. Con người chỉ thiếu phương tiện chớ không thiếu nhu cầu.

        39. Chuột thường sập bẫy chặng khuya gần sáng. Chống chọi với sự cám dỗ quả thật không dễ.

        40. Nói " được cái này, mất cái khác" không có nghĩa là cái Được ngang bằng với cái Mất. Chỉ xét về mặt chính tả, Được đã hơn Mất một chữ rồi.

        41. Người trì độn dễ có Hạnh phúc. Nó phản ứng chậm nên tránh được những xung đột. Người thông minh mà nhân hậu dễ mất Hạnh Phúc. Bởi nó không biết nói dối.

        42. Đừng sợ vô lễ đối với người lớn bằng sợ thất lễ đối với người nhỏ. Người lớn thường đã phạm nhiều điều xấu, có thể đáng bị xử vô lễ. Nếu là người tốt thì họ rộng lượng không câu chấp. Người trẻ trong sạch hơn và thường cố chấp hơn. Giữ lễ với họ để họ khỏi mất niềm tin khi bước vào đời.

        43. Với người đàn bà đang tự hào vì được nhiều kẻ tán tỉnh, đừng trả lời câu họ hỏi " Em có đẹp không?" Trả lời đẹp thì họ thêm say sưa, xông xáo, đem sử dụng cái đẹp. Trả lời không đẹp thì họ tự ái, đem đi thí nghiệm vung vãi, để chứng minh là anh nói sai. Cả hai cách trả lời đều thiệt hại cho anh, nếu anh lỡ yêu người đó.

        44. Những con vật đáng ghét càng thêm dễ ghét khi chúng còn nhỏ. Như thằn lằn con, rắn con. Vì sao?

        45. Trộn cà phê loại 10 đồng với loại 2 đồng sẽ không thành loại cà phê 10 + 2 : 2 = 6 đồng, mà chỉ thành loại cà phê 4 đồng. Cái Tốt kề cạnh cái xấu thì cái xấu không tốt thêm bao nhiêu, còn cái Tốt thì mất đi quá nhiều.

        46. Nếu phụ nữ bớt thì giờ trang điểm sắc đẹp để thêm thì giờ trang điểm tâm hồn!

        47. Hãy liệt kê những trường hợp bất hạnh của những người mà bạn biết. Thỉnh thoảng đọc lại. Chúng như bài thuốc giải khổ, giúp bạn an nhiên chấp nhận cuộc sống.

        48. Hãy liệt kê những may mắn bạn từng gặp được trong đời. Đọc lại, khi bạn gặp những điều bất như ý, những điều buồn khổ.

        49. Không có một cuộc đời hạnh phúc, chỉ có những ngày, những giờ hạnh phúc.

        50. Này bạn, bạn đang tự hành hạ mình, bạn có biết không? Luôn luôn bạn để thường trực nơi tâm hồn bạn, không một nỗi khổ tâm lớn thì một nỗi bực bội vừa hoặc một bất như ý nhỏ. Sao bạn hào phóng nét nhăn mặt mà bủn xỉn nụ cười vậy?


(Nguồn: http://www.e-thuvien.com/forums/showthread.php?t=6076)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.