Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Đọc “Bài thơ về Tiểu đội xe không kính”




Đọc “Bài thơ về Tiểu đội xe không kính” nghĩ về những người lính chiến sỹ lái xe trong những năm  "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"
                                                      Đoàn giải phóng quân một lần ra đi.
                                                      Nào có sá chi đâu ngày trở về.
                                                      Ra đi ra đi bảo tồn sông núi.
                                                     Ra đi ra đi thà chết chớ lui.
Khúc hát quen thuộc từ xa chợt vọng lại gợi trong lòng chúng ta biết bao suy tưởng. Chúng ta như được sống lại một thời hào hùng của dân tộc theo tiếng hát sôi nổi trẻ trung và cũng bình dị như cuộc đời người lính. Không biết đã có bao nhiêu bài thơ nói về họ - những chàng Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi. Tiêu biểu cho thời kì chống Mĩ cứu nước là  Bài thơ về Tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.
-Bom đạn khốc liệt của chiến tranh làm cho những chiếc xe ấy không có kính. Cái hình ảnh thực này được diễn tả bằng hai câu thơ rất gần với văn xuôi lại có giọng thản nhiên pha chút ngang tàng, đọc lên nghe rất thú vị. Ba chữ “không” đi liền nhau với hai nốt nhấn “ Bom giật, bom rung” biểu lộ chất lính trong cách nói phóng khoáng hồn nhiên. Như vậy tác giả đi từ hiện thực khốc liệt, những chiếc xe vận tải bị bom Mỹ tàn phá để xây dựng lên một hình tượng thơ độc đáo và nhiều ý nghĩa.
Tác giả miêu tả những chiếc xe không kính nhằm làm nổi rõ hình ảnh những người chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn. Thiếu đi những điều kiện phương tiện vật chất tối thiểu lại là một cơ hội để người lái xe bộc lộ những phẩm chất cao đẹp, sức mạnh tinh thần lớn lao của họ. Những phẩm chất cao đẹp ấy được khắc hoạ 1 cách cụ thể và gợi cảm ở những dòng thơ tiếp theo.
 Trước hết là sự ung dung, bình tĩnh giữa chiến trường hiểm nguy.
Những câu thơ tả thực, chính xác đến từng chi tiết. Không có kính chắn gió, bảo hiểm, xe lại chạy nhanh nên người lái phải đối mặt với bao khó khăn nguy hiểm: nào là “:gió vào xoa mắt đắng”, nào là “con đường chạy thẳng vào tim”, rồi “sao trời”, rồi “cánh chim” đột ngột, bất ngờ như sa, như ùa- rơi rụng, va đập, quăng ném.... vào buồng lái, vào mặt mũi, thân mình. Dường như chính nhà thơ cũng đang cầm lái, hay ngồi trong buồng lái của những chiếc xe không kính nên câu chữ mới sinh động và cụ thể, đầy ấn tượng, gợi cảm giác chân thực đến thế.
- Cảm giác, ấn tượng căng thẳng, đầy thử thách. Song người chiến sĩ không run sợ, hoảng hốt, trái lại tư thế các anh vấn hiên ngang, tinh thần các anh vẫn vững vàng.... “ung dung.... nhìn thẳng. Hai câu thơ “ung dung.... thẳng” đã nhấn mạnh tư thế ngồi lái tuyệt đẹp của người chiến sĩ trên những chiếc xe không kính. Hai chữ “ta ngồi” với điệp từ “nhìn” cho ta thấy cái tư thế ung dung, thong thả, khoan thai, bình tĩnh, tự tin của người làm chủ, chiến thắng hoàn cảnh. Bầu không khí căng thẳng với “Bom giật, bom rung”, vậy mà họ vẫn nhìn thẳng, cái nhìn hướng về phía trước của một con người luôn coi thường hiểm nguy. Nhịp thơ 2/2/2 với những dấu phẩy ngắt khiến âm điệu câu thơ trở nên chậm rãi, như diễn tả thái độ thản nhiên đàng hoàng. Với tư thế ấy, họ đã biến những nguy hiểm trở ngại trên đường thành niềm vui thích. Chỉ có những người lính lái xe với kinh nghiệm chiến trường dày dạn, từng trải mới có được thái độ, tư thế như vậy.
 Những người lính trẻ rất yêu đời lạc quan, bất chấp khó khăn, coi thường gian khổ.
 Trước thử thách mới, người chiến sĩ vẫn không nao núng. Các anh càng bình tĩnh, dũng cảm hơn. “mưa tuôn, mưa xối xả”, thời tiết khắc nghiệt, dữ đội nhưng đối với họ tất cả chỉ “chuyện nhỏ”, chẳng đáng bận tâm, chúng lại như đem lại niềm vui cho người lính.Chấp nhận thực tế, câu thơ vẫn vút lên tràn đầy niềm lạc quan sôi nổi: “không có kính ừ thì có bụi, ừ thì ướt áo”. Những tiếng “ừ thì” vang lên như một thách thức, một chấp nhận khó khăn đầy chủ động,  một thái độ cứng cỏi. Dường như gian khổ hiểm nguy của chiến tranh chưa làm mảy may ảnh hưởng đến tinh thần của họ, trái lại họ xem đây là một dịp để thử sức mình như người xưa xem hoạn nạn khó khăn để chứng tỏ chí làm trai.
 Sau thái độ ấy là những tiếng cười đùa, những lời hứa hẹn, quyết tâm vượt gian khổ hiểm nguy:”Chưa cần rửa.... khô mau thôi”. (Nếu chúng ta quen đọc, hoặc yêu thích nhưng vần thơ trau chuốt, mượt mà thì lần đầu tiên đọc những vần thơ này, có thể cảm thấy hơi gợn, ít chất thơ. Nhưng càng đọc thì lại càng thấy thích thú, giọng thơ có chút gì nghịch ngợm, lính tráng. Ta nghe như họ đương cười đùa, teeos táo với nhau vậy. Có lẽ với những năm tháng sống trên tuyến đường . Cái cười sảng khoái vô tư, khác với cái cười buốt giá trong bài thơ “Đồng chí”, nụ cười hồn nhiên ấy rất hiếm khi gặp trong thơ ca chống Pháp, nụ cười ngạo nghễ của những con người luôn luôn chiến thắng và tràn đầy niềm tin.)
Tình đồng chí, đồng đội gắn bó, yêu thương.
- Sau mỗi trận mưa bom bão đạn cùng với những chiếc xe bị tàn phá nặng nề hơn, họ lại gặp nhau trong những phút dừng chân ngắn ngủi.  Hình tượng người chiến sĩ lái xe thêm một nét đẹp nữa về tâm hồn và tình cảm. Đấy là tình cảm gắn bó, chia sẻ ngọt bùi của những chàng trai vui vẻ, sôi nổi, yêu đời. Cái bắt tay độc đáo là biểu hiện đẹp đẽ ấm lòng của tình đồng chí, đồng đội đầy mộc mạc nhưng thấm thía : “bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”, cái bắt tay thay cho lời nói. Chỉ có những người lính, những chiếc xe thời chống Mĩ mới có thể có những cái bắt tay ấy, một chi tiết nhỏ nhưng mang dấu ấn của cả một thời đại hào hùng. Sự sống không chỉ tồn tại mà còn tồn tại trong một tư thế kiêu hãnh, hiên ngang – tư thế của người chiến thắng.
 Ấy vậy mà những chiếc xe như những chiến sĩ kiên cường vượt lên trên bom đạn, hăm hở lao ra tiền tuyến với một tình cảm thiêng liêng:
“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước. Chỉ cần trong xe có một trái tim”
Hình ảnh đậm nét. Vậy là đoàn xe đã chiến thắng, vượt lên bom đạn, hăm hở tiến ra phía trước, hướng ra tiền tuyến lớn với một tình cảm thiêng liêng “vì Miền Nam”, vì cuộc chiến đấu giành độc lập thống nhất đất nước đang vẫy gọi.
Thì ra cội nguồn sức mạnh của cả đoàn xe, gốc rễ, phẩm chất anh hùng của người cầm lái tích tụ, đọng kết lại ở cái “trái tim” gan góc, kiên cường, giầu bản lĩnh và chan chứa tình yêu thương này. Phải chăng chính trái tim con người đã cầm lái? Tình yêu Tổ Quốc, tình yêu thương đồng bào, đồng chí ở miền Nam đau khổ đã khích lệ, động viên người chiến sĩ vận tải vượt khó khăn gian khổ, luôn lạc quan, bình tĩnh nắm chắc tay lái, nhìn thật đúng hướng để đưa đoàn xe khẩn trương tới đích?
Ẩn sau ý nghĩa trái tim cầm lái, câu thơ còn muốn hướng người đọc về một chân lí của thời đại chúng ta: sức mạnh quyết định, chiến thắng không phải là vũ khí, là công cụ... mà là con người- con người mang trái tim nồng nàn yêu thương, ý chí kiên cường dũng cảm, niềm lạc quan và một niềm tin vững chắc. Có thể nói, bài thơ hay nhất là câu thơ cuối cùng này. Nó là nhãn tự, là con mắt của bài thơ, bật sáng chủ đề, toả sáng vẻ đẹp của hình tượng nhân vật trong thơ.
“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là bài thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam thời chống Mĩ. Bài thơ gợi lại bao kỷ niệm hào hùng của người chiến sĩ lái xe nơi Trường Sơn khói lửa. Đọc xong bài thơ, ta càng hiểu hơn về các chiến sĩ lái xe, về lòng dũng cảm, tư thế hiên ngang bất khuất của họ. Ta cũng thấy được chất tinh nghịch hồn nhiên của mỗi người lính trẻ. Chiến tranh đã qua đi nhưng lời thơ của Phạm Tiến Duật vẫn còn văng vẳng đâu đây cái chất vui tươi khỏe khoắn yêu đời của cả một thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ.
                                                                                                Tháng Tư năm 2013
                                                                                                           Đức Hà
 Nguồn: http://thcsphuonghung.pgdgialoc.edu.vn/pgl/doc-Bai-tho-ve-Tieu-doi-xe-khong-kinh--t11548-10525.html

