Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II LỚP 9 THCS NH: 2010 - 2011


SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

------------------------
ĐỀ CHÍNH THỨC
(Đề thi có 1 trang)
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II LỚP 9 THCS
NĂM HỌC 2010 - 2011
MÔN THI: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 90 phút
(không kể thời gian giao đề)


Câu 1 (1 điểm): Viết bốn câu cuối bài thơ Nói với con của Y Phương và cho biết người cha dặn con điều gì trong bốn câu thơ ấy.
Câu 2 (1 điểm): Tìm thành phần biệt lập trong đoạn văn sau và cho biết tên gọi của thành phần ấy.
Đến lượt cô gái từ biệt. Cô chìa tay ra cho anh nắm, cẩn trọng, rõ ràng, như người ta cho nhau cái gì chứ không phải là cái bắt tay. Cô nhìn thẳng vào mắt anh – những người con gái sắp xa ta, biết không bao giờ gặp ta nữa, hay nhìn ta như vậy.
(Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long)
Câu 3 (3 điểm):
ĐỪNG SỢ VẤP NGÃ
Đã bao lần bạn vấp ngã mà không hề nhớ. Lần đầu tiên chập chững bước đi, bạn đã bị ngã. Lần đầu tiên tập bơi, bạn uống nước và suýt chết đuối phải không ? Lần đầu tiên chơi bóng bàn, bạn có đánh trúng bóng không ? Không sao đâu vì …
(Ngữ văn 7, tập 2, trang 41)
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) để trình bày lí do vì sao chúng ta không nên sợ vấp ngã.
Câu 4 (5 điểm): Cảm nhận của em về hai khổ thơ sau:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao …
 (Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)
… … … .HẾT. … … …
Thí sinh không sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.









HƯỚNG DẪN CHẤM

I. HƯỚNG DẪN CHUNG 
-  Đề bài gồm 4 câu: câu 1 và câu 2 kiểm tra kiến thức Văn học và thực hành bài tập Tiếng việt; câu 3 là bài nghị luận xã hội; câu 4 là bài nghị luận văn học. Câu 1 và 2 chủ yếu yêu cầu tái hiện kiến thức nhưng cũng có yêu cầu về diễn đạt. Những học sinh diễn đạt trôi chảy, đúng chính tả, ngữ pháp mới được điểm tối đa. Câu 3 và câu 4 kiểm tra kiến thức xã hội, kiến thức văn học và kĩ năng diễn đạt, lập luận.
-  Giám khảo cần nắm nội dung bài làm của học sinh để đánh giá, tránh đếm ý cho điểm một cách máy móc. Chú ý khuyến khích các bài viết có ý riêng, sáng tạo.
-  Thí sinh có thể trình bày, triển khai ý theo các cách riêng, nếu đáp ứng các yêu cầu vẫn cho đủ điểm.
        II. ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM
Đáp án
Điểm
Câu 1
Viết thuộc lòng 4 câu cuối bài thơ Nói với con của Y Phương và cho biết người cha dặn con điều gì trong bốn câu thơ ấy.
1,0
-       Viết thuộc lòng 4 câu thơ:
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.
-       Người cha khuyên con bước vào đời luôn vững tin, mạnh mẽ, sống đường hoàng, vững chãi…
0,5



0,5
-       Viết chính xác 4 câu thơ: sai một lỗi trừ 0,25 điểm.
-       Về lời khuyên: chấp nhận những ý hợp lí khác; nêu 1 ý đạt 0,5 điểm.

Câu 2
Tìm thành phần biệt lập.
1,0
-       Thành phần phụ chú: những người con gái sắp xa ta, biết không bao giờ gặp ta nữa, hay nhìn ta như vậy.
1,0
-         Gọi tên thành phần biệt lập đạt 0,5 điểm; chỉ rõ từ ngữ đạt 0,5 điểm, nêu thừa hoặc thiếu 0,25 điểm.

Câu 3
Viết bài văn ngắn trình bày lí do vì sao không nên sợ vấp ngã.

3,0

a.Yêu cầu về kĩ năng
-    Nắm phương pháp làm bài nghị luận xã hội.
-    Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.
-    Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận (giải thích, chứng minh, bình luận… ).
-    Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục. Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; trình bày bài rõ ràng.


b. Yêu cầu về kiến thức


-       Giới thiệu được vấn đề nghị luận
0,25
-       Vấp ngã được hiểu là không đạt được điều mình muốn, không được như ý, thất bại.
-       Cuộc sống luôn có những gian truân, trở ngại mà khả năng con người có hạn nên chúng ta thường gặp phải những việc không như ý. Tuy nhiên, thất bại có thể là môi trường rèn luyện ý chí để trưởng thành.
-       Với bản lĩnh, ý chí, ta có thể biến thất bại thành kinh nghiệm, sự trải nghiệm để thành công sau này.
-       Không nên lo sợ khi vấp ngã vì “thất bại là mẹ thành công”. Với sự nỗ lực, bản lĩnh, ý chí, kiên trì, chúng ta sẽ vượt qua khó khăn và đạt được kết quả tốt đẹp.
-       Lưu ý: học sinh cần có dẫn chứng để làm sáng tỏ.
1,75
-       Phê phán những người nhụt chí khi thất bại, không dám đối đầu với thử thách …
-       Rèn ý chí, thái độ sống đúng đắn.
1,0
Câu 4
Cảm nhận về 2 khổ thơ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải
5,0

a.  Yêu cầu về kĩ năng
-  Nắm phương pháp làm bài nghị luận văn học.
-  Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.
-  Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Đặc biệt, phải nắm vững thao tác phân tích một đoạn trích thơ.
-  Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục.
-  Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ; trình bày bài rõ ràng.


b.   Yêu cầu về kiến thức

-  Giới thiệu được vấn đề nghị luận.
0,5
-  Giới thiệu vài nét về tác giả Thanh Hải và tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ.
Lưu ý: Học sinh có thể nêu ở các phần khác nhau của bài làm.
0,5
-  Hình ảnh mùa xuân thiên nhiên đầy sức sống, tươi đẹp, thơ mộng, giàu hình ảnh, màu sắc, âm thanh.
- Không khí lao động khẩn trương, tươi vui, đầy niềm tin, lạc quan của người lính cầm súng chiến đấu bảo vệ tổ quốc và của người nông dân lao động sản xuất xây dựng đất nước.
- Mùa xuân của thiên nhiên hòa cùng mùa xuân của con người, của lòng người tạo nên một không khí vui tươi, đầy sức sống.
- Cảm xúc rung động, say sưa, ngây ngất của tác giả trước mùa xuân thiên nhiên và mùa xuân của con người.
- Nghệ thuật: hình ảnh thơ giàu sức gợi, các biện pháp tu từ được sử dụng hiệu quả, từ ngữ tinh tế …
3,0
Lưu ý: Học sinh có thể triển khai các luận điểm trên theo nhiều cách khác nhau: cảm nhận về nội dung sau đó cảm nhận về nghệ thuật, phân tích nghệ thuật để nêu bật nội dung ... Giám khảo đánh giá mức điểm dựa trên kĩ năng làm bài và nội dung toàn bài của học sinh.

-  Đánh giá, khái quát, được những vấn đề đã bàn luận.
1,0

------ HẾT ------

1 nhận xét:

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.