Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Xéc-van-tét và đoạn trích "Đánh nhau với cối xay gió"



 
A. CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP XÉC-VAN-TÉC
Mi-ghen Đơ Xéc-van-téc (Miguel de Cervantes, 1547-1616), nhà văn Phục hưng Tây Ban Nha, là tiểu thuyết gia bậc thầy của nhân loại. Ông không chỉ nổi tiếng với tư cách là nhà nhân văn mang tư tưởng tiến bộ hướng về quyền bình đẳng, tự do cho con người mà còn được xem là người khai sinh ra tiểu thuyết hiện đại, đặc biệt là loại tiểu thuyết phiêu lưu. Hình thức tiểu thuyết này được kế thừa bởi nhiều nhà văn thuộc các thế hệ sau như Đi-phô (Anh), Mac Tuên (Mĩ)... Đặc biệt, Xéc-van-téc còn khai sinh ra kiểu nhân vật lưỡng diện, vừa điên rồ vừa sáng suốt, dùng tiếng cười và thủ pháp lạ hóa điêu luyện trong việc bóc trần những thói hư tật xấu của con người và xã hội. Đôn Ki-hô-tê và Xan-chô Pan-xa của ông trở thành những biểu tượng bất hủ của mọi thời.
Xéc-van-téc sinh năm 1547 tại An-ca-la Đơ Hê-na-rex, gần thủ đô Ma-đrit. Cha ông là một thầy thuốc nghèo đông con. Thuở ấu thơ, Xéc-van-téc chịu nhiều khổ cực, cùng gia đình di chuyển qua nhiều thành phố để kiếm sống. Việc học của ông, vì thế phải chịu nhiều phen gián đoạn. Theo các tài liệu đáng tin cậy, ta biết Xéc-van-téc tốt nghiệp tại Học viện nhân văn (Humanist academy)(có ý kiến khác cho rằng ông tốt nghiệp đại học thần học) ở Ma-đrít. Năm 1569, Xéc-van-téc rời Tây Ban Nha sang I-ta-li-a và một năm sau, ông gia nhập quân đội Tây Ban Nha.
Xéc-van-téc trưởng thành dưới thời vua Phi-lip Đệ nhị (1556–1589). Giai đoạn này Tây Ban Nha là cường quốc số một của Châu Âu. Sau sự kiện Cri-xtốp Cô-lông tìm ra châu Mĩ vào năm 1492, Tây Ban Nha đẩy nhanh quá trình đầu tư và khai thác thuộc địa. Nhờ vào sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân với hạm đội Ác-ma-đa, Tây Ban Nha vừa mở rộng thuộc địa, vừa tăng cường cướp bóc trên biển, nên chẳng mấy chốc đã trở nên giàu có. Tuy nhiên, tiền của lại rơi vào tay quý tộc phong kiến, khoảng cách giữa người giàu người nghèo ngày càng nới rộng hơn. Sự xa xỉ trong cung đình và sự xao lãng trong sản xuất, cùng với mâu thuẫn trong nội bộ giới lãnh đạo đã khiến cho Tây Ban Nha suy thoái kể từ giữa thế kỉ mười sáu. Khi hạm đội Ác-ma-đa bị bão vùi quá nửa lúc đang tiến đánh nước Anh và sau đó là sự bại trận thảm hại đã khiến Tây Ban Nha mất quyền thống trị mặt biển, làm giảm nguồn lợi nhuận đáng kể, khiến đất nước rơi nhanh vào khủng hoảng.
Xéc-van-téc trực tiếp chứng kiến những đổi thay này. Năm 1571, ông tham gia trận thủy chiến Lê-pan-tô chống quân Thổ Nhĩ Kì. Tinh thần quả cảm của ông được ngợi khen nhưng trận chiến ấy đã để lại thương tật vĩnh viễn trên bàn tay trái của ông. Sau đó ông còn tham gia nhiều trận đánh lớn trên biển Địa Trung Hải trước khi quay về Tây Ban Nha từ Na-plơ. Không may cho Xéc-van-téc, ông bị bọn cướp biển Bắc Phi bắt giữ làm tù binh để đòi tiền chuộc. Khoản tiền quá lớn khiến gia đình ông không thể đáp ứng, triều đình thì không hề quan tâm. Do vậy, Xéc-van-téc phải sống trong cảnh mất tự do năm năm ở An-giơ. Thời gian này, ông có điều kiện tiếp xúc với văn hóa Hồi giáo và hiểu biết những xung đột giữa Hồi giáo và Thiên chúa giáo để về sau dùng làm tư liệu cho nhiều trang viết thành công của mình. Chặng đường mười năm luân lạc (1570–1580) đã được Xéc-van-téc hư cấu thành chuyện của một người tù trong Đôn Ki-hô-tê (phần một, chương 39 – 41).
