Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Nhà văn Ngô Tất Tố (1894-1954)




Ngô Tất Tố sinh năm 1894 ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, nay thuộc Bắc Ninh.. Làng ông nằm ven bờ sông Đuống, một vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Nhưng trước Cách mạng tháng Tám đây cũng là nơi tồn tại rất nhiều hủ tục nặng nề, là tai họa cho biết bao gia đình nông dân nghèo khổ. Những cảnh tượng thương tâm này đã được Ngô Tất Tố kể lại khá chân thực và sinh động trong tập phóng sự "Việc làng" của mình.
Từ nhỏ, Ngô Tất Tố đã theo học chữ Nho. Năm Nhâm Tý 1912, ông đã một lần lều chõng thi hương. Năm Ất Mão 1915 trong một kỳ thi sát hạch cuối cùng ở Bắc Ninh, Ngô Tất Tố đứng đầu. Bởi thế mà người dân ở làng Lộc Hà vẫn quen gọi ông một cách thân mật là đầu xứ Tố.
Là thế hệ những nhà nho ...nhưng ông sớm tiếp thu những tư tưởng mới của thời đại. Ngô Tất Tố đã thẳng thắn phê phán những tư tưởng tiêu cực. Đặc biệt, ở cuốn tiểu thuyết "Lều chõng", nhà văn đã tái hiện khá sinh động cảnh thi cử dưới chế độ xã hội phong kiến xưa. Với sự hiểu biết sâu sắc, tường tận và nhất là những kinh nghiệm mà Ngô Tất Tố đã từng trải, chiêm nghiệm, ông nêu lên sự sụp đổ thảm hại về mặt tinh thần của những nho sĩ suốt đời lấy khoa cử làm con đường tiến thân nhưng lại bị hoàn toàn thất vọng. Ngô Tất Tố không ngần ngại khi vạch trần trên trang sách những mặt trái, những chuyện xấu xa thấp hèn của một bộ phận trong tầng lớp trí thức phong kiến, tự xưng là khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, là rường cột của nước nhà mà chỉ mải mê với những chuyện hành lạc, và ham hố công danh. Có thể nói, nếu như Nam Cao viết về con người trí thức tiểu tư sản một cách chân thực với cái nhìn phê phán, thì Ngô Tất Tố cũng đã phân tích, mổ xẻ con người nho sĩ và đã chỉ ra những mặt hạn chế thấp kém của họ.
Cuộc đời của Ngô Tất Tố là cuộc đời của một nhà văn, nhà giáo nghèo. Năm 1926, Ngô Tất Tố ra Hà Nội làm báo rồi cùng với Tản Đà vào Sài Gòn. Ông đến với mảnh đất phía nam này với biết bao niềm hy vọng và tin tưởng. Nhưng sau gần ba năm ở Sài Gòn, Ngô Tất Tố trở ra Hà Nội vẫn với hai bàn tay trắng.
Ông sinh sống bằng cách viết bài cho các báo : Phổ thông, Tương lai, Công dân, Đông Pháp, Thời vụ, Hà Nội tân văn. . . đây là những năm tháng làm báo hào hứng và sôi nổi nhất của Ngô Tất Tố. Ông viết với nhiều bút danh khác nhau như : Thục Điểu, Lộc Hà, Lộc Đình, Thôn Dân, Phó Chi, Tuệ Nhơn, Thuyết Hải, Xuân Trào, Hy Cừ .v.v... Những bài báo của Ngô Tất Tố đã đề cập những vấn đề thời sự nóng hổi lúc bấy giờ. 


