Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Nguồn gốc cảm hứng thương cảm của Nguyên Hồng

Tìm hiểu nguồn gốc cảm hứng thương cảm của Nguyên Hồng không thể không đề cập đến bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam những năm 1930 – 1945. Đây là giai đoạn chế độ thực dân nửa phong kiến ngày càng khủng hoảng trầm trọng. Một mặt, giai cấp thống trị tăng cường bóc lột thuộc địa và điên cuồng đàn áp các phong trào cách mạng hòng duy trì chế độ cũ. Sự sa đọa của giai cấp thống trị cũng bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Trong khi đó, cuộc sống của nhân dân, nhất là người lao động càng trở nên đen tối, thê thảm. Tư cách, địa vị của họ bị đè thấp đến tột cùng. Mặt khác, lịch sử nước ta giai đoạn 1930 – 1945 không phải chỉ có cảnh đen tối, thê thảm mà còn có phong trào cách mạng to lớn của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, làm rung chuyển xã hội, làm chao đảo chế độ thuộc địa và cuối cùng xóa bỏ nó bằng cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại. Góp phần làm nên những sự kiện đó chính là những người dân lao động cùng khổ đã bị chế độ thuộc địa của thực dân Pháp đàn áp, bóc lột. Dĩ nhiên, đấy là đường hướng vận động chung của lịch sử dân tộc giai đoạn 1930 – 1945, còn thực tế diễn biến là cả quá trình gay go, phức tạp, phong trào cách mạng có lúc cao trào, lúc thoái trào. Đó chính là hoàn cảnh lớn. Hoàn cảnh lớn này chỉ có thể tác động, ảnh hưởng đến nhà văn thông qua hoàn cảnh nhỏ, tức môi trường sống cụ thể, và còn phụ thuộc vào cá tính nghệ sĩ của nhà văn.
1. Hoàn cảnh gia đình và môi trường sống
Nghiên cứu tiểu sử Nguyên Hồng, ta thấy hai đặc điểm nổi bật: thiếu tình thương và phải tự lập kiếm sống từ nhỏ. Cha ông làm cai đề lao, sau thất nghiệp, cảnh nhà sa sút, lại nghiện ngập và mắc bệnh lao, phải sống nghèo túng trong tâm trạng kẻ bất đắc chí. Mẹ ông là người đàn bà ngoan đạo, tần tảo, hiền hậu, giàu đức hy sinh nhưng sống không có hạnh phúc trong gia đình nhà chồng. Nguyên Hồng đã kể lại thành thực mối quan hệ của song thân trong cuốn hồi ký: “Hai thân tôi lấy nhau không phải vì quen biết nhau lâu mà thương yêu nhau. Chỉ vì hai bên cha mẹ, một bên hiếm hoi muộn cháu và có của, một bên sợ nguy hiểm giữ con gái đến thì ở trong nhà và muốn cho người con ấy có chỗ nương tựa chắc chắn, được cả một dòng họ trọng đãi nếu mắn con”[1]. Điều này khiến cho nhà phê bình Vũ Ngọc Phan phải thán phục là “can đảm lắm” mới viết được như thế [2].
Mới lên bảy, tám tuổi, Nguyên Hồng đã cảm nhận được một cách hồn nhiên và nhớ rất kỹ trong ký ức tuổi thơ của mình rằng “thầy mẹ tôi lấy nhau không phải vì thương yêu nhau” và bản thân là kết quả của cuộc hôn nhân gượng gạo ấy.
Năm 12 tuổi, Nguyên Hồng mồ côi cha. Mẹ ông lén lút đi bước nữa, bà bị gia đình nhà chồng ruồng bỏ, hắt hủi, không được tự do gần gũi, chăm sóc con. Nguyên Hồng phải sống nhờ bà cô và chịu sự rẻ rúng, khinh miệt của bà. Tuổi thơ Nguyên Hồng đã trải qua những ngày tháng nhiều cay đắng và tủi cực vì đói ăn, thiếu mặc, thiếu cả tình thương. Ông phải đi đánh đáo kiếm tiền ăn học và chung đụng với đủ mọi hạng trẻ hư hỏng của các lớp “cặn bã” nơi vườn hoa, cổng chợ, bến tàu, bến ô tô, bãi đá bóng. Nhiều dòng nhật ký tuổi thơ của ông “Trong đêm đông”(Những ngày thơ ấu) đã thể hiện trung thực tình cảnh này:
“Ngày 14.11.1931 – Phải nhớ cái tát và câu rủa sả này cho đến chết: “Hồng ơi! Bố mày nó chết đi nhưng còn có mẹ mày nó dạy mày. Cầm bằng mẹ mày đánh đĩ theo giai, bỏ mày lêu lổng thì đã có chúng tao”.
