Mở bài:
Thế giới mà chúng ta đang sống hôm nay đang cần
lắm những bàn tay của con người sẵn sàng mở rộng lòng nhân ái. Nếu hạnh phúc và
niềm vui được sẻ chia thì nỗi buồn sẽ bị dập tắt còn hạnh phúc và niềm vui thì
sẽ được nhân đôi. Con người khi trao đi yêu thương cho người khác, tức là họ
cũng đã nhận lại yêu thương cho mình, và con người đó luôn có được những điều
tốt đẹp cho bản thân và cho những người xung quanh nữa . Có lẽ đó cũng chính là
nội dung của câu ngạn ngữ mà người Bungari muốn gửi tặng đến tất cả chúng ta “Bàn
tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”.
Thân bài:
1. Giải thích
Hoa hồng là loài hoa đẹp nhất
trong các loài hoa, nó là biểu tượng cho tình yêu và hạnh phúc từ bao đời nay.
Hoa hồng đây chính là ẩn dụ cho tình yêu thương, sự sẻ chia. Còn hương
thơm chính là điều tốt đẹp mà ta đón nhận được khi ta trao đi tình yêu
thương đó. Hoa hồng có mùi hương rất đậm nên trao cho người khác rồi mà hương
thơm vẫn còn đọng mãi trên bàn tay ta. Nói như thế có nghĩa là hương thơm là hệ
quả của việc trao tặng hoa hồng. Nói một cách khái quát, khi ta trao những điều
tốt đẹp cho người khác là lúc lòng ta rộng mở, tình yêu thương của ta sẽ trở
thành sức mạnh là thứ hương thơm làm sảng khoái cho ta và biết bao người
. Chính việc làm tốt đẹp của ta là bông hoa ngát hương cho cuộc sống thêm tươi
đẹp. Từ đó thế giới sẽ bớt đi bất hạnh và bệnh vô cảm sẽ bị đẩy lùi.
2. Chứng minh tính tích cực
của câu ngạn ngữ:
Câu phương ngôn đưa ra một quan niệm sống
tích cực: Sống là phải biết quan tâm sẻ chia, dâng tặng người bên ta, quanh ta
những điều tốt đẹp “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Người biết trao tặng hoa hồng, trao tặng yêu thương là người giàu có về tâm
hồn. Giúp đỡ người khác, mang đến hạnh phúc cho người khác chính là cách để tô
đẹp tâm hồn mình. Bạn nên nhớ rằng, khi bạn đang vui thì trên thế giới này có
biết bao người đang buồn, khi bạn đang hạnh phúc thì quanh bạn đang có biết bao
người rơi vào hoàn cảnh bất hạnh, thiếu may mắn. Nếu cuộc sống của bạn chỉ nghĩ
cho riêng mình thì thế giới quanh bạn chỉ toàn những điều ích kỷ. Nhưng nếu bạn
biết trao đi yêu thương chính là bạn đang chữa căn bệnh vô cảm cho chính mình
vì “Nghèo nàn về vật chất dễ chữa, nghèo nàn về tâm hồn khó chữa” . Bạn
đừng sợ khi yêu thương trao đi, nó không mất đi đâu bạn ạ mà ngược lại: Yêu
thương trao đi là yêu thương nhận lại mãi mãi. Ta mang đến cho người khác sự
tốt đẹp, chính là đang mang lại điều cao đẹp cho tâm hồn mình. Biểu hiện của
yêu thương có muôn hình vạn trạng. Yêu thương tràn ngập khắp nơi, có nhiều cách
để trao tặng. Đấy có thể là một ánh mắt quan tâm lo lắng hay cử chỉ ân cần với
một người dưng khi người ấy đau buồn hay mệt mỏi. Đó có thể là nhường một chỗ
ngồi cho người già trên xe Buýt hay dắt một em bé ăn xin qua đường… Điều mà ta
đón nhận lại từ những người ấy phải chăng là ánh mắt cảm ơn là tình yêu - trái
tim của người mà ta trao tặng? Và cũng có khi chỉ đơn giản là cảm giác hạnh phúc,
hài lòng về điều mình làm được cho người khác? Dù sao đi nữa, những thứ vô hình
ấy mà ta nhận lại sẽ mãi là bất diệt. Tiền bạc, địa vị vật chất tiêu dần sẽ hết
nhưng yêu thương càng tiêu đi, càng cho đi càng lớn dần lên. Người giàu có nhất
trên thế giới chính là người có được nhiều hương thơm nhất từ những đóa hồng mà
mình đã trao đi.
Cho
và nhận ở đây không phải là một sự trao đổi qua lại một cách bình thường. Bởi
khi cho đi những điều tốt đẹp, ta cũng cảm thấy sự thanh thản, niềm vui, niềm hạnh
phúc trong tâm hồn ta, góp phần làm cho đời thêm đẹp, thêm vui. Chia sẻ niềm
vui với mọi người là nhân đôi niềm vui đó. Những đóa hồng yêu thương
ấy của trái tim con người đã viết nên bao câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Ca sĩ Ngọc Sơn, người từng bị cộng đồng mạng tẩy chay vì những hành động vui
“thái quá” . Có ai ngờ được rằng đằng sau con người ấy lại là một trái tim giàu
nghĩa, giàu tình. Anh là nhà từ thiện hàng đầu trong làng giải trí Việt: hàng
tháng anh phát hàng tấn gạo cho người nghèo; hơn 10 năm qua, mỗi tháng anh ủng
hộ cho quỹ trẻ em nghèo thành phố Hồ Chí Minh với số tiền là 20 triệu đồng; năm
2011 vừa qua, anh làm đơn xin hiến xác cho y học để các sinh viên nghành y có điều
kiện học tập tốt hơn. Anh còn xuất hiện trong hầu hết các chương trình ca nhạc
từ thiện gây quỹ cho người nghèo… anh chính là tấm lòng thơm thảo của thành phố
mang tên Bác.
