Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Tình cha



       
Anh hẹn chị ra quán cà phê trước nhà ga chính của thành phố Bremen. Câu đầu tiên khi gặp anh, chị nói trong sự cáu gắt, "Ông lại bán xe rồi hay sao mà lại đi tàu lên đây?".
        Anh cúi đầu trả lời lý nhí trong sự hổ thẹn, "Ừ, bán rồi, vì cũng không có nhu cầu lắm". Chị sầm mặt xuống: "Ông lúc nào cũng vậy, suốt đời không thể ngóc đầu lên được, hẹn tôi ra đây có chuyện gì vậy?"   
        Khó khăn lắm anh mới có thể nói với chị điều anh muốn nhờ cậy. Chị cũng khó khăn lắm mới có thể trả lời từ chối anh, "Nhưng mà gia đình tôi đang yên lành, nếu đưa con bé về e rằng sẽ chẳng còn được bình yên".                         
     Anh năn nỉ, nhưng thật sự là anh rất bối rối, con bé đã đến tuổi dậy thì, anh là đàn ông, không thể gần gũi và dạy dỗ chu đáo cho nó được, anh chưa bao giờ cầu xin em điều gì, chỉ lần này thôi, chỉ nửa năm hay vài ba tháng cũng được, em là phụ nữ, em gần nó, em hướng dẫn và khuyên bảo nó trong một thời gian, để nó tập làm quen với cuộc sống của một thiếu nữ, sau đó anh lại đón nó về".
       Chị thở dài, "Ông lúc nào cũng mang xui xẻo đến cho tôi, thôi được rồi, ông về đi, để tôi về bàn lại với chồng tôi đã, có gì tôi sẽ gọi điện thông báo cho ông sau". Anh nhìn chị với ánh mắt đầy hàm ơn. Anh đứng dậy, đầu cúi xuống như có lỗi tiễn chị ra xe rồi thở dài, lùi lũi bước vào nhà ga đáp tàu trở lại Hamburg.    
        Anh và chị trước kia là vợ chồng. Họ yêu nhau từ hồi còn học phổ thông. Anh đi lao động xuất khẩu ở Đông Đức. Chị theo học Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Ngày bức tường Berlin sụp đổ, anh chạy sang phía Tây xin tị nạn. Chị tốt nghiệp Đại học và về làm giáo viên cấp 3 huyện Thái Thụy, Thái Bình. Họ vẫn liên lạc và chờ đợi nhau. 
        Khi đã có giấy tờ cư trú hợp lệ, anh về làm đám cưới với chị, rồi làm thủ tục đón chị sang Đức.  
       Vừa sang Đức, thấy bạn bè anh ai cũng thành đạt. Đa số ai cũng có nhà hàng, hay cửa tiệm buôn bán. Chỉ có anh là vẫn còn đi làm phụ bếp thuê cho người ta. Chị trách anh vô dụng. Anh không nói gì, chỉ hơi buồn vì chị không hiểu, để có đủ tiền bạc và điều kiện lo thủ tục cho chị sang được đây, anh đã vất vả tiết kiệm mấy năm trời mới được. Nên không dám mạo hiểm ra làm ăn.
    "Đồ cù lần, đồ đàn ông vô dụng...", đó là câu nói của miệng chị dành cho anh, sau khi anh và chị có bé Hương. 
      Bé Hương sinh thiếu tháng, phải nuôi lồng kính đến hơn nữa năm mới được về nhà. Khi bác sĩ thông báo cho vợ chồng anh biết bé Hương bị thiểu năng bẩm sinh. Giông tố bắt đầu thực sự nổi lên từ đó. Chị trách anh, đến một đứa con cũng không làm cho ra hồn, thì hỏi làm được gì chứ. Anh ngậm đắng nuốt cay nhận lỗi về mình và dồn hết tình thương cho đứa con gái xấu số.   
         Bé Hương được 3 tuổi, chị muốn ly dị với anh. Chị nói, ông buông tha cho tôi, sống với ông đời tôi coi như tàn. Anh đồng ý, vì anh biết chị nói đúng. Anh là người chậm chạp, không có chủ kiến và không có chí tiến thân, sống an phận thủ thường. Nếu cứ rằng buộc sẽ làm khổ chị.
       Bé Hương 3 tuổi mà chưa biết nói. Chị cũng rất thương con, nhưng vì bận bịu làm ăn nên việc chăm sóc con bé hầu hết là do anh làm. Vì vậy mà con bé quấn quít bố hơn mẹ.   
      Biết vậy nên chị cũng rất yên tâm và nhẹ nhõm nhường quyền nuôi dưỡng con bé cho anh khi làm thủ tục ly hôn.   
      Ly dị được gần 1 năm thì chị tái giá. Chị sinh thêm một đứa con trai với người chồng mới.    
     Thành phố Bremen là 1 thành phố nhỏ. Người Việt ở đó hầu như đều biết nhau. Chị cảm thấy khó chịu khi thỉnh thoảng bắt gặp cha con anh đi mua sắm trên phố. Chị gặp anh và nói với anh điều đó. Anh biết ý chị nên chuyển về Hamburg sinh sống.
       Chị không phải là người vô tâm, nên thỉnh thoảng vẫn gửi tiền nuôi dưỡng con cho anh. Trong những dịp năm mới hay noel, chị cũng có quà riêng cho con bé, nhiều năm, nếu có thời gian, chị còn đến trực tiếp tặng quà cho con bé trước ngày lễ giáng sinh nữa.  
