“Cha mẹ cho em một hình hài - Thầy cô cho em cả kiến thức …”
Mỗi khi nghe câu hát, trong tôi bỗng dâng tràn một niềm xúc cảm
không nguôi. Nhìn lại những tháng ngày đã qua, tôi thấy mình thật hạnh phúc khi
được sống trong vòng tay yêu thương của ba mẹ, được ba mẹ chăm sóc tận tình từ
miếng ăn đến giấc ngủ, từ viên thuốc lúc ốm đau đến bộ đồng phục khi đi học.
Đến trường, tôi được thầy cô cầm tay nắn nót những chữ cái đầu tiên, tròn
môi dạy tôi phát âm từng kí tự. Chính thầy cô là người chắp cánh cho những ước
mơ của tôi được bay cao, vươn xa đến tương lai rộng mở. Tôi không thể đếm được
những công lao, sự hi sinh thầm lặng mà cha mẹ, cô thầy cho tôi để tôi
được như ngày hôm nay. Thầy như cha, cô như mẹ, tuy không là ruột thịt nhưng
những người thầy, người cô đã đổ bao giọt mồ hôi để thay cha, thay mẹ dạy dỗ
chúng ta nên người. Đối với tôi, ngoài cha mẹ, người mà tôi yêu quý thứ ba đó
là thầy giáo dạy Văn của mình - thầy Nguyễn Long Giang.
Có lẽ hiện giờ mọi người đang hình dung thầy tôi là người
có dáng cao gầy như hình mẫu người thầy trong những tranh vẽ hay những câu
chuyện mà chúng ta được nghe lúc còn học Tiểu học. Ngược lại các bạn à! Thầy
Long Giang của tôi rất “mủm mĩm”. Trong sự “mủm mĩm” ấy lại toát lên một tâm
hồn phóng khoáng và đa cảm. Các bạn biết rồi đấy, đa cảm vốn là đặc trưng
của người giỏi Văn mà. Thầy vẫn thường dạy chúng tôi: “Học Văn là phải mở rộng tâm hồn mình ra,
đừng để nó chật hẹp”. Mái tóc thầy đã lấm tấm vài sợi bạc, có lẽ vì
gánh nặng của thời gian, cũng có thể vì sự nghịch ngợm mà lũ học trò chúng tôi
khiến thầy phải lo nghĩ.
Đã bao giờ
bạn thấy thích thú đến say mê môn học nào chưa? Đã bao giờ bạn nghe từng lời
giảng của thầy cô mà lại thấy thấm thía cuộc đời chưa? Tôi thì có đấy! Trước
kia như nhiều bạn ở đây, tôi không thích gì môn Văn. Có lẽ ở thời điểm đó với
tôi môn Văn quá khó và tôi luôn mặc cảm vì mình làm Văn không hay. Nhưng từ khi
theo học với thầy, ngay từ bài giảng đầu tiên tôi đã thấy bắt đầu thích thú.
Dần dần, sự thích thú ngày càng lớn hơn và tôi yêu thích môn Văn lúc nào mà
mình cũng không hề hay biết.
Một trong những điều thông qua môn Văn thầy đã dạy tôi và làm tôi luôn trăn
trở, đó là phải biết giữ gìn truyền thống văn hoá dân tộc. Người Việt Nam ngày
nay đang lãng quên dần những truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của ngày
xưa. Thế hệ chúng ta phần lớn chỉ lo chạy theo những nhu cầu về hình thức, bắt
chước giới trẻ ở các nước phát triển từ cử chỉ, điệu bộ đến lời ăn tiếng nói,
cách ăn mặc hàng ngày mà đánh mất dần bản sắc riêng của dân tộc. Ngay cả biểu
tượng của đất nước Việt Nam mà nhiều người Việt cũng không hề biết đến.
Thầy từng nói: “Là người Việt Nam mà không biết biểu tượng
của đất nước Việt Nam thì thật đáng xấu hổ”. Câu nói đó của thầy
đã in sâu vào tâm trí tôi, làm rung động trái tim tôi. Tôi nhìn lại mình và
thấy thật xấu hổ. Chính thầy là người đã thức tỉnh tôi khi tôi lãng quên những
truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, lãng quên những trang sử hào hùng của
dân tộc mà đúng ra tôi phải luôn tự hào về điều đó. Thầy chính là người đã đánh
thức tình yêu quê hương đang ngủ yên trong tôi bấy lâu nay. Cứ mỗi tiết học với
thầy là tôi lại phải ngẫm nghĩ lại về bản thân mình, nhìn lại những sai sót của
mình để khắc phục và sửa đổi.