Nhà thơ Phạm Tiến Duật



Nhà thơ Phạm Tiến Duật: Lang bang trong cõi mộng du
 (GD&TĐ) - Nói đến thơ ca thời kỳ chống Mỹ cứu nước, không thể không nhắc đến là nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ông như thể được sinh ra để làm thơ về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta và để trở thành một trong những đỉnh cao của thơ ca thời kỳ này.
Viễn du ra mặt trận
Vào thời điểm ấy, nhu cầu được cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc sôi sục trong huyết quản thế hệ trẻ chúng tôi. Phạm Tiến Duật không phải là trường hợp ngoại lệ. Thế nhưng, còn có một lối đi khác, lối đi vào thi ca thì không phải ai cũng có cơ may như anh. Ông tham gia chiến đấu với tư cách một phóng viên mặt trận nhưng gian khổ như một người lính chiến thực thụ. Ông là người chứng kiến sự ác liệt, hy sinh, nỗi đau thể xác và tinh thần của những người lính trong những năm tháng chiến tranh gian khổ và ác liệt, hơn là một sự trải nghiệm đau đáu về những vết thương ấy. Điều đó đã được phản ánh khá rõ trong thơ ông. Những bài thơ để lại dấu ấn trong lòng công chúng yêu thích thơ ca thời chống Mỹ như: “Lửa đèn”, “Tiểu đội xe không kính”, “Gửi em cô thanh niên xung phong”, “Trường Sơn đông, Trường Sơn Tây”… Những bài thơ này đã đưa ông lên vị trí hàng đầu của thơ ca Việt Nam thời kỳ chống Mỹ với Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, đợt IV, năm 2012.
Sau này, khi chiến tranh ngày càng lùi sâu vào quá vãng, không ít người đã  ghi nhận sự lãng mạn, có khi như “lên đồng”, như kẻ “mộng du” trong thơ Phạm Tiến Duật. Còn ông lại nghĩ khác, đời mình là một cuộc phiêu bạt cùng số kiếp. Thuở nhỏ, dường như việc đi bộ hàng chục cây số để đến trường đã nuôi trong ông mầm mống của một kẻ phiêu bạt đó đây. Lên cấp ba thì đi trọ học ở xa nhà, sau đấy xuống Hà Nội học Đại học Sư phạm. Trước khi vào chiến trường, ông thường đi chiếc xe đạp sơn màu xanh lá cây, trên khung xe ghi hai chữ “chống Mỹ” và cùng với chiếc ba lô con cóc. Một ngày đẹp trời ông quẳng chiếc xe đạp lên thùng xe tải, rong ruổi theo những đoàn xe vận tải chở hàng hóa, súng đạn vào chiến trường.
Sự lãng mạn bất cẩn
Từ đó, con đường ra trận trong mắt anh sinh viên vừa mới tốt nghiệp trở thành đường ra trận “mùa này đẹp lắm”, một cái đẹp đầy chất lãng mạn cách mạng và chỉ có những người như Phạm Tiến Duật mới có được mà thôi. Ngay chính ông cũng không dễ gì lý giải một cách thấu đáo được tại sao mình lại làm như vậy, nhưng chỉ biết lúc ấy cứ thế mà đi, mà làm thơ, mà trở thành thi sĩ.
Sau này, ông bộc bạch:  “Tất cả giấy tờ, của tôi để lại ở Cục Vận tải, tôi cứ thế phiêu bạt dần vào mặt trận. Tôi không hề biết lái xe ô-tô, tôi chỉ cùng với những người lính vận tải, bám theo xe nọ, nối gót theo xe kia. Không có ai cử đi công tác mà tôi tự đi, tôi theo những người lính vào mặt trận. Đến khi vào sâu chiến trường, tôi gửi xe đạp ở nhà dân trong làng rồi cứ thế đi tiếp,… 
Chính cái cách ra trận có vẻ như “bất cẩn” của những người như ông cùng những gì mà các ông tận mắt chứng kiến từ cuộc chiến tranh khốc liệt đã giúp nhiều văn nghệ sĩ cùng thế hệ có được những tác phẩm hay vào bậc nhất nhì của một phong trào thi ca lúc bấy giờ. Theo ông, vào lúc đó, việc sáng tác thơ người ta không còn câu nệ vào vần điệu và cú pháp cổ điển nữa mà lấy vần điệu của cuộc sống chiến đấu trên chiến trường làm gốc cho chữ nghĩa.
Phạm Tiến Duật vừa là người ở trong cuộc, vừa là người ở ngoài cuộc chiến tranh chống Mỹ. Phần ở trong, đã cho ông những dữ liệu của đời sống thực nơi chiến trường. Phần ở ngoài cho ông cái bồng bềnh, mơ mộng và lãng mạng của một thi sĩ trí thức, ít nhiều pha chút chất “lạc quan tếu”. Cả hai đã tạo cho ông có những giây phút thăng hoa trong các bài thơ mà ông đã viết trong những năm tháng đó. Những người như ông thường đau cùng nỗi đau thực của người lính nhưng lãng mạn hơn cái lãng mạn thực của người lính giữa nơi đạn bom và máu lửa ấy.
Mệnh lệnh trái tim
Có thể do tố chất và năng khiếu bẩm sinh của một thi sĩ trong ông, Phạm Tiến Duật đã chọn khía cạnh lãng mạn của người lính chiến, hay đúng hơn là cuộc đời đã hướng ông đến với sự lãng mạn nhiều hơn là nỗi đau của cuộc chiến: “Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi/ Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng/.../ Không có kính, ừ thì có bụi/ Bụi phun tóc trắng như người già/ Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm, cười ha ha…”
Sự lạc quan đến duy ý chí của Phạm Tiến Duật khiến những ai không bước ra từ cuộc chiến đó thấy rất khó để hình dung và chấp nhận được. Nhưng ở vào thời điểm đó, Phạm Tiến Duật đã thực sự có lý hay nói đúng hơn cuộc chiến tranh thần kỳ của dân tộc đã cho ông một cái lý, cái quyền quên đi những gian nan, vất vả, thiếu thốn trăm bề, thậm chí cả sự hy sinh xương máu. Bởi lẽ trong chiến tranh mọi cái đều có thể xảy ra nên mọi người cần phải lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng ngày mai. Đó dường như là mệnh lệnh trái tim của những người lính, của những thi sĩ và cả dân tộc ta thời ấy.
Hoa Thanh

