Tượng thờ Lí Thái Tổ |
Lý
Thái Tổ (chữ Hán: 李太祖; tên húy là Lý
Công Uẩn 李公蘊; 974–1028) là vị vua đầu tiên (1010–1028) của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam.
Lý
Công Uẩn là người ở làng Cổ Pháp, nay là làng (cũng là xã)
Đình Bảng,
huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay ở xã Đình Bảng còn có các lăng và
đền thờ nhà Lý). Mẹ là Phạm thị.
Ông
sinh tại chùa Cổ Pháp (chùa
này vì thế còn có tên dân gian là Chùa Rặn, được gọi chệch là Chùa Dận). Khi
ông lên ba tuổi, mẹ ông đem ông cho sư Lý Khánh Văn, trụ
trì chùa Cổ Pháp làm con
nuôi và được đặt tên là Lý Công Uẩn. Lý Công Uẩn đi tu từ đó.
Lớn
lên, với sự bảo hộ của sư Lý Vạn Hạnh (anh trai
sư Lý Khánh Vân), ông vào Hoa Lư làm quan nhà Tiền Lê, thăng
đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ. Năm 1010, khi vua Lê Long Đĩnh mất,
ông 35 tuổi. Bấy giờ, do lòng người oán giận nhà Tiền Lê, lực
lượng của Đào Cam Mộc cùng với
sư Vạn Hạnh đã tôn ông lên làm vua.
Lý
Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Thuận Thiên (nghĩa là Theo ý
trời). Khi mất, ông được đặt miếu hiệu là Lý Thái Tổ.
Dời đô về Thăng Long
Vua
Thái Tổ thấy đất Hoa Lư chật hẹp không có
thể mở mang ra làm chỗ đô hội được, bèn định dời đô về thành Đại La (hay La Thành), ngày nay là Hà Nội. Tháng 7, Thuận Thiên nguyên niên (1010) thì khởi sự dời đô. Khi
ra đến La Thành, Thái Tổ lấy cớ có điềm trông thấy rồng vàng bay lên trời nên
đổi tên Đại La thành sang Thăng Long thành, và cải Hoa Lư làm Trường An phủ và Cổ Pháp làm Thiên Đức phủ.
Tôn giáo
Nhà
Lý bấy giờ sùng đạo Phật, nhà vua trọng
đãi những người đi tu, lấy tiền kho ra để làm chùa đúc chuông. Tháng 6 năm Mậu
Ngọ (1018) vua Thái Tổ sai quan là Nguyễn Đạo Thanh
và Phạm Hạc sang Trung Quốc thỉnh kinh Tam Tạng đem
về để vào kho Đại Hưng.
Chính trị
Lúc
bấy giờ nhà Tống ở Trung Quốc
bận nhiều việc nên không sinh sự lôi thôi gì với Việt Nam. Bởi vậy
khi Thái Tổ lên làm vua, sai sứ sang cầu phong, vua nhà Tống liền phong cho làm
Giao Chỉ Quận Vương, sau lại gia phong làm Nam Bình Vương.
Nước Chiêm Thành và nước Chân Lạp đều sang triều cống, cho nên việc bang
giao thời bấy giờ được yên trị.
Ở
trong nước cũng có đôi ba nơi nổi lên làm loạn, như ở Diễn Châu (thuộc Nghệ An) và ở mạn thượng du hay có sự phản
nghịch, nhà vua phải thân chinh đi đánh dẹp mới yên được.
Thời
bấy giờ các hoàng tử đều phong tước vương và phải cầm quân đi đánh giặc, bởi
vậy ai cũng giỏi nghề dùng binh.
Vua
Thái Tổ lưu tâm về việc sửa sang trong nước: đổi phép cũ của nhà Tiền Lê; chia
nước ra làm 24 lộ, gọi Hoan Châu và Ái Châu là trại. Lại định
ra 6 hạng thuế là: thuế ruộng, đầm, ao; thuế đất trồng
dâu và bãi phù sa; thuế sản vật ở núi; thuế mắm muối đi quan Ải quan; thuế sừng
tê giác, ngà voi
và hương ở trên mạn núi xuống; thuế tre gỗ hoa quả. Vua cho những bậc công chúa
coi việc trưng thu các thứ thuế ấy.
