Đọc – Hiểu văn bản :
Đoạn trích ở phần sau
của hồi mười bốn. Có thể chia làm ba đoạn :
+ Đoạn 1 (từ đầu đến
“hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng chạp năm Mậu Thân (1788)”) : được tin báo quân
Thanh đã chiếm Thăng long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và thân
chinh cầm quân ra Bắc dẹp giặc.
+ Đoạn 2 (tiếp theo đến
“vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long rồi kéo vào thành”) : cuộc hành quân
thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.
+ Đoạn 3 (phần còn lại)
: sự đại bại của quân Thanh và tình trạng thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.
1. Hình tượng
người anh hùng Nguyễn Huệ :
Trong đoạn trích, hình
tượng Nguyễn Huệ nổi lên sáng ngời phẩm chất của người anh hùng.
a. Hành động mạnh
mẽ, quyết đoán :
Trong mọi tình huống,
Nguyễn Huệ luôn luôn thể hiện là một con người hành động một cách xông xáo,
nhanh gọn, có chủ đích và rất quả quyết. Nghe tin giặc đã đánh chiếm đến tận
Thăng Long, chiếm cả một vùng đất đai rộng lớn, Nguyễn Huệ vẫn không hề nao núng,
“định thân chinh cầm quân đi ngay”. Rồi sau đó, chỉ trong vòng một tháng (từ 24
tháng 11 đến 30 tháng chạp), Nguyễn Huệ đã làm được bao nhiêu việc lớn : “tế
cáo trời đất” lên ngôi Hoàng đế, “đốc xuất đại binh” ra Bắc, gặp gỡ “người cống
sĩ ở huyện La Sơn” Nguyễn Thiếp, tuyển mộ quân lính và mở cuộc duyệt binh ở
Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch hành quân, đánh giặc và kế hoạch đối
phó với nhà Thanh sau chiến thắng.
b. Trí tuệ sáng suốt, sâu sắc và nhạy
bén :
+ Trí tuệ ấy biểu hiện
trong việc xét đoán và dùng người. Khi đến Tam Điệp, gặp Ngô Văn Sở và Phan Văn
Lân “đều mang gươm trên lưng và xin chịu tội”, Nguyễn Huệ xử trí vừa có lí vừa
có tình. Ông rất hiểu sở trường, sở đoản của các tướng sĩ, khen chê đều đúng
người, đúng việc.
+ Trí tuệ ấy biểu hiện
trong việc phân tích tình hình thời cuộc và tương quan ta – địch. Trong lời phủ
dụ quân lính ở Nghệ An, vua Quang Trung khẳng định chủ quyền dân tộc của ta và
hành động xâm lăng phi nghĩa, trái đạo trời của giặc (đất nào sao ấy đều đã phân biệt rõ ràng) ; nêu bật dã tâm của
giặc (bụng dạ
ắt khác… giết hại nhân dân, vơ vét của cải) ; nêu cao truyền thống chống giặc
ngoại xâm của dân tộc ta từ xưa ; kêu gọi quân lính “đồng tâm hiệp lực ; ra kỉ
luật nghiêm minh… Lời phủ dụ như một bài hịch ngắn gọn mà ý tứ thật phong phú,
sâu xa, có tác dụng kích thích lòng yêu nước và truyền thống quật cường của dân
tộc.
c. Ý chí quyết
thắng và tầm nhìn xa trông rộng : mới khởi binh đánh
giặc, chưa giành lại được một tấc đất nào, vậy mà vua Quang Trung đã tuyên bố
chắc chắn như đinh đóng cột “phương lược tiến đánh đã có tính sẵn”, lại còn
tính sẵn cả kế hoạch ngoại giao sau khi chiến thắng một nước “lớn gấp mười nước
mình” để có thể “dẹp việc binh đao”, “cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực
lượng”.