NHÀ THƠ TRƯỜNG SƠN PHẠM TIẾN DUẬT
Phạm Tiến Duật sinh ngày 14/1/1941, tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Cha anh là nhà giáo, dạy chữ Hántiếng Pháp, còn mẹ làm ruộng. Anh tốt nghiệp Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, nhưng sau đó không tiếp tục với nghề giáo mà quyết định lên đường nhập ngũ. Vào chiến trường, anh trở thành phóng viên báo Trường Sơn, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Trường Sơn.  Sống và chiến đấu chủ yếu trên tuyến đường Trường Sơn cũng là thời gian Phạm Tiến Duật sáng tác rất nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng. Anh đã sống cuộc sống của người lính Trường Sơn tại nhiều đơn vị, nhiều trọng điểm ác liệt của tuyến đường mang tên Bác. Thực tiễn cuộc sống đã “bước vào” thơ của anh một cách sống động, tự nhiên và đầy chất lính. Có thể nói: Trường Sơn đã tạo nên thơ Phạm Tiến Duật, và Phạm Tiến Duật cũng là người mang được nhiều nhất Trường Sơn vào thơ. Nói đến đề tài Trường Sơn đánh Mỹ, người ta không thể quên Phạm Tiến Duật và thơ Phạm Tiến Duật hay nhất cũng ở chặng đường Trường Sơn.  
Năm 1970, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ, Phạm Tiến Duật được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Chiến tranh kết thúc, anh chuyển ngành về công tác tại báo Văn nghệ, sau đó làm việc tại Ban Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, rồi làm Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Đối ngoại, Phó trưởng Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam. Anh cũng là người dẫn chương trình ấn tượng của chương trình dành cho người cao tuổi của kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam.
Phạm Tiến Duật được kết nạp Đảng tại Trường Sơn. Anh được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Ngày 19 tháng 11 năm 2007, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã ký lệnh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho nhà thơ Phạm Tiến Duật.
8 giờ 50 phút ngày 4 tháng 12 năm 2007, nhà thơ Trường Sơn Phạm Tiến Duật đã mất tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì căn bệnh ung thư phổi.
           Phạm Tiến Duật đóng góp chủ yếu là tác phẩm thơ, phần lớn thơ được sáng tác trong thời kỳ anh là một người lính Trường Sơn. Thơ của anh được các nhà văn khác đánh giá cao và có nét riêng như: Giọng điệu sôi nổi, trẻ trung và có cái "tinh nghịch" nhưng cũng rất sâu sắc. Nhiều bài thơ của Phạm Tiến Duật đã được phổ nhạc thành bài hát trong đó tiêu biểu nhất là ca khúc "Trường Sơn đông, Trường Sơn tây". Phạm Tiến Duật có giọng thơ không giống ai, và cũng khó ai bắt chước được, dù hồi đó đã thấy vài người mô phỏng. Khó vì giọng đùa đùa, tinh nghịch, tếu táo nhưng lại đụng vào những miền sâu thẳm của tình cảm con người. Giọng ấy là của một chất tâm hồn chứ không phải chỉ đơn thuần một kiểu cách chữ nghĩa. Điều đáng nói là giọng thơ ấy đã tỏ ra đắc địa trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể đó. Kháng chiến chống xâm lược Mỹ là cuộc chiến tranh ác liệt, nhất là ở Trường Sơn. Hy sinh lớn, gian khổ nhiều. Thơ cần phản ánh chân thật thực tiễn ấy, nhưng lại không được gây bi lụy, xót thương. Cuộc chiến đang cần sự phấn đấu của lòng người. Nhưng cũng không được lên gân, cao giọng hay cắt bớt nét dữ dằn của thực tế chiến tranh. Đây là một thử thách với tất cả các nhà thơ hồi ấy. Nhiều người không vượt được. Phạm Tiến Duật vượt được, trước hết nhờ vào cái giọng đó.
Phạm Tiến Duật được ca tụng là "con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại", "cây săng lẻ của rừng già”, "nhà thơ lớn nhất thời chống Mỹ”
Tháng 5/2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cố nhà thơ Trường Sơn Phạm Tiến Duật về cụm tác phẩm thơ về Trường Sơn của nhà thơ.
                                                Hồng Châu tổng hợp và giới thiệu.

Tìm hiểu bài thơ "Đồng chí "của Chính Hữu.




DÀN Ý CHI TIẾT
I. Mở bài :
- Giới thiệu tác phẩm :Đồng chí, tác giả : Chính Hữu.
- Hoàn cảnh sáng tác : đầu năm 1948, sau khi tác giả đã cùng đồng đội tham gia chiến dịch Việt bắc .
Vào những năm kháng chiến chống Pháp, đất nước ta sục sôi ý chí, quyết tâm đánh giặc. Hoà mình vào khí thế ấy đã có hàng vạn , hàng triệu thanh niên nhập ngũ. Những chiến sĩ dũng cảm, can trường ấy đã trở thành một hình tượng, một đề tài trong thơ ca thời đó. Một trong những bài thơ rất hay về người chiến sĩ, về tình đồng đội là bài Đồng chí của nhà thơ lính Chính Hữu.
II. Thân bài :
1.Cơ sở hình thành tình đồng chí :
- Tình đồng chí bắt nguồn từ sự tương đồng về hoàn cảnh xuất thân của những người lính :
"Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá".
"Anh" ra đi từ vùng "nước mặn đồng chua", "tôi" từ miền "đất cày lên sỏi đá". Hai miền đất xa nhau, "đôi người xa lạ" nhưng cùng giống nhau ở cái "nghèo". Hai câu thơ giới thiệu thật giản dị hoàn cảnh xuất thân của người lính :họ là những người nông dân nghèo.
- Tình đồng chí hình thành từ sự cùng chung nhiệm vụ, cùng chung lý tưởng, sát cánh bên nhau trong hàng ngũ chiến đấu :
"Súng bên súng, đầu sát bên đầu"
Họ vốn "chẳng hẹn quen nhau" nhưng lý tưởng chung của thời đại đã gắn kết họ lại với nhau trong hang ngũ quân đội cách mạng. "Súng" biểu tượng cho nhiệm vụ chiến đấu, đầu biểu tượng cho lý tưởng, suy nghĩ. Phép điệp từ (súng, đầu, bên) tạo nên âm điệu khoẻ, chắc, nhấn mạnh sự gắn kết, cùng chung lý tưởng, cùng chung nhiệm vụ.
- Tình đồng chí nảy nở và bền chặt trong sự chan hoà và chia sẻ mọi gian lao cũng như niềm vui :
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ.
Cái khó khăn thiếu thốn hiện lên : đêm rét, chăn không đủ đắp nên phải "chung chăn". Nhưng chính sự chung chăn ấy, sự chia sẻ với nhau trong gian khổ ấy đã trở thành niềm vui, thắt chặt tình cảm của những người đồng đội để trở thành "đôi tri kỷ".
* Đến đây, nhà thơ hạ xuống một giọng thơ thật đặc biệt với hai tiếng : "Đồng chí!"  câu thơ ngắn, cùng với hình thức cảm thán mang âm điệu vui tươi, vang lên như một sự phát hiện, một lời khẳng định,. Hai tiếng "đồng chí" nói lên một tình cảm lớn lao, mới mẻ của thời đại .
=> Sáu câu thơ đầu đã giải thích cội nguồn và sự hình thành của tình đồng chí giữa những người đồng đội. Câu thơ thứ bảy như một cái bản lề khép lại đoạn thơ một để mở ra đoạn hai.
2. Những biểu hiện cảm động của tình đồng đội :
- Tình đồng chí là sự cảm thông sâu sắc những tâm tư, nỗi niềm của nhau. Những người lính gắn bó với nhau, họ hiểu đến những nỗi niềm sâu xa, thầm kín của đồng đội mình :
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày,
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Người lính đi chiến đấu để lại sau lưng những gì yêu quý nhất của quê hương : ruộng nương, gian nhà, giếng nước gốc đa,... Từ "mặc kệ"cho thấy tư thế ra đi dứt khoát của người lính. Nhưng sâu xa trong lòng, họ vẫn da diết nhớ quê hương. Ở ngoài mặt trận, họ vẫn hình dung thấy gian nhà không đang lung lay trong cơn gió nơi quê nhà xa xôi.
- Tình đồng chí còn là cùng nhau chia sẻ những gian lao, thiếu thốn của cuộc đời người lính :
"Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Rét run người vừng trán ướt mồ hôi.
Aùo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay."
Những gian lao, thiếu thốn trong cuộc sống của người lính những năm kháng chiến chống pháp hiện lên rất cụ thể, chân thực : áo rách, quần vá, chân không giày, ...Sự từng trải của đời lính đã cho Chính hữu "biết"được sự khổ sở của những cơn sốt rét rừng hành hạ : người nóng sốt hầm hập đến ướt cả mồ hôi mà vẫn cứ ớn lạnh đến run người. Và nếu không có sự từng trải ấy, cũng không thể nào biết được cái cảm giác của "miệng cười buốt giá" : trời buốt giá, môi miệng khô và nứt nẻ, nói cười rất khó khăn, có khi nứt ra chảy cả máu. Thế nhưng, những người lính vẫn cười trong gian lao, bởi họ có hơi ấm và niềm vui của tình đồng đội "thương nhau tay nắm lấy bàn tay". Hơi ấm ở bàn tay, ở tấm lòng đã chiến thắng cái lạnh ở "chân không giày" và thời tiết "buốt giá". Trong đoạn thơ , "anh" và "tôi" luôn đi với nhau, có khi đứng chung trong một câu thơ, có khi đi sóng đôi trong từng cặp câu liền nhau. Cấu trúc ấy đã diễn tả sự gắn bó, chia sẻ của những người đồng đội.
* Liên hệ mở rộng : Tình đồng đội trong bài "Những ngôi sao xa xôi" - Lê Minh Khuê.
3. Đoạn kết :
- Ba câu cuối cùng kết thúc bài thơ bằng một hình ảnh thơ thật đẹp :
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Nổi lên trên cảnh rừng đêm hoang vắng, lạnh lẽo là hình ảnh người lính "đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới". Đó là hình ảnh cụ thể của tình đồng chí sát cánh bên nhau trong chiến đấu. Họ đã đứng cạnh bên nhau giữa cái giá rét của rừng đêm, giữa cái căng thẳng của những giây phút "chờ giặc tới". Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ, giúp họ vượt lên tất cả...
- Câu thơ cuối cùng mới thật đặc sắc : "Đầu súng trăng treo". Đó là một hình ảnh thật mà bản thân Chính Hữu đã nhận ra trong những đêm phục kích giữa rừng khuya:"...suốt đêm vầng trăng từ bầu trời cao xuống thấp dần và có lúc nó như treo lơ lửng trên đầu mũi súng. Những đêm phục kích chờ giặc, vầng trăng đối với chúng tôi như một người bạn ; rừng hoang sương muối là một khung cảnh thật...".
- Nhưng nó còn là một hình ảnh thơ độc đáo, có sức gợi nhiều liên tưởng phong phú sâu xa.
+ "Súng " biểu tượng cho chiến tranh , cho hiện thực khốc liệt. "Trăng" biểu tượng cho vẻ đẹp yên bình, mơ mộng và lãng mạn.
+ Hai hình ảnh "súng" và "trăng" kết hợp với nhau tạo nên một biểu tượng đẹp về cuộc đời người lính : chiến sĩ mà thi sĩ, thực tại mà mơ mộng. Hình ảnh ấy mang được cả đặc điểm của thơ ca kháng chiến - một nền thơ giàu chất hiện thực và giàu cảm hứng lãng mạn.
+ Vì vậy, câu thơ này đã được Chính Hữu lấy làm nhan đề cho cả một tập thơ - tập "Đầu súng trăng treo".
+ Đoạn kết bài thơ là một bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính.
III. Kết bài :
- Tóm tắt các ý đã phân tích.
- Liên hệ bản thân.
Bài thơ kết thúc nhưng lại mở ra những suy nghĩ mới trong lòng người đọc. Bài thơ đã làm sống lại một thời khổ cực của ông cha ta, làm sống lại chiến tranh ác liệt. Bài thơ khơi gợi lại những kỷ niệm đẹp, những tình cảm tha thiết gắn bó yêu thương mà chỉ có những người đã từng là lính mới có thể hiểu và cảm nhận hết được.
Với nhiều hình ảnh chọn lọc, từ ngữ gợi cảm mà lại gần gũi thân thuộc, với biện pháp sóng đô, đối ngữ được sử dụng rất thành công, Chính Hữu đã viết nên một bài ca với những ngôn từ chọn lọc, bình dị mà có sức ngân vang . Bài thơ đã ca ngợi tình đồng chí hết sức thiêng liêng , như là một ngọn lửa vẫn cháy mãi, bập bùng, không bao giờ tắt, ngọn lửa tháp sáng đêm đen của chiến tranh.
(Nguồn: http://vanthoviet.com/news/n/508/568/)

