Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

NGHỊ LUẬN BÀI "SANG THU" CỦA HỮU tHỈNH



Đề :    Nhận xét về sáng tác của mình, nhà thơ Hữu Thỉnh có viết :
Bài thơ không chỉ báo cho người đọc biết thu đã trở trong cảnh sắc thiên nhiên mà còn ngay trong cuộc sống của con người, trong tâm hồn tôi và chắc với rất nhiều người yêu thu..” – Hữu Thỉnh.              
          Em hãy làm sáng tỏ điều đó qua việc phân tích bài thơ “Sang thu ” của Hữu Thỉnh


            Thiên nhiên bao giờ cũng đẹp. Cảnh sắc thiên nhiên là đề tài muôn thuở để các nhà thơ  sáng tác. Nếu cảnh vật mùa xuân thường tươi tắn đem đến niềm vui, sức sống mới thì mùa thu luôn gợi lên cảm giác bâng khuâng hoài cảm. Mùa thu đẹp với “lá vàng rơi xào xạc”, với “tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”. Không ít nhà thơ để lại tên tuổi của mình trên thi đàn nhờ những bài thơ mùa thu bất hủ - Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu… Giờ đây, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng khiêm tốn đóng góp vào vườn thơ mùa thu những cảm xúc bâng khuâng khi một góc quê hương vào tiết giao mùa. Bài thơ “Sang thu” chính là thông điệp của nhà thơ.
            Bài thơ mở đầu bằng cái hương vị nhẹ nhàng lan toả, cái cảm giác se lạnh của không gian ở một miền quê nhỏ:
                                    “ Bỗng nhận hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
            Tín hiệu của mùa thu là những chi tiết mộc mạc, bình dị đến bất ngờ, mang đậm yếu tố ở một làng quê Bắc Bộ. Nhà thơ đã đến với mùa thu bằng cách ấy, bằng hương ổi  trong gió se chứ không phải là bằng hình ảnh quen thuộc như lá vàng rơi, vòm trời cao xanh ngắt, gió heo may phảng phất, mùi hương cốm mới... Giải thích cho điều này, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: “Mùa Thu biểu hiện rất nhiều hình ảnh khi chuyển mùa. Và tất cả những hình ảnh đẹp cũng đã được các nhà thơ cổ khai thác hết cả rồi. Tôi không muốn lặp lại nữa nên giữa trời đất mênh mang, giữa cái khoảng khắc giao mùa kỳ lạ thì điều khiến cho tâm hồn tôi phải lay động, phải giật mình để nhận ra đó chính là hương ổi.... Hương ổi tự nó xộc thẳng vào những miền thơ ấu thân thiết trong tâm hồn chúng ta. Mùi hương đơn sơ ấy lại trở thành quý giá vì nó đã trở thành chiếc chìa khóa vàng mở thẳng vào tâm hồn mỗi người, có khi là cả một thế hệ...”. Cảm giác bất ngờ chợt đến “ bỗng nhận ra”,  chỉ một cụm từ thôi đủ để bộc lộ thái độ sững sờ của nhà thơ khi bắt gặp hương thu, tín hiệu đơn sơ từ cuộc sống.
            Từ “hương ổi”, “gió se”, nhà thơ giật mình nhìn ra ngoài để rồi tiếp tục phát hiện thêm “sương chùng chình qua ngõ”. Sương thu ở đây không lạnh, không dày đặc như trong thơ của Tản Đà: “Sương thu lạnh …Khói thu xây thành” mà mờ ảo nhẹ nhàng lan tỏa khắp nơi. Nhờ có sương nên mùa thu dễ nhận ra hơn. Tác giả đã nhân hóa hình ảnh sương thu bằng cái cảm giác chùng chình như lưu luyến bâng khuâng, như ngập ngừng bịn rịn  khiến cho sự vật trở nên sống động, có hồn. Tất cả sự biến chuyển của thiên nhiên được nhà thơ đón nhận bằng  bằng nhiều giác quan: khứu giác, xúc giác, thị giác  và cả trực giác tinh tế của một nhà thơ đang mở rộng tâm hồn với thiên nhiên cuộc sống.
            Câu thơ cuối mở đầu bằng thành phần tình thái “ hình như”. Tác giả đang bộc lộ cảm giác ngỡ ngàng bối rối trước sự chuyển mùa của đất trời. Sự bâng  khuâng đầy nghi hoặc ấy càng làm tôn thêm vẻ huyền ảo của không gian lúc thu về.      
Thế rồi, cái bỡ ngỡ ban đầu ấy được thay thế bằng niềm rung cảm mãnh liệt khi phát hiện ra hàng loạt tín hiệu khác của mùa thu:
                                    “ Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
            Con sông ngầu đục phù sa lúc nào cũng cuộn chảy trong những ngày mưa mùa hạ giờ đây bỗng trở nên êm ả, dềnh dàng như đang ngẫm nghĩ, suy tư. Có vẻ đã qua rồi những cơn mưa mùa hạ cho nên dòng sông đã trở lại với vẻ bình yên phẳng lặng ban đầu của nó, một vẻ đẹp từng đi vào những vần thơ tuyệt cú của Bà Huyện Thanh Quan :
                                   
