Nguyễn Hữu Sơn
Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga có 60 câu thơ,
thuộc phần đầu của Truyện Lục Vân Tiên. Nội dung phần đầu truyện kể về chàng
thư sinh Lục Vân Tiên khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn, từ nhỏ đã đi học xa
nhà. Biết tin triều đình mở khoa thi, chàng từ biệt thầy xuống núi
tham dự. Trên đường rẽ qua nhà thăm cha mẹ, chàng đánh tan
bọn cướp Phong Lai, cứu được người đẹp Kiều Nguyệt Nga con quan tri phủ Hà Khê.
Đọc qua đoạn trích có thể thấy Nguyễn Đình Chiểu sử dụng rất
nhiều từ ngữ in đậm dấu ấn vùng văn hóa Nam Bộ, phương ngôn Nam Bộ, ngữ âm Nam
Bộ: “bên đàng, tìm đàng, đàng xa, giữa đàng” (bên đường, tìm đường, đường xa,
giữa đường), “xông vô” (xông vào), “tại mầy” (tại mày), “xe nầy, con nầy” (xe
này, con này), “chưa hãn dạ nầy” (lòng này chưa tỏ, chưa biết chắc), “rước tôi”
(đưa tôi), “hay vầy” (biết vậy, biết thế này), “rõ đặng” (rõ được)… Việc sử
dụng một cách sinh động, chính xác, hợp lý vốn từ ngữ địa phương chứng tỏ tác
giả thông thuộc, am hiểu con người và cuộc sống quê hương Nam Bộ. Điều này tạo
nên tính đặc trưng, điển hình của hệ thống nhân vật gắn với một vùng văn hóa cụ
thể, đồng thời góp phần làm phong phú thêm vốn ngôn ngữ nghệ thuật của cả dân
tộc.
Trong tương quan chung, đoạn thơ mô tả hình ảnh chàng thư
sinh Lục Vân Tiên dũng cảm đương đầu với bọn cướp và thể hiện tinh thần trọng
nhân nghĩa qua những lời đối đáp với Kiều Nguyệt Nga. Trước hết, từ câu mở đầu
đến câu thứ 14 - Bị Tiên một gậy thác rày thân vong, Nguyễn Đình Chiểu mô tả
hành động quyết đoán “bẻ cây làm gậy”, “xông vô” để đánh lại tên tướng cướp
Phong Lai và đồng bọn “đảng hung đồ”, “hồ đồ hại dân”. Đây là sự đối đầu giữa
chàng thư sinh anh hùng với tên Phong Lai “mặt đỏ phừng phừng” và đám quân “bốn
phía phủ vây bịt bùng”. Nhà thơ cực tả hình ảnh Lục Vân Tiên “tả đột hữu xung”
và sử dụng điển tích: Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang… Theo tiểu thuyết
chương hồi Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung (Trung Quốc), nhân vật viên
tướng trẻ Triệu Vân, còn gọi Triệu Tử Long, đã một mình phá vòng vây của Tào
Tháo, bảo vệ được A Đẩu, con của chủ tướng Lưu Bị. Việc sử dụng điển tích, so
sánh Lục Vân Tiên với Triệu Tử Long khiến cho câu thơ trở nên hàm súc, phát huy
được lối nói khoa trương, tôn vinh phẩm chất nhân vật cũng ngang bằng với người
anh hùng nổi tiếng thời Tam quốc. Sử dụng điển tích là một biện pháp nghệ thuật
phổ biến trong Truyện Lục Vân Tiên cũng như với hầu hết các tác phẩm văn chương
dưới thời trung đại.