      Thấm thoát đó mà giờ đây con bé đã sắp trở thành một thiếu nữ. Tuy chị không biết cụ thể thế nào. Nhưng chị biết dù con bé lớn lên trong tật nguyền hẩm hiu, nhưng anh rất thương nó. Chị cũng biết con bé gặp vấn đề trong giao tiếp, phải đi học trường khuyết tật. Nhưng con bé rất ngoan. Anh cũng không phải vất vả vì nó nhiều. Nó bị bệnh thiểu năng, trí tuệ hạn chế, phát âm khó khăn. Tuy vậy nó vẫn biết tự chăm sóc mình trong sinh hoạt cá nhân. Thậm chí nó còn biết giúp anh một số công việc lặt vặt trong nhà.
       Chồng chị đã đồng ý cho chị đón con bé về tạm sống với chị vài tháng, với điều kiện trong thời gian con bé về sống chung với vợ chồng chị, anh không được ghé thăm. Chị cũng muốn thế, vì chị cảm thấy hổ thẹn khi phải tiếp xúc với vẻ mặt đần đần dài dại của anh.
       Vợ chồng chị đã mua nhà. Nhà rộng, nên con bé được ở riêng một phòng. Chị đã xin cho con bé theo học tạm thời ở một trường khuyết tật ở gần nhà. Con bé tự đi đến trường và tự về được.
      Đi học về, nó cứ thui thủi một mình trong phòng. Đứa em trai cùng mẹ của nó, mẹ nó, và bố dượng nó rất ít khi quan tâm đến nó. Niềm vui duy nhất của nó là chờ điện thoại của bố. Nó phát âm không chuẩn và nói rất khó khăn, nên hầu như nó chỉ nghe bố nói chuyện. Bố dặn dò nó rất nhiều và thỉnh thoảng còn hát cho nó nghe.
      Em trai nó học thêm Piano, nên nhà mẹ nó có cái đàn Piano rất đẹp để ở phòng khách. Có lần nó sờ và bấm bấm vài nốt. Mẹ mắng nó không được phá đàn của em. Nên từ đó nó không dám đụng đến nữa. Có hôm anh gọi điện thoại cho nó, nó nghèn nghẹn nói lỏm bỏm "... đàn... klavia... con muốn..."  Anh thở dài và hát cho nó nghe.
        Tháng đầu, hầu như ngày nào anh cũng gọi điện thoại cho nó. Rồi thưa dần, thưa dần. Cho đến một ngày anh không gọi cho nó nữa. Sau một tuần đăng đẳng không nghe anh gọi điện thoại. Con bé bỏ ăn và nằm bẹp ở nhà không đi học. Chị không biết gì cứ mắng nó dở chứng.
       Một đêm, chị bỗng bật choàng dậy khi nghe tiếng đàn Piano vang lên. Chị chạy ra phòng khách, thấy con bé đang ngồi đánh đàn say sưa. Nó vừa đánh vừa hát thì thầm trong miệng. Chị cứ há hốc mồm ra kinh ngạc. Chị không thể tưởng tượng nổi là con bé chơi Piano điêu luyện như vậy. Chị chợt nhớ ra, đã có lần anh nói với chị, con bé ở trường khuyết tật có học đàn Piano, cô giáo khen con bé có năng khiếu. Lần đó chị tưởng anh kể chuyện lấy lòng chị nên chị không quan tâm
      Chị đến gần sau lưng nó, và lặng lẽ ngắm nhìn nó đánh đàn. Chị cúi xuống và lắng nghe con bé hát thầm thì cái gì. Chị sởn cả da gà, khi chị nghe con bé hát rõ ràng từng tiếng một,  lại là hát bằng tiếng Việt hẳn hoi: "...Nhớ những năm xa xưa ngày cha đã già với bao sầu lo...sống với cha êm như làn mây trắng...nhớ đến năm xưa còn bé, đêm đêm về cha hôn chúng con....với tháng năm nhanh tựa gió..ôi cha già đi cha biết không...".
       Chị vòng tay ra trước cổ nó và nhẹ níu, ôm nó vào lòng. Lần đầu tiên chị ôm nó âu yếm như vậy. Chị thấy tay mình âm ấm. Nó ngừng đàn đưa tay lên ôm riết tay mẹ vào lòng ngực. Nó khóc. Chị xoay vai nó lại, nhìn vào khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nó hỏi, con sao vậy hả con yêu của mẹ. Nó ngước nhìn mẹ nó rất trìu mến rồi chìa cho mẹ nó một tờ giấy giấy khổ A4 đã gần như nhàu nát.
        Chị cầm tờ giấy và chăm chú đọc, rồi thở hắt ra nhìn nó hỏi " Con biết bố con bị ung thư lâu chưa?"  Nó chìa 4 ngón tay ra trước mặt mẹ. Chị hỏi, 4 tháng rồi hả. Nó gật đầu. Chị nhìn chăm chăm vào tờ giấy, và từ từ ngồi thụp xuống nền nhà, rũ rượi thở dài.
       Con bé hốt hoảng đến bên mẹ, ôm mẹ vào lòng, vuốt mặt mẹ, rồi vừa ấp úng nói vừa ra hiệu cho mẹ. Đại ý là nó diễn đạt rằng: -" Bố lên ở trên Thiên Đường rồi, mẹ yên tâm. Con đã xin vào nội trú ở trường dưới Hamburg, ngày mai con sẽ về dưới đó, con không ở lại đây lâu để làm phiền mẹ và em đâu, con về ở tạm đây là vì bố muốn thế, bố muốn mình ra được nhẹ nhàng và yên tâm là có mẹ ở bên con..."
Chị cũng ôm nó vào lòng, vỗ vỗ vào vai nó và nói, con gái ngoan của mẹ, ngày mai nếu mẹ sắp xếp được công việc, mẹ sẽ đưa con về Hamburg ...