Năm 1580, nhờ khoản tiền chuộc giảm xuống vì những kẻ bắt giữ khâm phục lòng dũng cảm của ông (ông tổ chức vượt biển bốn lần nhưng không thành công và lần nào cũng nhận trách nhiệm về mình), gia đình và bạn bè mới có thể quyên góp để mua lại tự do cho ông. Lúc này Xéc-van-téc đã quá thấm thía về cảnh tù tội, sự vô trách nhiệm của triều đình song bù lại, ông có khoảng thời gian trực tiếp nếm trải và chiêm nghiệm cuộc đời. Đấy là khối tài sản vô giá cho sự nghiệp văn chương ông.
Ở Ma-đrít, Xéc-van-téc bắt đầu con đường sáng tác của mình. Ông làm thơ, nhưng không thành công. Ông viết kịch (khoảng ba mươi vở) song chẳng một vở nào được trình diễn. Ông viết tiểu thuyết đồng quê (pastoral romance), La Ga-la-te-a (1585) nhưng chẳng gây được tiếng vang... Như thế cuộc sống vất vả gian truân của ông lại càng gian truân hơn. Năm 1587, Xéc-van-téc nhận chân ủy viên hội đồng cung ứng lương thực cho Hạm đội Ác-ma-đa (một năm sau, Ác-ma-đa qua thời hoàng kim vì bại trận dưới tay người Anh và trở thành gánh nặng về chi phí đối với đất nước) mà thực chất là đi đốc thuế. Vì công việc mà Xéc-van-téc nhiều lần mâu thuẫn với nhà thờ và giới quý tộc (bởi đó là hai đối tượng chiếm giữ nhiều đất đai và phải nộp thuế nhiều). Bi đát hơn, vào năm 1597, Xéc-van-téc phải ngồi tù vì sự phá sản của ngân hàng Se-vi-li-an nơi ông gửi số tiền thuế để chuyển về nộp tại Ma-đrít. Trong thời gian này ông nảy ý định viết Đôn Ki-hô-tê. Phần một của cuốn tiểu thuyết được hoàn thành vào năm 1605. Ngay lập tức, tên tuổi của ông vang dội khắp Tây Ban Nha và châu Âu. Sách được tái bản và phát hành tới hàng triệu cuốn nhưng Xéc-van-téc nghèo vẫn cứ nghèo vì tiền rơi hết vào tay các nhà xuất bản và lãnh chúa bảo trợ. Cảnh cơ hàn của Xéc-van-téc đã được lưu truyền qua giai thoại sau: năm 1615, nhân chuyến thăm Tây Ban Nha, đoàn sứ giả Pháp đến thăm Xéc-van-téc. Thấy sự nghèo khổ của ông, một người thốt lên, – “Sao ! Một con người như vậy mà nước Tây Ban Nha không lấy công quỹ cung dưỡng và làm cho giàu có ư !”. Người khác nói thêm một cách ý nhị, “Nếu sự nghèo túng buộc ông ta phải viết sách thì cầu Chúa cho ông ta không bao giờ sung túc để những tác phẩm của một người nghèo khổ như ông làm giàu cho thiên hạ” (Đôn Kihôtê - nhà quý tộc tài ba xứ Mantra, Trương Đắc Vỵ dịch, Nxb Văn học, H.,1997, tr. 8, tập 1). Năm 1613, Xéc-van-téc hoàn thành tập Truyện nêu gương. Tập truyện ngắn này mang lại cho ông danh tiếng là Bô-ca-xi-ô của Tây Ban Nha. Nhưng vào thời điểm ấy, độc giả chú ý đến tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê nhiều hơn. Trong lúc Xéc-van-téc đang dốc sức hoàn thành phần hai của cuốn tiểu thuyết trứ danh thì có kẻ định cướp công của ông bằng cách tung ra thị trường phần hai của Đôn Ki-hô-tê vào năm 1614. Cuốn này, dĩ nhiên không thể sánh bằng cuốn của Xéc-van-téc. Sự việc ăn cắp trắng trọn này đã được Xéc-van-téc viết rõ trong phần hai Đôn Ki-hô-tê của mình, xuất bản năm 1615.
Về đời tư, kể từ năm 1582, Xéc-van-téc chung sống với A-na Phran-ca Đơ Rô-giax, hai người sinh được cô con gái I-sa-ben. Đến năm 1584, Xéc-van-téc chia tay với A-na để kết hôn với Ca-ta-li-na Đơ Sa-la-da nhưng không có con.
Xéc-van-téc qua đời ngày 22 tháng 4 năm 1616. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng được xuất bản sau khi ông mất là Pơ-xi-lex Xi-gi-xmun-đa (1617).

B. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. TÓM TẮT TIỂU THUYẾT “ĐÔN KI-HÔ-TÊ”
Đôn Ki-hô-tê, nhan đề đầy đủ là Đôn Ki-hô-tê nhà quý tộc tài ba xứ Mancha, bao gồm hai phần: phần một 52 chương, phần hai 74 chương, với gần 700 nhân vật, xoay quanh ba chuyến đi làm hiệp sĩ giang hồ của Đôn Ki-hô-tê.
Tiểu thuyết kể chuyện nhà quý tộc nghèo A-lôn-xô Ki-ha-na tuổi ngoài ngũ tuần say mê truyện hiệp sĩ đến mức phát rồ, tự trang bị cho bản thân những vũ khí gỉ sét của tổ tiên còn sót lại để lên đường hành hiệp. Chuyến đi thứ nhất, chàng cưỡi con ngựa còm mà chàng đặt cho cái tên mĩ miều là Rô-xi-nan-tê (có nghĩa: con ngựa đứng đầu loài ngựa) đến một quán trọ mà chàng đinh ninh là lâu đài. Gã chủ quán trong mắt chàng là quan trấn thành. Theo đề nghị của Đôn Ki-hô-tê, gã phong tước hiệp sĩ cho chàng. Trên đường đi, Đôn Ki-hô-tê gây sự với cánh lái la, bênh vực cậu bé An-đrêx rồi chặn đường toán lái buôn bắt họ ca tụng sắc đẹp của tình nương mình là Đuyn-xi-nê-a – một cô thôn nữ béo phị được chàng đặt cho cái tên sang trọng ấy nên bị bọn họ và gã chăn lừa nện cho một trận thập tử nhất sinh. Người làng của chàng tình cờ phát hiện bèn đưa chàng về nhà.
Biết được nguyên nhân khiến Đôn Ki-hô-tê điên rồ, Cha xứ Pê-rô Pê-rex và bác phó cạo Ni-cô-lax trong làng cùng với cô cháu gái và bà quản gia của Đôn Ki-hô-tê đốt sạch sách trong thư viện rồi xây tường bịt kín cửa. Đôn Ki-hô-tê khi bình phục, không tìm thấy sách bèn giải thích là do tên pháp sư Phơ-re-xtôn thù địch gây ra.
Không lâu sau, Đôn Ki-hô-tê lại ra đi lần thứ hai cùng với Xan-chô Pan-xa. Bác nông dân hiền lành chất phác này đồng ý làm giám mã cho Đôn Ki-hô-tê do được hứa là sẽ cho làm thống đốc vài hòn đảo khi hai thầy trò công thành danh toại. Hai người khởi hành vào ban đêm, qua cánh đồng Môn-ti-en đánh nhau với cối xay gió, đến gần cảng La-pi-xê, hai thầy trò gặp một phu nhân và mấy kị sĩ theo hầu, cho rằng đấy là một công chúa bị bắt cóc, Đôn Ki-hô-tê xông vào giải thoát, đánh thắng kị sĩ Vi-xcai-a sau khi bị chém mất nửa cái mũ và nửa cái tai. Tiếp đó, Đôn Ki-hô-tê bị bọn lái la đánh cho một trận nhừ tử vì Rô-xi-nan-tê trêu ghẹo đám ngựa cái của họ. Hai thầy trò đến một quán trọ mà Đôn Ki-hô-tê cho là lâu đài. Tối đến, do nhầm lẫn khi cô hầu gái tìm đến với gã người tình lái la, thầy trò bị cuốn vào cuộc đánh nhau loạn xạ. Đôn Ki-hô-tê không trả tiền trọ nên Xan-chô Pan-xa bị bọn lái buôn chơi trò tung hứng. Đôn Ki-hô-tê cướp chậu cạo râu làm mũ đội. Gặp đoàn tù khổ sai đang bị giải đi, phẫn nộ vì thấy sự tự do của con người bị tước đoạt, Đôn Ki-hô-tê giải phóng cho họ rồi bị chính họ ném đá bị thương khi chàng bắt họ tìm gặp Đuyn-xi-nê-a để tán dương công trạng mình. Vì việc làm này mà hai thầy trò phải bỏ trốn vào núi, gặp Các-đê-ni-ô điên khùng do bị bạn cướp mất người yêu rồi sau đó tình cờ được đoàn tụ. Cha xứ và bác phó cạo đi tìm Đôn Ki-hô-tê, đưa chàng về quán trọ, mọi người cùng nghe đọc bản thảo “Truyện anh chàng hiếu kì khờ dại”, cùng nghe Người Tù kể lại chuyện của mình. Đôn Ki-hô-tê lao vào lễ cầu mưa giải thoát cho bức ảnh Đức Mẹ vì cho rằng đấy là công chúa bị bắt cóc. Chàng bị nện nhừ tử. Mọi người phải khênh chàng lên xe bò đưa về nhà.
Lần ra đi thứ ba của hai thầy trò bắt đầu bằng việc đến thăm nàng Đuyn-xi-nê-a. Đấy là một cô thôn nữ xấu xí. Đôn Ki-hô-tê cho là nàng bị phù phép. Trên đường, hai thầy trò gặp nhà quý tộc Đôn Đi-e-gô với triết lí sống an nhàn. Đôn Ki-hô-tê phản đối cách sống ấy bằng cách chặn đoàn xe chở sư tử lại, bắt người áp tải mở cửa để mình đánh nhau với sư tử. Con sư tử chui ra giương mắt nhìn rồi lại chui vào. Đôn Ki-hô-tê chiến thắng. Sau khi thực hiện vài chiến công nữa, thầy trò Đôn Ki-hô-tê gặp vợ chồng Công tước, những người đã đọc Đôn Ki-hô-tê (tập một) nên biết chuyện của hai thầy trò Họ bày trò mua vui cho Xan-chô Pan-xa làm thống đốc đảo. Bác giám mã tỏ ra rất tài ba, công bằng khi cai trị. Song vì bị biến thành trò cười, hai thầy trò cảm thấy mất tự do nên quyết chí bỏ đi. Đến Xa-ra-go-xa, hai thầy trò gặp đám thanh niên chán cuộc sống thành thị tụ tập làm mục đồng. Đến Bac-xê-lô-na, họ gặp tướng cướp cao thượng Rô-ke, rồi gặp nhà quý tộc An-tô-ni-ô, Xan-chô bị mang ra chơi trò tung hứng...
Cậu tú Ca-ra-xcô, muốn cứu Đôn Ki-hô-tê, bèn giả trang thành hiệp sĩ Vầng trăng bạc thách đấu Đôn Ki-hô-tê với điều kiện, người thua sẽ không được phép đi làm hiệp sĩ nữa. Đôn Ki-hô-tê bị đánh ngã, phải trở về nhà, không lâu sau thì qua đời.

