Mùa xuân luôn là đề
tài bất tận để các nhà thơ tìm cảm hứng và sáng tác. Thông qua những vẻ đẹp
trong cảnh sắc mùa xuân, các nhà thơ gửi gắm vào đó những tâm tư tình cảm,
những bài học triết lí từ cuộc sống. Mùa
xuân trong cách nhìn của Mãn Giác thiền sư, một cao tăng thời Lý, là bài học về
sự tuần hoàn của tạo vật, một triết lí sâu xa về nhân quả luân hồi của nhà
Phật.
“Chớ
bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm
qua sân trước một nhành mai” – (Có bệnh bảo mọi người)
Đối với những tác giả
của dòng thơ mới trước Cách mạng tháng Tám, mùa xuân lại gợi lên bao nỗi chán
chường tuyệt vọng:
“ Tôi có chờ
đâu có đợi đâu
Đem chi xuân đến gợi thêm sầu” ( Chế Lan
Viên)
Riêng ở nhà thơ Thanh Hải, mùa xuân là tất cả
những vẻ đẹp vốn có của cuộc đời, là
nhịp sống đang vươn lên mà tác giả khát khao được hiến dâng, hoà nhập. Những
cảm xúc ấy được tác giả thể hiện rõ trong bài thơ “ Mùa xuân nho nhỏ”. Trong
đó, hai khổ thơ đầu đem lại cho người đọc một ấn tượng khó phai về vẻ đẹp của
mùa xuân thiên nhiên, đất nước
“ Mọc giữa dòng… như xôn xao”
Người xưa thường nói “ thi trung hữu
hoạ”. Mỗi vần điệu trong bài thơ là một bức hoạ về cuộc sống. Ở bốn câu thơ
đầu, Thanh Hải đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi tắn đầy sức
sống:
“
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời”
Từ “mọc” đặt ở đầu câu thơ vang lên
như một điểm nhấn, một sự phát hiện đầy cảm xúc của nhà thơ. Hai câu thơ đầu vẽ
nên một không gian mùa xuân rộng mở tươi tắn với hình ảnh một dòng sông xanh
trong chảy hiền hoà. Cái màu xanh ấy phản ánh được màu xanh của bầu trời, của
cây cối hai bên bờ, cái màu xanh quen thuộc mà ta có thể gặp ở bất kì một con
sông nào ở dải đất miền Trung. Nổi bật trên nền xanh lơ của dòng sông là hình
ảnh “một bông hoa tím biếc”, một hình ảnh thân thuộc của cánh lục bình hay hoa
súng mà ta thường gặp ở các ao hồ sông nước của làng quê mà ta từng gặp trong
những vần thơ của khác:
“
Con sông nhỏ tuổi thơ ta tắm
Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng
Hoa lục bình tím cả bờ sông…” ( Lê Anh Xụân)
Màu tím biếc ấy không lẫn vào đâu
được với sắc màu tím Huế thân thương- vốn là nét đặc trưng của những cô gái đất
kinh kỳ với sông Hương núi Ngự. Màu xanh của nước hài hoà với màu tím biếc của
bông hoa tạo nên một nét chấm phá nhẹ nhàng mà sống động. Bức tranh xuân còn
được điểm xuyết thêm bằng âm thanh rộn rã, tưng bừng của con chim chiền chiện
hót vang trời. Tiếng hót của chim, đường nét uốn lượn quanh co của con sông,
màu tím biếc của bông hoa vẽ nên một bức tranh mùa xuân đầy sức sống mãnh liệt
trên quê hương tác giả.
Trước
vẻ đẹp ấy, nhà thơ ngất ngây sung sướng không ngăn được dòng cảm xúc. Những từ cảm
thán “ Ơi”, “ Hót chi” vang lên là tiếng lòng nao nức say sưa của nhà thơ khi
lần đầu tiên phát hiện vẻ đẹp đơn sơ mà say đắm của cảnh vật quê hương.
