Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Ý nghĩa nhan đề các tác phẩm Văn học lớp 9

1. HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ (NGÔ GIA VĂN PHÁI)
- Ghi chép lại việc vua Lê thống nhất đất nước.
2. ĐỒNG CHÍ (CHÍNH HỮU)
- Đồng chí là tên gọi của một tình cảm mới, đặc biệt xuất hiện và phổ biến trong những năm cách mạng và kháng chiến.
- Tên bài thơ gợi chủ đề tác phẩm: viết về tình đồng chí ở những người lính trong chống Pháp- những con người nông dân ra lính. Với họ tình đồng chí là một tình cảm mới mẻ.
- Tình đồng chí là cốt lõi, là bản chất sâu xa của sự gắn bó giữa những người lính cách mạng; là nốt nhấn và là lời khẳng định về tình đồng chí. (trong bài thơ tác giả đã tập trung làm nổi bật nội dung này.)
3. BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH (PHẠM TIẾN DUẬT)

- Nhan đề làm nổi bật một hình ảnh rất độc đáo của toàn bài và đó là hình ảnh hiếm gặp trong thơ - hình ảnh những chiếc xe không kính.
- Vẻ khác lạ còn ở hai chữ “ bài thơ” tưởng như rất thừa nhưng là sự khẳng định chất thơ của hiện thực, của tuổi trẻ hiên ngang, dũng cảm, vượt lên nhiều thiếu thốn, hiểm nguy của chiến tranh.

4. MÙA XUÂN NHO NHỎ (THANH HẢI)
-Tên bài thơ là một sáng tạo độc đáo, một phát hiện mới mẻ của nhà thơ.
- Hình ảnh mùa xuân nho nhỏ là biếu tương cho những gì tinh túy nhất, đẹp đẽ nhất của sự sống và của cuộc đời mỗi con người.
- Thể hiện nguyện ước của nhà thơ muốn làm một mùa xuân,nghĩa là sống đẹp, sống với tất cả sức sống tươi trẻ của mình nhưng rất khiêm nhường là một mùa xuân nhỏ góp vào mùa xuân lớn của đất nước của cuộc đời.
- Thể hiện quan điểm về sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng.

5. LÀNG (KIM LÂN)

- Đặt tên là “Làng” vì truyện đã khai thác một tình cảm bao trùm, phổ biến trong con người thời kì kháng chiến chống Pháp: tình cảm với quê hương ,với đất nước.
- Làng ở đây cũng chính là cái Chợ Dầu mà ông Hai yêu như máu thịt của mình, nơi ấy với ông là niềm tin, là tình yêu và niềm tự hào vô bờ bến là quê hương đất nước thu nhỏ.
=> Tình cảm yêu làng yêu nước không chỉ là tình cảm của riêng ông Hai mà còn là tình cảm chung của những người dân Việt Nam thời kì ấy.
- Chủ đề của tác phẩm là viết về lòng yêu nước của người nông dân - làng nơi gần gũi, gắn bó với người nông dân, người ta không thể yêu nước nếu không yêu làng.

6. Ý nghĩa nhan đề truyện ngắn “Lặng lẽ Sa pa”:

Tác giả đặt tên truyện là “Lặng lẽ Sa pa” vì Sa pa là nơi có khí hậu mát mẻ, trong lành, nơi có không gian tĩnh mịch, yên ắng, thơ mộng- nơi nghỉ mát nổi tiếng, lí tưởng. Thế nhưng, bên trong cái vỏ yên tĩnh, lặng lẽ ấy là cả một cuộc sống sôi động của những con người đầy trách nhiệm, tâm huyết đối với công việc, đối với đất nước.

Nhan đề “Lặng lẽ Sa pa” đã thể hiện rõ chủ đề của truyện: ca ngợi vẻ đẹp và ý nghĩa những công việc thầm lặng của các nhà khoa học ở Sa pa.

7. ÁNH TRĂNG (NGUYỄN DUY)
- Ánh trăng chỉ một thứ ánh sáng dịu hiền, ánh sáng ấy có thể len lỏi vào những nơi khuất lấp trong tâm hồn con người để thức tỉnh họ nhận ra những điều sai trái, hướng con người ta đến với những giá trị đích thực của cuộc sống.

8 . KHÚC HÁT RU NHỮNG EM BÉ LỚN TRÊN LƯNG MẸ (NGUYỄN KHOA ĐIỀM)

- Những em bé chứ không phải một em bé nhằm mang tính khái quát. Chỉ một thế hệ những con người lớn lên được nuôi dưỡng từ trên lưng mẹ. Người mẹ Tà Ôi trong tác phẩm cũng là đại diện cho các bà mẹ Việt Nam có tình yêu con gắn liền với tình yêu đất nước.

9. NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI (LÊ MINH KHUÊ)

- Những ngôi sao là biểu tượng cho vẻ đẹp anh hùng của những cô gái thanh niên xung phong Trường Sơn thời chống Mĩ. Ở họ luôn có những phẩm chất tốt đẹp, có sức tỏa sáng kì diệu. Ánh sáng ấy không phô trương mà phải chịu khó tìm hiểu chúng ta mới cảm nhận được vẻ đẹp diệu kì. Các chị xứng đáng là “Những ngôi sao xa xôi” trên đỉnh Trường Sơn, những ngôi sao dẫn đường cho dân tộc Việt nam đi tới thắng lợi.

10. CHIẾC LƯỢC NGÀ (NGUYỄN QUANG SÁNG)
- Vì chiếc lược ngà là kỷ vật cuối cùng ông Sáu dành cho con.
- Là minh chứng cho tình cảm giữa hai cha con ông Sáu-> chiếc lược của hi vọng và niềm tin, là quà tặng của người đã khuất....


Nguồn: Báo Giáo dục TpHCM ( http://giaoduc.edu.vn/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.