Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

NHÀ VĂN NGUYÊN HỒNG (1918-1982)





Nguyên Hồng tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 5/11/1918 tại phố Hàng Cau, thành phố Nam Định, trong một gia đình theo đạo Thiên chúa. Người cha có thời gian làm cai ngục, sau thất nghiệp, sống nghèo túng, bất đắc chí, mất khi Nguyên Hồng 12 tuổi. Người mẹ hiền dịu, đi ở vú cho một tên Tây đoan. Nguyên Hồng sống với bà nội nhưng gần như phải tự lập để ăn học. Năm 1934 ông phải thôi học, theo mẹ ra Hải Phòng, sống ở xóm Cấm, xóm chùa Đông Khê, lén lút dạy học tư để kiếm sống (vì không có giấy phép). Tại đây, ông bắt đầu viết văn. Những điều này đã được Nguyên Hồng phản ánh trung thực và cảm động trong 'Những ngày thơ ấu'
Nguyên Hồng ham đọc sách từ nhỏ. ông thường dành tiền thuê sách để đọc và dường như đọc hết những quyển sách mình thích ở cửa hàng cho thuê sách tại Nam Định. Loại sách Nguyên Hồng thích thuở nhỏ là truyện lịch sử Trung Hoa, trong đó những nhân vật có khí phách ngang tàng, trung dũng, những hảo hán chiếm cảm tình của ông nhiều nhất.
Tại Hải Phòng, Nguyên Hồng được gặp thần tượng của mình là nhà thơ Thế Lữ lúc đó đang cùng gia đình sống ở ngõ Nghè. Được Thế Lữ khuyến khích, Nguyên Hồng thôi dạy học, quyết theo đuổi sự nghiệp cầm bút.
Năm 19 tuổi (1937), Nguyên Hồng cho in 'Bỉ vỏ', tác phẩm sau đó đã được giải thưởng của Tự lực Văn Đoàn. Năm 20 tuổi in hồi ký 'Những ngày thơ ấu' trên báo 'Ngày nay', năm 1940 xuất bản thành sách. Hai tác phẩm này đã khảng định một tài năng trẻ trên văn đàn hiện đại.
Thời kỳ Mặt trận dân chủ, Nguyên Hồng được tiếp xúc với các chiến sĩ cộng sản và sách báo cách mạng đồng thời chứng kiến và tham gia cuộc đấu tranh sôi nổi của quần chúng. Ông được gặp Tô Hiệu và Nguyễn Văn Cúc (Tổng Bí thư Nguyễn văn Linh sau này) tham gia viết bài cho các tờ báo cách mạng như Người mới (ở Hà Nội), Mới, Đông Phương (ở Sài Gòn)
Tháng 9/1939 Nguyên Hồng bị Pháp bắt giam vì hoạt động cách mạng, năm sau bị đưa đi trại tập trung ở căng Bắc Mê (Hà Giang) sau đó bị đưa về quản thúc tại Hải Phòng và Nam Định.
Năm 1943 Nguyên Hồng tham gia tổ chức Văn hoá cứu quốc vừa được thành lập. Sau Cách mạng tháng Tám ông tiếp tục hoạt động trong Hội Văn hoá cứu quốc .
Trong thời gian này ngòi bút Nguyên Hồng có những chuyển biến tích cực. Ông là nhà văn trong dòng văn học hiện thực phê phán, nhận thức được chân lý cách mạng vô sản và thể hiện được nhận thức đó phần nào trong các tác phẩm: 'Người đàn bà Tàu' (1939), 'Qua những màu tối' (1942), 'Quán Nải' (1943), 'Hơi thở tàn' (1943), 'Hai dòng sữa' (1943), 'Vực thẳm' (1944), 'Ngon lửa' (1944), 'Miếng bánh' (1945).
Thời kỳ tiền khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám, Nguyên Hồng viết 'Địa ngục' và 'Lò lửa' phản ánh nạn đói năm 45 và cao trào Việt Minh. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Nguyên Hồng đưa gia đình lên Việt Bắc, cùng một số gia đình văn nghệ sĩ khác như Ngô Tất Tố, Trần Văn Cẩn, Đỗ Nhuận, Tạ Thúc Bình, Kim Lân...lập thành một xóm gọi là ấp Cầu Đen ở Yên Thế, Bắc Giang. Trong thời gian này ông tham gia thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tiến hành tại Phú Thọ năm 1948, sau đó công tác tại Hội và trong Ban biên tập tạp chí Văn nghệ của hội. Năm 1948 Nguyên Hồng gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam . Năm 1952 ông được giao trách nhiệm Hiệu trưởng trường Văn nghệ nhân dân và được gọi vui là 'Ông đốc Hồng'.
Năm 1955 về Hải Phòng làm báo ở tờ 'Tin Hải Phòng'. Năm 1956 lên Hà Nội làm báo Văn nghệ. Năm 1957 tham gia Đại hội thành lập Hội nhà văn Việt Nam, phụ trách tuần báo Văn.
Năm 1958 Nguyên Hồng lại đưa gia đình về ấp Cầu Đen. Bản thân ông đi thực tế ở Hải Phòng để bắt đầu viết bộ tiểu thuyết 'Cửa biển' (4 tập, tổng cộng hơn 2000 trang: 'Sóng gầm' 1961; 'Cơn bão đã đến', 1968; 'Thời kỳ đen tối', 1973; 'Khi đứa con ra đời'; 1976).
Tháng 1/1964 Nguyên Hồng tham gia Đại hội thành lập Chi hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng (nay là Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng) và là Chủ tịch cho đến khi mất. Cũng khoảng thời gian này, ông tiếp tục làm 'Ông đốc Hồng' trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam. Bằng bộ tiểu thuyết 'Cửa biển', Nguyên Hồng tạm yên tâm về 'món nợ lòng' với Hải Phòng nên sau đấy ông dành nhiều thời gian cho tiểu thuyết lịch sử 'Núi rừng Yên Thế', dự định gồm 3 tập và đã cho ra mắt được tập I: 'Thù nhà nợ nước' (1981).
Ngày 29/4/1982 Nguyên Hồng làm việc lần cuối với anh em văn nghệ Hải Phòng. Trở về Yên Thế, ông mất đột ngột vào ngày 2/5/1982 tại ấp Cầu Đen, để lại di cảo tập II của 'Núi rừng Yên Thế'. Nguyên Hồng còn là một nhà thơ. 'Cửu Long Giang ta ơi' là một bài thơ hay của thơ ca Việt Nam hiện đại.
Với gần 50 năm lao động nghệ thuật, Nguyên Hồng có một vị trí quan trọng trong văn học Việt Nam hiện đại. Ông xứng đáng là nhà văn chân chính của 'Những người khốn khổ'. Ông sống giản dị, chân chất hồn hậu và giàu xúc cảm.
Nguyên Hồng đã được tặng nhiều Huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, đợt I (1996).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.