Mẹ ơi! Con khổ quá mẹ ơi! Sao mẹ đi lâu thế? Mãi không về! Người ta đánh con vì con dám cướp lại đồ chơi mà con người ta dằng lấy. Người ta lại còn chửi con, chửi cả mẹ nữa. Mẹ xa con, mẹ có biết không?”[3].
Năm 16 tuổi, mới học hết bậc tiểu học, Nguyên Hồng đã phải thôi học, cùng mẹ ra Hải Phòng kiếm sống. Những tưởng ở cái thành phố kỹ nghệ lớn vào bậc nhất nước ta hồi ấy, mẹ con ông sẽ kiếm được việc làm. Nhưng sự thật lại quá phũ phàng, cay đắng. Nguyên Hồng đã đi xin việc nhiều nơi. “Tôi ra bến tàu to Sáu kho. Tôi sang nhà máy Xi măng, sở dầu Thượng Lý. Tôi chầu chực ở cổng các nhà máy Cốt phát, Máy tơ, Máy chỉ, Máy ống, các hãng chuyên chở hàng hóa, các bến ôtô, tàu thủy, các kho hàng, các cửa hiệu, các tràn than, lán củi. Tôi đến tất cả xóm ngõ, đầu đường, nơi đi về đông đúc của phu phen thuyền thợ, để nghe ngóng hỏi han”[4]. Nói là đi xin việc chứ thực ra Nguyên Hồng đã phải đi rao bán sức lao động của mình mà thất nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp. Dừng lại ở xóm Cấm, Hải Phòng, Nguyên Hồng sống bằng nghề dạy học tư cho con em của những người lao động nghèo. Trong những ngày lang thang đi kiếm việc làm và dạy học lén lút ở xóm Cấm, Nguyên Hồng đã sống với những người thành thị cùng khổ nhất: thợ thuyền, phu phen, người buôn thúng bán bưng và cả những me Tây, gái điếm, du côn, trộm cắp. Chính những con người thuộc thế giới những người cùng khổ ấy đã hà hơi tiếp sức cho Nguyên Hồng khiến ông không những không gục ngã mà còn tha thiết tin yêu, gắn bó với cuộc sống của họ. Ông đã thấy ở cuộc sống này những cảnh tối tăm thê thảm của xã hội thuộc địa. Quan trọng hơn, ông còn thấy được ở đấy một cái gì đó có thể gọi là tinh túy của linh hồn dân tộc, của đạo lý nhân dân: “Tôi thấy chỉ trong đây mới thật sự có sự tươi sáng, sự lành mạnh, niềm vui tin. Tôi thấy tất cả những ai khao khát những cái gì là ngay thẳng, là công bằng, là nhân phẩm, là hạnh phúc, là sáng tạo thì phải đi vào đây, gắn bó với đây, ở đây mà lao động và đòi hỏi những cái đó với tận cùng lòng trung thành và ý chí quyết liệt của mình[5]. Đó là lòng yêu nước, đức tính cần cù lao động, tinh thần lạc quan yêu đời, sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong tình làng nghĩa xóm, thái độ căm ghét áp bức, bóc lột, ý chí kiên cường bất khuất trước kẻ thù. Đúng như điều ông tâm niệm, cuộc sống ấy đã đem lại cảm hứng, khơi nguồn sáng tạo cho ông buổi đầu cầm bút và trở thành một vùng đề tài ám ảnh ngòi bút Nguyên Hồng trong suốt 46 năm lao động miệt mài. Có thể nói đối với nhà văn Nguyên Hồng, vốn sống, sự hiểu biết phong phú cũng như tình cảm gắn bó sâu nặng là thuộc về những người lao động cùng khổ ở thành phố Hải Phòng. Bởi lẽ, ông đã sống cuộc sống của chính họ. Và ông đã vì họ, vì cả chính mình mà cất lên tiếng nói yêu thương tha thiết.