2. TIẾP CẬN ĐOẠN TRÍCH “ĐÁNH NHAU VỚI CỐI XAY GIÓ”

Hành động đánh nhau với cối xay gió của Đôn Ki-hô-tê từ lâu đã trở thành điển tích nhằm chỉ những người bất bình thường trong hành động hoặc chỉ một hành động thiếu thực tế, không mang lại kết quả.
Cả hai nét nghĩa trên đều được rút ra từ phẩm chất cơ bản của chàng hiệp sĩ Mặt Buồn Đôn Ki-hô-tê: giàu trí tưởng tượng và kiên quyết sống, hành động trong thế giới tưởng tượng đó. Chuyện Đôn Ki-hô-tê đánh nhau với cối xay gió thuộc phần đầu của chương tám, có tựa đề là “Cuộc gặp gỡ rùng rợn quá sức tưởng tượng giữa hiệp sĩ dũng cảm Đôn Ki-hô-tê với cối xay gió và những sự việc đáng ghi nhớ khác”.

a. Chạm trán

Trước khi để chàng hiệp sĩ chạm trán với “những tên khổng lồ” cối xay gió, Xéc-van-téc khéo léo đưa người đọc vào thế giới giả tưởng bằng cách để hai thầy trò đối thoại với nhau về cái tương lai gần của “thống đốc” Xan-chô Pan-xa và Xan-chô nghĩ đến cái gánh nặng mình phải mang và cả việc không xứng đáng làm hoàng hậu của bà vợ quê mùa của mình. Đôn Ki-hô-tê bèn dạy đệ tử:
“– Xan-chô, hãy trông chờ Thượng đế. Người sẽ dành cho vợ anh một địa vị thích hợp. Còn anh cũng chớ quá tự hạ mình không dám nhận chức thống đốc.
– Thưa ngài, tôi không dám thế nữa. Vả chăng có một ông chủ tốt bụng như ngài, tôi tin chắc sẽ được xếp đặt đúng nơi, đúng chỗ và sẽ gánh vác được công việc”.
Từ chỗ thuyết phục được Xan-chô tin vào lời mình, Đôn Ki-hô-tê lại tiếp tục đưa Xan-chô đi sâu vào thế giới tưởng tượng. Tín hiệu thẩm mĩ được đặt ngay đầu chương, tiếp nối mạch suy nghĩ viễn vông của chàng hiệp sĩ với thế giới thực tại: “Chợt... phát hiện có ba, bốn chục chiếc cối xay gió giữa đồng, và Đôn Ki-hô-tê vừa nhìn thấy liền nói với giám mã”(tr. 75), cũng vẫn là lời dụ dỗ vinh hoa phú quý:
“Vận may run rủi khiến cho sự nghiệp của chúng ta tốt đẹp quá sự mong muốn, vì kia kìa, anh bạn Xan-chô Pan-xa ơi, có đến ba bốn chục tên khổng lồ ghê gớm, ta quyết giao chiến giết hết bọn chúng ; và với những chiến lợi phẩm thu được, chúng ta sẽ bắt đầu giàu có” (tr. 75).