NHÀ THƠ CHÍNH HỮU: MÃI BÊN ĐỜI "ĐẦU SÚNG TRĂNG TREO"



Nhà thơ Hoàng Cát
Thế là nhà thơ Chính Hữu - một trong những nhà thơ nói ít nhất, viết ít nhất và hiền lành, nho nhã, điềm đạm nhất của nền thi ca Việt Nam đương đại chúng ta, đã qua đời ở tuổi 81, theo Tây lịch; còn theo lịch ta thì ông hưởng thọ 82 tuổi. 

Chính Hữu là bút danh của nhà thơ; còn tên thật của ông là Trần Đình Đắc. Ông sinh ngày 15/12/1926 tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh – cùng huyện với nhà thơ Xuân Diệu, cùng tình với cả Xuân Diệu và Huy Cận. Chính Hữu thuộc lớp học sinh trung học thời Pháp thuộc sớm giác ngộ cách mạng, và sớm tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tuy là quê ở Hà tĩnh, nhưng tháng 12/1946 Chính Hữu đã là chiến sĩ cảm tử của Trung đoàn Thủ đô - một Trung đoàn nổi tiếng trong lịch sử đất nước chúng ta.

Thông minh, tài năng, dũng cảm và có trình độ văn hoá tương đối cao nên Chính Hữu trưởng thành và phát triển khá nhanh trong kháng chiến. Đến năm 1947 ông làm Chính trị viên Đại đội; sang năm 1949 đến 1952 là Phó trưởng ban Văn nghệ quân đội. Tại chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Chính Hữu làm Chính trị viên Tiểu đoàn, thuộc Sư đoàn 308 lừng danh bách chiến bách thắng!

Sau hoà bình 1954 ở Miền Bắc, Chính Hữu giữ chức Phó Cục trưởng Cục tuyên huấn, thuộc Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam.

Những năm sau này, khi đã chuyển ngành, Chính Hữu từng giữ chức Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khoá III rồi Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khoá IV.

Như đã nói ở trên, Chính Hữu là lớp người cuối cùng được học và chịu ảnh hưởng của văn học Pháp khá sâu đậm, đặc biệt là thơ Bô-đờ-le, ông có thể đọc qua nguyên bản bằng tiếng Pháp; nhưng đồng thời, ông cũng là một thanh niên giàu hoài bão và lý tưởng cao đẹp, sớm giác ngộ cách mạng và gia nhập quân đội nhân dân.

Từ trong thực tế cuộc sống cầm súng kháng chiến giành độc lập dân tộc, ông đã thật sự có những rung động để cho ra đời những bài thơ về chiến tranh, về người lính hết sức đặc sắc, độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân tâm hồn, tính cách và phong thái thơ Chính Hữu sau này!

“Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn, quen nhau
Súng bên súng, đầu gác bên đầu
Đêm rét chung chăn
Thành đôi tri kỷ
Đồng chí.

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Bến nước gốc đa nhớ người ra lính…”

Những câu thơ trong trẻo, chân chất và giản dị - tưởng không gì giản dị và trong trẻo hơn được nữa nhưng nó lại giàu hình ảnh, giàu ngân rung và có sức gợi mở vô cùng!

“Đêm nay
Rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau
Chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo”
Câu thơ của Huy Cận tặng Chính Hữu: Một đời đầu súng trăng treo
Hồn thơ đeo đẳng bay theo chiến   trường Tiếng lòng trong đọng hạt sương
 Cành hoa chiến địa mà gương tâm tình Cho hay thơ ở lòng mình
Trăng hay súng vẫn bóng hình người thơ.

Thơ viết về thời kỳ đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam, thì Chính Hữu là nhà thơ có được những lời thơ đẹp nhất, lãng mạn nhất , và cũng là tuyệt đích nhất!

Chỉ tiếc rằng, ông đã là người viết quá khắt khe với chính mình, nên số trang tác phẩm của ông quá ư ít ỏi. Dẫu vậy, chúng ta hãy đọc những dòng tự bạch về nghiệp làm thơ sau đây của chính ông, hẳn rằng mỗi chúng ta càng thêm quý trọng về cái sự viết ít ấy của ông:

“Tôi thích những câu thơ hàm súc, cô đọng, nói rất ít nhưng gợi rất nhiều những tưởng tượng lan xa. Thơ phải ngắn ở câu chữ nhưng phải dài ở sự ngân vang…Tôi học tập các nhà thơ phương Đông khi họ nói :Phải kết hợp “xảo”(kỹ thuật tinh vi) với “phác” (mộc mạc, giản dị)…

Tôi không thấy có sự cần thiết phải làm nhiều , làm nhanh để làm ẩu. Tôi tự xác định mình chỉ nên là và chỉ có thể là một người làm thơ nghiệp dư, để có thể tự do. Để tự do chỉ viết những điều nội tâm mình thôi thúc phải viết, và tự do huỷ bỏ những cái viết ra nhưng không vừa ý”.


Thật là một lời tự bạch đầy trí tuệ, sâu sắc vô cùng!

Cả đời thơ hơn sáu mươi năm của mình, Chính Hữu chỉ có hai tập sách rất mỏng về số trang: Đầu súng trăng treo (in năm 1966) và Thơ Chính Hữu (Tuyển tập, in năm 1997)

Tuy vậy, ông đã hoàn toàn xứng đáng là một trong những nhà thơ đựoc nhận giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 2) về Văn học Nghệ thuật, năm 2000.

Thành kính nghiêng mình trước anh linh của Nhà thơ Chính Hữu. Xin cầu chúc cho ông an nghỉ giấc ngàn thu - sau một chặng đường dài sống, chiến đấu và lao động hết mình cho Tổ quốc và nhân dân thân yêu.

(Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/)

NHÀ THƠ CHÍNH HỮU




Nhà thơ Chính Hữu
Tên khai sinh: Trần Đình Đắc, quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh
Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957)
Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt II (2000)
Tác phẩm chính: Đầu súng trăng treo (1966), Thơ Chính Hữu (1977)
Cũng như nhiều văn nhân trí thức lừng danh khác có chung gốc Nghệ, Chính Hữu (1926-2007) chính quê Hà Tĩnh, nhưng khi đi học lại ở Vinh, rồi ra Hà Nội học tiếp để có học vấn và nhãn quan cao rộng hơn.
Trong số mấy chục  nhà văn Việt Nam đã được nhận Giải thưởng cao nhất của Nhà nước là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, Chính Hữu viết ít hơn cả.
Tuyển tập Chính Hữu do NXB Văn học ra năm 1998 chỉ có khoảng 130 trang in thơ do ông sáng tác (54 bài) và dịch (5 bài). Đó là một con số không nhiều, rất không nhiều, nhưng không hề đáng tiếc, bởi cái số lượng này đã là một minh chứng hiện đại cho thành ngữ  Quý hồ tinh bất quý hồ đa mà các bậc túc Nho, các lão nông tri điền xứ Nghệ vẫn hay coi là một phương châm hành xử từ lâu.
Tìm hiểu cốt cách con người và sáng tác của Chính Hữu, ta thấy có vài đặc điểm khiến ông có vị thế cao trong làng văn.
Thứ nhất, ông là nhà thơ chiến sĩ. Gọi Chính Hữu như thế, không chỉ vì ông từng là chiến sĩ, là cán bộ của Trung đoàn thủ đô lừng danh từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (1946), không chỉ vì trong môi trường quân ngũ, từ chiến sĩ, ông đã thành một đại tá… mà hơn thế, là vì: sáng tác của ông đều viết về người lính, để cho người lính đọc, hoặc nói rộng hơn, sáng tác của Chính Hữu thường lấy cảm hứng từ cuộc chiến đấu hoặc lao động dựng xây cuộc sống mới của anh bộ đội và một số ít hơn - là người dân bình thường trong tư thế của một chiến sĩ: quả cảm kiên cường, chấp nhận gian nguy và vui cười  lạc quan ngay cả khi đang ở thời điểm gian khó, hiểm nghèo.
Chiến tranh cách mạng giải phóng Tổ quốc với hình tượng nổi bật là người chiến sĩ này là một chủ đề lớn của thơ ca hiện đại Việt Nam. Trong chủ đề này, Chính Hữu đã có nhiều câu thơ như chạm khắc, như tạc tượng anh bộ đội, này là anh vệ quốc quân ở thời chống Pháp: Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá/ Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen  nhau… Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo… Còn đây là lớp lớp thanh niên náo nức cùng cả nước lên đường đánh Mỹ: Xóm dưới làng trên con trai con gái/ Xôi nắm cơm đùm ríu rít theo nhau/ Súng nhỏ súng to chiến trường chật chội/ Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu…
Hình tượng anh bộ đội, người chiến sĩ trong thơ Chính Hữu sống động và phát triển. Là một trí thức trẻ mang cái ý chí của dân Nghệ và cái hào hoa của thị thành Hà Nội vào quân ngũ, ông mô tả hình ảnh anh vệ quốc thật hào hùng, đẹp vẻ đẹp của những tráng sĩ muôn năm trước: Đêm nay ta đi đất trời bốc lửa/ Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng/ Những người con gái con trai say mê sự tích anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/ Rách tả tơi rồi đôi hài vạn dặm/ Bụi trường chinh phơi bạc áo hào hoa.
Càng về sau, hình tượng người chiến sĩ trong thơ ông càng đẹp vẻ đẹp chân thực hơn. Nhiều khi, hình tượng ấy hoà nhập với hình tượng đất nước Việt Nam kiên trung son sắt Như ngọn đèn đứng gác, như bước chân thần tốc trong chiến dịch tổng tiến công Xuân 1975, và cũng có lúc lại chính là hình ảnh của một Cô gái công binh Trường Sơn: Chỉ mái tóc em là xanh/ Trên ngọn đèn cháy trụi/ Trong tiếng đạn bom dữ dội/ Chỉ tên em là nghe dìu dặt hiền lành.
Viết về người lính, với Chính Hữu, là viết về Tổ quốc Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh, để gửi gắm bao tình mến thương, cảm phục, và tự hào theo cái cách riêng của ông ở những vần thơ hàm súc, có ngôn từ bình dị mà giàu nghĩa biểu trưng.
Thứ hai, cái chất thơ bình dị mà giàu nghĩa biểu trưng trong tác phẩm Chính Hữu, vốn có nguồn gốc từ con người ông - một thanh niên có học thức quả quyết đi ra trận, một cán bộ chính trị dày dạn, một người đàn ông hay trầm tư ngẫm nghĩ… Con người ấy sinh ra cái chất thơ ấy, nên đọc thi phẩm của ông, bên cạnh hình tượng người chiến sĩ sáng đẹp hào hùng, ta thấy có hình tượng một Người bộ hành lặng lẽ. Trong bài thơ này, ông bộc lộ: Đi bộ là hành vi đẹp nhất/ Của con người/ Tôi hướng đến tận niềm vui/ Của cái lặng im trong sự cô độc/ Đó là trạng thái/ hạnh phúc/ Để nghĩ được nhiều/ Và làm được nhiều việc.
Thơ như nói, tự nhiên, ít vần điệu mà như chỉ chú tâm diễn đạt ý tưởng, cái ý tưởng ngỡ như trái khoáy, khó hiểu, nhưng đọc tiếp, ta thấy rõ dần: Tôi đi giữa lòng Hà Nội/ Gặp vô vàn con người ai cũng dễ thương/ Vì tôi chỉ đi, chỉ ngắm, chỉ nhìn, không nói nhiều nên không phải cãi lại/  Tâm hồn không bị khét lên vì mùi ét xăng hiện đại…
Thơ là bức chân dung tự hoạ, đôi khi như vô thức mà nên. Lại nói về tình yêu, Chính Hữu cho ta hiểu về ông là: không nói/ Ấy là đã nói/ Tiếng đàn im bặt càng nghe tiếng ngân/ Khi yêu lặng câm/ Ấy là yêu mãi.
Thơ Chính Hữu có cái điệu lí bên trong, có cái nhạc điệu của tấm lòng chứ không chỉ ở âm vang của vần điệu thanh âm. Nghệ thuật ấy hài hòa với ý tưởng, cho ta nhận ra đặc sắc và vị thế của một thi nhân đảm lược và tự tin.
Ngyên An
(Theo VanVN.Net)

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

ĐOẠN TRÍCH "LỤC VÂN TIÊN CỨU KIỀU NGUYỆT NGA"



