Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

NHÀ THƠ CHÍNH HỮU




Nhà thơ Chính Hữu
Tên khai sinh: Trần Đình Đắc, quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh
Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957)
Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt II (2000)
Tác phẩm chính: Đầu súng trăng treo (1966), Thơ Chính Hữu (1977)
Cũng như nhiều văn nhân trí thức lừng danh khác có chung gốc Nghệ, Chính Hữu (1926-2007) chính quê Hà Tĩnh, nhưng khi đi học lại ở Vinh, rồi ra Hà Nội học tiếp để có học vấn và nhãn quan cao rộng hơn.
Trong số mấy chục  nhà văn Việt Nam đã được nhận Giải thưởng cao nhất của Nhà nước là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, Chính Hữu viết ít hơn cả.
Tuyển tập Chính Hữu do NXB Văn học ra năm 1998 chỉ có khoảng 130 trang in thơ do ông sáng tác (54 bài) và dịch (5 bài). Đó là một con số không nhiều, rất không nhiều, nhưng không hề đáng tiếc, bởi cái số lượng này đã là một minh chứng hiện đại cho thành ngữ  Quý hồ tinh bất quý hồ đa mà các bậc túc Nho, các lão nông tri điền xứ Nghệ vẫn hay coi là một phương châm hành xử từ lâu.
Tìm hiểu cốt cách con người và sáng tác của Chính Hữu, ta thấy có vài đặc điểm khiến ông có vị thế cao trong làng văn.
Thứ nhất, ông là nhà thơ chiến sĩ. Gọi Chính Hữu như thế, không chỉ vì ông từng là chiến sĩ, là cán bộ của Trung đoàn thủ đô lừng danh từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (1946), không chỉ vì trong môi trường quân ngũ, từ chiến sĩ, ông đã thành một đại tá… mà hơn thế, là vì: sáng tác của ông đều viết về người lính, để cho người lính đọc, hoặc nói rộng hơn, sáng tác của Chính Hữu thường lấy cảm hứng từ cuộc chiến đấu hoặc lao động dựng xây cuộc sống mới của anh bộ đội và một số ít hơn - là người dân bình thường trong tư thế của một chiến sĩ: quả cảm kiên cường, chấp nhận gian nguy và vui cười  lạc quan ngay cả khi đang ở thời điểm gian khó, hiểm nghèo.
Chiến tranh cách mạng giải phóng Tổ quốc với hình tượng nổi bật là người chiến sĩ này là một chủ đề lớn của thơ ca hiện đại Việt Nam. Trong chủ đề này, Chính Hữu đã có nhiều câu thơ như chạm khắc, như tạc tượng anh bộ đội, này là anh vệ quốc quân ở thời chống Pháp: Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá/ Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen  nhau… Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo… Còn đây là lớp lớp thanh niên náo nức cùng cả nước lên đường đánh Mỹ: Xóm dưới làng trên con trai con gái/ Xôi nắm cơm đùm ríu rít theo nhau/ Súng nhỏ súng to chiến trường chật chội/ Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu…
Hình tượng anh bộ đội, người chiến sĩ trong thơ Chính Hữu sống động và phát triển. Là một trí thức trẻ mang cái ý chí của dân Nghệ và cái hào hoa của thị thành Hà Nội vào quân ngũ, ông mô tả hình ảnh anh vệ quốc thật hào hùng, đẹp vẻ đẹp của những tráng sĩ muôn năm trước: Đêm nay ta đi đất trời bốc lửa/ Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng/ Những người con gái con trai say mê sự tích anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/ Rách tả tơi rồi đôi hài vạn dặm/ Bụi trường chinh phơi bạc áo hào hoa.
Càng về sau, hình tượng người chiến sĩ trong thơ ông càng đẹp vẻ đẹp chân thực hơn. Nhiều khi, hình tượng ấy hoà nhập với hình tượng đất nước Việt Nam kiên trung son sắt Như ngọn đèn đứng gác, như bước chân thần tốc trong chiến dịch tổng tiến công Xuân 1975, và cũng có lúc lại chính là hình ảnh của một Cô gái công binh Trường Sơn: Chỉ mái tóc em là xanh/ Trên ngọn đèn cháy trụi/ Trong tiếng đạn bom dữ dội/ Chỉ tên em là nghe dìu dặt hiền lành.
Viết về người lính, với Chính Hữu, là viết về Tổ quốc Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh, để gửi gắm bao tình mến thương, cảm phục, và tự hào theo cái cách riêng của ông ở những vần thơ hàm súc, có ngôn từ bình dị mà giàu nghĩa biểu trưng.
Thứ hai, cái chất thơ bình dị mà giàu nghĩa biểu trưng trong tác phẩm Chính Hữu, vốn có nguồn gốc từ con người ông - một thanh niên có học thức quả quyết đi ra trận, một cán bộ chính trị dày dạn, một người đàn ông hay trầm tư ngẫm nghĩ… Con người ấy sinh ra cái chất thơ ấy, nên đọc thi phẩm của ông, bên cạnh hình tượng người chiến sĩ sáng đẹp hào hùng, ta thấy có hình tượng một Người bộ hành lặng lẽ. Trong bài thơ này, ông bộc lộ: Đi bộ là hành vi đẹp nhất/ Của con người/ Tôi hướng đến tận niềm vui/ Của cái lặng im trong sự cô độc/ Đó là trạng thái/ hạnh phúc/ Để nghĩ được nhiều/ Và làm được nhiều việc.
Thơ như nói, tự nhiên, ít vần điệu mà như chỉ chú tâm diễn đạt ý tưởng, cái ý tưởng ngỡ như trái khoáy, khó hiểu, nhưng đọc tiếp, ta thấy rõ dần: Tôi đi giữa lòng Hà Nội/ Gặp vô vàn con người ai cũng dễ thương/ Vì tôi chỉ đi, chỉ ngắm, chỉ nhìn, không nói nhiều nên không phải cãi lại/  Tâm hồn không bị khét lên vì mùi ét xăng hiện đại…
Thơ là bức chân dung tự hoạ, đôi khi như vô thức mà nên. Lại nói về tình yêu, Chính Hữu cho ta hiểu về ông là: không nói/ Ấy là đã nói/ Tiếng đàn im bặt càng nghe tiếng ngân/ Khi yêu lặng câm/ Ấy là yêu mãi.
Thơ Chính Hữu có cái điệu lí bên trong, có cái nhạc điệu của tấm lòng chứ không chỉ ở âm vang của vần điệu thanh âm. Nghệ thuật ấy hài hòa với ý tưởng, cho ta nhận ra đặc sắc và vị thế của một thi nhân đảm lược và tự tin.
Ngyên An
(Theo VanVN.Net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.