Đã bao giờ bạn thấy tiếc một điều gì đó nhưng rồi lại thấy tự hào và hãnh diện
vì điều đó chưa? Tôi đã từng rồi đấy. Chỉ mới đây thôi, cách đây hơn ba tuần,
thầy đã dạy cho chúng tôi, những học trò thơ ngây của thầy bài học về tấm lòng
nhân ái. Thầy đã mở một cuộc bán đấu giá nhỏ để quyên góp tiền giúp đỡ đồng bào
miền Trung đang bị bão lũ tàn phá. Hàng đấu giá là những món vật bình thường
như những con thú pha lê, móc khoá… Chúng tôi thành lập thành những công ty đầu
tư và thi nhau bỏ giá. Công ty nào ra giá mua cao nhất sẽ được sở hữu các món
đồ. Tôi và các bạn cũng bỏ giá cao nhưng vẫn không mua được. Lúc đó tôi thấy
rất tiếc khi tất cả những gì mình dành dụm được từ đầu năm đến giờ đều biến mất
trong giây lát. Nhưng thầy, cũng chính thầy đã giúp cho chúng tôi thấy tự hào
vì điều đó. Những lời tâm tình của thầy sau buổI bán đấu giá làm chúng tôi suy
nghĩ. Từ cảm giác tiếc nuối ban đầu, tôi chuyển sang tự hào hãnh diện. Thế mới
biết làm được một điều tốt, con người sẽ vui và hạnh phúc biết bao. Lúc ấy tôi
mới thấm thía câu danh ngôn “ Người
hạnh phúc nhất là người đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất”.
Tôi mới được học cùng thầy ba tháng, thời gian ngắn ngủi nên tôi vẫn chưa có
được kỉ niệm riêng với thầy. Nhưng thầy đã để lại ấn tượng rất sâu sắc trong
lòng tôi. Có những điều tôi muốn nói, muốn kể với thầy nhưng vì rụt rè e ngại
nên mãi đến hôm nay vẫn chưa dám nói. Nhưng trong tim tôi vẫn luôn muốn nói
rằng: “ Thầy ơi! Con cảm ơn thầy
nhiều lắm. Con cảm ơn cuộc đời đã cho con được học với một người thầy tuyệt vời
như thầy. Con cảm ơn thầy vì thầy đã cho con hiểu thêm nhiều điều tươi đẹp
trong cuộc sống. Cảm ơn thầy vì đã giúp con thức tỉnh sau bao năm con lãng quên
đi tình yêu với quê hương đất nước. Dù con không giỏi Văn nhưng con vẫn luôn cố
gắng nổ lực hết mình để học tốt môn này, vì con biết học Văn là học để làm
người. Và thầy chính là con thuyền lớn đưa con sang bờ bên kia với tương lai
tươi sáng, giúp con thành người. Dù trên con đường đó có bao khó khăn thử thách
nhưng con vẫn cố vượt qua”.
Thưa các bạn! Trong bài hát “Người thầy” của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy có những
câu rất mượt mà sâu lắng:
“Dẫu đếm hết sao trời đêm nay
Dẫu đếm hết lá mùa thu rơi
Nhưng ngàn năm
Làm sao em đếm hết công ơn người thầy”
Cái giai điệu ngọt ngào ấy lắng đọng và ngân nga trong tôi như những lời giảng
Văn, những câu chuyện giáo dục của thầy - thầy Nguyễn Long Giang.
Nhưng, nào phải chỉ có mình thầy mới tận tụy với học sinh. Còn
biết bao thầy cô khác trên đất nước này đều hết lòng hết sức cho sự
nghiệp trồng người.
Kính thưa thầy cô, tất cả chúng con đều hiểu được nỗi khó nhọc
của thầy cô trong những tháng ngày dìu dắt chúng con. Chúng con cũng hiểu niềm
vui của thầy cô khi nhìn thấy chúng con khôn lớn thành người. Chúng con thấy
mình thật ngốc khi có người dạy dỗ tận tâm vô điều kiện mà lại không cố gắng
học thật tốt, cứ lười biếng chán học hoặc mê mải với những trò chơi vô
bổ. Chúng con xin hứa với thầy cô sẽ cố gắng học thật tốt để tương lai trở
thành người có ích để không phụ lòng mong mỏi của thầy cô.
Nguyễn Ngọc Phương Tuyền - Trường Đoàn Thị Điểm Q3
Một bài viết thật chân thành, sâu sắc và xúc động. Cám ơn Thầy và tác giả.
Trả lờiXóa