d. Tài dụng binh
như thần :
Đến tận hôm nay, chúng
ta vẫn còn kinh ngạc vì cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn do vua
Quang Trung chỉ huy. Ngày 25 tháng chạp bắt đầu xuất quân ở Phú Xuân (Huế),
ngày 29 đã tới Nghệ An, vượt khoảng 350 km qua núi, qua đèo. Đến Nghệ An, vừa
tuyển quân, tổ chức đội ngũ, vừa duyệt binh, chỉ trong vòng một ngày. Hôm sau,
tiến quân ra Tam Điệp (cách khoảng 150km). Và đêm 30 tháng chạp đã “lập tức lên
đường”, tiến quân ra Thăng Long. Mà tất cả đều là đi bộ. Có sách còn nói vua
Quang Trung sử dụng cả biện pháp dùng võng khiêng, cứ hai người khiêng thì một
người được nằm nghỉ, luân phiên nhau suốt đêm ngày. Từ Tam Điệp ra Thăng Long
(khoảng hơn 150 km), vừa hành quân, vừa đánh giặc mà vua Quang Trung định kế hoạch
chỉ trong vòng 7 ngày, mồng 7 tháng giêng sẽ vào ăn tết ở Thăng Long. Trên thực
tế, đã thực hiện kế hoạch sớm hai ngày : trưa mồng 5 đã vào Thăng Long. Hành
quân xa liên tục như vậy, thường quân đội sẽ mệt mỏi, rã rời, nhưng nghĩa binh
Tây Sơn thì cơ nào đội ấy vẫn chỉnh tề. Đó là do tài tổ chức của người cầm quân
: hơn một vạn quân mới tuyển đặt ở trung quân, còn quân tinh nhuệ từ đất Thuận
Quảng ra thì bao bọc ở bốn doanh tiền, hậu, tả, hữu.
e. Lẫm liệt trong
chiến trận :
Hoàng đế Quang Trung
thân chinh cầm quân không phải chỉ trên danh nghĩa. Ông là một tổng chỉ huy
chiến dịch thực sự : hoạch định phương lược tiến đánh, tổ chức quân sĩ, tự mình
thống lĩnh một mũi tiến công, cưỡi voi đi đốc thúc, xông pha tên đạn, bày mưu
tính kế… Đội quân của vua Quang Trung không phải toàn là lính thiện chiến, lại
vừa trải qua những ngày hành quân cấp tốc, không có thì giờ nghỉ ngơi, vậy mà
dưới sự lãnh đạo tài tình của Quang Trung, đã đánh những trận thật hào hùng,
thật đẹp, thắng áp đảo kẻ thù (bắt sống hết quân do thám của địch ở Phú Xuyên,
giữ được bí mật để tạo thế bất ngờ, vây kín làng Hà Hồi, “quân lính luân phiên
dạ ran” làm cho lính trong đồn “ai nấy rụng rời sợ hãi” xin hàng ; công phá đồn
Ngọc Hồi, lấy ván ghép phủ rơm dấp nước để làm mộc che, dàn trận tiến đánh, khi
giáp lá cà thì “quăng ván xuống đất, ai nấy cầm dao ngắn chém bừa, những người
cầm binh khí theo sau cũng nhất tề xông tới”…). Khí thế của đội quân này làm
cho kẻ thù phải khiếp vía “Thật là : tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới
đất lên, và hình ảnh người anh hùng cũng được khắc hoạ thật lẫm liệt. Trong
trận đánh đồn Ngọc Hồi, giữa cảnh “khói tỏa mù trời, cách gang tấc không thấy
gì”, nổi bật hình ảnh nhà vua “cưỡi voi đi đốc thúc”. Có sách ghi khi Quang
Trung vào đến Thăng Long, tấm áo bào màu đỏ đã sạm đen khói súng.
* Cách trần thuật của
đoạn văn thật đặc sắc, không chỉ nhằm ghi lại những sự kiện lịch sử diễn biến
gấp gáp, khẩn trương qua từng mốc thời gian, mà còn chú ý miêu tả cụ thể từng
hành động, lời nói của nhân vật chính, từng trận đánh và những mưu lược tính
toán, thế đối lập giữa hai đội quân (một bên thì xộc xệch, trễ nãi, nhát gan,
một bên thì xông xáo dũng mãnh, tổ chức nghiêm minh). Qua đó, hình ảnh người
anh hùng được khắc họa khá đậm nét, có tính cách quả cảm, mạnh mẽ, có trí tuệ
sáng suốt, nhạy bén, có tài dụng binh như thần, là người tổ chức và là linh hồn
của chiến công vĩ đại. Đây là đặc điểm khẳng định rõ tính chất thể loại tiểu
thuyết lịch sử của tác phẩm.