                                                                                                                           Nguyễn Hữu Sơn



Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga có 60 câu thơ, thuộc phần đầu của Truyện Lục Vân Tiên. Nội dung phần đầu truyện kể về chàng thư sinh Lục Vân Tiên khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn, từ nhỏ đã đi học xa nhà. Biết tin triều đình mở khoa thi, chàng từ biệt thầy xuống núi
tham dự. Trên đường rẽ qua nhà thăm cha mẹ, chàng đánh tan bọn cướp Phong Lai, cứu được người đẹp Kiều Nguyệt Nga con quan tri phủ Hà Khê.
Đọc qua đoạn trích có thể thấy Nguyễn Đình Chiểu sử dụng rất nhiều từ ngữ in đậm dấu ấn vùng văn hóa Nam Bộ, phương ngôn Nam Bộ, ngữ âm Nam Bộ: “bên đàng, tìm đàng, đàng xa, giữa đàng” (bên đường, tìm đường, đường xa, giữa đường), “xông vô” (xông vào), “tại mầy” (tại mày), “xe nầy, con nầy” (xe này, con này), “chưa hãn dạ nầy” (lòng này chưa tỏ, chưa biết chắc), “rước tôi” (đưa tôi), “hay vầy” (biết vậy, biết thế này), “rõ đặng” (rõ được)… Việc sử dụng một cách sinh động, chính xác, hợp lý vốn từ ngữ địa phương chứng tỏ tác giả thông thuộc, am hiểu con người và cuộc sống quê hương Nam Bộ. Điều này tạo nên tính đặc trưng, điển hình của hệ thống nhân vật gắn với một vùng văn hóa cụ thể, đồng thời góp phần làm phong phú thêm vốn ngôn ngữ nghệ thuật của cả dân tộc.
Trong tương quan chung, đoạn thơ mô tả hình ảnh chàng thư sinh Lục Vân Tiên dũng cảm đương đầu với bọn cướp và thể hiện tinh thần trọng nhân nghĩa qua những lời đối đáp với Kiều Nguyệt Nga. Trước hết, từ câu mở đầu đến câu thứ 14 - Bị Tiên một gậy thác rày thân vong, Nguyễn Đình Chiểu mô tả hành động quyết đoán “bẻ cây làm gậy”, “xông vô” để đánh lại tên tướng cướp Phong Lai và đồng bọn “đảng hung đồ”, “hồ đồ hại dân”. Đây là sự đối đầu giữa chàng thư sinh anh hùng với tên Phong Lai “mặt đỏ phừng phừng” và đám quân “bốn phía phủ vây bịt bùng”. Nhà thơ cực tả hình ảnh Lục Vân Tiên “tả đột hữu xung” và sử dụng điển tích: Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang… Theo tiểu thuyết chương hồi Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung (Trung Quốc), nhân vật viên tướng trẻ Triệu Vân, còn gọi Triệu Tử Long, đã một mình phá vòng vây của Tào Tháo, bảo vệ được A Đẩu, con của chủ tướng Lưu Bị. Việc sử dụng điển tích, so sánh Lục Vân Tiên với Triệu Tử Long khiến cho câu thơ trở nên hàm súc, phát huy được lối nói khoa trương, tôn vinh phẩm chất nhân vật cũng ngang bằng với người anh hùng nổi tiếng thời Tam quốc. Sử dụng điển tích là một biện pháp nghệ thuật phổ biến trong Truyện Lục Vân Tiên cũng như với hầu hết các tác phẩm văn chương dưới thời trung đại.
Phần tiếp theo kể từ câu thứ 15- Dẹp rồi lũ kiến chòm ong đến hết đoạn trích, Nguyễn Đình Chiểu triệt để sử dụng hình thức hỏi – đáp để nhân vật có dịp tự giới thiệu về mình, qua đó bày tỏ tình cảm, suy nghĩ, quan niệm đạo đức, tính cách và lối sống… Lục Vân Tiên là nhân vật chủ động trước sự kiện đánh thắng bọn cướp và cả ở tình thế gặp gỡ Kiều Nguyệt Nga. Trong tổng số 43 câu thơ hỏi – đáp, Lục Vân Tiên chỉ được dành cho 15 câu nhưng luôn đóng vai người dẫn chuyện, chủ động tìm hiểu và bày tỏ thái độ:
        - Dẹp rồi lũ kiến chòm ong,
Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe này?”.
       - Vân Tiên nghe nói động lòng…
       - Vân Tiên nghe nói liền cười…
Vốn là kẻ sĩ thấm nhuần lễ giáo, sau khi nghe lời khẩn cầu của người hầu “Cúi đầu trăm lạy cứu cô tôi cùng”, Lục Vân Tiên nói rõ:
     Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
     Nàng là phận gái, ta là phận trai.
Về phía Kiều Nguyệt Nga, nàng kể rõ tên mình và người hầu, quê hương, gia đình, công việc. Qua cách nói cũng có thể xét đoán được Kiều Nguyệt Nga là con người dịu dàng, khiêm nhường, mực thước, hiếu nghĩa, biết mình biết người: “đâu dám cãi cha”, “tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa”, “liễu yếu đào thơ”, “Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”. Sau khi thanh minh về cảnh ngộ hiện thời, nàng có ý mời chàng về quê để báo đền công ơn:
     … “Trước xe quân tử tạm ngồi,
     Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa…
     … Hà Khê qua đó cũng gần,
Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng.
Gặp đây đương lúc giữa đàng,
Của tiền chẳng có, bạc vàng cũng không.
Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”.
Lục Vân Tiên vốn là con người “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”, sau khi nghe lời bày tỏ của Kiều Nguyệt Nga lại càng khẳng định thêm tinh thần nghĩa hiệp, chính trực, trọng nghĩa khinh tài:
            … “Nay đà rõ đặng nguồn cơn,
            Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.
            Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
Trở lại con người đời thường, Lục Vân Tiên không “tính thiệt so hơn” và nhắc lại câu nói “kiến nghĩa bất vi”. Nguyên văn cả câu này là “Kiến nghĩa bất vi vô dũng giã” (Gặp việc nghĩa mà không hành động thì không phải người dũng lược), ý muốn đề cao tinh thần người anh hùng dám xả thân vì việc nghĩa, giữa đường thấy sự bất thường thì cần can thiệp, giúp đỡ. Điều quan trọng hơn, ngay cả sau khi nghe lời Kiều Nguyệt Nga nói về sự đền ơn, Lục Vân Tiên vẫn thành thực với quan niệm sống của mình, trước sau vẫn kiên định với tư tưởng làm việc nghĩa như một phẩm chất bậc anh hùng hảo hán, không đòi hỏi được hưởng ơn huệ, tiền tài vật chất.
Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga gắn với sự kiện đánh kẻ cướp cứu người đẹp được thể hiện như một mẫu hình người anh hùng vốn phổ biến trong truyện dân gian cũng như nhiều tác phẩm văn học trung đại. Có thể nói chủ đề này nằm trong truyền thống cốt truyện kể về sự gặp gỡ “tài tử - giai nhân”, “trai tài, gái sắc”, “trai anh hùng, gái thuyền quyên”. Đây cũng là một phương diện trong truyền thống mĩ học của người xưa nhằm tôn vinh vẻ đẹp bậc “tài tử - giai nhân”, xây dựng hình ảnh nhân vật lý tưởng kiểu mẫu, góp phần tôn vinh những giá trị, phẩm chất nhân nghĩa của con người trong một xã hội còn nhiều bất công, loạn lạc./.
(NGUỒN: http://vannghedanang.org.vn/nonnuoc/)

Nguyễn Đình Chiểu




Nguyễn Đình Chiểu, tự Mạch Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Tuổi niên thiếu, từ 12 đến 19 tuổi, Nguyễn Đình Chiểu sống và học tập ở Huế. Nhưng năm 21 tuổi (1843), ông lại thi và đỗ tú tài ở trường thi Gia Định. Năm 25 tuổi, ông trở ra Huế học tập, chờ khoa thi Kỷ Dậu (1849). Chưa kịp thi thì được tin mẹ mất. Trên đường về chịu tang, vì quá buồn lo khóc thương mẹ, ông lâm bệnh và bị mù cả hai mắt.
Về lại Gia Định, sau khi mãn tang mẹ, Nguyễn Đình Chiểu chuyển sang học thuốc, chữa bệnh cho dân, mở trường dạy học, vừa sáng tác thơ văn. Truyện Lục Vân Tiên mà nhiều nhà nghiên cứu cho là có mang tính chất tự truyện đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, nhất là ở Nam Kỳ. Truyện lên án bọn người độc ác, xấu xa, tráo trở, gian manh, bất nhân, bất nghĩa, đồng thời ngợi ca những tấm lòng nhân hậu, thủy chung. Tác phẩm Dương Từ, Hà Mậu(1) dài 3.448 câu thơ kịch liệt công kích đạo Phật, đạo Thiến Chúa lúc bấy giờ như một mối nguy cơ cho đất nước. Dựa vào trí tưởng tượng nhân gian (thiên đường, địa ngục), tác giả để cho nhân vật tự “giải mê" qua cuộc hành trình dài đi tìm chân lý đầy gian khổ, rồi trở về trong sự hòa hợp của gia đình, làng nước.
Năm 1859, giặc Pháp đánh chiếm Gia Đ?nh. Nhà thơ lánh về quê vợ ở Cần Giuộc (Long An). Âm vang của trận công đồn diệt bọn “Tây dương” tại nơi đây đã gợi lên cảm hứng để ông viết áng văn bất hủ ngợi ca những người nông dân chân đất anh hùng xả thân vì sự nghiệp cứu nước: Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc. Năm 1861, giặc Pháp đánh chiếm Cần Giuộc, Gò Công, Định Tường, ông phải “tị địa” về Ba Tri, Bến Tre. Tại đây, ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn cho đến cuối đời.
Vì mù, không thể cầm gươm, cầm giáo được, ông đánh giặc bằng ngòi bút. Ông trao đổi thư từ với Trương Định, liên hệ với nhiều sĩ phu yêu nước lúc bấy giờ như Nguyễn Thông, Phan Văn Trị... Tuy không sinh ra ở đất Bến Tre, nhưng hơn một phần tư thế kỷ sống và lao động nghệ thuật cần mẫn, cứu người giúp đời, gắn bó chặt chẽ với nhân dân Ba Tri, Nguyễn Đình Chiểu có một uy tín và ảnh hưởng sâu rộng trong đồng bào Bến Tre về phương diện nhân cách, tư tưởng, văn chương.
Ông là người mở đầu cho dòng văn chương yêu nước Việt Nam chống Pháp xâm lược ở nửa sau thế kỷ XIX. Thơ văn ông gắn chặt với những biến cố lớn lao của đất nước lúc bấy giờ. Đó là Chạy Tây (1859), Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc (1861), Cáo thị, Thảo thử hịch, Thư gửi cho em, Mười hai bài thơ điều Trương Định (1864), Mười hai bài thơ điếu Phan Tòng (1868), Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh (1874) và hai tập truyện thơ dài Dương Từ, Hà Mậu Ngư tiều y thuật vấn đáp.
Cảm hứng chủ đạo của thơ văn ông ở giai đoạn đầu là cảm hứng đạo lý và yếu tố này đã được nâng lên thành trữ tình đạo lý đầy nhân nghĩa, thảo ngay, đồng thời cũng giàu chất phê phán, phẫn nộ trước mọi điều bất nhân, bất nghĩa như ông đã tự bạch: "Nói ra thì nước mắt trào, Tấm lòng ưu thế biết bao giờ rồi".
Những tác phẩm ở giai đoạn sau - thời kỳ đất nước bị xâm lăng - của ông là "những trang bất hủ ngợi ca cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống xâm lược phương Tây ngay từ buổi đầu chúng đặt chân lên đất nước ta” (Phạm Văn Đồng). Người nghĩa dân, nghĩa sĩ chống Pháp và người sĩ phu “theo bụng dân” chiến đấu cho đại cuộc của dân tộc là những hình ảnh sáng chói trong thơ văn ông. Nói một cách khác, Nguyễn Đình Chiểu đã phản ánh được vấn đề cơ bản nhất của xã hội Việt Nam đương thời.
Sáng tác của ông gồm nhiều thể loại, thể tài, trong đó thành công nghệ thuật nổi bật nhất là truyện thơ Nôm và văn tế Nôm. Ngôn ngữ nghệ thuật bình dị, giàu tính nhân dân cùng những hình tượng nhân vật sinh động trong nhiều thể loại, khiến chơ ngòi bút của ông có sức thu hút mạnh mẽ người đọc, nhất là đối với nhân dân miền Nam. Sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần bồi đắp tâm hồn dân tộc, nâng vị trí của văn học miền Nam lên ngang tầm văn học cả nước. Ông là người kết thúc một cách rực rỡ văn học của giai đoạn trước đó và mở đầu cho dòng văn chương yêu nước chống xâm lược.
Đối với Bến Tre nói riêng, như trên đã từng nhắc đến, Nguyễn Đình Chiểu đã có một tầm ảnh hưởng lớn lao trong các tầng lớp nhân dân. Mặt khác, cũng chính vùng đất giàu truyền thống yêu nước, bất khuất này – nơi ông đã gắn bó một phần tư thế kỷ đầy biến động – đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc thêm tài năng nghệ thuật của một nhà thơ lớn.
Đã có không ít giai thoại lưu truyền ở vùng này về lối sống, cách đối nhân xử thế, về thái độ của ông đối với kẻ thù dân tộc, về việc truyền thụ kiến thức, đạo đức cho học trò, về việc thẳng thừng chối từ những bổng lộc mà người Pháp muốn ban phát cho ông, mà trong thực tế là để mua chuộc ông. Nếu “văn tức là người", thì ở Nguyễn Đình Chiểu điều đó hoàn toàn nhất quán, do vậy lòng yêu kính nhà thơ càng nồng đượm hơn. Đồng bào Ba Tri thường nhắc: ngày đưa Nguyễn Đình Chiểu về nơi an nghỉ cuối cùng có đông đảo nhân dân quanh vùng, có những bạn bè, học trò, thân chủ được ông chữa khỏi bệnh, những người mến mộ tài đức ông... đều có mặt. Hôm ấy, cánh đồng An Bình Đông, nay là An Đức, trắng xóa khăn tang.

