Bé Vi thương!
Chỉ còn vài hôm nữa là đến ngày giỗ bà nội của thầy, cũng
là lúc con sắp sửa lên đường sang đảo quốc Sư tử để du học. Thầy muốn post lại
bức thư của ngày xưa như một lời nhắc nhở ...
... Ông nội thầy hy sinh từ khi ba mới tròn bảy tuổi. Bà
nội thầy phải một mình tảo tần vừa buôn bán vừa làm ruộng để cho ba ăn học
thành tài. Từ một cậu học trò miền quê, ba thầy thi đậu vào trường Pétrus Ký
(Lê Hồng Phong bây giờ), rồi giành lấy học bổng đi du học ở Mỹ. Tất cả thành
quả mà ba có được đều nhờ vào gánh bánh tét của nội cùng với nửa công ruộng ở
quê nhà.
Anh em thầy cũng lớn lên nhờ vào gánh bánh tét ấy. Thầy
nhớ như in cái năm thầy lên sáu, trong những buổi sáng sương mù lạnh buốt, thầy
đã mắt nhắm mắt mở tay nắm giỏ sau của gánh bánh tét lẽo đẽo theo nội đi khắp
cái chợ Bình Tây để bán. Những giọt mồ hôi của nội ướt đẫm hai lớp áo, đen thẫm
cả một khoảng lưng gầy. Những giọt mồ hôi ấy của nội đã đổi thành cơm áo cho ba
thầy, rồi đến mấy anh em thầy ăn học đến trưởng thành.
Năm 1978, Sài Gòn bị một trận đói khủng khiếp. Ba lại đi
công tác thường xuyên. Ở nhà, mấy anh em thầy phải ăn độn bột mì, bánh mì,
khoai lang, bí rợ thay cơm. Tội nghiệp thằng em út, mỗi lần cầm tô bí rợ nấu
với muối lên ăn là nó ngoác mồm ra khóc. Thương cháu quá, bà nội đánh liều về
quê cầm cố đồ đạc. Giấm giúi được vài kí gạo giấu vào người, nội trốn công an
lội bộ về nhà để nấu cho mấy anh em thầy ăn một bữa cơm đúng nghĩa...
Có lẽ vì khổ quá nên nội thầy rất dữ đòn. Mỗi lần nội
giận là y như rằng một trận mưa roi sẽ đổ xuống ngay. Có khi kết thúc trận đòn,
cán chổi lông gà làm bằng mây đã dập nát thành hàng chục mảnh. Lúc đó, má phải
lén lút đưa thầy ra sau hè, vừa xức dầu vừa khóc... Có một lần, thầy sang nhà
hàng xóm chơi, thấy mấy đứa nhỏ nhảy dây vui quá nên cuối giờ thầy lén lấy sợi
dây thun về nhà để nhảy. Nội biết chuyện, đem thầy ra giữa sân đánh một trận ngất
ngư rồi dẫn thầy cùng tang vật sang nhà người ta xin lỗi...
Bài học của nội thầy là vậy đó, đói cho sạch rách cho
thơm. Anh em thầy trưởng thành dần trong sự giáo dục nghiêm khắc của nội. Cho
đến một ngày, nội thầy lâm bệnh vì lao lực, thầy mới hiểu ra rằng không có nội
chưa chắc mình đã có cuộc sống như hôm nay... Thầy cố dành dụm để đóng tiền cho
nội đi du lịch, tìm mua những thức ăn ngon mà nội thích... Nhưng, muộn rồi Vi
à! Nội không thể đi du lịch nổi, cũng không còn ăn uống được...
Con và các bạn hạnh phúc hơn thầy rất nhiều. Các con
không có tuổi thơ vất vả, không có nhiều những trận đòn cháy đít, oằn lưng.
Và... còn có bà ở bên cạnh. Còn thầy, bà ngoại đã mất khi thầy bằng tuổi các
con, chỉ còn bà nội. Vậy mà nội cũng bỏ thầy ra đi... Khi nào con mất đi những
gì con đang có, lúc ấy con mới biết hối hận. Nhưng hối hận thì mọi thứ đã muộn
rồi. Hãy ráng níu giữ những gì con yêu quý nhất khi mình còn có thể làm được,
để sau này con không phải tự dằn vặt bản thân...
Còn một điều nữa, thầy vui khi thấy con biết nhận lỗi.
Hôm trước thấy con học bài môn khác trong giờ Văn thầy rất buồn. Thầy không
muốn rầy la trước lớp vì điều đó sẽ chạm đến lòng kiêu hãnh của con. Có những
trường hợp cần thẳng thắn phê bình trước lớp, có trường hợp phải trao đổi riêng
hoặc mượn một câu chuyện nào đó để nhắc nhở khéo. Con thuộc trường hợp thứ hai.
Thầy thấy dạo này con có vẻ chủ quan đối với môn Văn. Đó là lý do vì sao điểm
số của con không được cao bằng các bạn.
Hãy cố gắng lên, cô bé! Thầy vẫn đặt hy vọng vào con.
Thầy của con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.