Đề : Nhận định về bài thơ Viếng
lăng Bác của Viễn Phương, SGK Ngữ Văn 9 – NXB GD có viết:
" Bài thơ có giọng điệu trang trọng ,tha thiết , nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm. Ngôn ngữ bình dị mà cô đúc"
" Bài thơ có giọng điệu trang trọng ,tha thiết , nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm. Ngôn ngữ bình dị mà cô đúc"
Hãy tìm hiểu và phân tích hai khổ thơ
liên tiếp trong bài Viếng lăng Bác để làm rõ nhận định trên.
(PHÂN TÍCH KHỔ 1,2)
Viễn Phương là nhà thơ miền Nam trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống
Pháp và chống Mỹ. Ông là một trong những
cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam. Thơ của
ông bình dị mà trữ tình, mộc mạc chân chất nhưng nhẹ nhàng sâu lắng.
Tháng 4 năm 1976, lăng Bác
được khánh thành, Viễn Phương được ra miền Bắc viếng thăm lăng Bác. Bao cảm xúc
yêu thương dồn nén trào dâng thành những vần thơ thành kính trang nghiêm. Bài
thơ “Viếng lăng Bác” ra đời ngay sau
đó và nhanh chóng đi vào lòng người đọc bởi cảm xúc chân thành, tha thiết của
nhà thơ. Trong đó, hai khổ thơ đầu đã bộc lộ tâm trạng nhà thơ khi nhìn thấy
hàng tre bên lăng Bác và cảnh vật quanh lăng.
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã
thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi,
hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão
táp mưa sa đứng thẳng hàng”
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất
đỏ.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng
hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân
Cảm hứng bao trùm trong
thơ chính là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào pha
lẫn nỗi xót đau khi tác giả từ miền Nam ra viếng thăm lăng Bác. Nguồn cảm hứng
ấy chi phối cả giọng điệu của bài thơ: thành kính, suy tư, trầm lắng xen lẫn
niềm đau xót, tự hào.
Mạch vận động của cảm xúc
đi theo trình tự không gian từ xa tới gần. Bài thơ được mở đầu bằng lời tâm sự:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Từ xưng hô “con” trong câu thơ mang đậm chất Nam bộ, thể
hiện tình cảm yêu thương kính trọng của của
nhà thơ đối với Bác. Cách xưng hô nghe vừa chân chất mộc mạc lại vừa gần gũi
thân tình. Đó là tiếng xưng hô yêu thương không chỉ của nhà thơ mà còn là của
nhân dân miền Nam đối với Bác. Trong tâm khảm của mọi người, Bác là một người
cha vĩ đại:
Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu
nhỏ
( Tố Hữu)
Cụm từ “ ở
miền Nam” gợi lên tình cảm thân thương ruột thịt giữa Bác với đồng bào miền
Nam, mảnh đất thành đồng chống Mĩ, nơi Bác bắt đầu bước hành trình đi tìm đường
cứu nước:
Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam
mong Bác nỗi mong cha
( Tố Hữu)
Tự
đáy lòng của người con đến thăm cha, Viễn Phương như muốn nói với Bác: Con ở miền Nam…. Câu thơ giản dị nhưng bao
hàm một ý nghĩa lớn. Trong tim Bác và trong tim miền Bắc, Miền Nam luôn luôn là
nỗi đau chia cắt, nỗi nhớ thương, là niềm tự hào, là biểu tượng anh hùng, bất
khuất, dũng cảm, kiên cường, là thành đồng Tổ Quốc… Giờ đây, nhà thơ mang theo
cả niềm tự hào đó của đồng bào miền Nam để đến với Bác.
Và,
hình ảnh đầu tiên tác giả bắt gặp qua màn sương mờ buổi sớm chính là bóng dáng
quen thuộc của làng quê:
“
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi,
hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão
táp mưa sa đứng thẳng hàng”
Hàng
tre bát ngát xanh tươi trải rộng bên lăng như những hàng quân canh giữ cho giấc
ngủ yên bình của Bác. Hàng tre xanh mộc mạc và bình dị của quê hương được nhà
thơ nhấn mạnh:
Ôi,
hàng tre xanh xanh Việt Nam
Từ
cảm thán “Ôi” bộc lộ cảm xúc trào dâng khi bắt gặp hình ảnh thân thiết của quê
nhà. Từ gợi tả “xanh xanh” đảo ra phía trước như muốn nhấn mạnh sức sống bền bỉ
của quê hương, dân tộc. Màu xanh ấy đã được nhà thơ Nguyễn Duy ca ngợi:
Tre xanh, xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh (Tre Việt Nam)
Quả thật, đi suốt chiều dài của đất nước Việt Nam, từ
miền ngược đến miền xuôi, nơi nào ta cũng thấy bóng dáng của làng quê qua hình
ảnh hàng tre quen thuộc: “ Tre Đồng Nai,
nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi… Đâu đâu
ta cũng có nứa tre làm bạn” – (Cây tre, Thép
Mới). Cho nên, giữa muôn ngàn cây và hoa bên lăng Bác, Viễn Phương chọn
hình ảnh hàng tre để miêu tả không phải ngẫu nhiên mà là một dụng ý nghệ thuật
của nhà thơ.