b. Nhận thức

Gắn những tên “khổng lồ ghê gớm” với hành động “quyết giao chiến giết hết bọn chúng” và kết quả “giàu có” nhờ “chiến lợi phẩm”, quả thực Đôn Ki-hô-tê tỏ ra rất lô-gích trong sự điên rồ của mình, song Xan-chô đâu dễ bị thuyết phục bởi ban nãy, cái chức thống đốc một hòn đảo nhờ trừu tượng nên bác có thể tin được, còn gọi những cối xay gió là khổng lồ thì thật là khó tin vì chúng rất thực. Xan-chô không chấp nhận: “Những tên khổng lồ nào cơ?”
Câu hỏi lại này là một lời phủ nhận vì dẫu có mơ tưởng đến hòn đảo kia đến đâu chăng nữa thì bác giám mã cũng không thể nào tưởng tượng được theo kiểu của ông chủ:
“– Những đứa mà anh nhìn thấy kia kìa.”
Đôn Ki-hô-tê khẳng định: Khổng lồ ở kia kìa, song vấn đề là Xan-chô có nhìn thấy hay không? Dụng ý của Đôn Ki-hô-tê là Xan-chô chưa nhìn thấy nên chưa chịu thừa nhận bởi theo chàng sự thực đã quá hiển nhiên, “cánh tay chúng dài ngoẵng, có đứa, cánh tay dài tới hai dặm”. Mục đích của việc đưa thêm bằng chứng (cánh tay) và khẳng định tính chất khổng lồ (dài tới hai dặm) của Đôn Ki-hô-tê cốt chỉ để nhấn mạnh thêm rằng đấy chính là bọn khổng lồ.
Đến đây tiếng cười từ phía người đọc được đẩy cao thêm bước nữa. Người đọc đồng ý với Xan-chô, cùng cười sự điên rồ thái quá của Đôn Ki-hô-tê. Tiếng cười được xây dựng theo lối tương phản giữa thực tế và tưởng tượng, giữa tỉnh và điên. Người đọc bị lôi cuốn vào cuộc đối thoại nghịch lí của hai thầy trò khi mỗi bên đều cố giữ cho mình một lô-gích nội tại riêng. Xan-chô đâu dễ chấp nhận lí luận điên rồ của thầy mình:
“– Thưa ngài, – Xan-chô nói, – xuất hiện ở kia chẳng phải là các tên khổng lồ đâu mà chỉ là những cối xay gió, và cái vật trông giống cánh tay là những cánh quạt” (tr. 75).
Quả thật thầy nào trò ấy. Xan-chô cũng kiên định trong nhận thức của mình. Điều này có lí do vì một người nông dân như bác thì quá hiểu thế nào là cối xay gió, nên đã giải thích cặn kẽ cho chủ “cánh tay” là “cánh quạt” và cả cơ chế vận hành “khi có gió thổi, chúng sẽ quay tròn làm chuyển động cối đá bên trong” (tr. 75).
Điểm khác nhau cơ bản giữa hai thầy trò đã rõ: cối xay là những tên khổng lồ và cối xay chỉ là cối xay. Cách nhận thức của Xan-chô thì khỏi phải bàn: quả là chỉ có những chiếc cối xay gió thật sự. Cái thế giới này như thế thì sẽ vận hành như thế. Đây là thái độ chấp nhận thực tại theo nguyên tắc tồn tại của nó. Trong khi đó, nhận thức của Đôn Ki-hô-tê lại được đặt trong cái nhìn lạ hóa: Nguyên tắc tồn tại của thế giới ấy có vấn đề, như cách Hăm-lét nhận ra Đan Mạch là chốn ngục tù ghê tởm song mọi người sống trong thế giới ấy đâu có ý thức được như Hăm-lét. Nói cách khác, Xan-chô thấy cuộc sống đâu có gì đáng bàn (việc ra đi phiêu lưu của bác cũng chỉ nhằm để “thỏa mãn cái dạ dày” mà thôi). Trong khi đó, thì ngay từ khi nhìn thấy cối xay gió, chàng hiệp sĩ đã xác định: Đây là một cuộc chiến đấu chính đáng, và quét sạch cái giống xấu xa này khỏi mặt đất là phụng sự Chúa đấy (tr. 75).
Lớp nghĩa thứ hai đã lộ rõ: cối xay – khổng lồ – giống xấu xa. Đôn Ki-hô-tê không đánh nhau với cối xay vì cối xay mà vì đấy là hiện thân của giống xấu xa. Mục đích của chàng hiệp sĩ vô cùng cao cả “quét sạch cái giống xấu xa này khỏi mặt đất”. Hạt nhân hợp lý trong mục đích này thường xuyên đối thoại với hành động điên rồ của chàng hiệp sĩ. Người đọc cười ngặt nghẽo trước lối nói, cử chỉ, hành động của chàng, song không thể không thừa nhận điểm sáng nhân văn trong các hành động đó.
Như thế, giá trị từ hành động của Đôn Ki-hô-tê là giá trị cảnh tỉnh. Hành động đó giúp cho người đọc hiểu ra được tính vấn đề trong sự bình lặng của xã hội. Mi lan Kun-đe-ra – nhà văn kiêm phê bình gia nổi tiếng của thế kỉ hai mươi – nồng nhiệt ca ngợi Xéc-van-téc ở điểm này: “Khi Đôn Ki-hô-tê bước vào thế giới, cái thế giới ấy hóa thành bí ẩn trước mắt chàng. Đấy là di sản từ cuốn tiểu thuyết châu Âu đầu tiên đối với toàn bộ lịch sử tiểu thuyết sau này. Xéc-van-téc dạy độc giả nhận thức được tính vấn đề của thế giới xung quanh”.(1)
Trận chiến của Đôn Ki-hô-tê sắp nổ ra. Đây là trận chiến quyết liệt vì chàng đơn thương độc mã. Xan-chô đã rụt cổ vì (theo lời Đôn Ki-hô-tê) sợ hãi mà thực chất (vẫn là lời Đôn Ki-hô-tê) là “Chẳng thạo gì về những chuyện phiêu lưu”.
Như thế, vấn đề ở đây là nhìn thấy và hiểu (thạo). Xan-chô không nhìn thấy khổng lồ và cũng không hiểu bản chất của chúng. Vậy nên ông chủ can đảm, hào phóng của bác không khiến bác cùng xung trận: “Nếu anh sợ thì hãy lánh ra xa mà cầu kinh trong lúc ta sẽ đương đầu với chúng trong một cuộc giao tranh điên cuồng và không cân sức” (tr. 75).