(Nguồn: http://www.bentre.gov.vn/  ) 



 

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Cảm nghĩ về " Hai cây phong"






HAI CÂY PHONG
(Trích “ Người thầy đầu tiên” của T.Ai-ma-tốp)

                                                                                               Vũ Nho

          Đoạn trích này là một đoạn rất hay, rất mẫu mực về văn miêu tả.  Nhưng để làm rõ cái hay đó, và nhất là để  cảm nhận được cái hay đó thì không dễ dàng. Tóm tắt câu chuyện trang 99 của sách giáo khoa cho  các em học sinh hình dung được hai cây phong liên quan đến nhân vật chính là An-tư-nai “ Khi An-tư-nai còn đang học ở trường làng, có hôm Đuy-sen mang về trường hai cây phong non và bảo em: “ hai cây phong này thầy mang về cho em đây. Chúng ta sẽ cùng trồng. Và trong khi chúng lớn lên, ngày một thêm sức sống, em sẽ trưởng thành, em sẽ là một người tốt...Em bây giờ trẻ măng như một thân cây non, như đôi cây phong nhỏ này...”. Nhưng nhân vật tôi kể chuyện Hai cây phong lại không phải là An-tư-nai. Đây là một học sinh thế hệ sau An-tư -nai rất nhiều. Khi anh ta  là cậu bé đi học thì hai cây phong non đã trở thành cây khổng lồ, anh ta cũng không biết  ai đã trồng cây phong, vì sao ngôi trường có hai cây phong ấy lại được làng gọi là “ Trường Đuy-sen”. Bởi vậy hai cây phong không chỉ là cây phong, mà nó còn là ngọn hải đăng đặt trên núi, là loại cây có tiếng nói riêng, tâm hồn riêng, là bóng mát che rợp tuổi thơ, là nơi cho các em  phóng tầm mắt nhìn vào miền đất quê hương “bí ẩn, đầy sức quyến rũ lẩn sau chân trời xa thẳm”.
          Cái hay của đoạn trích “Hai cây phong” chính là chất thơ và sự miêu tả tinh tế, thấm đẫm cảm xúc của nhân vật xưng tôi, một người học trò cách xa thế hệ của An-tư-nai bằng quãng thời gian cây phong non trở thành cây   khổng lồ.
          Trong mạch kể chuyện, người kể khi thì xưng tôi, khi xưng chúng tôi, rồi lại xưng tôi. Không thể nói là đoạn xưng tôi quan trọng hơn đoạn xưng chúng tôi, bởi vì mỗi mạch kể làm nổi bật một nội dung quan trọng.
          Đoạn văn người kể chuyện xưng tôi chủ yếu miêu tả vẻ đẹp của hai cây phong. Hình ảnh hai cây phong được giới thiệu khái quát về vị trí: mọc ở giữa một ngọn đồi phía trên làng. Đi về phía nào cũng nhìn thấy hai cây phong trước tiên. Hai cây phong được so sánh “như những ngọn hải đăng đặt trên núi” có ý nghĩa ca ngợi, đề cao vị trí và vai trò của chúng. Đó là tín hiệu của làng, biểu tượng của làng, định hướng của làng cho những người trở về cập bến quê hương.
          Người kể đã dùng biện pháp nhân hoá để nói về sự khác biệt độc đáo của hai cây phong. Một làng miền núi thảo nguyên không thiếu các loại cây. Nhưng hai cây phong “có tiếng nói riêng”, “có tâm hồn riêng”, có những bài hát riêng “chan chứa những lời ca êm dịu”. Bất kì thời điểm nào cũng có thể thấy được vẻ đẹp của hai cây phong. Về hình dáng : “nghiêng ngả thân cây, lay động lá cành”, về âm thanh “rì rào theo nhiều cung bậc khác nhau”. Những âm thanh đó khơi gợi những tưởng tượng vô cùng phong phú mà người kể đã khái quát “say sưa ngây ngất” : Như một làn sóng thuỷ triều dâng lên vỗ vào bãi cát; như một tiếng thì thầm thiết tha nồng thắm; cất tiếng thở dài một lượt như thương tiếc người nào; reo vù vù như một ngọn lửa bốc cháy rừng rực.