            Tôi nghe người ta kể chuyện lại chuyện đó, khi đi dự một cuộc biểu diễn nghệ thuật của học sinh khuyết tật và khiếm thị.
      Khi thấy em gái đệm đàn piano cho dàn đồng ca, cứ khăng khăng đòi phải đàn và hát bài hát "Người Cha Yêu Dấu" bằng tiếng Việt trước, sau đó mới chịu đệm đàn cho dàn đồng ca tiếng Đức. Quá kinh ngạc nên tôi cứ gạn hỏi mãi người trong ban tổ chức. Cuối cùng họ đã kể cho tôi nghe câu chuyện như vậy.

(Sưu tầm)

Nguyễn Đình Chiểu nhân cách của một nhà văn hóa lớn



Nguyễn Văn Châu
Văn nghệ Sông Cửu long
Nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu là một minh chứng sống động về tính năng động của con người. Cuộc đời dù nghiệt ngã, nhưng sự nghiệp của con người ấy không vì thế mà buông xuôi theo số phận. Vượt qua số phận để đứng vững trước sóng gió của cuộc đời, chính là thái độ sống có văn hóa, là nhân cách cao đẹp của Nguyễn Đình Chiểu. Trên cương vị của một nhà thơ, cái sâu sắc, thâm thúy trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu chính là chỗ chê khen, biểu dương và phê phán, thương ghét rõ ràng, chánh tà minh bạch, hợp đạo lý, thuận tình người, theo đúng chuẩn mực văn hóa Việt Nam.