c. Hành động

Phẩm chất anh hùng mà cùng với nó là hiệu quả gây cười mỗi lúc được đẩy cao hơn ở Đôn Ki-hô-tê lộ rõ khi chàng đơn thương độc mã đối mặt với kẻ thù. Nếu ở đoạn trên, người kể chuyện hoàn toàn sử dụng ngôn từ đối thoại để dẫn dắt truyện (cách trần thuật này nhằm tạo hiệu quả sinh động trong khắc họa tính cách nhân vật, người kể để nhân vật tự bộc lộ mình) thì tiếp theo đây, người kể xuất hiện, dùng lời phân tích tâm lý và miêu tả để làm nổi bật hình ảnh người anh hùng: “Nói rồi, Đôn Ki-hô-tê thúc con Rô-xi-nan-tê xông lên”. Thái độ kiên quyết của chàng hiệp sĩ được khẳng định qua các cụm từ miêu tả: “Chẳng thèm để ý”, “trong bụng vốn đinh ninh”, “chẳng những không nghe lời can”... mà “cũng không nhận ra”...
Xéc-van-téc, rất tài tình trong nghệ thuật khắc họa nhân vật bất bình thường của mình. Thế giới thực không có nghĩa lý gì đối với Đôn Ki-hô-tê và cả những lời khuyên ngăn đầy tỉnh táo cũng thế. Mặt khác, đây còn là thủ pháp tài tình để tác giả “hợp lý hóa” hành động điên rồ của Đôn Ki-hô-tê, bởi nếu để chàng để ý đến lời khuyên của Xan-chô hay nhận ra thì chắc hẳn chàng sẽ bừng tỉnh khỏi cơn mê của mình.
Giống mọi hiệp sĩ tài ba trong nghi thức giao đấu, Đôn Ki-hô-tê thét lên thách thức: “Chớ có chạy trốn, lũ hèn mạt nhát gan kia, bởi duy nhất chỉ có một hiệp sĩ tấn công bọn mi đây” (tr. 76). Tiếng thét này hoàn toàn phù hợp với lô-gích tâm lý được miêu tả bên trên (“trong bụng vốn đinh ninh phía trước là những tên khổng lồ”) của Đôn Ki-hô-tê. Và cũng phù hợp với sự vận động được miêu tả tiếp đó về những chiếc cối xay gió. Dường như thiên nhiên cũng “toa rập” trong việc giúp cho Đôn Ki-hô-tê tin vào sự đúng đắn từ suy nghĩ của mình. Lại cũng là chuyện ngẫu nhiên xảy ra ngay sau lời thách đấu của trang hiệp sĩ: “Vừa lúc đó nổi lên một làn cơn gió nhẹ và các cánh quạt lớn của những chiếc cối xay gió bắt đầu chuyển động ; thấy thế, Đôn Ki-hô-tê liền nói: – Dù cho bọn ngươi có vung nhiều cánh tay hơn cả gã khổng lồ Bri-an-rê-ô, các ngươi cũng sắp phải đền tội” (tr. 76).
Khổng lồ đi kèm với sức khỏe phi thường và nhiều cánh tay. Quả thật, Đôn Ki-hô-tê hoàn toàn không thể nào ý thức được mình đang đánh nhau với mấy cái cối xay gió. Với chàng, đấy là sự thách thức của thế lực tội ác, thù địch và nhiệm vụ của chàng là bắt chúng phải đền tội.
Và đây là nghi thức thứ hai của cuộc quyết đấu, chàng hiệp sĩ cầu xin tình nương giúp đỡ: “lão nhiệt thành tâm niệm cầu mong nàng Đuyn-xi-nê-a của mình cứu giúp cho trong lúc nguy nan này ; rồi lấy khiên che kín thân, tay lăm lăm ngọn giáo, lão thúc con Rô-xi-nan-tê phi thẳng tới chiếc cối xay gió gần nhất ở trước mặt” (tr. 76).
Độ căng của hành động được đẩy đến đỉnh điểm bằng các cụm từ gắn với các cuộc đấu xáp lá cà: “khiên che kín” “lăm lăm ngọn giáo” phi ngựa “thẳng tới” nhưng đối thủ lại là “chiếc cối xay gió gần nhất”. Rõ ràng người kể không “đứng” về phía Đôn Ki-hô-tê, nói cách khác là không kể theo cách nhìn hiện thực của chàng hiệp sĩ vì nếu thế thì đoạn văn trên sẽ được viết là “phi thẳng tới tên khổng lồ gần nhất”.
Vậy nên điểm nhìn trần thuật ở đây rất khách quan, đặt bên ngoài nhân vật và nhất quán. Nếu những đoạn Đôn Ki-hô-tê đối thoại với Xan-chô bộc lộ sự điên rồ của chàng thì hành động của chàng qua lời kể cũng cho thấy lô-gích phát triển của sự điên rồ đó. Đỉnh điểm của xung đột được giải quyết khi Đôn Ki-hô-tê đâm mũi giáo vào cánh quạt cối xay gió và ngay lúc đó “gió làm cánh quạt quay tít khiến ngọn giáo gẫy tan tành, kéo theo cả ngựa lẫn người ngã văng ra xa” (tr. 76).
Xem ra gió đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến “không cân sức” giữa hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê và những kẻ khổng lồ độc ác. Xéc-van-téc tỏ ra quan sát rất thấu đáo. Một chiếc cối xay gió đứng im thì chưa hẳn là một tên khổng lồ nhưng khi nó quay thì rất dễ biến thành một tên khổng lồ đương dương oai diệu võ. Làm sao mà Đôn Ki-hô-tê lại chịu đứng yên?

e. Thất bại

Nhưng kết cục thì thật bi đát. Khi Xan-chô thúc lừa đến nơi thì “thấy chủ nằm không cựa quậy” sau cái ngã như trời giáng. Xéc-van-téc dùng phép đối nghịch để miêu tả Đôn Ki-hô-tê trước và sau trận đấu:
*
Trước trận đấu
Thét lớn
Cầu cứu nàng Đuyn-xi-nê-a
Lăm lăm ngọn giáo
Thúc Rô-xi-nan-tê phi thẳng tới
*
Sau trận đấu
Dịu giọng
Không nhắc gì đến nàng
Ngọn giáo gãy tan tành
Cả người lẫn ngựa ngã chổng kềnh.
Bức tranh tương phản này cho thấy sự thất bại thảm hại của chàng hiệp sĩ. Lúc đầu, ta cứ ngỡ thái độ, ý chí của chàng sẽ khuất phục được mọi đối thủ, nhưng kết cục thì hoàn toàn ngược lại. Đây là cách tiếng cười được tạo dựng chủ yếu trong tác phẩm. Người đọc cười khi lòng nhiệt tình, ý chí, sức mạnh, trí tuệ (nếu có) của nhân vật tập trung vào điệu bộ hùng dũng lao đến lẽ ra phải chiến thắng thì lại phải nhận một cái thất bại cay đắng. Sự trái khoáy này đã mang lại cho tiếng cười nhiều tầng nghĩa:
– Bên trên là tiếng cười hài hước: cười anh chàng đi đánh nhau với cối xay gió.
– Bên dưới là tiếng cười mỉa mai, bi đát: con người bất lực trước những khổng lồ xấu xa.
Các kiểu tiếng cười được tạo nên bởi quan hệ giữa người đọc với nhiều ẩn dụ khác nhau từ nhân vật, đồ vật.

