Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Thuyết minh về con trâu ở làng quê Việt Nam



 
u ơ... Ví du ví du ví dâu
Ví qua ví lạ
i ví trâu vô chuồng
Từ lâu, trâu đã trở thành người bạn thân thiết của dân tộc Việt Nam ta.Cứ mỗi lần về quê, đi qua những cánh đồng mênh mông dưới bầu trời xanh thẳm, ta lại bắt gặp những chú trâu với bộ lông đen óng đang lụi cụi gặm cỏ hay đang bước lững thững cùng chủ sau một ngày lao động mệt nhọc. Tuy nhìn mập mạp, chậm chạp thế ấy nhưng nhờ có chúng, ta mới có được từng bát cơm, bát gạo hằng ngày.

Nguồn gốc con trâu là cả một câu chuyện cổ tích ko biết có từ bao giờ và được lưu truyền mãi cho đến ngày hôm nay. Chuyện kể rằng : “ Từ xa xưa,vào thuở khai thiên lập địa, dưới trần gian chưa có ngũ cốc nên con người phải ăn thịt cầm thú. Ngọc Hoàng biết vậy bèn tập hợp các vị thần tiên lại, phái người đem những hạt giống có thể tạo ra ngũ cốc để cứu giúp trần gian. Một vị thần tên Kim Quang đứng lên xin nhận trọng trách này. Ngọc Hoàng vui vẻ hướng dẫn ông cách trồng hạt giống này. Nhưng rủi thay, khi xuống đến trần gian thì tiên ông Kim Quang đã mệt. Ông liền đánh một giấc dài và quên luôn lời Ngọc Hoàng căn dặn. Hạt giống không được trồng đúng nên mọc thành cỏ. Loài người vẫn đói khổ. Ngọc Hoàng nổi giận đày ông xuống trần gian làm kiếp trâu để gặm cỏ nhằm chuộc lại lỗi lầm xưa. Đến khi nào gặm hết cỏ thế gian ông mới được trở về trời. Nhưng, hạt giống cỏ lan đi khắp nơi. Đến giờ, ông vẫn chưa gặm hết nên vẫn phải đội lốt con trâu.”
Chuyện xưa là thế, nhưng theo các nhà khoa học thì trâu vốn là lai giống giữa Bò và Hải Mã khi hai con vật này giao phối với nhau từ thời trái đất mới hình thành. Chúng sống hoang dã ở Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Bhutan, Thái Lan và Việt Nam, ngoài ra trâu cũng sống hoang dã ở phía bắc Australia.Trâu có hai loại: loại màu da xanh đen (trâu đen) và loại màu da sáng hồng (trâu trắng).