Vua
trị vì được 19 năm thì băng hà, thọ 55 tuổi. Vua được táng ở Thọ Lăng, Thiên
Đức phủ, miếu hiệu là Thái Tổ, thuỵ hiệu là Thần Vũ hoàng đế.
Đánh giá
Các
sử gia phong kiến Việt Nam theo quan điểm Nho giáo có chê trách ông ở mặt quá sùng tín
vào đạo Phật, chê trách cơ
cấu tổ chức của triều đình ông không phù hợp với quan niệm của họ, ví dụ sử gia
Lê Văn Hưu viết:
Lý
Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà
trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ
cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào
việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể... chả trách đời sau xây tháp cao ngất
trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật, lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới
bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân
chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há
chẳng phải từ đấy?
Nhưng
tất cả đều thừa nhận ông là người sáng suốt. Sử gia Lê Văn Hưu viết: Lý
Thái Tổ lo tính lâu dài... nên noi theo họ Lý. Sử gia Ngô Sĩ Liên viết: Lý
Thái Tổ biết nghĩ xa hơn Lê Đại Hành.
(Nguồn: Wikimedia)
Lý Công Uẩn lên ngôi
Sách
Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 1, tờ 32 a-b và tờ 33 a-b) chép rằng:
“Có
một lần, Lê Ngọa Triều (tức Lê Long Đĩnh) ăn khế nhưng khi bổ ra lại thấy ở
trong có hạt mận thì tin ở lời sấm truyền (xem giai thoại số trước), bèn ngầm
sai bộ hạ tìm người họ Lý để giết đi, ấy thế mà Lý Công Uẩn ở ngay bên cạnh vẫn
không biết. (Mận - cây mận, quả mận - âm Hán Việt là lý, cho
nên Lê Ngọa Triều suy chữ lý là mận ra chữ lý là họ Lý). Đến
khi Lê Ngọa Triều băng, con nối ngôi thì còn quá bé, cho nên, Lý Công Uẩn cùng
với quan giữ chức Hữu Điện Tiền Chỉ Huy Sứ là Nguyễn Ðê, mỗi người được đem năm
trăm quân Tùy Long (quân hầu riêng cho Thiên Tử) vào làm quân túc vệ. Bấy giờ,
quan Chi Hậu là Ðào Cam Mộc dò biết Lý Công Uẩn có ý muốn được truyền ngôi, bèn
nhân lúc vắng người, nói khích với Lý Công Uẩn rằng:
- Bấy
nay, chúa thượng ngư tối và bạo ngược, làm nhiều việc bất nghĩa, khiến trời
ghét nên không cho hưởng thọ mà con nối thì thơ ấu, không thể kham nổi việc lớn
đầy khó khăn, trăm sự đều phiền nhiễu, thần linh không ưa, dân chúng nháo nhác
tìm chân chúa. Vậy tại saô quan Thân Vệ (chỉ Lý Công Uẩn) lại không nhân cơ hội
này mà nghĩ mưu cao, quyết đoán sáng suốt, xa thì xem dấu cũ của vua Thang, vua
Vũ, gần thì xem việc của họ Đinh, họ Lê... trên thuận lòng trời, dưới hợp lòng
người (nắm lấy ngôi báu có phải là hơn việc) khư khư giữ chút tiết hạnh bề tôi
nhỏ nhoi hay không?
Lý
Công Uẩn lấy làm vừa ý với câu nói của Ðào Cam Mộc, nhưng lại còn sợ Ðào Cam
Mộc có mưu khác, bèn giả vờ mắng lại rằng:
- Sao
ông dám ăn nói như thế? Tôi phải bắt ông đem nạp cho bá quan mới được.
Ðào
Cam Mộc thong thả nói với Lý Công Uẩn rằng:
- Tôi
thấy việc trời và việc người như thế cho nên mới dám nói ra. Nay ông muốn tố
cáo tôi thì tôi cũng xin thưa rằng tôi đâu sợ chết!
Lý
Công Uẩn nói:
- Tôi
đâu nỡ tố cáo ông, chẳng qua chỉ vì sợ lời nói của ông mà tiết lộ ra thì chúng
ta đều phải chết nên mới răn như thế đó thôi.