Phần tiếp theo kể từ câu thứ 15- Dẹp rồi lũ kiến chòm ong
đến hết đoạn trích, Nguyễn Đình Chiểu triệt để sử dụng hình thức hỏi – đáp để
nhân vật có dịp tự giới thiệu về mình, qua đó bày tỏ tình cảm, suy nghĩ, quan
niệm đạo đức, tính cách và lối sống… Lục Vân Tiên là nhân vật chủ động trước sự
kiện đánh thắng bọn cướp và cả ở tình thế gặp gỡ Kiều Nguyệt Nga. Trong tổng số
43 câu thơ hỏi – đáp, Lục Vân Tiên chỉ được dành cho 15 câu nhưng luôn đóng vai
người dẫn chuyện, chủ động tìm hiểu và bày tỏ thái độ:
- Dẹp rồi lũ
kiến chòm ong,
Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe này?”.
- Vân Tiên nghe
nói động lòng…
- Vân Tiên nghe
nói liền cười…
Vốn là kẻ sĩ thấm nhuần lễ giáo, sau khi nghe lời khẩn cầu
của người hầu “Cúi đầu trăm lạy cứu cô tôi cùng”, Lục Vân Tiên nói rõ:
Khoan khoan ngồi
đó chớ ra,
Nàng là phận gái,
ta là phận trai.
Về phía Kiều Nguyệt Nga, nàng kể rõ tên mình và người hầu,
quê hương, gia đình, công việc. Qua cách nói cũng có thể xét đoán được Kiều
Nguyệt Nga là con người dịu dàng, khiêm nhường, mực thước, hiếu nghĩa, biết
mình biết người: “đâu dám cãi cha”, “tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa”, “liễu yếu đào
thơ”, “Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”. Sau khi thanh minh về cảnh ngộ
hiện thời, nàng có ý mời chàng về quê để báo đền công ơn:
… “Trước xe quân
tử tạm ngồi,
Xin cho tiện
thiếp lạy rồi sẽ thưa…
… Hà Khê qua đó
cũng gần,
Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng.
Gặp đây đương lúc giữa đàng,
Của tiền chẳng có, bạc vàng cũng không.
Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”.
Lục Vân Tiên vốn là con người “Làm ơn há dễ trông người trả
ơn”, sau khi nghe lời bày tỏ của Kiều Nguyệt Nga lại càng khẳng định thêm tinh
thần nghĩa hiệp, chính trực, trọng nghĩa khinh tài:
… “Nay đà
rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai tính
thiệt so hơn làm gì.
Nhớ câu
kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
Trở lại con người đời thường, Lục Vân Tiên không “tính thiệt
so hơn” và nhắc lại câu nói “kiến nghĩa bất vi”. Nguyên văn cả câu này là “Kiến
nghĩa bất vi vô dũng giã” (Gặp việc nghĩa mà không hành động thì không phải
người dũng lược), ý muốn đề cao tinh thần người anh hùng dám xả thân vì việc
nghĩa, giữa đường thấy sự bất thường thì cần can thiệp, giúp đỡ. Điều quan
trọng hơn, ngay cả sau khi nghe lời Kiều Nguyệt Nga nói về sự đền ơn, Lục Vân
Tiên vẫn thành thực với quan niệm sống của mình, trước sau vẫn kiên định với tư
tưởng làm việc nghĩa như một phẩm chất bậc anh hùng hảo hán, không đòi hỏi được
hưởng ơn huệ, tiền tài vật chất.
Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga gắn với sự kiện
đánh kẻ cướp cứu người đẹp được thể hiện như một mẫu hình người anh hùng vốn
phổ biến trong truyện dân gian cũng như nhiều tác phẩm văn học trung đại. Có
thể nói chủ đề này nằm trong truyền thống cốt truyện kể về sự gặp gỡ “tài tử -
giai nhân”, “trai tài, gái sắc”, “trai anh hùng, gái thuyền quyên”. Đây cũng là
một phương diện trong truyền thống mĩ học của người xưa nhằm tôn vinh vẻ đẹp
bậc “tài tử - giai nhân”, xây dựng hình ảnh nhân vật lý tưởng kiểu mẫu, góp
phần tôn vinh những giá trị, phẩm chất nhân nghĩa của con người trong một xã
hội còn nhiều bất công, loạn lạc./.
(NGUỒN: http://vannghedanang.org.vn/nonnuoc/)
thầy có những bài văn tuyệt vời
Trả lờiXóa