“ Xanh om cổ thụ tròn xoe tán
  Trắng xóa Tràng giang phẳng lặng tờ”
                                                                        (Tức cảnh chiều thu)
Tương phản với hình ảnh dòng sông, những cánh chim lại bắt đầu vội vã chuẩn bị cho chuyến bay về phương Nam tránh rét. Trong những đàn chim đang xôn xao vì làn gió lạnh của mùa thu, không biết có con ngỗng trời nào từng được cụ Nguyễn Khuyến miêu tả.
“Một tiếng trên không ngỗng nước nào” – (Thu ẩm)
Chỉ một từ “ bắt đầu” thôi, Hữu Thỉnh đã thể hiện sự cảm nhận tinh tế, sâu sắc trước sự biến chuyển của thiên nhiên. Hai hình ảnh, hai trạng thái được xây dựng tương phản nhau, nhưng vẫn thống nhất cao :  mùa thu đang về nhưng chưa về hẳn.
Tuy nhiên, tả mùa thu, nhà thơ không tả sắc xanh biếc của da trời mà chỉ chú ý đến một chút mây còn vương vấn không khí mùa hè:
                                    “ Có đám mây mùa hạ
                                       Vắt nửa mình sang thu”
            Chỉ một áng mây bâng khuâng mà có thể thấy được cả cả bầu trời đang nhuộm sắc thu. Lối diễn đạt thật là độc đáo, giàu hình tượng. Chỉ một từ “vắt” thôi, ta có cảm giác như bầu trời được chia đôi với hai khoảng không gian của hai mùa Thu – Hạ. Và, trong đám mây mùa hạ ấy dường như phảng phất chút hơi lạnh của gió thu đang đến. Những chi tiết thực và hư cứ hoà lẫn vào nhau tạo nên một chất thơ lãng mạn đến lạ lùng.
            Nối tiếp mạch cảm xúc của hai khổ trên, khổ thứ ba đem đến cho bài thơ một vẻ đẹp mới, làm cho chủ đề ý nghĩa của bài thơ thêm trọn vẹn:
                                    “ Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
            Vẫn là những hình ảnh của thiên nhiên: “ nắng”, “mưa”, “ sấm”, “chớp”…nhưng mức độ cảm nhận trong thơ hoàn toàn khác hẳn. Bầu trời dường như vẫn còn lưu luyến những tia nắng rực rỡ của mùa hè, nhưng những cơn mưa đã dần dần vơi hết, và hàng cây lâu năm trên phố cũng quen dần với những tiếng sấm trong mưa. Nhưng, người đọc hoàn toàn có thể cảm nhận mùa thu trong hai câu thơ cuối được khẳng định bằng kinh nghiệm, bằng suy ngẫm chứ không phải bằng miêu tả. Đâu phải ngẫu nhiên mà tác giả đặt hình ảnh “hàng cây đứng tuổi” vào cuối bài thơ. Phải chăng sự “ đứng tuổi” ấy  là một cách nói để chỉ tâm hồn, cuộc đời của mỗi con người? Sự chín chắn điềm tĩnh của cây trước sấm sét bão giông  phải chăng là sự từng trải chín chắn của con người khi tuổi đời đã chuyển dần “ sang thu”? Đến đây, chúng ta mới hiểu tại sao các hình ảnh sự vật trong những khổ thơ trước cứ “ chùng chình”, “dềnh dàng” hoặc có khi “ vội vã”…
Thời gian cứ trôi dần qua, con người mãi tất bật với bao lo toan bận rộn, bỗng chốc nhìn lại thì mái tóc điểm sương- mùa thu cuộc đời đã đến bất chấp sự nghi hoặc, bất ngờ .
            Tóm lại, chỉ vẻn vẹn có ba khổ thơ với thể thơ năm chữ, nhà thơ đã dựng lại một bức tranh thu nồng đượm hơi ấm cuộc đời, hơi ấm của quê hương và cả những cảm xúc rất tinh tế, rất chân thật của nhà thơ trước sự thay đổi của đất trời của con người theo thời gian. Cùng với những bài thơ thu bất hủ của các nhà thơ lớp trước, Hữu Thỉnh đã tô điểm thêm cho vườn thơ một thoáng giao mùa tuyệt đẹp của thiên nhiên.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.