 
NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, một con người tiêu biểu cho nhân cách Việt Nam trong thời kỳ đất nước đầy biến cố, đau thương, nhưng vô cùng vĩ đại. Đất nước bị ngoại xâm, nỗi nhà tai biến, nỗi mình bi thương, bao nhiêu nghiệt ngã của cuộc đời trút lên vai một người mù lòa, sự nghiệp công danh nửa đường dang dở.Sự thách thức nghiệt ngã ấy đặt ra cho Nguyễn Đình Chiểu thái độ phải lựa chọn lối sống và cách sống như thế nào cho thích hợp với vai trò người trí thức trước thời cuộc “quốc gia lâm nguy that phu hữu trách”, và ông đã chọn con đường sống, chiến đấu, bằng ngòi bút “chí công” với cái tâm “đã vì nước phải đứng về một phía”.
Nhìn từ góc độ văn hóa, Nguyễn Đình Chiểu là một con người Việt Nam trọng đạo lý, nặng tình người, đậm đà bản sắc dân tộc, yêu ghét rõ ràng, khen chê dứt khoát. Vì người, cụ sẵn sàng hy sinh xả thân không màng danh lợi. Vì đời,cụ chấp nhận mọi thử thách trước khó nghèo, khổ cực, không hám lợi, không sợ uy vũ, không khuất phục cường quyền.
Với tất cả vai trò xã hội và sứ mạng của con người mà Nguyễn Đình Chiểu phải gánh vác: Nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc, người công dân, chiến sĩ yêu nước... cho đến cuối đời cụ vẫn kiên cường vượt qua số phận, hoàn thành xuất sắc thiên chức của mình, để lại cho đời sau một tấm gương về cách sống trong sáng đến tuyệt vời:
“Sự đời thà khuất đôi tròng thịt
Lòng đạo xin tròn một tấm gương”

Con người là sản phẩm của hoàn cảnh, nhưng nhân cách của con người không chỉ là sản phẩm thụ động của hoàn cảnh.Ngày xưa cụ Nguyễn Du từng cho rằng: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”.
Nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu là một minh chứng sống động về tính năng động của con người. Cuộc đời dù nghiệt ngã, nhưng sự nghiệp của con người ấy không vì thế mà buông xuôi theo số phận.Vượt qua số phận để đứng vững trước sóng gió của cuộc đời, chính là thái độ sống có văn hóa, là nhân cách cao đẹp của Nguyễn Đình Chiểu.
Trên cương vị của một nhà thơ, cái sâu sắc, thâm thúy trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu chính là chỗ chê khen,biểu dương và phê phán, thương ghét rõ ràng, chánh tà minh bạch, hợp đạo lý, thuận tình người, theo đúng chuẩn mực văn hóa Việt Nam, Nhà thơ mù lòa ấy là một trong những người đầu tiên đưa ra thông điệp tố cáo hành động phản văn hóa, mất tính người của bọn thực dân xâm lược. Về tội ác hủy diệt cuộc sống yên lành của nhân dân, ông viết:
“Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ bầy chim nháo nhác bay”.

Với tội ác xâm lược phản văn hóa ngang nhiên đoạt tài sản và hủy hoại một cách dã man những di sản văn hóa của nhân dân ta:
“Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”.

Của tiền là sự tích góp của một đời người lao động sáng tạo vô cùng vất vả.
Tranh ngói là cả một dinh cơ sự nghiệp, nhà cửa, đền, miếu, đình, chùa phải mấy trăm năm với bàn tay và khối óc của nhiều người mới dựng nên cơ nghiệp lớn lao ấy.
Trong hoàn cảnh đất nước lâm nguy, một bọn người mang danh kẻ sĩ đã hèn nhát đầu hàng kẻ thù, phản bội đất nước. Nguyễn Đình Chiểu là người sớm biểu lộ thái độ khinh miệt bọn đê hèn và phản văn hóa ấy:
“Dù đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ.
Dù đui mà khỏi danh nhơ
Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình”.

Với quan điểm xem ngòi bút là vũ khí chiến đấu “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”,Nguyễn Đình Chiểu đã trực tiếp đả kích bọn Việt gian khoác áo văn chương như loại Tôn Thọ Tường thường mượn màu chữ nghĩa làm đảo lộn trắng đen. Cụ viết:
“Thây nay cũng nhóm văn chương
Vóc dê da cọp khôn lường thực hư”.