Trâu thuộc họ bò, bộ guốc chẵn, phân bộ nhai lại.Da trâu màu đen, đen xám hay trắng hồng, mượt mà và căng bóng, có hai đai màu trắng: dưới cổ và chỗ đầu xương ức. Sừng hình lưỡi liềm và rất rắn chắc. Mồm dài, trên là hai lỗ mũi lớn thường được xỏ dây vốn để dễ dẫn dắt. Răng chúng rất cứng và đặc biệt chỉ có ở hàm dưới, còn hàm trên thì chỉ có thịt. Về hàm răng trâu là cả một câu chuyện cổ tích dài.
Tuy chỉ ăn cỏ nhưng chúng rất nặng kí đấy nhé.Trâu đực thì nặng từ 400-450kg, còn trâu cái thì nặng từ 350-400kg, nghé sinh ra nhỏ nên chỉ nặng từ 22-25kg.Ba tuổi là chúng đã có thể đẻ được lứa đầu. Bọn nghé trông rất dễ thương.Chúng bú sữa, chạy quanh quẩn bên chân mẹ và thỉnh thoảng lại kêu lên “nghé ọ”
Nhà nông xưa có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Trâu gắn bó với con người từ những ngày đầu tập làm nghề nông cho tới tận bây giờ. Hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau đã trở nên quen thuộc đối với người dân Việt:
Trên đồng cạn,dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy,con trâu đi bừa
Thế mới biết trâu đã gắn bó với ta hơn bấy nhiêu năm bởi chúng được thuần dưỡng và là một gia súc rất quan trọng trong đời sống người dân một số vùng ở châu Á.Trên đồng, trâu lực lưỡng khoẻ mạnh giúp người dân cày ruộng, đi bừa. Dù mưa hay nắng, chúng cũng chăm chỉ cấy cày giúp con người rồi đến mùa gặt, chúng cần cù kéo những xe lúa vàng ươm, nặng trĩu về chất đầy kho.Tuy làm việc nặng nhọc, siêng năng nhưng chúng lại ăn rất ít, chỉ toàn là rau cỏ, rơm rạ. Ấy thế mà chúng có than thở gì đâu.
Cho đến ngày nay, tuy có máy cày nhưng trâu vẫn là con vật hữu ích đối với những miền đồi núi, cao nguyên, nơi mà những loại máy công nghiệp không đáp ứng được nhu cầu. Ngoài việc kéo cày, chúng còn giúp ta thồ hàng, kéo gỗ…thường những việc này ngựa và bò không làm nổi hoặc không làm được lâu dài.
Trâu cống hiến cho loài người rất nhiều. Ngoài sức kéo, nó còn cung cấp phân bón, sừng trâu làm các mặt hàng thủ công mĩ nghệ, làm tù và, sừng trâu còn làm một vị thuốc trong ngành y học cổ truyền. Da trâu dùng để bịt trống, làm dây chão kéo thuyền. Ngày xưa, người ta lựa da trâu phơi kỹ rồi gác giàn bếp xông khói, mồ hóng, để dành. Ngày đông tháng giá, thực phẩm khan hiếm, người ta lấy da xuống rửa sạch, luộc mềm, cạo kỹ rồi thái mỏng, trộn gia vị làm thức ăn. Hơi dai, không ngon lắm nhưng lạ miệng, dễ ăn cơm. Da trâu còn có thể nấu thành keo gọi là a dao (ngưu giao ẩm) dùng như phụ gia kết dính trong công nghệ và mỹ thuật (pha vào bột màu nước, tranh vẽ không bị lem màu) hoặc có thể thái mỏng, nấu với nước sắc đậu si thật đậm thành keo sệt, uống đều đặn, trị được chứng bí tiểu, phù thũng. Thịt trâu lại là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao,ăn vào rất mát và sữa trâu thì cũng ngon không kém gì sữa bò. Răng trâu cũng được dùng làm vị thuốc có tên là ngưu xỉ. Tay chân bị lở loét, trẻ em bị chốc đầu có mủ, dùng bột ấy trộn dầu vừng bôi vào vết lở, vài lần sẽ khỏi. Còn người già răng lung lay, dùng bột ngưu xỉ chà vào, ngậm cho đến khi nước bọt ra đầy miệng thì nhổ ra, súc miệng. Điều trị như thế lâu ngày, răng bớt lung lay, thậm chí có thể chắc trở lại. Nước dãi trâu (Ngưu khẩu tần) cũng là vị thuốc. Người bị cấm khẩu đột biến thì cho uống nước dãi trâu kết hợp xoa bóp vùng mặt, dùng kim trích máu 10 đầu ngón tay, sẽ nói được. Nói chung ngày nay, do đã có các phương tiện y học hiện đại, chẳng còn mấy ai áp dụng những lối điều trị nói trên. Nhưng ngày trước, cả lông, sữa, mỡ, sừng, xương,  thậm chí sỏi mật của trâu, đều được dùng làm thuốc chữa những thứ bệnh thường gặp trong dân gian.
Về mặt vật chất là vậy, còn về giá trị tinh thần, trâu cho ta những gì? Từ lâu, trâu đã đi vào những lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam:
Dù ai buôn đâu bán đâu
Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mồng chín tháng tám thì về chọi trâu
Như câu ca dao, trâu đã góp phần quan trọng trong những buổi lễ hội như hội chọi trâu ở Đồ Sơn, hội đâm trâu ở Bana, đua trâu….Trâu chọi thường là trâu 4-5 tuổi, cái tuổi đang sung sức với làn da bóng mượt, đen lay láy,thân mình nở nang, lực lưỡng cùng chiếc đuôi cong vuốt .Hằng ngày thì chúng hiền lành, siêng năng như thế ấy, vậy mà trong buổi lễ hội, nhìn chúng thật là uy nghi và oai phong.Không những góp vui trong những buổi lễ hội, chúng còn gắn bó với tuổi thơ của lũ mục đồng.Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn thường bắt gặp hình ảnh chú mục đồng ngồi vắt vẻo thổi sáo trên lưng trâu dưới một bầu trời yên ả.Cảnh đẹp bình yên đó đã tốn biết bao giấy mực của thi sĩ.Trâu gắn bó với mọi người, từ già đến trẻ, từ vùng thấp cho đến núi cao. Nghề nuôi trâu đã từ lâu được phát triển rất mạnh ở nhiều nước trên thế giới.

Tuy ngày nay , nhiều loại máy công nghiệp ra đời nhưng hình ảnh con trâu thung thăng trên đồng cỏ vẫn luơn in sâu trong tâm trí mỗi người Việt Nam.

(Bài của em Châu Thị ThanhXuân – Trần Đại Nghĩa

4 nhận xét:

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.