Qua hành động đánh nhau với cối xay gió của Đôn Ki-hô-tê, độc giả cùng lúc tiếp xúc với bốn đối tượng, song thực chất đấy chỉ là hai nhân vật: hiệp sĩ và cối xay. Do vậy nhân vật trong tác phẩm thường được đặt trong thế lưỡng diện trước cái nhìn tiếp nhận của người đọc. Tính chất lưỡng diện này luôn mang lại cho họ những cảm xúc, tâm lý, nhận thức cùng chiều và ngược chiều, tạo nên các mối quan hệ tương tác độc đáo đến bất ngờ giữa người đọc và nhân vật, giữa nhân vật và nhân vật...
Trong các quan hệ của các dạng nhân vật, Đôn Ki-hô-tê tỉnh không hề có quan hệ với cối xay gió. Tiến trình quan hệ có thể được biểu thị như sau: Cối xay gió Đôn Ki-hô-tê điên rồ Những tên khổng lồ Đôn Ki-hô-tê tỉnh.
Người đọc cười là cười hành động bất bình thường của Đôn Ki-hô-tê. Song chính hành động điên rồ ấy lại là phương tiện để tác giả hướng đến mục đích cuối cùng: thế giới ấy có nhiều xấu xa tội lỗi cần phải giũ bỏ. Điều mà độc giả ở mọi thời cần ở câu chuyện phiêu lưu kì quặc này là một Đôn Ki-hô-tê tỉnh. Một con người hành động và vững tin ở lý tưởng của mình.

g. Lạc quan

Do vậy sau cú ngã khủng khiếp kia, sau những lời than vãn, đầy trách móc, gây cười của Xan-chô (“Tôi đã chẳng bảo ngài rằng phải coi chừng cẩn thận đấy ư, rằng đó chỉ là những chiếc cối xay gió, ai mà chả biết thế, trừ kẻ nào đầu óc cũng quay cuồng như cối xay !”) Đôn Ki-hô-tê không chấp nhận sự thất bại của mình. Chàng tìm lý do để biện minh cho thất bại đó. Điều này không khó vì trong cái đầu ngồn ngộn chuyện hiệp sĩ phiêu lưu kia, Đôn Ki-hô-tê dễ tìm ra lời giải thích: “chuyện chinh chiến thường biến hóa khôn lường chứ không như các chuyện khác”. Khả năng biến hóa ấy là do tác nhân bên ngoài, xuất phát từ thế lực siêu phàm thù nghịch: các pháp sư, cụ thể là Phơ-re-xtôn – pháp sư đã đánh cắp thư phòng, “bây giờ lại biến những tên khổng lồ kia thành cối xay gió để tước đi của ta niềm vinh quang đánh bại chúng” (tr. 77). Vẫn biết các pháp sư có quyền năng vô hạn song không vì thế mà chàng hiệp sĩ chịu khuất phục. Bản lĩnh của Đôn Ki-hô-tê được tôn vinh khi khẳng định “các pháp thuật xấu xa của lão cũng sẽ không thể nào đối chọi được với thanh kiếm lợi hại của ta” (tr. 77).
Niềm tin chiến thắng ấy đã giúp Đôn Ki-hô-tê vượt qua mọi trở ngại, mọi đau đớn về thể xác để tiếp tục cuộc phiêu lưu tìm kiếm những chuyện mạo hiểm khác của mình. Hai thầy trò “đi về phía cảng La-pi-xê, vì theo Đôn Ki-hô-tê, con đường này có lắm người qua lại chẳng thể nào không gặp nhiều chuyện phiêu lưu khác” (tr.77).
Bản lĩnh của tinh thần nhân văn Phục hưng thể hiện rõ ở điểm này: thất bại không hề làm trang hiệp sĩ nản chí. Hơn thế nữa, con người Đôn Ki-hô-tê luôn luôn lạc quan và luôn củng cố niềm tin của mình qua sách vở, qua tình nhân, và thậm chí là qua cả khát vọng làm nở mặt nở mày về con cái ở tương lai. Đôn Ki-hô-tê nhớ lại những trang sách miêu tả một hiệp sĩ Tây Ban Nha, bị gãy gươm trong một trận đấu giống như mình vừa gãy giáo, bèn nhổ một cây sồi làm vũ khí, giết chết nhiều kẻ địch nên được tặng biệt hiệu Hiệp sĩ diệt địch, “Về sau, con cháu của chàng cũng mang tên đó”. Đôn Ki-hô-tê muốn noi theo gương ấy và dự định “nếu gặp một cây sồi, ta cũng sẽ lấy thân cây làm vũ khí như chàng hiệp sĩ Tây Ban Nha kia”, rồi lớn tiếng khẳng định với Xan-chô: “Ta sẽ lập những chiến công phi thường, và anh sẽ là người có diễm phúc được mục kích những sự việc khó có thể tưởng tượng nổi”.
Nhưng tại thời điểm Đôn Ki-hô-tê ngây ngất trong vòng hào quang rực rỡ của trí tưởng tượng ấy, thì bác giám mã thực dụng lại ngắt ngang lời, đưa ông chủ quay về với hiện thực bi đát: “Nhưng kìa, ngài ngồi thẳng lại một chút chứ, vì tôi thấy hình như ngài hơi vẹo sang một bên, chắc là do bị ngã lúc nãy” (tr .77). Quả là khát vọng “nhổ cây sồi làm vũ khí” thì không thể nào được thực hiện bởi một người vừa mới đánh nhau với cối xay gió, thua trận ngã đến “vẹo” người đi. Bằng cách đặt liền kề các sự vật hiện tượng với dụng ý tương phản để tạo tiếng cười, Xéc-van-téc đã cho thấy sự trái khoáy giữa ước mơ và thực tiễn của chàng hiệp sĩ. Ước mơ của Đôn Ki-hô-tê sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Đến đây, ta gặp một đặc điểm nữa trong đối thoại giữa hai thầy trò Đôn Ki-hô-tê: đối thoại giữa thực tế và lý tưởng. Đôn Ki-hô-tê là người tuyệt đối tuân theo lý tưởng của mình, cho dù lý tưởng đó kỳ quặc đến đâu đi nữa thì chàng cũng nhất mực tuân theo: “Đúng thế, và ta không kêu đau là vì các hiệp sĩ giang hồ có bị thương thế nào cũng không được rên rỉ, dù sổ cả ruột ra ngoài” (tr. 77).
Lời thú nhận thật thà này lại chính là sự giễu cợt tiểu thuyết hiệp sĩ một cách mạnh mẽ nhất. Con người dẫu có can đảm đến mấy thì sẽ vẫn phải rên khi bị thương “sổ cả ruột”. Nhưng ở đây, tiểu thuyết hiệp sĩ lại đi dạy con người ta làm trái với quy luật tự nhiên mà quy luật đó được bác giám mã hồn nhiên thừa nhận: “Còn tôi, có thể xin thưa với ngài rằng chỉ cần hơi đau một chút là tôi rên rỉ ngay, trừ phi cả đến giám mã của hiệp sĩ giang hồ cũng bị cấm không được rên rỉ” (tr. 77).
Tính đối thoại trong ngôn từ đối thoại này của hai thầy trò cũng góp phần kiến tạo nhiều diện mạo tâm lí khác nhau. Mục đích cuối cùng là đưa nhân vật và cả người đọc vào cái kết thúc vui vẻ, quên đi nỗi đau thể xác, hòa vào tiếng cười lạc quan: “Tính chất phác của giám mã làm Đôn Ki-hô-tê không nhịn được cười và lão bảo Xan-chô cứ việc rên la lúc nào và thế nào cũng được, dù muốn hay không, vì cho tới nay lão chưa đọc thấy có chuyện cấm đoán như thế bao giờ” (tr. 77).