Các tác phẩm văn học của Nguyễn Đình Chiểu có sức sống bền vững trong tình cảm nhân dân. Lý tưởng thẩm mỹ trong các nhân vật anh hùng đã nêu bật một lối sống có văn hóa và khí phách anh hùng đặc trưng bản sắc Việt Nam. Đó là lối sống trọng đạo lý và công bằng xã hội, trọng con người và căm ghét áp bức bất công. Cái “hào khí Đồng Nai” ấy được thể hiện qua hành động của các nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên, trong các nghĩa sĩ Cần Giuộc và nghĩa sĩ lục tỉnh thời Nam Kỳ kháng Pháp đến nay vẫn còn được tiếp nối và phát huy trong đời sống văn hóa của nhân dân ta ở miền Nam. Trong một thời gian khá dài từ đầu thế kỷ XX đến nay, truyện thơ Lục Vân Tiên đã là nội dung diễn xướng dân gian với các loại hình như nói thơ, hò, vè, ca ra bộ trong sinh hoạt văn hóa quần chúng và chính đề tài Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga sớm thể hiện trên sân khấu ca kịch cải lương khi bộ môn nầy vừa mới ra đời trên kịch trường Nam bộ. Gần nay đề tài nầy đã và đang được dựng lên thành nhạc kịch hiện đại, dựng thành phim truyện v.v... Hơn một thế kỷ qua, hiếm thấy nhà văn nào mà tác phẩm có tính phổ cập sâu rộng và có sức sống lâu bền trong đời sống văn hóa của nhân dân như vậy.
Trên lĩnh vực giáo dục, là một nhà giáo, trọn đời thầy Đồ Chiểu chăm lo dạy dỗ môn sinh, truyền thụ cho thế hệ tương lai những điều cốt lõi của văn hóa Việt Nam về đạo lý truyền thống của dân tộc và nhân cách của một kẻ sĩ. Hào khí Đồng Nai, một nét đẹp văn hóa của con người Nam bộ được nuôi dưỡng và phát huy chính là nhờ sự nghiệp giáo dục của biết bao thế hệ người thầy đầy tâm huyết mà được truyền thụ đến ngày nay, trong đó nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu là một trong những người có công lớn. Chúng ta đều biết Nguyễn Đình Chiểu là học trò đời thứ hai của nhà giáo Võ Trường Toản ở Gia Định, một ông thầy nổi tiếng về phương pháp giáo dục tri ngôn, dưỡng khí, tập nghĩa, một nhà trí thức sớm nổi tiếng ở đất Đồng Nai - Gia Định, không màng danh lợi, suốt đời chăm lo đào tạo thế hệ moan sinh có chí, có tài, biết lấy “thảo ngay làm nghĩa cả”.
Võ Trường Toản là thầy học của Nghè Chiêu.
Nghè Chiêu là thầy dạy Nguyễn Đình Chiểu.
Từ lò đào tạo Hòa Hưng của Võ Trường Toản mà thế hệ các nhà văn thơ trước đó và cùng thời với Nguyễn Đình Chiểu dù vận nước đến thế nào cũng tràn đầy “hơi chính khí”. Kẻ sĩ Gia Định chính là sản phẩm của phong cách rèn luyện của một ông thầy giỏi, giỏi đến mức dạy nên những người học trò nổi tiếng hơn mình.
Thầy Đồ Chiểu dạy học trò theo phong cách ấy.
Nhiều thế hệ môn sinh của Đồ Chiểu tiếp thu sự giáo dục của thầy nuôi dưỡng ý chí, rèn luyện tinh thần để sẵn sàng trở thành “trang dẹp loạn” mà sinh thời cụ Đồ Chiểu hằng mong ước. Từ Nhiêu Đẩu, Nhiêu Gương ở Mỏ Cày cuối thế kỷ XIX đến các trí thức Nho học Lê Văn Đẩu, Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn ở Ba Tri nửa đầu thế kỷ XX đều là những thế hệ môn sinh đầy nhiệt huyết mang đậm dấu ấn giáo dục của thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu.
Nhân cách của nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu có ảnh hưởng rất lớn đối với vùng đất Bến Tre và xa hơn nữa. Đất anh hùng từng sản sinh ra nhiều nhân vật anh hùng trong sự nghiệp chống giặc cứu nước. Ngày nay nói đất Bến Tre là quê hương của cụ Đồ Chiểu chính là nói đến truyền thống văn hóa Việt Nam mà Nguyễn Đình Chiểu là một con người tiêu biểu và là người có công bảo vệ và truyền lại cho các thế hệ sau nầy những gì tốt đẹp nhất của truyền thống văn hóa ấy.
Nguyễn Đình Chiểu còn là một thầy thuốc giỏi, một lương y thông hiểu sâu sắc y lý phương Đông và y lý Việt Nam cả về y thuật và y đức mà y đức của cụ chính là đạo cứu người lồng trong nghĩa vụ cứu dân cứu nước. Tác phẩm lớn cuối đời của Nguyễn Đình Chiểu là quyển “Ngư Tiều y thuật vấn đáp”, một quyển sách dạy đạo làm người và đạo làm thầy thuốc cứu người. Yêu nước và yêu thương con người chính là tư tưởng chủ đề của tác phẩm:
“Xưa rằng quốc thử lời khen phải
Giúp sống dân ta trọn lẽ trời”

