Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Suy nghĩ về bài thơ "Con cò" của Chế Lan Viên


Đề : 
                        Trình  bày cảm nhận của em  về bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên



                                                 Cái cò lặn lội bờ sông
                                    Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
                                                                                             (Ca dao)
            Không biết từ bao giờ, hình ảnh con cò tự nhiên bước vào trong những làn điệu ca dao, mượt mà bay bổng theo lời ru của người mẹ. Cánh cò trắng cùng những hình ảnh thân quen của quê hương như luỹ tre làng, con đò, bến nước… đã theo âm điệu tiếng ru thấm vào tâm hồn đứa trẻ, trở thành một thứ dưỡng chất tinh thần nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng có bài thơ “ Con Cò”- bài ru con của người mẹ hiền. Bài thơ mang âm điệu đồng dao. Nhịp thơ và giọng thơ thấm đẫm hồn quê một cách đằm thắm nhẹ nhàng. Các câu thơ dài ngắn đan xen kết nối vào nhau thành lời ru ngân nga ngọt ngào biểu hiện tình thương và ước mơ của mẹ hiền đối với con thơ.
            Bài thơ chia thành ba đoạn, mỗi đoạn như một khúc ru gửi gắm tâm hồn của người mẹ yêu con. Đoạn thơ mở đầu ngọt ngào mang đậm chất ca dao :
                                    “Con còn bế trên tay
Con chưa thấy con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay”
            Từ câu thơ thứ hai cánh cò xuất hiện và trở thành người bạn đồng hành của em bé qua lời ru hời của mẹ:
                                    “ Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò cổng phủ
Con cò Đồng Đăng…”
            Cánh cò bay qua tuổi thơ trong trắng, cánh cò của làn điệu ca dao mộc mạc trữ tình:
                                    “ Con cò bay lả bay la
                             Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng”
            Câu ca dao gợi  tả không gian và khung cảnh quen thuộc của cuộc sống thời xưa, từ làng quê đến phố thị. Hình ảnh con cò nhẹ nhàng bay lượn như cuộc sống thong thả bình yên ít biến động của cuộc sống thuở xưa. Nhưng, hình ảnh con cò còn tượng trưng cho những con người lam lũ, những người mẹ, người phụ nữ nhọc nhằn vất vả kiếm sống:
“ Con cò ăn đêm
Con cò xa tổ
Cò gặp cành mềm
Cò sợ xáo măng…”
            Đọc câu thơ của Chế Lan Viên, ta như  thấy trước mắt hình ảnh một chị Dậu đang bương chải kiếm tiền nộp sưu nộp thuế cho chồng. Hoặc xa hơn, một bà Tú Xương trong bài thơ “ Thương vợ” :
                                    “ Lặn lội thân cò khi quãng vắng
                                       Eo sèo mặt nước buổi đò đông”
                                                                      ( Trần Tế Xương)
            Cứ thế, những hình ảnh qua lời ru của người mẹ đến với tâm hồn tuổi thơ một cách vô thức, mở đầu cho con đường đến với thế giới của tâm hồn. Đoạn thơ khép lại bằng hình ảnh thanh bình của cuộc sống hồn nhiên vô tư lự của trẻ thơ:

                                    “ Ngủ yên! Ngủ yên!
Cò ơi chớ sợ
Cành có mềm mẹ đã sẵn tay nâng
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân
Con chưa biết con cò con vạc
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”
            Nhịp thơ đều đặn như nhịp võng ru cùng những động tác vỗ về của mẹ. Lời ru ấy mang theo tình yêu thương ấm áp hoà cùng dòng sữa tràn trề  giúp cho con đi vào giấc ngủ sâu nồng.
            Sang đến đoạn hai của bài thơ, cánh cò từ trong lời ru  đã đi vào tiềm thức tuổi thơ, trở nên gần gũi thân thiết và theo cùng đứa con đến suốt cuộc đời:
                                    “ Ngủ yên! Ngủ yên!... đắp chung đôi”
            Mẹ nâng niu cánh cò trong câu hát cũng là nâng niu giấc ngủ của con thơ. Nghệ thuật nhân hoá làm cho hình ảnh con cò trở nên sống động, cánh cò trắng bay ra từ những câu ca dao để sống trong tâm hồn con người và nâng đỡ con người trong mỗi chặng đường. Cò và con đã thành bạn, cùng đồng hành sánh bước suốt  chặng hành trình cuộc đời từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành:
                                    “ Mai khôn lớn… hơi mát câu văn…”
            Hình ảnh cánh cò trắng “ bay hoài không nghỉ” mang một ý nghĩa mới- khát vọng sáng tạo, ý chí vươn lên. Cánh cò la hiện thân của cái đẹp, của giá trị nghệ thuật đích thực.
            Lời ru của mẹ trong đoạn ba bỗng trầm lắng lại, có vẻ như suy gẫm, chất chứa những bài học triết lý sâu sắc. Rồi sau này con sẽ lớn lên, không còn ở bên mẹ nữa, nhưng có một điều không bao giờ thay đổi- một chân lí cuộc đời:
                                    “ Dù ở gần con… lòng mẹ vẫn yêu con”
            Mãi mãi đứa con vẫn là con của mẹ cho dù con đã trưởng thành, đã nếm trải mọi lẽ đời. Tấm lòng người mẹ vẫn mong muốn được che chở bảo bọc cho con như lúc ấu thơ . Câu thơ chợt mở ra, lắng đọng, triết lí mà vẫn nhẹ nhàng nhờ tác giả sử dụng lối diễn đạt bằng hình ảnh.
                                    “ À ơi! … Quanh nôi”
            Tiếng “ À ơi!” cất lên mượt mà thấm thía. Trong tiếng à ơi , người mẹ gửi gắm cả tình thương yêu , có khi là cả những cay đắng ngot bùi trong cuộc đời của mẹ. Hình ảnh con cò mẹ hát chất chứa những nông sâu của cuộc đời . Có phải chăng ngoài chức năng  ru con, trong câu hát của người mẹ còn chất chứa những nỗi lòng, những ước mơ mà cuộc đời nay mẹ chưa làm được?
            Tóm lại, hình ảnh con cò xuất hiện trong thơ không phải là mới. Nhưng nhà thơ Chế Lan Viên đã biết kết hợp giữa nguồn mạch trữ tình tha thiết trong ca dao với chất triết lí giản dị mà sâu sắc vốn là đặc trưng của nhà thơ để cho ra đời một bài thơ đặc sắc. Bài thơ “ Con cò” mãi thấm được trong lòng bạn yêu thơ cho dù thời gian có đổi thay …

(TƯ LIỆU SƯU TẦM)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.