Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Phân tích bài "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan


ĐỀ :      Nhận xét về thơ Bà Huyện Thanh Quan, SGK Văn học 9  ( chương trình cải cách)  có viết:
  “… Thơ bà thể hiện lòng yêu mến cảnh quan thiên nhiên đất nước, tâm sự u hoài trước thế sự đổi thay, bài nào cũng buồn thương da diết…”
                 Em hãy phân tích bài thơ “Qua Đèo Ngang” để chứng minh làm rõ nhận định trên.


 Bà Huyện Thanh Quan là một trong những nhà thơ nữ nổi tiếng trong dòng văn học viết thời phong kiến. Thơ của bà còn lại không nhiều, chỉ khỏang sáu bài. Nhưng mỗi bài thơ là một viên ngọc quý lấp lánh bởi từ ngữ trang nhã và tinh tế, bởi âm điệu trầm buồn mang mác một nỗi niềm hoài cổ. Nhận xét về thơ của bà, sách giáo khoa Văn học 9, tập một, nhà xuất bản Giáo dục năm 2000 có viết: “ … Thơ bà … buồn thương da diết…”
            Qua việc tìm hiểu, phân tích bà thơ “Qua Đèo Ngang” của bà, chúng ta sẽ làm sáng tỏ nhận định trên.
            Mở đầu bài thơ là lời giới thiệu khái quát tòan cảnh không gian và thời gian:
                                    “ Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà”
            Không gian là Đèo Ngang, thời gian là buổi xế tà. Nhà thơ đến với Đèo Ngang khi một ngày vừa lụi tắt. Anh tà dương đã khuất sau rặng núi phía Tây. Cụm từ “ bóng xế tà” lấy ý từ thành ngữ dân gian “chiều tà bóng xế” gợi lên trong lòng người đọc một cảm giác buồn mênh mang. Cảm giác ấy cứ lan tỏa dần theo vần “ a” ngân dài ở cuối câu như một nốt nhạc trầm sâu lắng. Không biết từ bao giờ, cảnh hòang hôn luôn gợi lên trong lòng người một cảm giác buồn da diết. Cảm giác này cùng với không gian chiều tà luôn là bối cảnh nền trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan:
                                    “ Chiều trời bảng lảng bóng hòang hôn
                                       Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn”    ( Chiều hôm nhớ nhà )
            Hoặc trong bài “Thăng Long thành hoài cổ” ta cũng gặp hình ảnh tương tự:
                                    “ Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
                                       Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
            Trên cái nền trời “ xế tà”, tác giả tiếp tục ngắm nhìn khung cảnh Hòanh Sơn. Trong ánh mắt nhà thơ, cảnh vật hiện lên thật đẹp nhưng cũng thật hoang sơ:
                                    “ Cỏ cây chen đa, lá chen hoa”
            Cỏ cây chen với đá, lá xen lẫn với hoa. Phép liệt kê kết hợp với nghệ thuật điệp từ, nhân hóa “ chen” làm cho mọi vật vừa xô bồ lại vừa sống động. Chúng như có hồn, đang cố chen chúc nhau ngoi lên đón chút ánh sáng thừa còn sót lại ở trời Tây. Cảnh Đèo Ngang hoang vu vang lặng và đượm một cảm giác buồn khó tả.
            Từ trên đỉnh đèo, tác giả phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh. Bức tranh Đèo Ngang lại xuất hiện thêm những hình ảnh mới qua nét bút của thi nhân:
                                    “ Lom khom dưới núi tiều vài chu
                                       Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
            Nhà cửa và con người đã xuất hiện trong thơ, nhưng điều đó không làm cho cảnh vật Đèo Ngang bớt đi cái cảm giác buồn cô liêu hoang vắng. Con người chỉ là vài chú tiều đang lom khom đi dưới núi, nhà cửa chỉ có mấy căn nhà chợ rải rác bên sông. Các từ gợi tả “lom khom” “lác đác” được đảo ra đầu câu như muốn khắc họa  sự bé nhỏ thưa thớt của đối tượng miêu tả. Tất cả như hòa lẫn, mất hút trong cái mênh mông lặng lẽ ở Đèo Ngang. Hình ảnh trong thơ đẹp như một bức tranh thủy mặc nhưng sao ta vẫn cảm thấy ẩn chứa trong đó một nỗi buồn mang mác.
            Nỗi buồn khó tả trong câu thơ được tăng lên gấp bội khi bức tranh tả cảnh Đèo Ngang được điểm tô thêm bởi tiếng kêu khắc khoải của chim rừng:
                                    “ Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
                                       Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
            Nhà thơ chuyển đổi cảm nhận từ thị giác sang thính giác để lắng nghe giữa muôn ngàn âm thanh của rừng núi tiếng kêu da diết của con chim  quốc  quốc, chim gia gia. Hòan tòan không phải là một sự ngẫu nhiên. Con chim quốc gợi nhớ về một điển tích xa xưa, vua nước Thục mất nước hóa thành chim, mãi kêu gào về một đất nước đã không còn. Còn chim gia gia, tiếng kêu thương về nỗi niềm xa cách quê nhà. Tiếng kêu thiết tha của chim hay chính là tiếng lòng của tác giả, một nữ sĩ tài hoa, một người lữ khách rời xa quê hương với Thăng Long huy hòang trong quá khứ, rời xa gia đình để vào kinh đô Huế nhận một chức nữ quan.Nghệ thuật chơi chữ đồng âm độc đáo cùng phép tu tư nhân hóa, đảo ngữ đã diễn tả một cách sống động ngoại cảnh và tâm cảnh.
            Từ nhìn thấy, đến nghe thấy rồi cảm thấy. Tâm sự của nhà thơ được cô đọng lại ở hai câu Kết chính là:
                                    “ Dừng chân đứng lại: trời, non, nước
                                       Một mảnh tình riêng, ta với ta”
            Câu thơ khái quát cảnh và tình của cả bài thơ. Trước mắt nhà thơ là khỏang không gian mênh mang rộng lớn ở Đèo Ngang. Và đứng trước cái bao la vô cùng vô tận ấy, con người bỗng trở nên nhỏ bé cô đơn đến lạ lùng. “Một mảnh tình riêng” không ai chia xe, chỉ một mình nhà thơ đối diện với chính mình. Cụm từ “ta với ta” cực tả cái cảm giác cô đơn của người lữ khách trên  Cảnh càng mênh mông, tâm hồn càng trở nên trống trải. Hai chi tiết tương phản nhau khắc họa đậm nét nỗi niềm của tác giả
            Tóm lại, đọc bài thơ “Qua Đèo Ngang”, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ nhưng hùng vĩ của “đệ nhất hùng quan” đất nước. Vẻ đẹp ấy được tô điểm bởi bàn tay tài hoa của nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan. Phải thật sự yêu thiên nhiên, hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên cuộc sống, nhà thơ mới có những vần thơ hay và trang nhã đến thế. Có thể nói, Bà Huyện Thanh Quan đã gửi hết tâm tư tình cảm, nỗi lòng cua mình vào trong từng nét bút vần thơ. Để rồi, trong mỗi nét đẹp của thiên nhiên đều ẩn chứa tâm sự buồn thương của tác giả. Đúng như lời thơ của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du :
                                    “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
                                      Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.