Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Nhà thơ Y Phương

Làng thơ Việt Nam, bên cạnh những “nhà thơ đồng bằng”, những “nhà thơ vùng cao” đã góp phần không nhỏ mang vào bản hợp xướng thơ ca những âm điệu mới. Nó “là lạ”, “ngồ ngộ”, với những ngôn từ mộc mạc, với cách nghĩ và lối diễn đạt “thẳng ruột ngựa” của người vùng cao, kiểu như “Nhớ vợ” của nhà thơ Cầm Vĩnh Ui; “Em tắm” của Bạc Văn Ùi… Nhưng tựu trung, đó là những tiết tấu buồn, nỗi buồn bảng lảng như sương trắng phủ kín thung sâu, và nó bị phong toả, trầm tích như một thứ cổ vật. Nó là “đặc sản” của vùng cao, là một nỗi buồn cố hữu không bao giờ bị hoà tan, không bao giờ biến mất…

Những ngày cuối năm 2007. Sự ra đi của những cây đa, cây đề trong làng thơ, làng văn để lại những nhớ tiếc về nhân cách, về sự nghiệp của những nhà thơ quá cố… Trong sự rơi rụng của “lá rụng về cội”, có cả những nhà thơ dân tộc. Chiếc lá vàng nhất của cây thơ vùng cao, nhà thơ Bàn Tài Đoàn, một nhà thơ dân tộc Dao, Cao Bằng, cũng đã ra đi… Nói những điều ấy, để thấy một điều, những nhà thơ dân tộc có đóng góp, cống hiến cho thơ ca Việt Nam, ngày càng trở nên hiếm hoi, ngày càng thưa thớt dần. Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ V (năm 1994), khi ấy nước ta có 22 nhà văn, nhà thơ là người các dân tộc thiểu số. Đến bây giờ, con số 22 nhà thơ ấy, còn lại bao nhiêu? Có thêm những gương mặt nào mới?... Có lẽ, chưa có ai một lần ngồi nhẩm tính con số ấy. Y Phương là một trong số những nhà thơ hiếm hoi như thế!
Sinh năm 1948, “người trai làng Hiếu Lễ” may mắn chào đời đúng ở cái nôi của xứ Tày: đất Trùng Khánh, Cao Bằng. Cuộc đời của cậu bé Hứa Vĩnh Sước, dù không cay đắng nhưng cũng nhiều nỗi muộn phiền. Và, những nỗi buồn như ám khói ấy, ám ảnh anh cả cuộc đời, ám ảnh cả trong thơ anh.

Thân sinh của cậu bé Vĩnh Sước là một thầy tào, chữa bệnh cho nhiều người. Đối với một bản làng dân tộc ít người, thầy tào có vị trí cực kỳ quan trọng! Đó không chỉ là hiện thân của một người có khả năng xua giải đi những đau khổ muộn phiền trong cuộc sống vật chất, xua đuổi những tà ma, bệnh tật… mà còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cả những phút giây yếu mềm nhất của con người. Ông cụ có tài sáng tác được các bài văn than (bài khóc người chết), có khả năng vẽ bùa lên cái nón lá (kiểu nón tu lờ của các nhà sư), niệm chú vượt sông như các vị la hán mà không cần thuyền… Ước mơ của cậu bé Sước khi ấy là học được những phép thuật của cha, học được những bài thuốc của cha… để mai này lớn lên, theo nghiệp cha làm thầy mo, chữa bệnh... Nhưng ông cụ xem lá số, biết Sước không hợp nên cũng chẳng mấy mặn mà trong việc “truyền nghề” cho con mình nối nghiệp…

Tuổi thơ của Vĩnh Sước được bao bọc trong những câu chuyện tưởng như huyền thoại, về một người cha đầy bí ẩn của chính mình. Nhưng, cũng chính cái “lý lịch” ấy đã trở thành một “tỳ vết” ám khói tạo nên những trắc trở sau này cho một người thanh niên muốn lập thân với xã hội.

Suốt tuổi thơ ròng rã, người cha cũng chính là người thầy đã dạy Y Phương học tất cả những gì mà ông có được: những bài cúng, những bài than, học chữ. 10 tuổi, Vĩnh Sước bắt đầu học và… tập nói tiếng Kinh… Khi ấy, đi học cũng chưa biết để làm gì, và cũng chưa tính đến định hướng ra sao. Mỗi sáng sớm đi học, Vĩnh Sước được mẹ cho 5 xu để ăn xôi, ăn bánh bao. Nhưng, hầu như số tiền nhỏ bé ấy, đứa trẻ lên 10 đều dành dụm lại để mua sách. Đến nỗi, cô hàng bán sách ở thị trấn Trùng Khánh, khi có cuốn sách nào mới đều thông báo ngay cho cậu… Tuổi thơ cô đơn không có bạn bè, Vĩnh Sước chỉ biết làm bạn với sách. Sước ham đọc sách đến mức vừa ngồi nấu cám lợn vừa đọc, đọc say mê đến mức quên cả nồi cám đã lên mùi cháy khét…