2. Tư tưởng bác ái của Thiên Chúa giáo
Tôn giáo đích thực bao giờ cũng hướng con người đến cõi thiện. Xét về phương diện lịch sử, Thiên Chúa giáo cũng như Phật giáo là những hệ tư tưởng ngoại lai, nhưng khi vào Việt Nam, được nhân dân ta tiếp nhận trên cơ sở truyền thống và bản lĩnh dân tộc nên đã có sự thay đổi nhất định. Đó là quá trình tiếp biến để bồi đắp và làm phong phú thêm truyền thống yêu nước và nhân đạo của dân tộc và con người Việt Nam.
Gạt sang một bên những yếu tố tiêu cực và các vấn đề khác, ta thấy Thiên Chúa giáo đặc biệt coi trọng vấn đề nhân đạo, coi trọng sự đối thoại giữa những người bất đồng với nhau về tín ngưỡng, tông phái và hình thái ý thức, mong muốn hiểu biết lẫn nhau trên tinh thần yêu thương. Hình tượng Chúa Giêsu chịu nạn đóng đinh thân mình lên cây thánh giá để chuộc tội cho chúng sinh là một biểu tượng vĩ đại và cảm động của tinh thần bác ái Thiên Chúa giáo. Xét về mặt giá trị luận, Thiên Chúa giáo cũng như Phật giáo, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên hay chủ nghĩa Mác đều có chung một mục đích là làm cho con người được tự do, bình đẳng và hạnh phúc. Trước Chúa, mọi người đều có khả năng hoàn thiện nhờ sự nâng đỡ của Chúa và sự tu dưỡng tinh thần của chính mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà Mác-xít thấm nhuần sâu sắc bản chất nhân đạo và khoa học cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, người cộng sản Việt Nam số một, cũng từng kế thừa và học tập các yếu tố nhân văn chủ nghĩa trong các hệ tư tưởng trước chủ nghĩa Mác, trong đó có Thiên Chúa giáo, khi Người phát biểu: “Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”[6].
Nguyên Hồng sinh trưởng trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa ở Nam Định. Người dân quê ông rất mộ đạo. Gia đình nhà văn cũng vậy. Bà nội ông là người sùng đạo đến mê muội. Ngoài Chúa, bà không biết bấu víu vào đâu về mặt tinh thần. Tuổi thơ Nguyên Hồng sống trong không khí thành kính Chúa toát ra từ những tiếng lào thào cầu kinh ở nhà của bà nội cũng như tiếng chuông nhà thờ ngân nga mời gọi con chiên hàng ngày. Từ nhỏ, Nguyên Hồng thường theo bà nội đi lễ nhà thờ, được dạy dỗ khuôn theo giáo lý của Thiên Chúa. Ông đã kể lại trongMột tuổi thơ văn: “Lọt lòng mẹ, tôi đã được ôm đến Nhà thờ chịu phép rửa tội và nhận lấy tên Thánh là Giu minh ghê. Rồi năm tôi lên 9 lên 10, bà nội tôi đã khảo tôi đủ các kinh để đi xưng tội lần đầu với một cha người Tây. Cả đêm ấy tới sáng sau, tôi chỉ được súc miệng chứ không được uống nước, rồi cùng bà tôi đến Nhà thờ đi lễ chịu mình Thánh Chúa lần đầu”[7]. Mẹ ông, người đàn bà tần tảo, sống không có hạnh phúc bên một người chồng già nghiện ngập, đã phải lấy đức tin Thiên Chúa giáo làm chỗ dựa tinh thần để vật lộn với đời vì miếng cơm, manh áo. Chắc hẳn, Nguyên Hồng đã tiếp nhận tư tưởng bác ái Thiên Chúa giáo từ hai người đàn bà này một cách hồn nhiên. Mặt khác, bản thân Nguyên Hồng đã trải qua những ngày thơ ấu đói khát, quẫn bách; tương lai, tiền đồ không có gì sáng sủa. Trong hoàn cảnh như thế, muốn vượt lên số phận, nhà văn trong chừng mực nhất định, cũng đã tìm đến tư tưởng bác ái của Thiên Chúa giáo và lấy nó làm chỗ dựa để chống chọi với đời, để tồn tại và hy vọng. Dĩ nhiên, việc tiếp nhận những ảnh hưởng của tư tưởng bác ái Thiên Chúa giáo ở Nguyên Hồng có quá trình lịch sử và có mức độ đậm, nhạt khác nhau trên từng chặng đường sáng tác. Thời kỳ đầu, sáng tác của Nguyên Hồng có ảnh hưởng của tinh thần bác ái Thiên Chúa giáo trên phương diện nội dung tư tưởng, tình cảm lẫn hình thức biểu hiện. Từ khi tiếp nhận được ánh sáng của lý tưởng Cách mạng, sáng tác của ông chỉ còn dấu vết ảnh hưởng của đạo Thiên Chúa ở hình thức biểu hiện các trạng thái tâm lý nhân vật mà thôi. Mặt khác, có lẽ Nguyên Hồng không hiểu nhiều lắm về những triết lý sâu xa của đạo Thiên Chúa nên sự ảnh hưởng của nó đối với nhà văn rất hồn nhiên và phù hợp với cuộc sống cũng như cá tính của ông. Đó là cái ý nghĩa nhân văn đích thực của Thiên Chúa giáo phù hợp với đạo lý của người lao động mà Nguyên Hồng đã tiếp thu được qua trường học cuộc đời.
