Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Thế Lữ


Chính tên là Nguyễn thứ Lễ. Sinh tháng 10 năm Đinh-mùi (1907). Nơi sinh Thế-Lữ lấy làm lạ thấy người nhà nói là Thái-hà ấp, Hà-nội, còn thi-sĩ thì cứ tưởng là Lạng-sơn, nơi đã ở từ khi còn bé đến năm 11 tuổi. 11 tuổi, xuống Hải-phòng. Học đến năm thứ ba ban thành-chung thì bỏ để theo sở-thích riêng. Sau đó lên Hà-nội học trường Mỹ-thuật, nhưng lại thôi ngay. Bắt đầu viết từ hồi này.

Được ít lâu bị đau lại về Hải-phòng tĩnh dưỡng. Những ý thơ và đôi bài thơ đầu tiên, như bài Lựa tiếng đàn, nẩy ra trong lúc này.

Có chân trong Tự-lực văn đoàn và trong tòa-soạn các báo Phong-hóa, Ngày nay, Tinh-hoa.

Đã xuất bản: Mấy Vần Thơ (1935), Mấy Vần Thơ, tập mới (Đời-nay, Hà-nội, 1941).

* * *

Luôn trong mấy năm, mê theo thơ người này, người khác, tôi không hề ngâm thơ Thế-Lữ. Tôi cứ nghĩ lòng trí tôi thay đổi, không sao còn có thể thích những vần thơ không cùng tôi đổi. Nhưng hôm nay đọc lại những câu với tôi vẫn còn quen quen, tôi sung sướng biết bao. Tôi đón những câu thơ ấy với cái hân-hoan của khách phiêu-lưu lúc trở về cố-hương gặp những người thân yêu cũ. Dầu nhìn nét mặt một hai người, khách không khỏi ngờ ngợ... Nhưng hề chi! khách vẫn gửi ở đó cái hương-vị những ngày âm-thầm qua trong gian nhà tranh nọ... Cả một thời xưa tỉnh dậy trong lòng tôi. Tôi sống lại những đêm bình-yên đầy thơ mộng.

Đấy thơ mới vừa ra đời. Thế-Lữ như vừng sao đột hiên ánh-sáng chói khắp cả trời thơ Việt-nam. Dầu sau này danh-vọng Thế-Lữ có mờ đi ít nhiều, nhưng người ta không thể không nhìn nhận cái công Thế-Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này. Thế-Lữ không bàn về thơ mới, không bênh-vực thơ mới, không bút-chiến, không diễn-thuyết, Thế-Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng, mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ.

Bởi vì không có gì khiến cho người ta tin ở thơ mới hơn là đọc những bài thơ mới hay. Mà thơ Thế-Lữ về thể-cách mới không chút rụt rè, mới từ số câu, số chữ, cách bỏ vần, cho đến tiết-tấu âm-thanh. Đọc những câu như:

Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn thét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.

Đọc những câu ấy, không ai còn có quyền bĩu môi trước một cuộc cách- mạng về thi-ca đương nổi dậy. Cho đến những bài thất-ngôn, ngũ-ngôn, lục-bát, song-thất lục-bát của Thế-Lữ cũng khác hẳn xưa. Thế-Lữ làm rạn vỡ những khuôn-khổ ngàn năm không di-tích. Chữ dùng lại rất táo-bạo.

Đọc đôi bài, nhất là bài Nhớ rừng, ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô- đẩy, bị dằn-vật bởi một sức mạnh phi-thường. Thế-Lữ như một viên tướng điều-khiển đội quân Việt-ngữ bằng những mệnh-lệnh không thể cưỡng được.

Nhưng con người táo-bạo ấy vẫn không nỡ lìa những giấc mộng nên thơ của thời trước. Tuy ảnh-hưởng thi-ca Pháp về phái lãng-mạn và nhất là ảnh-hưởng tản-văn Pháp đã khiến những mộng ấy có một ít hình dáng mới, một ít sắc màu mới, ta vẫn có thể nhìn-nhận dễđàng cái di-sản của lớp người vừa qua. Thế-Lữ cũng như phần đông thanh-niên ta hồi trước hay buồn nản vẩn vơ.

Người muốn sống cuộc đời ẩn-sĩ:
Trăm năm theo dõi đám mây trôi

Người lưu-luyến cảnh tiên trong tưởng-tượng, phảng-phất nghe tiếng sáo tiên, mải-mê nhìn những nàng tiên. Muốn gợi trí mơ-tưởng cảnh tiên, người không cần chi nhiều. Đương đi giữa đường phố rộn rịp, bỗng trông thấy những cành đào, cành mai là người đã:

... tưởng nhớ cảnh quê-hương
Bồng-lai muôn thủa vườn xuân thắm,
Sán-lạn, u-huyền, trong khói hương...

Đương cùng bầu-bạn uống rượu, vừa ngà ngà say là người đã thoát trần bỏ bạn-hữu ở lại đi về chốn:

Lung linh vàng dội cung Quỳnh
Nhịp nhàng biến hiện những mình Tiên-nga.

Ở xứ ta từ khi có người nói chuyện tiên, nghĩa là từ khi có thi-sĩ, chưa bao giờ ta thấy thế-giới tiên có nhiều vẻ đẹp như thế. Phải chăng vì cõi tiên đã cùng cõi trần Âu-hóa?