Giáo sư Lê Trí Viễn viết trong lời tựa quyển “Ngư tiều y thuật vấn đáp” lần xuất bản năm 1982: “Y thuật ấy là kết tinh nghề thuốc trong hằng trăm bộ sách của mấy mươi thế kỷ. Yêu nước ấy có chiều sâu cá nhân một đời người và chiều sâu lịch sử dân tộc hằng mấy ngàn năm. Nhưng cả hai đều đúc lại thành một thang thuốc hồi sinh, một đạo lý sống, một con đường phù hợp cho những con người yêu nước bình thường trong tình hình quê hương rơi vào tay giặc: giữ vững khí tiết không phục vụ quân thù, làm một công việc vừa có ý nghĩa vừa giúp dân, vừa giúp nước...”.
Đối với lương y Nguyễn Đình Chiểu, y đạo tức là nhân đạo, mà chủ nghĩa nhân đạo của cụ là chủ nghĩa nhân đạo nhân dân rất gần gũi với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản:
“Thấy người đau giống mình đau
Phương nào cứu đặng, mau mau trị lành.
Đứa ăn mày cũng trời sanh
Bịnh còn cứu đặng thuốc dành cho không”.

Cảm ơn đức của cụ, khi cụ Đồ Chiểu mất, nhiều bịnh nhân được cụ cứu khỏi bịnh ngặt nghèo đến xin để tang cụ như con cháu trong nhà.
Kỳ Nhân Sư một hình tượng lý tưởng trong tác phẩm “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình Chiểu đã tự xông đui đôi mắt của mình cho tròn y đạo và nhân đạo để không phải đem nghề y ra phục vụ cho kẻ thù của Tổ quốc và nhân dân. Nhân cách cao thượng ấy của Nguyễn Đình Chiểu còn để lại dấu ấn sâu sắc trong các thế hệ lương y sau nầy. Người thầy thuốc chân chính trong nhân dân làm nghề thuốc còn vì mục đích từ thiện chớ không phải chỉ có kinh doanh trên sự đau khổ của đồng bào.
Nguyễn Đình Chiểu làm thơ để biểu lộ lòng yêu nước, thương dân và lấy đó làm vũ khí chống giặc; làm ông Đồ dạy học không biết mệt mỏi vì sự nghiệp nuôi dưỡng “hào khí Đồng Nai” giữ gìn bản sắc Việt Nam trong đời sống văn hóa của nhân dân giữa thời loạn ly; làm thầy thuốc vì đạo cứu người chứ không chỉ vì nghề để vụ lợi. Đó là lối sống có văn hóa, biết tự hào dân tộc, biết tự trọng của một người trí thức chân chính, biết trân trọng phẩm giá của con người, giữ đúng tiết tháo của một kẻ sĩ.
Bằng cuộc đời và sự nghiệp của mình, Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần xứng đáng cho đời sống văn hóa dân tộc trải qua thử thách nghiệt ngã được bảo tồn và phát triển. Sống trong tình thương và sự kính trọng của nhân dân, những người làm nên lịch sử và sáng tạo văn hóa, Nguyễn Đình Chiểu mãi mãi là một nhân cách lớn, một nhà văn hóa chân chính của nhân dân.