Dù chưa thể hiểu hết những hệ luỵ từ cái đuôi của cuộc cải cách ruộng đất, dù khi bắt đầu có mặt trên cuộc đời này (năm 1948), đứa trẻ Vĩnh Sước chưa thể là đối tượng của nó, thế nhưng Y Phương đã sớm trở thành một nạn nhân của một cuộc cách mạng cải lùi ấy. Gia đình bị quy kết thành phần, tất cả những người “có chữ”, nhất là chữ Pháp, đều bị gọi đi làm “cỏ vê” (làm khổ sai, cải tạo). Học chưa hết cấp III, Hứa Vĩnh Sước đã sớm nhận thấy, với cái “lý lịch” không mấy đẹp đẽ của gia đình, nếu không vào bộ đội chắc chắn sẽ không thể nào “sủi tăm” lên được. Vào bộ đội, đấy là giải pháp duy nhất! Vào bộ đội, ấy là làm lại từ đầu. Và, cuối cùng, dù là con một, nhưng với sự hối thúc của một sự nhận thức cá nhân mạnh mẽ, cậu bé Tày họ Hứa ấy đã trải qua đời lính Đặc công, và đến với thơ ca cũng một cách đầy tình cờ.

Chặng đường đời của người trai làng Hiếu Lễ có sự xuất hiện rất nhiều của những bóng hình thiếu nữ Tày, và là một hình tượng văn học khoẻ khoắn, chủ đạo nhất của thơ Y Phương. Nó ẩn dấu trong những Tiếng hát tháng giêng; Mùa hoa… “Mùa hoa/ Người đàn bà/ Mặt đỏ phừng/ Đủ sức vác ông chồng/ Chạy phăm phăm lên núi/ Mùa hoa/ Người đàn ông/ Mệt như chiếc áo rũ/ Vừa vịn rào vừa ngái ngủ…”

Năm 1972, đơn vị mở cuộc thi báo tường. Chàng lính trẻ Y Phương tập tành gửi mấy bài thơ tham dự. Lúc đầu, cũng chỉ nghĩ tham gia cho vui, tham gia với đồng đội lấy không khí… Ai dè, nhóm cán bộ phòng Văn nghệ Quân đội trong một chuyến công tác, đã “lựa” những bài khá nhất về để in báo. Bếp nhà trời, Dáng một con sông được in vào số 6 năm 1973, cùng đợt với Hải Kỳ, Lâm Thị Hồng Tú, Hữu Thỉnh… Khỏi phải nói, nhưng cái cảm giác “sướng phát rồ, phát dại” vì lần đầu có thơ đăng báo, đồng đội chuyền tay nhau đọc… hạnh phúc tới nhường nào!

Miền Nam giải phóng. Đất nước thống nhất. Anh lính trẻ Hứa Vĩnh Sước giải ngũ bắt đầu thực hiện giấc mơ hồi thơ trẻ của mình: học. Khi ấy, năm 1976, trường Viết văn Nguyễn Du mới rục rịch chuẩn bị thành lập, Vĩnh Sước đành phải đăng ký học trường Điện ảnh Việt Nam… chờ đợi. Học hết năm thứ nhất, trường Nguyễn Du tuyển học viên khoá một, thành ra nhỡ nhàng, Y Phương vào khoá 2, cùng với Trần Đăng Khoa, Hà Đình Cẩn, Phùng Khắc Bắc, Đặng Ái, Thanh Kim, Nguyễn Trác, Pờ Sảo Mìn, Phạm Sông Hồng… Có một chuyện Sước nhớ mãi, ấy là thời gian “rời áo lính mặc áo sinh viên”, nhớ nhà quá, anh mượn xe đạp đạp 4 ngày từ Hà Nội về Cao Bằng. Về đến gần nhà thì đói lả, nằm ngất trên tảng đá rìa đường. May thay, có một đám rước dâu, thấy đồng chí bộ đội nằm mệt lả, mới dừng lại xem. Ai dè, đám rước dâu ấy chính là đứa cháu họ của Sước. Thế là, bao nhiêu bánh trái đám cưới, người ta dỡ hết xuống cho Sước ăn…

Những năm tháng nhọc nhằn, nhớ nhiều thấy buồn nhiều, nhưng nó là những “nấc thang” để ước mơ “lên trời” của cậu bé Tày trở thành sự thực. Thế nhưng, khi đã có những cơ hội, khi giấc mơ “trở thành nhà thơ” trở thành sự thực, rồi lấy vợ, sinh con, rồi rời bỏ mái nhà, con suối, góc núi… để xuống dưới đồng bằng, thì giấc mơ “về làng cũ” lại trỗi dậy, mạnh mẽ nhất và dai dẳng nhất.

Cũng chính vì thế, thơ Y Phương, là tiếng nói mạnh mẽ nhất của một sức sống, một tình yêu. Nhưng, sức sống ấy, tình yêu ấy, nó là của một người Tày, không thể hoà lẫn với bất kỳ ai, không giống với bất kỳ ai…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.