Hôm
sau, Ðào Cam Mộc lại bảo Lý Công Uẩn rằng:
-
Người trong nước cho rằng họ Lý sẽ làm nên nghiệp lớn, lời sấm đã hiện ra rồi,
tai họa không thể che giấu được nữa. Nay, chuyện chuyển họa thành phúc phải làm
ngay trong một sớm một chiều mà thôi. Đây chính là lúc mà trời thì ban cho,
người thì theo về, ông còn ngần ngại gì nữa?
Lý
Công Uẩn nói:
- Tôi
hiểu ý ông cũng không khác gì ý của nhà sư Vạn Hạnh. Đã vậy thì nên tính kế như
thế nào?
Ðào
Cam Mộc nói:
-
Thân Vệ là người khoan thứ, nhân từ, người người đều theo. Hiện nay, trăm họ
đều đã mỏi mệt vì kiệt quệ, dân khó mà sống nổi, Thân Vệ nên nhân đó, lấy ân
đức mà vỗ về, ắt người người đều vui theo, chẳng khác gì nước chảy xuống chỗ
trũng, không ai có thể cản lại được.
Ðào
Cam Mộc biết rõ việc đã cần kíp lắm rồi, để nữa sợ sinh biến, liền trình bày
với các bậc quan lại trong triều, ai ai cũng đều đồng lòng cả. Ngay ngày hôm
ấy, họ họp lại, bàn rằng:
-
Hiện nay, dân chúng muốn triệu người đều có lòng khác, trên dưới cách biệt, ai
cũng ghét tiên đế hà khắc, bạo ngược nên không muốn theo về với vua nối nghiệp
(còn nhỏ tuổi) mà muốn suy tôn quan Thân Vệ, bọn ta không nhân cơ hội này mà
tôn lập Thân Vệ làm Thiên Tử, lỡ để xẩy ra việc gì, liệu chúng ta có giữ nổi
đầu mình nữa hay không?
Thế
rồi họ cùng nhau dìu Lý Công Uẩn lên chính điện, tôn làm Thiên Tử. Trăm quan
đều lạy rạp dưới sân, trong ngoài cùng tung hô vạn tuế! Tiếng hô vang
dậy cả cung đình.
Lý
Công Uẩn lên ngôi, đại xá thiên hạ, lấy năm sau làm năm Thuận Thiên thứ nhất.
Nhà vua sai đốt giềng lưới, bãi ngục tụng (ý muốn nói ban ân đức đến cả con
người lẫn loài vật), đồng thời xuống chiếu rằng: từ nay, hễ ai có việc gì cần
tranh kiện thì cho phép được đến triều đình tâu bày, nhà vua sẽ thân hành xét
xử. Các quan dâng tôn hiệu cho Vua là Phụng Thiên Chí Lý Ứng Vận Tự Tại Thánh
Minh Long Hiện Duệ Văn Anh Vũ Sùng Nhân Quảng Hiếu Thiên Hạ Thái Bình Khâm Minh
Quang Trạch Chương Minh Vạn Bang Hiển Ứng Phù Cảm Uy Chấn Phiên Man Duệ Mưu
Thần Trợ Thánh Trị Tắc Thiên Đạo Chính Hoàng Đế”.
Lời
bàn: Trước đó, Ngô Quyền
đại phá quân Nam Hán rồi lên ngôi vương, Đinh Bộ Lĩnh quét sạch loạn mười hai
sứ quân rồi lên ngôi đế, sự nghiệp tuy mỗi người một vẻ, nhưng cái chung vẫn là
ở chỗ, từ công đức lớn, các bậc hào kiệt ấy đã hiên ngang bước lên ngôi chí
tôn.
Đến
đây, Lý Công Uẩn nhờ đại đức toả sáng mà được bá quan văn võ tôn phò. Có gì may
mắn hơn, khi mà Hoàng Để là bậc nhân từ khoan thứ và cẩn trọng hơn người?
Từ
đây, triều Lý bắt đầu, nền thái bình thực sự cũng bắt đầu và Đại Việt dần dần
trở thành một cường quốc ở Đông Nam Châu Á. Có ai hay những trang hào hùng sau
đó của lịch sử lại được mở đầu bằng sự kiện ngỡ như rất bình dị này?