          Hai cây phong đã được quan sát và miêu tả bằng sự yêu thương, trìu mến và gắn bó của người kể chuyện “đã bao nhiêu lần” từ chốn xa xôi về làng để gặp gỡ cây với mong mỏi “ chóng về tới làng, chóng lên đồi mà đến với hai cây phong!”. Hai cây phong ấy đã toả bóng che mát tuổi thơ của người kể chuyện, đã cất giữ bao nhiêu kỉ niệm trong trẻo, kì diệu của tuổi trẻ “ như mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh”.
          Ở đoạn kể chuyện  người kể xưng chúng tôi có một sự thay đổi. Đây là kỉ niệm của những cậu bé khi bắt đầu kì nghỉ hè của năm học cuối cùng. Lần đầu tiên lũ trẻ trèo lên cây để phá tổ chim ( một hành động ngốc nghếch và dại dột). Nhưng khi thi nhau trèo lên cao, trên những cành của hai cây phong, một “ thế giới đẹp đẽ vô ngần” đã mở ra “từ độ cao ngang tầm cánh chim bay”. Chúng nhìn thấy “toà nhà rộng lớn nhất thế gian” giờ đây chỉ như “một căn nhà xép bình thường”. Chúng nhìn thấy bao nhiêu vùng đất mà trước đây chưa từng biết đến; chúng nhìn thấy những con sông chưa từng nghe nói “những dòng sông lấp lánh tận chân trời như những sợi chỉ bạc mong manh”. Lũ trẻ ( trong đó có người kể chuyện) “sửng sốt”, rồi “đều nín thở ngồi lặng đi” và quên mất mục đích trèo lên cây phong. Cảnh tượng gợi ra vẻ đẹp huyền bí và cho chúng thấy đất nước rộng lớn vô cùng, với những miền đất bí ẩn đầy sức quyến rũ.
          Hai cây phong gắn bó suốt những năm thơ ấu của lũ trẻ. Và lần đầu tiên cho chúng cái nhìn xa rộng về quê hương, đất nước, cho chúng nhìn thấy những vẻ đẹp mới, khơi gợi khát vọng khám phá những miền đất bí ẩn. Đây chính là ý nghĩa  biểu tượng gián tiếp mà hai cây phong đem đến cho lũ trẻ.
          Về người thầy giáo Đuy-sen, người vô danh đã thắp sáng niềm tin và khát vọng cho trẻ em làng Ku-ku-rêu, chỉ đến cuối đoạn mới được nhắc đến rất thấp thoáng. Thông qua vấn đề mà người kể chuyện chưa bao giờ nghĩ đến : Người trồng cây phong là ai, và có những ước mơ hi vọng gì khi trồng cây phong đó? Và tại sao “trường Đuy-sen” lại là tên gọi ngọn đồi có hai cây phong?
          Câu hỏi không có lời đáp. Nhưng các thế hệ trẻ em đã lớn lên trong
bóng râm mát rượi và tiếng lá xào xạc dịu hiền” của hai cây phong đã hạnh phúc biết bao. Những đứa trẻ lần đầu tiên sửng sốt, nín thở ngồi lặng đi trước “một thế giới đẹp đẽ vô ngần của không gian bao la và ánh sáng” đã sung sướng và kiêu hãnh biết bao. Đó là câu trả lời cho những ước mơ, hi vọng của người trồng cây phong. Đó cũng chính là sự ca ngợi tinh tế người thầy giáo Đuy-sen, “người thầy đầu tiên” đã xây dựng trường học, khai tâm cho các em và chắp cánh cho những ước mơ, hi vọng.
          Qua hình ảnh đẹp đẽ, thân thiết của hai cây phong trồng ở ngôi trường mang tên Đuy-sen, người đọc thấy được niềm biết ơn đối với thầy giáo, mái trường, nơi khai tâm và ươm mầm, nuôi dưỡng tình yêu lớn của mỗi con người./.
                                                                                                        11/2006
(Nguồn: http://vunhonb.blogspot.com/2013/07/hai-cay-phong.html)




Tác giả Ai-ma-tốp và tác phẩm "Người thầy đầu tiên"




Chingiz Ajmatov; sinh 1928, nhà văn. Viết bằng tiếng Kiaghizơ và tiếng Nga. Tác phẩm: "Jamilia" (1958), "Truyện núi đồi và thảo nguyên" (1961), "Cánh đồng mẹ" (1963), "Vĩnh biệt, Gunxarư!" (1966), "Con tàu trắng" (1970)... phản ánh cuộc sống, phong tục tập quán và cuộc đấu tranh của nhân dân Kiaghixtan, thấm nhuần tinh thần nhân đạo, tính triết lí sâu sắc; có các yếu tố dân gian, huyền thoại kết hợp với phân tích tâm lí. Tiểu thuyết "Một ngày dài hơn thế kỉ" (1980) nêu bật những vấn đề đạo đức và xã hội của thời đại. Giải thưởng Lênin (1963), giải thưởng Nhà nước Liên Xô (1968, 1977, 1983).
                                                                          (Nguồn: http://tulieu.violet.vn/) 

Kênh “Tin tức” Đài truyền quốc gia Nga đưa tin, Nhà văn lớn Trin-ghít Ai-matốp đã qua đời hôm 10-6-2008. Nhà văn Trin-ghít Ai-ma-tốp - Giải thưởng Lê-nin (1963), 3 lần được trao tặng Giải thưởng Quốc gia (Liên Xô) vào các năm 1968, 1980, 1983, bị đột quỵ do suy thận nặng hôm 16-5-2008 được đưa đến điều trị ở bệnh viện đa khoa Nu-rem-béc (Đức) đã qua đời ngày 10-6-2008. Ngày 11-6, chiếc chuyên cơ của Tổng thống Kiếc-gưstan đã chở gia đình và phái đoàn của chính phủ do Phó Thủ tướng Ai-đa-ra-li-ép dẫn đầu đã bay từ thủ đô Bíc-skết sang Nuyn-béc để đón thi thể nhà văn về Kiếc-gư-stan. Tác phẩm của Trin-ghít Ai-ma-tốp đã được dịch và xuất bản ra hơn 170 thứ tiếng trên thế giới. Ông là một trong các nhà văn được người đọc trên thế giới biết đến nhiều nhất. Những tác phẩm được giới phê bình văn học đánh giá rất cao là “Một ngày dài hơn thế kỷ” xuất bản năm 1980 và “Đoạn đầu đài” - 1988. Độc giả Việt Nam cũng đã có dịp làm quen với các tác phẩm nổi tiếng của nhà văn được mệnh danh là “người của núi đồi và thảo nguyên” này. Được tin Trin-ghít Ai-ma-tốp qua đời, Thủ tướng Nga Vla-đi-mia Pu-tin đã gửi ngay điện chia buồn đến gia quyến nhà văn. Nội dung bức điện có đoạn “Đây là một tổn thất không gì bù đắp được. Trin-ghít Ai-ma tốp sống mãi trong ký ức chúng ta với đầy đủ ý nghĩa của một nhà văn, nhà tư tưởng, nhà trí thức và nhà nhân đạo vĩ đại.” Chính phủ Kiếc-gư-stan đã quyết định lấy năm 2009 làm Năm Ai-ma-tốp ở Kiếc-gư-stan và sẽ tổ chức Lễ tang cấp nhà nước để tưởng nhớ Danh nhân văn hoá Trin-ghít Ai-ma-tốp vào thứ bảy 14-6-2008 tại khu tưởng niệm A-ta Bây-ít ở thủ đô Bít-skết với sự tham gia của đại diện các quốc gia SNG và các tổ chức văn hóa thế giới.
                                                                  (Nguồn: http://violet.vn/nguyetvan69/)

Người thầy đầu tiên là tác phẩm văn học rất nổi tiếng của nhà văn Ai-ma-tốp người Cư-rơ-gư-stan.
Mở đầu tác phẩm là hình ảnh hai cây phong cao lớn được trồng cạnh nhau trên một ngọn đồi lộng gió. Không ai biết rõ về nguồn gốc của hai cây phong đó. Mãi sau nay, khi làng Cu-cu-rêu đón bà An-tư-nai- một người hoạ sĩ nổi tiếng cũng là người dân làng về mở trường, bí mật về hai cây phong mới được hé lộ.
Antưnai năm 15 tuổi đã có một tuổi thơ vô cùng bất hạnh. Cô bé phải sống với người thím độc ác luôn đánh đập cô bé. Vào một ngày nọ, thầy giáo Đuysen-một người thanh niên cộng sản được cử về mở trường dạy học ở làng Cu-cu-rêu, hai người đã găp nhau. Thầy Đuy-sen vô cùng quý mến Antưnai và cầu xin gia đình bà thím cho Antưnai đi học. Sau bao nhiêu vất vả, cuối cùng thầy đã thành công.
Thầy Đuy-sen và Antưnai cùng lũ học trò đã trải qua rất nhiều khó khăn, trong thời tiết khắc nghiệt với cái rét lạnh cóng nhưng họ vẵn có một nghị lực phi thường. Nhưng không may mắn, bà thím An-tư-nai đã quyêt gả cô cho một tên quý tộc to lớn và thô thiển để lấy tiền. Thầy Đuy-sen đã ra sức bảo vệ An-tư-nai. Hai thầy trò đã cùng nhau trồng hai cây phong bé nhỏ trên ngọn đồi và thầy Đuy-sen nói với An-tư-nai ràng giờ đây Antưnai như hai cây phong này vậy, nhưng sau này, khi lớn lên, Antưnai chắc chắn sẽ thành công. Nhưng sự thật quá phũ phàng, Antưnai vẫn bị bắt đi làm vợ lẽ mặc sức thầy Đuy-sen đã ra sức chống cự bọn quý tộc đến nỗi bị chúng đánh gãy tay và máu chảy đầm đìa.
Sau ba ngày sống trong địa ngục, cuối cùng An-tư-nai đã được thầy Đuy-sen cùng công an giải cứu và đưa lên tỉnh học. Lúc này, An-tư-nai đã biết mình có tình cảm với thầy Đuy-sen. Cô viết thư cho thầy nhưng Đuy-sen không muốn làm ảnh hưởng tới việc học của An-tư-nai, anh đã không trả lời. Đã mấy lần An-tư-nai nhìn lần người khác thành Đuy-sen nhưng dường như điều đó gần như vô vọng vì Đuy-sen đã đi bộ đội và bị báo tin mất tích... Năm 1946, An-tư-nai trở về quê hương xưa, nơi cô đã lớn lên, đã sống những ngày tháng cùng với người thầy Đuy-sen của mình, đặt tên cho ngôi trường mà cô đỡ đầu là :"trường Đuy-sen" - ngôi trường mang tên người cộng sản đầu tiên.