Nhưng làm tiên, làm ẩn-sĩ hay làm chinh-phu chỉ là chuyện mộng. Sự thực khi nghe tiếng ái-ân réo rắt, chỉ có khách chinh-phu "đi theo đuổi bước tương-lai", còn thi-nhân và chúng ta ở lại bên sông cùng thiếu-nữ. Sự thực thì giấc mộng ẩn-sĩ tan dần trong một căn nhà ở Hà-nội. Và nói cho đúng, thi-nhân có lên thiên tiên người thấy trong khi say thường phấp-phới trên bờ Hoàn-kiếm: Tôi muốn Thế-Lữ vẫn nặng lòng trần. Người say theo những cảnh đẹp của trần-gian muôn hình muôn vẻ, từ:

Cảnh vĩ đại sóng nghiêng trời, thác ngàn đổ;

cho đến:

Nét mong-manh, thấp-thoáng cánh hoa bay;

Người đã khéo tả hình-sắc lại cũng khéo tả âm-thanh. Những đoạn thơ tả cảnh, tả tiếng của Thế-Lữ thực không sao kể xiết. Ngay trong những bài không hay lắm, vẫn có nhiều câu rất thần-tình. Chẳng hạn như:

Sáng hôm nay, sương biếc tỏa mờ mờ
Như hương khói đượm đầu cau, mái rạ;
Ánh hồng tía rắc ngọc châu trên lá,
Trời trong xanh, chân trời đỏ hây hây.

Nhưng trong "vườn trần-gian" còn gì thắm tươi hơn những thiếu-nữ. Cho nên không biết bao lần thi-nhân tả người đẹp với những nét tinh-tế, dịuđàng và âu-yếm. Người thấy rõ:

Trên vừng trán ngây thơ, trong sáng,
Vẩn vơ qua một áng hương buồn.

Người lặng nhìn:

Đôi mắt cô em như say, như đắm,
Như buồn in hình-ảnh giấc mơ xa.

Người mải-mê nghe tiếng hát của người đẹp:

Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền,
Êm như hơi gió thoảng cung tiên,
Cao như thông vút, buồn như liễu:
Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên.

Có những thi-nhân chỉ tìm ý thơ trong tình yêu của một người. Trái lại trong thơ Thế-Lữ thấp-thoáng hình-ảnh không biết bao nhiêu người. Mỗi thiếu-nữ đã đi qua trong đời thi-nhân hay trong trí-tưởng thi-nhân đều mang theo một chút hương ân-ái. Đối với họ, thi-nhân chưa đủ thân mật để gọi bằng em; thi-nhân chỉ dùng hai tiếng cô em, nghe lẳng-lơ, mà xa vời và thiếu tình ấm-áp. Có lẽ Thế-Lữ là một người khát yêu, lòng mở sẵn để đón một tìnhđuyên không thấy tới. Mỗi tình yêu không người yêu ấy man-mác khắp cỏ cây mây nước, nên thi-nhân thường tả những cảnh đượm tình luyến-ái:

Mây hồng ngừng lại sau đèo,
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.

Trời có những dải mây huyền thấp-thoáng
Như vấn-vương, lưu-luyến quyện lòng ai;

Khiến cho cảnh bồi-hồi ngây-ngất,
Tiếng sáo chưa nỡ dứt trên không,
Khiến cho hồ nước mịt-mùng,
Ngày không muốn hết, ta không muốn về.

Thơ Thế-Lữ là nơi hẹn-hò của hai nguồn thi-cảm. Thế-Lữ đã băn-khoăn trước hai nẻo đường: nẻo về quá-khứ với mơ-mòng, nẻo tới tương-lai và thực-tế. Đáng lẽ Thế-Lữ nên rẽ nẻo thứ hai này. Sau một hồi mộng-mị vẩn vơ, thơ Thế-Lữ như một luồng gió lạ xui người ta biết say sưa với cái sán-lạn của cuộc đời thực-tế, biết cười cùng hoa nở chim kêu, biết yêu và biết yêu tình yêu. Thế-Lữ đã làm giáo-sư dạy khoa tình-ái cho cả một thời đại.

Nhưng hình như có hồi Thế-Lữ đã đi lầm đường. Bởi người ta nói quá nhiều, nên thi-nhân tưởng quê-hương mình là tiên-giới vàquên quên rằng đặc- sắc của người chính ở chỗ tả những vẻ đẹp thực của trần-gian.

Tuy vậy, dầu về hồi sau thơ Thế-Lữ có phần kém trước, nhưng giá những bài ấy là của một người khác, thì vẫn có thể dành cho tác-giả nó một địa-vị khá trên thi đàn. Bởi vì Thế-Lữ ít khi ghép những lời suông, khi nào viết là cũng có chuyện gì để nói.

Tôi nói về Thế-Lữ đã nhiều quá rồi. Nhưng còn biết bao nhiêu điều muốn nói nữa. Tôi thấy chung quanh tôi người ta lạnh lùng quá. Thế- Lữ cơ hồ đã đi theo phần đông thi-sĩ trong Văn đàn bảo-giám. Cái cảnh

lạt phai ấy sao mà buồn thế!

Không, ta hãy đi ngược lại thời-gian, quên những sở-thích nhất thời và trân-trọng lấy những bông hoa vẫn thắm tươi như hồi mới nở.

Janvier 1941

(ST)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.