h. Bảng so sánh

Ngoài văn bản được trích dẫn, trong toàn bộ tiểu thuyết, hai thầy trò Đôn Ki-hô-tê còn được khắc họa ở nhiều nét tương phản nhau như:
- Về ngoại diện (gầy cao >< béo lùn).
- Về vật cưỡi (ngựa gầy cao >< lừa lùn béo).
- Về vũ khí (trang bị đầy đủ >< không trang bị gì)...
Những nét tương phản này có tác dụng rất lớn trong việc khắc họa diện mạo nhân vật. Đặc biệt, chúng là cơ sở để tiếng cười xuất hiện. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến tính thống nhất giữa các mặt đối lập này. Vì suy cho cùng Đôn Ki-hô-tê và Xan-chô Pan-xa, mỗi nhân vật đều điển hình cho một nét tính cách của con người: thực tế – lí tưởng, tốt – xấu... mà nếu thiếu chúng thì con người khó có thể tồn tại một cách thăng bằng trên cuộc đời. Vì lẽ đó, cặp đôi nhân vậtnày có sức bổ trợ lớn lao, không thể thiếu vắng trong việc hình thành nên một diện mạo con người đúng nghĩa với biết bao nét tính cách tích cực, tiêu cực. Mà lẽ sống chân chính là phải kìm hãm những xấu xa, phát huy những mặt tốt đẹp để cuộc sống, xã hội ngày một thấm đẫm giá trị nhân văn nhiều hơn.
Quay lại cuộc chiến với cối xay gió, nếu phần đầu, Đôn Ki-hô-tê nhìn thấy những tên khổng lồ độc ác (cối xay gió), giao chiến với chúng và bị thất bại bởi pháp sư (Phơ-re-xtôn) và cuối cùng là noi gương theo các hiệp sĩ trong tiểu thuyết (không rên la), trước sau chàng hiệp sĩ tài ba vẫn nhất quán trong vai trò hành hiệp của mình. Người đọc có thể cười vì biểu hiện điên rồ của Đôn Ki-hô-tê nhưng không một ai không kính trọng bản chất hành động của chàng: vì công bằng, tự do, hạnh phúc cho bất kì ai bị áp bức. Vì lẽ này mà lí tưởng nhân văn ấy sẽ luôn tỏa sáng khi trên trái đất còn bất công ngang trái.
                                                                                                       LÊ HUY BẮC 
(NGUỒN: https://www.facebook.com/permalink.php?id=386172891455593&story_fbid=392229200849962)

1 nhận xét:

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.