Trên văn đàn những năm 1936-1939, Ngô Tất Tố liên tục tấn công vào bọn quan lại phong kiến, đặc biệt là nạn quan lại tham nhũng. Những việc làm và thái độ của Ngô Tất Tố đã làm cho bọn thực dân thù ghét. Chúng theo dõi và tìm cách dụ dỗ, mua chuộc ông. Năm 1935, chánh sở mật thám Hà Nội cho gọi Ngô Tất Tố đến để mua chuộc, nhưng ông từ chối. Nhiều lần Ngô Tất Tố bị cấm viết báo và bị trục xuất khỏi Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định.
Năm 1939, bọn thực dân ra lệnh cấm cuốn "Tắt đèn". Bọn mật thám về Bắc Ninh khám nhà Ngô Tất Tố và bắt giam ông ở Hà Nội ba, bốn tháng. Những hành động đó cũng không ngăn cản được ngòi bút của Ngô Tất Tố.
Ngô Tất Tố viết nhiều thể loại : truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự, văn tiểu phẩm... Thế nhưng nhắc đến tên tuổi của ông, người ta thường nghĩ ngay đến tác phẩm Tắt đèn. Điều này cũng dễ hiểu, bởi đây là một trong những sáng tác đặc sắc nhất của ông. Thực ra, trước Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã có nhiều bài báo và tập phóng sự "Việc làng" viết về cuộc sống của người nông dân sau lũy tre làng. Tuy nhiên "Tắt đèn" vẫn là tác phẩm thành công hơn cả.
Dư luận báo chí đương thời cho rằng với "Tắt đèn" Ngô Tất Tố đã mang đến một cách nhìn mới, một cách miêu tả và biểu hiện mới trong nghệ thuật so với các nhà văn đương thời. Nhà văn không chỉ đề cập một vấn đề thời sự trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ - vấn đề nông dân, đặc biệt là vấn đề sưu thuế mà còn xây dựng được một hình tượng phụ nữ nông dân mạnh khỏe, lạc quan với những phẩm chất tốt đẹp. Viết tác phẩm "Tắt đèn", Ngô Tất Tố không chỉ có cái nhìn sắc sảo, một sự am hiểu tường tận cuộc sống ở thôn quê mà điều quan trọng hơn là ông có một tình cảm gắn bó sâu nặng với ng­ời nông dân. Đọc những trang sách của nhà văn viết về thân phận nghèo khổ bi dồn đẩy đến bước đường cùng, nhiều lúc ta có cảm giác như nước mắt của nhà văn chan hòa cùng nước mắt của nhân vật.. Có thể nói, với "Tắt đèn", "Việc làng" và nhiều bài báo khác của mình, Ngô Tất Tố thực sự đã trở thành người bạn đường đáng tin cậy của những người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám.
Cách mạng tháng Tám thành công, cùng với nhiều đồng nghiệp khác, Ngô Tất Tố bày tỏ niềm cảm xúc chân thành, tin tưởng và lạc quan của mình. Năm 1946 "trong một bữa cơm đông đủ gần hết anh chị em văn nghệ sĩ Bắc bộ và Trung bộ, bế mạc Hội nghị Văn hóa cứu quốc lần thứ nhất ở Hà Nội, ông già tóc ngắn hoa râm, áo dài khăn xếp, sắt đanh với cái tên Hy Cừ chuyên vạch mặt chỉ trán những chuyện ngang trái của xã hội thực dân và phong kiến trong một mục báo hằng ngày kia, hơi rượu liên hoan ngà ngà, đứng lên khoanh tay bẽn lẽn ngâm mấy câu thơ mừng cách mạng thành công".
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, mặc dù lúc này đã tuổi già, sức yếu, nhưng Ngô Tất Tố vẫn đem hết sức mình phục vụ cách mạng. Với bộ quần áo nâu giản dị, Ngô Tất Tố hòa mình trong cuộc sống kháng chiến của nhân dân. Ông tham gia công tác thông tin văn nghệ, dự Đại hội chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc, tham gia công tác thuế nông nghiệp... Ngô Tất Tố được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau đó, tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất (1948) ông được bầu vào Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Ngô Tất Tố đã giành thời gian cho những bài ca dao, những bản diễn ca, những truyện ngắn, các vở chèo để phục vụ kịp thời công tác cách mạng (Vĩnh Thụy ca, Quà tết bộ đội, Buổi chợ trung du, Anh Lộc...). Đặc biệt thời kỳ này, Ngô Tất Tố có nhiều đóng góp to lớn vào công tác dịch thuật. ông là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học Liên Xô (cũ) và Trung Quốc (Trời hửng, Trước lửa chiến đấu, Suối thép, Vấn đề văn nghệ Liên Xô... ). Trong giải thưởng văn nghệ 1951-1952, Ngô Tất Tố được giải ba về dịch các cuốn : Trời hửng (của Vương Lực), Trước lửa chiến đấu (Lưu Bạch Vũ) và giải khuyến khích cho vở chèo mười cảnh do ông viết Quách Thị Tước (sau đổi tên là Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác).
Tháng 4.1954, Ngô Tất Tố qua đời. ông không kịp chứng kiến ngày chiến thắng của dân tộc, ngày mà ước mơ của ông từ năm 1949 đã trở thành sự thực :

          Bóng toàn thắng sang xuân càng sáng sủa
Chỉ nước non ta hẹn chỗ trùng phùng
Vỗ tay vào đất Thăng Long
Hơn ba mươi năm cầm bút, vừa viết văn, viết báo, vừa dịch thuật và nghiên cứu phê bình văn học, Ngô Tất Tố có nhiều đóng góp lớn lao cho sự nghiệp văn học, sự nghiệp cách mạng.
Đánh giá công lao to lớn của ông, Hội đồng Nhà nước đã quyết định truy tặng Ngô Tất Tố giải thưởng cao quý Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1. Ông xứng đáng là một nhà văn lớn, một nhà văn hóa và nghiên cứu lớn của dân tộc.
PTS. HÀ VĂN ĐỨC
(Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.