Có
người lên thuyền khiến cho thuyền bị nghiêng đổ, nhưng cũng có người lên thuyền
khiến cho thuyền có thể lướt tới băng băng. Lý Công Uẩn chính là một trong
những người bước lên và đã có công khiến cho con thuyền Đại Việt băng băng lướt
tới. Kính thay!
(Theo “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục)
Ông vua tuổi tuất khai sinh ra thủ đô Thăng Long - Hà Nội
Mùa Thu năm Giáp Tuất (974) cuối thế kỷ thứ X, một bần dân làng
Cổ Pháp xứ Kinh Bắc sinh ra một cậu con trai, đặt tên là Lý Công Uẩn, từ nhỏ đã
bộc lộ tài năng, chí lớn khác thường. Lớn lên Lý Công uẩn đã làm quan to thời
tiền Lê.
Theo truyền thuyết, ông thân sinh ra Lý Công Uẩn nhà nghèo, đi
làm thuê nhà chùa Tiên Sơn đã phải lòng một tiểu nữ, làm nàng có thai. Nhà chùa
đuổi đi chỗ khác. Hai vợ chồng dẫn nhau đến một khu rừng rậm, dừng lại nghỉ
chân. Chồng bị chết đuối khi tìm nước để qua cơn khát, người vợ bất hạnh xin
vào nghỉ nhờ chùa “Ứng Tâm” gần đấy. Đêm hôm trước sư trụ trì nằm mơ thấy Long
thần báo mộng. “Dọn chùa cho sạch, ngày mai có Hoàng đế đến”, nhưng chỉ thấy
một thiếu phụ có thai đến ngủ nhờ. Vài tháng sau khu Tam quan của chùa bỗng rực
sáng, hương thơm lan toả. Người thiếu phụ kia sinh được con trai, 2 bàn tay có
4 chữ “sơn hà xã tắc”, trời nổi gió lớn mưa to, sản phụ chết ngay. Chú bé được
nhà sư Vạn Hạnh đưa về nuôi dưỡng.
Cuối
thu năm Kỷ Dậu (1009), khi đang làm quan Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ, vua
Ngoạ triều băng hà, Lý Công Uẩn được Đào Cam Mộc cùng triều thần nhà Lê tôn lên
làm vua, kết thúc triều Lê, mở đầu triều Lý. Vua hạ chiếu đại xá tù nhân, xoá
bỏ ngục tù, kiện tụng được phép đến trực tâu, nhà vua thân hành ngồi xử kiện.
Lên
ngôi báu vừa tròn 9 tháng. Mùa hè năm Canh Tuất (1010) Lý thái Tổ đã hạ chiếu
rời đô từ Hoa Lư ra Đại La kinh phủ.
Sử
sách chép rằng: “Lý Thái Tổ lên ngôi tự quốc bình thiên hạ chưa vội làm việc gì
khác, mà trước tiên mưu tính việc đình đô, xét về sự quyết đoán, sáng suốt, mưu
kế anh hùng, thực những vua tầm thường không thể theo kịp”.
Theo
suy tính của Lý Thái Tổ thì kinh đô Hoa Lư chỉ có thế núi non hiểm trở thích
hợp với yêu cầu phòng ngự lợi hại. Muốn đất nước thịnh vượng phải tìm đến một
nơi mới, để xây dựng kinh đô trở thành một trung tâm chính trị, văn hoá của một
quốc gia độc lập, hùng cường, nơi đó chỉ có thể là thành Đại La.
Chiếu dời đô
Trong
chiếu dời đô hơn 200 từ Hán Việt đã thể hiện những ý tứ sâu sắc, thể thiện tầm
nghĩ, tầm nhìn vừa sâu, vừa xa, vượt thời đại của một vị vua Đại Việt thông
minh gần một nghìn năm về trước khi ông chọn Đại La làm kinh đô mới để mưu
nghiệp lớn, tính kế phồn vinh trường kỳ cho sơn hà xã tắc và muôn đời con cháu
mai sau.
Một
đoạn văn trong chiếu dời đô nói rằng: “Ở trung tâm bờ cõi đất nước được cái thế
“Rồng cuộn hổ ngồi”, vị trí ở giữa bốn phương đông, tây nam bắc, ở đó địa thế
rộng mà bằng phẳng, vùng đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ sở vì ngập lụt,
muôn vật phong phú tốt tươi. Xem khắp nước Việt ta - chỗ ấy là hơn cả, thật là
chỗ hội hợp của bốn phương, là nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời”.