TRẦN QUỐC TUẤN VÀ “DỤ CHƯ TỲ TƯỚNG HỊCH VĂN”




Trần Quốc Tuấn sinh năm 1232, mất năm 1300, là con thứ của An Sinh vương Trần Liễu, cháu ruột vua Trần Thái Tông. Là con cháu dòng họ Trần ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, nhưng ông trưởng thành ở Thăng Long, thấm nhuần văn hóa Thăng Long. Sử sách còn truyền, thuở nhỏ ông rất có khiếu văn chương và võ nghệ. Ông được gia đình kỳ vọng rất nhiều và bản thân cũng luôn mong được thỏa chí “tang bồng, hồ thỉ”. Được tiếp thụ một nền học vấn uyên thâm, nhất là về “lục thao, tam lược”, ông đã mau chóng bộc lộ thiên tài về quân sự. Trong suốt thời kỳ sôi động chống ngoại xâm, ông luôn đứng ở những nơi gian nan, nóng bỏng nhất. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), mới 25 tuổi, ông đã là một viên tướng trấn giữ nơi biên ải. Trong hai cuộc kháng chiến sau này, năm 1285 và 1287-1288, ông đều được cử làm Tổng tư lệnh quân đội, chức Tiết chế thống lĩnh toàn quân, tước Hưng Đạo vương. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Dụ chư tỳ tướng hịch văn (mà ngày nay mọi người quen gọi là Hịch tướng sĩ) được làm trước khi nổ ra cuộc kháng chiến lần thứ hai, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc, và trở thành tác phẩm quan trọng nhất của hịch văn Việt Nam.
Trần Quốc Tuấn là một nhân cách lớn, tiêu biểu cho con người Việt Nam thời kỳ này. Đó là người anh hùng của thời loạn, nhà chính trị lỗi lạc của thời bình, nhà ngoại giao tài giỏi trong quan hệ với nước ngoài. Nhưng ông cũng là con người của đời thường với những dấu ấn về nhân cách khó phai nhòa.
Tuy không thể hình dung đầy đủ về con người cá nhân của ông, nhưng một vài ghi chép của chính sử về những “sự kiện” trong cuộc đời ông đã ít nhiều giúp chúng ta hiểu hơn nhân cách của ông cũng như đời sống hoàng tộc lúc bấy giờ. Chúng ta biết rằng triều Trần có những quy định rất hà khắc trong hôn nhân của hoàng tộc. Do “rút kinh nghiệm xương máu” từ “bài học” của vương triều Lý, nhà Trần đề ra quy định rằng con gái hoàng tộc không được kết hôn với người ngoại tộc. Nhưng trong khuôn khổ của “phép nước” lại có những sinh hoạt khá phóng túng. Sử chép, năm 1251, “đem Trưởng Công chúa Thiên Thành gả cho Trung Thành vương. Con trai Yên Sinh vương là Quốc Tuấn cướp lấy, Công chúa về với Quốc Tuấn”(1). Không rõ đây có phải là hành động vì tình yêu không, nhưng có điều chắc chắn là đời sống trong hoàng tộc thời Trần khá cởi mở, vẫn dung dưỡng những tính cách mạnh mẽ, cho phép “bảo lưu” tư chất của mỗi người mà không thắt ngặt, chẳng hạn một Trần Khánh Dư tài ba nhưng mang đầu óc buôn bán, một Trần Nhật Duật rộng rãi mà nhân hậu, một Trần Ích Tắc thông minh mà ích kỷ… Và một Trần Quốc Tuấn luôn “tự phụ kỳ tài”, thậm chí có những hành động “ngông cuồng càn rỡ” như một sử gia phong kiến nhận xét(2).
Thế nhưng, khi đất nước lâm nguy, triều đình nghiêng ngửa, thì mọi cá tính của con người đều phải quy về một hướng, đều phải lấy cái chung làm trọng. Trần Quốc Tuấn cũng là tấm gương tiêu biểu nhất cho đạo lý này. Ông là người luôn đặt vận nước lên trên hết, trên cả quyền lợi của dòng họ, trên cả khí chất và cá tính của bản thân. Cho nên, dù “khi nước lung lay, quyền binh quân quốc ở trong tay mình”, ông không nghe theo lời cha giành lấy vương quyền, mà một lòng một dạ phò tá nhà vua. Thậm chí, có khi ông còn làm trái cả “thánh chiếu” của Trần Thánh Tông, kiên quyết từ chối chức Tể tướng thay Trần Quang Khải lúc Quang Khải đi vắng (để tiếp sứ giả phương Bắc), chỉ vì một lẽ “tình nghĩa trên dưới e có chỗ chưa ổn”(3). Hy sinh quyền lợi cá nhân, quyền lợi gia đình để gạt bỏ mọi hiềm nghi, nhằm đoàn kết triều đình, đoàn kết hoàng tộc là nhân tố cơ bản để giữ nước. Ông chỉ mong làm sao cho “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước giúp sức” (4). Vì thế, những hành động của ông được sử sách truyền tụng như bỏ gậy bịt sắt khi đi hộ giá nhà vua cho quần thần khỏi hiềm nghi, không dùng quyền phong thưởng chức tước dù đã được vua cho phép… Đấy đều được xem như những gương sáng cho đạo lý làm người.