* Dường như có sự mâu
thuẫn giữa nhan đề tác phẩm với nội dung tác phẩm. Nhan đề mang ý nghĩa ca ngợi
nhà Lê, nhưng nội dung tác phẩm lại vạch rõ sự thối nát, mục ruỗng của triều
đình nhà Lê, và ca ngợi người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ. Điều đó nói
lên quan điểm phản ánh hiện thực của các tác giả là tôn trọng sự thực lịch sử và ý thức dân tộc. Dù có cảm tình với nhà
Lê, họ không thể bỏ qua sự thực là ông vua nhà Lê hèn yếu đã cõng rắn cắn gà
nhà. Dù không theo Tây Sơn, họ không thể không thấy chiến công lẫy lừng của vua
Quang Trung là niềm tự hào lớn lao của dân tộc. Bởi thế nên các tác giả họ Ngô
đã viết thực và viết hay về người anh hùng Nguyễn Huệ.
2. Sự thảm bại của
bọn quân tướng nhà Thanh :
Tôn Sĩ Nghị kéo quân
sang An Nam là nhằm những lợi ích riêng, lại không muốn tốn nhiều xương máu.
Hơn nữa, y còn là một tên tướng bất tài, cầm quân mà không biết được tình hình
thực hư ra sao, lại còn kiêu căng tự mãn, chủ quan khinh địch. Dù đã được vua tôi
Lê Chiêu Thống báo trước, y vẫn không chút đề phòng, suốt mấy ngày Tết chỉ
“chăm chú vào yến tiệc, vui mừng, không lo chi đến việc bất trắc”, cho quân
lính mặc sức vui chơi.
Khi quân Tây Sơn đánh
đến nơi, tướng thì “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc
giáp… chuồn trước qua cầu phao”, quân thì lúc lâm trận “ai nấy đều rụng rời sợ
hãi” xin ra hàng” hoặc “bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết”, “quân sĩ
các doanh nghe tin, đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu qua sông,
xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều” đến nỗi “nước sông Nhị Hà vì thế mà
tắc nghẽn không chảy được nữa”. Cả đội binh hùng tướng mạnh chỉ còn biết tháo
chạy, mạnh ai nấy chạy “đêm ngày đi gấp, không dám nghỉ ngơi”.
3. Số phận thảm
hại của vua tôi Lê Chiêu Thống :
Lê Chiêu Thống và những
bề tôi trung thành với ông ta đã vì mưu lợi ích riêng của dòng họ mà cõng rắn
cắn gà nhà, đem vận mệnh của cả dân tộc đặt vào nanh vuốt của kẻ thù xâm lược.
Bọn người phi nghĩa ấy đã phải chịu đựng nỗi sỉ nhục của kẻ đi cầu cạnh van
xin, và cuối cùng phải chịu chung số phận bi thảm của kẻ vong quốc. Khi có
biến, Lê Chiêu Thống cùng bọn bề tôi thân tín vội vã “đưa thái hậu ra ngoài”,
chạy trối chết, cướp thuyền dân để qua sông, chạy “luôn mấy ngày không ăn”. May
gặp người thổ hào thương tình cho ăn và chỉ đường cho chạy trốn. Đuổi kịp được
Tôn Sĩ Nghị, vua tôi chỉ còn biết “cùng nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước
mắt”. Đoạn văn miêu tả chân thực tình cảnh khốn quẫn của vua Lê Chiêu Thống,
phơi bày tất cả sự thảm hại trong kết cục của một ông vua phản dân hại nước.
Nhưng có thể thấy tác giả vẫn gửi gắm ở đó chút tình cảm riêng của một bề tôi
cũ nhà Lê. Lòng thương cảm của tác giả biểu hiện qua những giọt nước mắt và
thái độ săn sóc tận tình của người thổ hào. Giọng văn cũng có phần ngậm ngùi,
khác với âm hưởng sôi nổi, hào hứng ở đoạn trên.
C. Tổng kết :
Với quan điểm lịch sử
đúng đắn và niềm tự hào dân tộc, các tác giả “Hoàng Lê nhất thống chí” đã tái
hiện chân thực, sinh động hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến
công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm bại của các tướng lĩnh nhà Thanh và
số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.