3. Tư tưởng nhân đạo Cộng sản chủ nghĩa
Tư tưởng nhân đạo Cộng sản chủ nghĩa đã được Mác đúc kết trong luận điểm: sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người. Tiếp thu luận điểm của Mác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày lý tưởng nhân đạo của mình bằng một câu nói nổi tiếng: “Cả đời tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bực là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[8]. Như vậy, lý tưởng Cộng sản coi nhiệm vụ giải phóng con người, chăm sóc con người và phát triển con người là mục tiêu số một trong sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản.
Trong số các nhà văn hiện thực ở nước ta, Nguyên Hồng là người sớm tiếp thu được ánh sáng của lý tưởng Cộng sản trong thời kỳ Mặt trận dân chủ. Ông được tắm mình trong không khí sôi động của phong trào dân chủ rộng lớn ở thành phố Hải Phòng từ những năm 1937, 1938. Ông đã tiếp xúc với những chính trị phạm từ Côn Đảo và Sơn La trở về và được đọc các sách báo cách mạng như Tuyên ngôn Cộng sản của K. Mác, Vấn đề dân cày của Qua Ninh và Vân Đình, Ngục Kon tum của Lê Văn Hiến. Trong thời gian bị cầm tù từ 1939 đến 1940 tại Hải Phòng, Nguyên Hồng lại được gần gũi với đồng chí Tô Hiệu và các chiến sĩ cách mạng, được tham dự lớp huấn luyện Đề cương cách mạng tư sản dân quyền do đồng chí Tô Hiệu hướng dẫn. Nguyên Hồng dần dần giác ngộ và tham gia công tác cách mạng. Vốn có sẵn trong mình những tố chất mang tính cách mạng, giờ đây, Nguyên Hồng đón nhận ánh sáng của lý tưởng Cộng sản một cách tự nhiên, tất yếu như cỏ cây hướng về ánh sáng. Lý tưởng Cộng sản đã bồi đắp cho ông quan điểm giai cấp khi nhìn nhận các vấn đề của cuộc sống và con người. Vì thế, tình thương của ông hướng đến đối tượng cụ thể hơn, có nội dung sâu sắc hơn và thấm nhuần tinh thần nhân đạo cách mạng. Niềm tin của ông đối với những người lao động cùng khổ vốn đã bám rễ rất sâu trong đời sống cần lao, giờ đây được bồi đắp và nâng cao hơn nhờ có nhận thức khoa học cách mạng. Ta hiểu vì sao trong những sáng tác của Nguyên Hồng từ khi được tiếp xúc với ánh sáng của lý tưởng Cộng sản, khoảng từ những năm 1938 trở đi, đã vắng bóng những nhân vật lưu manh, còn hình ảnh những người lao động cùng khổ hướng về Cách mạng cũng như hình tượng những người trí thức văn nghệ sĩ say sưa trình bày những quan điểm nghệ thuật tiến bộ lại trở thành những nhân vật trung tâm. Mặt khác, trong nội dung tư tưởng của tác phẩm Nguyên Hồng, bên cạnh tiếng nói yêu thương thống thiết những kiếp người cùng khổ còn có tiếng nói căm hờn đối với những kẻ gây khổ đau cho con người và cổ vũ những người cùng khổ đứng lên đấu tranh dưới lá cờ của Đảng. Đó là hai mặt thống nhất của tư tưởng nhân đạo Cộng sản chủ nghĩa mà Nguyên Hồng đã tiếp thu được trong quá trình giác ngộ và đi theo Cách mạng.