Từ
màu xanh đầy sức sống của hàng tre, nhà thơ liên hệ đến phẩm chất cao đẹp của
con người :
Bão táp mưa sa đứng
thẳng hàng
Cây tre mộc mạc giản dị là thế, nhưng lại kiên cường
bất khuất không hề khuất phục trước bão dông:
Bão bùng thân bọc lấy
thân
Tay vươn, tay níu tre gần nhau hơn
( Nguyễn Duy, Tre Việt Nam)
Phẩm chất của tre gần gũi với phẩm chất của người dân
Việt, chân chất bình dị trong cuộc sống lao động, nhưng lại anh hùng bất khuất
trong cuộc đấu tranh giải phóng nước nhà.
Hòa
vào dòng người đang tiến dần đến trước lăng , mạch suy tưởng của nhà thơ tiếp
tục dâng trào khi đứng giữa quảng trường Ba Đình rộng lớn:
Ngày
ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Ai đã từng viếng lăng Bác mới cảm nhận hết hàm ý ẩn
chứa trong hai câu thơ trên của Viễn Phương. Nếu hình ảnh “mặt trời trên lăng” là bút pháp tả thực để chỉ một thực thể trong
vũ trụ thì “mặt trời trong lăng” là
hình ảnh ẩn dụ để chỉ Bác. Một hình ảnh đối chiếu đầy sáng tạo để ca ngợi sự vĩ
đại của Bác Hồ. Mặt trời là nguồn sống của muôn loài vạn vật khi nó mang lại
ánh sáng và hơi ấm khắp hành tinh. Bác Hồ kính yêu cũng là người mang lại ánh
sáng Cách mạng từ Luận cương của Lênin soi sáng trên bầu trời đêm của những
cuộc đời tối tăm, nô lệ.
Thật ra, việc so sánh Bác với hình ảnh mặt trời không
phải là phát hiện mới của Viễn Phương. Trước đây, trong ca dao kháng chiến
chúng ta cũng từng bắt gặp cách so sánh tương tự:
Bác Hồ là vị cha chung
Là sao Bắc Đẩu, là vầng Thái
Dương
Nhưng sáng tạo của Viễn Phương chính là hình ảnh “mặt trời trong lăng rất đỏ ”, để từ
đó khái quát được hình ảnh Bác Hồ vĩ đại biết chừng nào !
Cùng với
mặt trời ngày ngày đi qua trên lăng là dòng người đi trong thương nhớ.
Ngày ngày
dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng
hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân
Nhịp thơ chầm chậm như bước chân của dòng người lặng lẽ đi
trong suy tưởng, bao trùm một một không khí thương nhớ Bác không nguôi, thành
kính kết tràng hoa tình yêu dâng bảy mươi chín mùa xuân của Người. “Người ta là hoa của đất”, nhà thơ thật
sâu sắc và tinh tế khi tôn quí nhân dân. Mỗi người dân là một bông hoa và dòng
người đi trong thương nhớ chính là tràng hoa dâng lên Bác.
Ngày
ngày… ngày ngày …, sự lặp lại của
thời gian, cũng là sự lặp lại của lòng thương nhớ. Cứ mỗi ngày mặt trời đi qua
trên lăng Bác, thì mỗi ngày dòng người như bất tận lại nối tiếp nhau vào lăng
dâng lên Người những đóa hoa đời tươi thắm nhất. Tình cảm của người dân Việt
Nam đối với Bác đã trở thành chân lí như vòng tuần hoàn của thời gian.
Tóm lại,
chỉ qua hai khổ thơ, Viễn Phương đã bộc lộ được cảm xúc trào dâng của mình khi
lần đầu tiên được viếng thăm lăng Bác. Những hình ảnh trong thơ được xây dựng
bằng rung cảm thiết tha của nhà thơ. Từ đó, tác giả bộc lộ tình cảm chân thành, bình dị mà tha
thiết của mình đối với Bác. Đó cũng là tình cảm chung của nhân dân miền Nam
dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.