Cô
sinh viên tên Thúy trong chương trình “Viết tiếp ước mơ của Thúy”.
Dù bị bệnh ung thư giai đoạn cuối nhưng Thúy vẫn chiến đấu với bệnh tật để đem
trái tim yêu đời của mình để kết nối với muôn triệu trái tim con người Việt Nam cùng nhau
làm nên chương trình thiện nguyện: Vì trẻ em bị bệnh ung thư. Cũng như vậy, tôi
lại nhớ đến câu chuyện về bạn Nguyễn Thúy Vy (Đà Nẵng), bị bệnh ung thư gan
giai đoạn cuối nhưng Vy vẫn thi ĐH và sau kỳ thi ĐH năm 2010, Vy đã đến bệnh
viên Đa khoa Đà Nẵng, tình nguyện hiến trái tim mình cho bệnh viện để kéo dài sự
sống cho những người mắc chứng bệnh tim. Cùng đó là những anh chị sinh viên,
học sinh, thanh niên tham gia phong trào Hiến máu nhân đạo. Một giọt máu hồng
là một sự sống được tiếp nối, một giọt máu hồng là một tấm lòng ngan ngát hương
thơm trao đi để kéo dài sự sống cho biết bao nhiêu người.
Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống. Câu chuyện trong Chiếc lá
cuối cùng của O’ Henry thật cảm động; khi mà tình yêu thương được lên ngôi nơi
một phố trọ nghèo, cái phố trọ ấy thật gần gũi bởi cuộc đời đã bước vào văn
chương. Cụ Berhman hi sinh cả sự sống của mình để đem lại cho Giônxi niềm tin
vào cuộc sống- đúng hơn là sự sống của chính cô. Cô gái ấy đã chiến thắng được
cái chết và lại tiếp tục thực hiện những ước mơ của mình. Chính là nhờ từ “đóa
hồng” của cụ Berhman. Điều kỳ diệu ấy đã khiến cho sự ra đi của cụ mới nhẹ
nhàng, thanh thản vô cùng. Ông họa sĩ già ra đi trong sự mãn nguyện bởi tình
cảm yêu thương, lòng biết ơn của Giônxi và Xiu dành cho cụ mãi là đoá hồng ngát
hương giữa đời. Anh thanh niên không tuổi không tên trong lặng lẽ Sa Pa
mãi là một khúc nhạc của lòng hi sinh và sự hiến dâng cho đời. Họ mãi mãi là
những con người ban phát hoa hồng cho những ai đang cần ban tặng.
3. Bài học nhận thức và hành động.
Câu
nói: “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm” là lời
nhắc nhở, cảnh tỉnh cho con người về một quan niệm nhân sinh. Hãy trao tặng tất
cả những gì bạn có, đừng chần chừ hay e ngại bởi những gì bạn nhận được còn
nhiều hơn thế nữa. Ai cũng có quyền trao đi hoa hồng, ai cũng có quyền nhận lấy
hương thơm… Hãy mở lòng ra với mọi người, với cuộc đời.Vậy mà, một điều đáng
buồn là không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của yêu thương. Nhiều bạn
trẻ suốt ngày không lo học tập mà chỉ biết chơi bời, học đòi lối sống
thời thượng. Họ ăn chơi sa đọa, tiêu tiền như nước vào các trò chơi vô bổ như:
quán Bar, vũ trường, đua xe… để từ đó, tương lai và tuổi trẻ của họ cũng tuột
xuống dưới con dốc của cuộc đời. Thói ăn chơi ấy là căn nguyên của Bệnh vô cảm
đang lấn áp và có nguy cơ biến con người thành tộc ác. Đúng như một hiền triết
phương Tây đã từng nói “Nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc cực mà là nơi
thiếu tình thương của con người”. Vậy tại sao chúng ta không góp phần đem
yêu thương để đẩy lùi sự vô cảm ấy?
Kết
bài: Với bản thân tôi, được sống trên cõi đời này là
một hạnh phúc lớn lao. Cuộc sống đã ban tặng cho tôi bao điều kỳ diệu. Có lẽ vì
vậy mà bản thân tôi luôn tâm niệm rằng: cuộc sống là sự sẻ chia và yêu thương.
Nếu như chúng ta ai cũng sẻ chia, yêu thương thì thế giới này sẽ không còn khổ
đau và bất hạnh mà chỉ toàn là hạnh phúc và niềm vui. Xin được lấy bốn câu thơ
của Tố Hữu thay cho lời kết:
Xin gửi lại bạn
đời yêu quý nhất
Còn mấy vần thơ
một nắm tro
Thơ gửi bạn đường
tro bón đất
Sống là cho, chết
cũng là cho
(BẢN QUYỀN THUỘC VỀ THẦY GIÁO PHAN DANH HIẾU,
BIÊN HÒA, ĐỒNG NAI.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.