4. Cá tính nghệ sĩ của Nguyên Hồng
Trên đây là những yếu tố cơ sở góp phần hình thành cảm hứng thương cảm xuyên suốt hành trình nghệ thuật của Nguyên Hồng từ buổi đầu cầm bút cho đến khi vĩnh biệt cõi đời. Những yếu tố đó chỉ có thể được tiếp nhận và nhào luyện thông qua cá tính nghệ sĩ của nhà văn để rồi hiện hình thành những tác phẩm văn chương với nét chủ đạo xuyên suốt là tình thương và niềm tin đối với những con người cùng khổ.
Tuổi thơ thiếu tình thương, nhiều cay đắng tủi cực, lớn lên kiếm sống gian nan vất vả giữa thế giới của những người cùng khổ, nhà văn đã sớm hình thành cá tính riêng. Nguyên Hồng là người rất nhạy cảm, dễ xúc động. Ông cảm thông, chia sẻ những nỗi khổ đau, oan trái với những con người cùng khổ, bất hạnh trong gia đình và cả ngoài xã hội. Ông bất bình trước những thái độ, hành vi vô nhân đạo, rẻ rúng con người. Nguyên Hồng đã có lần cầm dao đâm chú dượng chỉ vì ông này đã đánh đập vợ tàn nhẫn, mà không nghĩ đến hậu quả; sau đó ông phải đi tù khi đang ở tuổi vị thành niên. Trong Những ngày thơ ấu, Nguyên Hồng có thái độ đồng cảm, chia sẻ với nỗi khát khao hạnh phúc của người mẹ trẻ mỗi khi bà rạo rực con tim đợi chờ, lắng nghe tiếng kèn của Cai H. Ông cũng thật sự bất bình, phẫn nộ trước thái độ khinh rẻ và hành vi ngăn cản tình mẫu tử của họ hàng bên nội đối với mẹ mình khi bà đi bước nữa theo tiếng gọi của con tim chứ không chịu ở góa thờ chồng theo quan điểm đạo đức phong kiến. Trong cuộc sống đời thường, nhiều người được tiếp xúc với nhà văn đều khẳng định rằng Nguyên Hồng rất dễ khóc, “khóc khi nhớ đến bạn bè, đồng chí từng chia bùi sẻ ngọt, khóc khi nghĩ đến đời sống cực khổ của nhân dân mình ngày trước, khóc khi nói đến công ơn của Tổ quốc, quê hương đã sinh ra mình, đến công ơn của Đảng, của Bác Hồ đã đem đến cho mình lý tưởng cao đẹp của thời đại. Khóc cả khi kể lại những khổ đau, oan trái của những nhân vật là những đứa con tinh thần do chính mình hư cấu nên”[9].
Đặc điểm cá tính này của Nguyên Hồng giống như một thứ nam châm riêng. Nó chỉ hút những cái gì phù hợp với cái tạng của nhà văn. Chẳng hạn như vấn đề tiếp thu ảnh hưởng văn hóa, văn học của dân tộc và thế giới. Dường như Nguyên Hồng chỉ ham thích và chịu sức hút tự nhiên của những tác phẩm, những sự kiện thể hiện sâu sắc tinh thần nhân đạo đối với con người. Nguyên Hồng là người ham mê văn chương một cách kỳ lạ. Hồi nhỏ, ông “thường phải đọc truyện cho bà nội và cha mình nghe [10]. Nhờ thế mà ông đã nhập tâm được cả một khối lượng lớn những tiểu thuyết Tàu cổ như Phong Thần, Đông Chu liệt quốc, Thuyết Đường, Chinh Đông chinh Tây, Tây du ký, Tam quốc, Thủy hửÔng cũng đã đọc Sử ký địa dư giáo khoa thư. Con người Việt Nam và Tổ quốc Việt Nam trong sử sách đã nhập hồn vào tuổi thơ của ông với “những Phù Đổng Thiên vương, An Tiêm, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Đinh Bộ Lĩnh, Trần Quốc Toản, Dã Tượng, Yết Kiêu, Lê Lợi, Lê Lai, Quang Trung Nguyễn Huệ… và bao nhiêu cảnh non sông càng thăm thẳm, vời vợi và ngời ngời kỳ diệu với bốn tiếng Tổ quốc và Việt Nam” [11]. Ông nhập tâm tiếng hát của những đào kép đầu đường. Ông cũng đọc và thuộc