Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Khoảng trời - hố bom


Khoảng trời - hố bom

                                                                             Lâm Thị Mỹ Dạ
Chuyện kể rằng: Em, cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom
Đơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái…
Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói lung linh
Có phải thịt da em mềm mại trắng trong
Đã hóa thành những vầng mây trắng
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Đi qua khoảng trời em
Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài
Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
Gương mặt em bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng...
Lâm Thị Mỹ Dạ
Lời bình của người yêu thơ:
QĐND - Chiến tranh, đạn bom, sự hy sinh cao cả của những chàng trai, cô gái trong độ tuổi thanh xuân-đề tài ấy đã trở thành một vùng thẩm mỹ quen thuộc để các nhà thơ thời chiến hướng đến. Khoảng trời-hố bom là lời tri ân của nữ nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đối với những con người đã gửi thân mình vào đất đai để làm nên lịch sử. Cái ý toát lên từ bài thơ giản dị là những cảm nghĩ chân thành về cái chết đã hóa thành bất tử của những người nữ thanh niên xung phong, sự hy sinh để gieo niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai cho những người đang sống và chiến đấu.
Viết về sự hy sinh để gửi thác niềm tin vào tương lai, viết về đau thương mà không gợi lên bi lụy, ý tưởng ấy đã từng đằm sâu trong tác phẩm của nhiều nhà thơ thời chiến. Đến lượt Lâm Thị Mỹ Dạ lại chọn cho mình một thi tứ riêng, cách cấu trúc thơ riêng, làm nên Khoảng trời-hố bom mang hồn riêng của một cây bút nữ. Ý và tứ trong bài thơ đã đan hòa nhuần nhuyễn, khiến lời thơ mộc mạc, chân thật mà xúc động, có sức khái quát cao. Hình tượng thơ, ngôn ngữ, nhịp điệu thơ được triển khai theo tứ riêng nên ý thơ dẫu quen mà bài thơ vẫn lạ, vẫn rung động lòng người. Ý và tứ thơ đã đan kết làm một ngay trong tiêu đề bài thơ. Hai hình ảnh “khoảng trời” và “hố bom” mang tính chất đối lập ấy đặt cạnh nhau, nối với nhau bằng một dấu gạch ngang gợi lên sự liên tưởng, so sánh: Khoảng trời-hố bom, sự sống-cái chết, hòa bình-chiến tranh... Một dòng chảy ngầm sau văn bản đã được khơi nguồn, dẫn tứ cho bài thơ được triển khai, mở đầu bình dị như câu chuyện của bà, của mẹ vẫn kể ngày nào:
Chuyện kể rằng…
Cuộc đời của người nữ TNXP được kể lại chỉ với năm dòng thơ nhưng người đọc vẫn cảm nhận được từ câu chuyện ấy một cuộc sống đẹp, một tâm hồn đẹp. Những động từ: Cứu, thắp lên, hứng... gợi ý niệm về sự hy sinh, lòng dũng cảm. Người con gái ấy đã nhận về mình tất cả hiểm nguy, bất chấp cả cái chết kề bên để đoàn xe kịp giờ ra trận. Trong lòng cô là lý tưởng được dâng hiến, sức mạnh của cô là tình yêu Tổ quốc rạo rực: Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom... Tình yêu Tổ quốc đã được hình tượng hóa thành ngọn lửa cháy bùng. Ánh sáng từ ngọn lửa ở đoạn đầu đã bắt dẫn thành một chuỗi hình ảnh mang tính biểu trưng cao ở những đoạn tiếp theo: Ngọn lửa - vì sao ngời chói lung linh - vầng mây trắng - vầng dương... Những hình ảnh này mang ý nghĩa vĩnh hằng của thiên nhiên. Trong suy tưởng của tác giả, sự hy sinh của cô gái là sự hóa thân vào cuộc sống vĩnh cửu. Sự bất tử hóa cái chết của “em” được toát lên từ chính cách xây dựng hình ảnh sóng đôi: Tâm hồn em - vì sao ngời chói lung linh/ thịt da em - vầng mây trắng/ trái tim em - mặt trời... Tính liên kết về tứ trong các đoạn thơ được thể hiện rõ trong cách sắp xếp và liên tưởng những cặp hình ảnh sóng đôi ấy. Người nữ TNXP đã hiến dâng tuổi xuân cho đất nước, sự hy sinh của cô không chỉ hóa thân vào những hình ảnh thân thuộc của quê hương mà còn hiện hình trong cuộc đời của những người đang sống: Cái chết em xanh khoảng trời con gái/ Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em...
Có một hình ảnh xuyên suốt bài thơ-một chất keo kết dính câu chữ trong bài lại với nhau, tạo nên tứ thơ độc đáo-ấy chính là hình ảnh khoảng trời. Trong năm lần xuất hiện (kể cả ở tựa đề) thì có bốn lần nó mang ý nghĩa như là sự hóa thân của người con gái: Khoảng trời - khoảng trời đã nằm yên trong đất - khoảng trời em -– khoảng trời con gái... Những định ngữ khác nhau làm cho hình ảnh thơ lặp lại nhiều mà không hề nhàm chán. Trái lại, càng đọc, ta càng cảm nhận độ chín của cảm xúc nhà thơ. Chính hình ảnh được nối kết theo hệ thống này đã giữ cho tứ thơ luôn tuôn chảy theo dòng suy tưởng của tác giả.
Lâm Thị Mỹ Dạ khép lại dòng cảm xúc của mình bằng một lời tri ân mộc mạc: Gương mặt em, bạn bè tôi không biết/ Nên mỗi người có gương mặt em riêng! Từ cuộc đời đầy ý nghĩa của người nữ thanh niên xung phong, lời thơ mở ra nhiều suy tưởng nơi người đọc. Dẫu không biết gương mặt cụ thể của em, song mỗi người đều lưu giữ lại gương mặt em riêng trong tâm trí. Đó là sự nhớ ơn, sự tri ân của người đang sống với “khoảng trời xanh màu con gái” của em. Cách kết thúc này tương ứng với cách mở đầu bài thơ, cũng nhẹ nhàng, thủ thỉ như một lời tâm tình... Tứ thơ là sợi chỉ đỏ dẫn kết hệ thống hình ảnh, ngôn từ. Tứ thơ vận động từ cụ thể đến khái quát, kết hợp với dòng cảm xúc chân thành đã khiến ý thơ bộc lộ đầy xúc động. Tứ thơ, ý thơ hòa kết đã nâng bài thơ trở thành một trong những thi phẩm tiêu biểu của thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nguồn: http://www.baomoi.com/Khoang-troi--ho-bom/152/7885302.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.