Sử
gia Ngô Sĩ Liên khen rằng: “Núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng
là sông nước, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiếm, rộng mà dài, có thể
là nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền, hình thể Việt Nam không nơi nào hơn
được nơi này”.
Chiếu
dời đô là bản khai sinh của kinh đô Thăng Long rồi Hà Nội ngày nay. Nước nào
trên thế giới cũng có kinh đô nhưng hiếm có kinh đô nào có bản khai sinh mang
dấu ấn cả ngàn năm như kinh đô Thăng Long của Đại Việt gần ngàn năm về trước.
Bây giờ đọc lại ta đều cảm phục tài năng, trí tuệ, tầm nhìn và ý chí sáng suốt,
quyết đoán của Lý Thái Tổ sáng lập triều Lý tồn tại 215 năm trải qua 3 thế kỷ
oai hùng.
Tục
truyền rằng: Khi đoàn thuyền từ Hoa Lư ra đỗ dưới chân thành Đại La bỗng có
rồng vàng hiện ra ở thuyền vua ngự, rồi bay vút lên cao. Nhà vua cho là điềm
lành, tin vui liền cho đổi từ Đại La Thành thành “Thăng Long Thành”, xoá bỏ đi
cái tên “Đại La” - đô hộ phủ đau thương của ngàn năm Bắc thuộc.
Rời
đô ra Thăng Long, lợi ích về giao thương kinh tế đã rõ, còn về quân sự, tuy
không có núi non hiểm trở như cựu đô Hoa Lư, nhưng vẫn rất lợi về đường giữ
nước, giữ thành. Nếu kẻ thù phương Bắc tấn công xâm lược bằng đường bộ ắt phải
vượt qua nhiều sông, mỗi sông là một phòng tuyến chặn giặc, tấn công bằng thuỷ
quân, giặc phải qua hàng trăm dặm đường sông, dân làng tả hữu dòng sông sẵn
sàng đánh giặc cả khi vào lẫn khi ra.
Đại
La - Thăng Long nơi trung tâm trời đất, đúng ngôi nam bắc đông tây, như vậy là
ngang tầm với đất Trung Nguyên của nước Trung Hoa láng giềng, rất xứng đáng là
Kinh đô Đại Việt.
Sau
hơn 200 năm xây dựng và phát triển, kinh đô Thăng Long thời ấy đã trở thành một
trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của quốc gia Đại Việt, một đô thị phồn
vinh, đã bảo vệ vững chắc kinh đô, sơn hà xã tắc, đánh bại nhà Tống trên sông
Như Nguyệt, chiến thằng Chiêm Thành khi đã huy động được sức mạnh toàn dân vào
trận, tạo được thế nước ở đỉnh cao ngàn trượng đè bẹp quân thù, đập tan mộng
tưởng “thôn tính Giao chỉ” như xưa, từ tác động của bài thơ bất hủ của lão
tướng Lý Thường Kiệt động viên:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt
nhiên định mệnh tại thiên thư....”
Hai
năm trước đó, (1075) bằng chiến lược “Tiên phát chế nhân” (tiến công để tự vệ)
của triều Lý, Quân dân Đại Việt đánh vào đất Tống tại châu Khâu, châu Liêm diệt
mầm mống xâm lược nước ta của vua tôi triều Tống.
Từ đó
đến nay, trừ 143 năm triều Nguyễn di đô vào Huế, 853 năm qua, non sông đất nước
ta dù phải trải qua bao vận hội và thử thách có lúc thăng trầm, Thăng Long vẫn
là kinh đô của triều Trần nhà Hậu Lê, Lê Trung Hưng, nhà Nguyễn Tây Sơn, đang
là Thủ đô của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tên gọi mới: Thủ đô
Hà Nội - một thủ đô anh hùng, 1 thủ đô hoà bình đang phát triển nhiều ưu thế
nội tại để trở thành thủ đô văn minh, hiện đại, xứng đáng với lòng mong đợi của
vua Lý Thái Tổ gần ngàn năm về trước: “Nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn
đời”.
Nguyên Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.