lòng nhiều câu ca dao, nhiều bài thơ, từ những câu ca dao về cảnh con cò đi ăn đêm, cảnh bông sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, cảnh lính thú đời xưa… đếnTruyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Bà Huyện Thanh Quan, thơ Tú Xương, Nguyễn Khuyến, trong những ngày còn được ngồi trên ghế nhà trường. Ông đọc cả tiểu thuyết và thơ của các tác giả nổi tiếng phương Tây du nhập vào nước ta thời thuộc địa, đặc biệt là của Pháp. Theo hồi ký, ông đã đọc Không gia đình của Héc-to Ma-lô, Đa-vít Cô-pơ-phin của Đích-ken-xơ, Những người khốn khổ của Vich-to Huy-gô, những truyện ngắn của An-phông-xơ Đô-đê và thơ của An-phơ-rết đơ Vi-nhi, An-phơ-rết đơ Muýt-xê. Khi được tiếp xúc với ánh sáng của lý tưởng Cách mạng, Nguyên Hồng đã tìm đọc Thời thơ ấu, Những kẻ lang thang, Người mẹ của M. Go-rơ-ki và đọc cả Rô-manh Rô-lăng, Hăng-ri Bác-buýt. Là con người của lịch sử, của thời đại, tất nhiên Nguyên Hồng cũng đọc cả tiểu thuyết Tự lực văn đoàn và Thơ Mới đang thịnh hành thời bấy giờ. Ngoài ra, Nguyên Hồng còn được bà nội – “một tủ chuyện” – kể cho nghe những câu chuyện mà ông thấy “còn sinh động hơn cả những tiểu thuyết thành tập, thành pho”. Từ những truyện kể của bà, ông đã nhập tâm được “những gương mặt vằng vặc rực rỡ của Chung thủy, Nhân hậu, Công bằng, Chính nghĩa, Chiến đấu, Chiến thắng và Hạnh phúc” của những cô Tấm, Nhị Khanh, Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Thạch Sanh và biết bao hình ảnh, tên tuổi đã thành thơ, thành cổ tích trong lịch sử văn học nước nhà [12]. Nguyên Hồng cũng đã từng “bâng khuâng trước những cỏ hoa chung thủy, những muông thú biết đáp đền ơn nghĩa, những ma quái, gian tà bị trừng phạt, những hồn linh oan khổ, trung hậu sống lại về cõi trần tươi đẹp vẻ vang”[13] và thấy ở truyện Tàu cổ “tình nghĩa thủy chung, nhân hậu, những ý chí quật cường bất khuất, những khí tiết khi cùng khổ gian nguy, sự keo sơn, son sắt trong tình bạn chỉ là ở những trang chữ thôi, nhưng mà sao thấy ngon ngọt, thơm tho, no lòng, ấm dạ”[14]. Phải chăng hoàn cảnh sống khắc nghiệt cũng như cá tính của nhà văn đã định hướng thị hiếu thẩm mỹ của Nguyên Hồng như thế khi ông tiếp xúc với di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại. Điều đó đã tác động đến cảm hứng và tư duy nghệ thuật của nhà văn, khiến những điều ông viết ra bao giờ cũng thấm đượm tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, chan chứa tình cảm yêu thương, tin tưởng ở con người, nhất là những con người cùng khổ.
Bốn yếu tố  –  những trải nghiệm của bản thân trong thế giới những người cùng khổ qua hoàn cảnh gia đình và môi trường sống cụ thể, tư tưởng bác ái Thiên Chúa giáo, tư tưởng nhân đạo Cộng sản chủ nghĩa, và một trái tim đặc biệt giàu xúc cảm –  là nguồn gốc của cảm hứng thương cảm của Nguyên Hồng. Cảm hứng ấy đã chi phối ngòi bút Nguyên Hồng trong việc lựa chọn đề tài, xác định chủ đề, thể hiện tư tưởng và lựa chọn hình thức biểu hiện tương hợp.
(Trích từ cuốn sách Phong cách nghệ thuật Nguyên Hồng (TS. Bạch Văn Hợp) -
NXB Đại học Sư phạm TPHCM ấn bản, 2011)

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.