Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Nghị luận về đoạn trích "Cảnh ngày xuân"


Đề :
           Có ý kiến cho rằng “Cảnh ngày xuân” (SGK Ngữ Văn 9 – Tập 1 – NXB GD) là một trong những bức tranh tả cảnh thiên nhiên đẹp nhất trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Trình bày suy nghĩ của em về  ý kiến trên qua việc tìm hiểu đoạn thơ.



            Trong thơ xưa, thiên nhiên không chỉ là trung tâm của cái đẹp mà còn là nơi gửi gắm tâm tư tình cảm của nhà thơ. Trong tác phẩm “Truyện Kiều” bất hủ, Nguyễn Du đã dành hơn 220 câu thơ để tả thiên nhiên. Trong đó, đoạn trích “Cảnh ngày xuân” là một trong những đoạn thơ tả cảnh hay nhất của “Truyện Kiều”.
       Bốn câu thơ đầu mở ra một không gian nên thơ đầy sức sống lại vừa gợi lên được thời gian.
                                          Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”
Giữa bầu trời mênh mông trong xanh của mùa xuân là những cánh én “đưa thoi”. Cánh én là tín hiệu báo xuân về, những cánh chim xuân chao liệng trên bầu trời như thoi đưa. Câu thơ còn gợi cho người đọc cảm giác thời gian đang trôi nhanh, mùa xuân đang trôi nhanh.
Sau cánh én “đưa thoi” là ánh xuân, “thiều quang” của mùa xuân đã chuyển vào giai đoạn cuối – tháng ba. Hai tiếng “thiều quang” gợi lên cái màu hồng của ánh xuân, cái ấm áp của khí xuân, cái mênh mông bao la của đất trời đang trong giai đoạn  tươi tắn nhất. Tiếp theo đó là màu xanh như bất tận của đồng cỏ non mơn mởn dưới nắng xuân, là sắc trắng tinh khôi của vài bông hoa lê vừa mới nở:
                        Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Nguyễn Du quả thật tài tình khi vận dụng sáng tạo những vần thơ cổ Trung Hoa vào trong hai câu lục bát đậm đà bản sắc dân tộc “Phương thảo liên thiên bích – Lê chi sổ điểm hoa”.Trong hai câu thơ Nguyễn Du, “trắng điểm” chính là nhãn tự. Cách chấm phá điểm xuyết của thi pháp cổ gợi lên vẻ đẹp thanh xuân trinh trắng của thiên nhiên cỏ hoa. Màu sắc trong bức tranh xuân được phối nhau một cách hài hoà. Màu trắng tinh khôi, mới mẻ, màu xanh đầy sức sống. Hai màu sắc hoà quyện vào nhau cùng cánh én “đưa thoi” và ánh “thiều quang” tươi hồng toát lên được vẻ đẹp và khát vọng mùa xuân say đắm lòng người.
Nếu bức tranh đầu là khung cảnh thiên nhiên mùa xuân đầy sức sống thì tám câu thơ kế tiếp là bức tranh về lễ hội mùa xuân.
                              Thanh Minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm
      Cảnh trẩy hội diễn ra thật đông vui, tưng bừng, náo nhiệt. Trên các nẻo đường “gần xa”, những dòng người cuồn cuộn đi trẩy hội. Biết bao “tài tử giai nhân” dập dìu sánh vai nhau nhịp bước trên khắp đường quê. Các từ gợi tả “nô nức”, “dập dìu” diễn tả thật sinh động không khí tươi vui náo nhiệt của ngày xuân, đồng thời còn toát lên tâm trạng náo nức của người đi dự hội. Các câu thơ đã làm sống lại cái không khí lễ hội mùa xuân, một nét đẹp truyền thống văn hoá lâu đời của phương Đông.
                                              Ngổn ngang gò đống kéo lên
Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay
      Đời sống tâm linh, phong tục dân gian cổ truyền được nhà thơ miêu tả chân thực và sống động. Cõi âm và cõi dương, người sống và kẻ khuất, hiện tại và quá khứ , cả cái tâm thánh thiện và niềm tín ngưỡng dân gian cùng hiện lên trong hai câu thơ miêu tả ấy.
      Sáu câu thơ cuối ghi lại khung cảnh chiều xuân khi chị em Thuý Kiều đang lần bước về nhà. Mặt trời đã tà tà gác núi, một ngày hội đã qua nhanh:
                              Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dang tay ra về
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh co bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
Nhịp thơ chậm rãi, như bâng khuâng, như lưu luyến. Cảnh xuân vẫn tươi đẹp với ánh nắng nhạt nhoà, với dòng nước uốn quanh, với nhịp cầu nhỏ bắc ngang, nhưng  không gian có phần lắng đọng. Nhịp điệu sôi động, náo nức của ngày hội xuân với tiếng cười nói xôn xao được thay thế bằng sự im ắng mênh mang của chiều tà. Bóng dáng và hơi thở con người dường như thiếu hẳn trong các  câu thơ. Những từ láy “thanh thanh”, “ nao nao”, “nho nhỏ” không chỉ miêu tả vẻ đẹp của cảnh mà còn là sự rung động của tâm hồn một giai nhân đa sầu đa cảm, một cảm giác man mác bâng khuâng như nuối tiếc về một ngày vui thoáng qua mau đồng thời dự báo linh cảm về những tháng ngày không còn hồn nhiên vô tư nữa.
      Có thể nói, đoạn thơ “Cảnh ngày xuân” là một bức tranh thiên nhiên mùa xuân thật đep, giàu sức sống, thật sống động nhưng cũng đầy tâm trạng. Vẻ đẹp ấy không chỉ là vẻ đẹp của ngoại cảnh mà còn là bức tranh tâm trạng. Tất cả được diễn đạt bởi bàn tay nghệ sĩ tài hoa thông qua những vần thơ lục bát đậm đà bản sắc dân tộc. Nhà thơ Chế Lan Viên đã không cường điệu khi khẳng định:
                              Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.