“
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
Cụm
từ “ giọt long lanh” gợi lên những liên tưởng phong phú và đầy thi vị. Nó có
thể là giọt sương lấp lánh qua kẽ lá trong buổi sớm mùa xuân tươi đẹp, có thể
là giọt nắng rọi sáng bên thềm, có thể giọt mưa xuân đang rơi…Theo mạch liên
tưởng của bài thơ “ giọt long lanh” còn là giọt âm thanh đổ hồi của con chim
chiền chiện… Hình ảnh có tính chất tượng trưng “tôi đưa tay tôi hứng” là thái độ yêu thương, trân trọng của nhà thơ
trước vả đẹp của đất trời.
Như vậy, chỉ bằng ba nét phác hoạ:
dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót, Thanh Hải đã vẽ
nên một bức tranh xuân đẹp tươi đầy sức sống. Phải chăng đó là vẻ đẹp mặn mà
của đất nước vào xuân?
Từ mùa xuân thiên nhiên, tác giả đột
ngột chuyển mạch sang miêu tả mùa xuân đất nước- mùa xuân Cách mạng:
“ Mùa xuân
người cầm súng
Lộc
giắt đầy quanh lưng
Mùa
xuân người ra đồng
Lộc
trải dài nương mạ
Tất
cả như hối hả
Tất
cả như xôn xao”
Trong nhịp sống đi lên của đất nước,
nhà thơ chọn lọc hai hình ảnh tiêu biểu “ Người cầm súng - Người ra đồng”.
“Người cầm súng” ở tiền tuyến, chiến đấu để bảo vệ thành quả cách mạng, “người
ra đồng” ở lại hậu phương tham gia sản xuất để xây dựng và phát triển quê hương
đất nước. Hai hình ảnh trong thơ được xây dựng đối xứng nhau một cách hài hoà,
tiêu biểu cho hai lực lượng chính của công cuộc cách mạng đổi mới đất nước.
Tuy nhiên, phát hiện mới và độc đáo
nhất của nhà thơ lại là hình ảnh lộc xuân. “Lộc” vừa có nghĩa là chồi non,
“lộc” cũng có nghĩa là sự may mắn theo quan niệm dân gian. Mùa xuân đến, cành
lộc non trải dài từ hậu phương ra tiền tuyến. Cành lộc non trên lưng người
chiến sĩ gìn giữ biên cương, cành lộc non hóa thân vào những đám nương mà xanh
tốt trải dài báo hiệu một vụ mùa thắng lợi. Hình ảnh mùa xuân qua cành lộc đến
khắp nơi nơi, khí xuân tươi vui tràn trề cuộc sống. Từ đó, nhà thơ miêu tả cả
dân tộc cùng bước vào mùa xuân với khí thế khẩn trương tưng bừng nhộn nhịp:
“ Tất cả như
hối hả
Tất cả như xôn xao”
Những
từ gợi tả “ hối hả”, “ xôn xao” cùng với
điệp từ “ tất cả như” là cho câu thơ vang lên nhạc điệu vui tươi mạnh mẽ khác
thường. Nhịp sống của đất nước, của cuộc cách mạng lúc nào cũng gấp rút, rộn
ràng, luôn tiến về phía trước. Đọc câu
thơ ta cảm nhận được tâm trạng vui sướng dạt dào của nhà thơ trước cuộc sống
lúc xuân về.
Những bài thơ hay viết về mùa xuân
từ xưa đến nay không ít. Nhưng miêu tả mùa xuân gắn liền với nhịp sống sôi động
đang tiến lên, đặc biệt là sự phát hiện độc đáo qua hình ảnh mùa xuân nho nhỏ
ta chỉ có thể bắt gặp được ở nhà thơ Thanh Hải. Càng xúc động hơn khi người đọc
biết rằng bài thơ ra đời trong lúc tác giả đang nằm trên giuờng bệnh trước khi
mất chẳng bao lâu.
Thầy ơi! COn cám ơn thầy vì thầy đã đăng bài cho chúng con tham khảo.
Trả lờiXóacảm ơn nhiều nha bài viết rất có ích
Trả lờiXóahay
Trả lờiXóahay
Trả lờiXóa