Không những thế, ông lại biết đặt dân lên trên hết, vì ông nhận thức rất rõ, sức mạnh của dân là nguyên nhân của thắng lợi, mà cũng là mục đích sâu xa của những cố gắng của triều đình. Đối với quân lính, ông yêu cầu người làm tướng phải “một lòng như cha con”, đối với nhân dân, ông yêu cầu triều đình phải “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”… Tinh thần “chủ chiến” trước sau như một biểu hiện qua lời nói khảng khái: “Nếu bệ hạ muốn hàng trước hết hãy chém đầu tôi đi đã”, và cả cuộc đời hy sinh quên mình của ông đã khiến ông trở thành linh hồn của đất nước trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược vô cùng gay go, ác liệt. Ông chính là biểu tượng của sức mạnh và ý chí con người Đại Việt thời kỳ này. Ông còn là một trong những nhà văn xuất sắc của thời đại Lý - Trần, mà Dụ chư tỳ tướng hịch văn được xem là tác phẩm “vô tiền khoáng hậu” thuộc thể loại hịch trong lịch sử văn học dân tộc, có một vị trí không thể thay thế.
*
* *
Hịch là thể loại văn học xuất hiện từ thời Lý, và tồn tại trong suốt thời phong kiến ở Việt Nam, vốn là một nước phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược và chống cát cứ phân liệt. Hịch văn có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của lịch sử văn học dân tộc. Song nói tới hịch văn, thành công đáng kể nhất là ở thời Trần. Điều ấy, có những lý do tất yếu.
Thời Lý - Trần là thời kỳ đầu tiên của kỷ nguyên độc lập. Nhân dân ta phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc của các vương triều phong kiến Trung Quốc và phải “trả giá” rất nhiều để giữ vững chủ quyền Tổ quốc. Các bài hịch, lộ bố thường là tuyên ngôn của “minh quân lương tướng” trước khi “lâm chiến”, nhằm nêu cao chính nghĩa, trình bày đường lối, đồng thời cũng là lời động viên quân sĩ xả thân vì mục tiêu cao cả nhất. Bởi thế, đặt vào những tình thế căng thẳng khẩn trương của chiến cuộc, chúng như một tiếng nói thôi thúc áp đặt lên tâm hồn người lính, khiến trở nên có sức nặng nghìn cân. Cuộc kháng chiến đời Trần là một chuỗi dài những chiến dịch cầm cự và phản công oanh liệt đối với lũ giặc thiện chiến bậc nhất thế giới - quân Nguyên Mông - trong hơn 30 năm, lại là sự kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước bền bỉ trong suốt mấy trăm năm từ Ngô đến Lý, vì thế thơ văn đời Trần có ý nghĩa kết tinh sức mạnh tinh thần của 5 thế kỷ chiến tranh giữ nước mà một trong những áng văn tiêu biểu là bài Du chư tỳ tướng hịch văn của Trần Quốc Tuấn.
Tất nhiên như ta biết, trong thời Lý - Trần đã diễn ra hai loại chiến tranh, khác nhau về đối tượng và mục đích. Thứ nhất là chiến tranh nội chiến giữa triều đình phong kiến chống lại nạn cát cứ, phân liệt của các lực lượng chống đối trong nước, nhằm bảo vệ sự thống nhất dân tộc. Đây cũng là một yêu cầu to lớn trong việc xây dựng và củng cố nhà nước phong kiến tự chủ. Và hịch như chức năng “tuyên cáo động binh” của nó, không thể không phục vụ cho yêu cầu này. Bài hịch còn lại ra đời trong khuôn khổ kiểu chiến tranh thứ nhất là Thảo Ma Sa động hịch của Lý Nhân Tông. Thứ hai, đó là chiến tranh chống xâm lược nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc. Hiện nay còn lại hai bài hịch đặc sắc là: Phạt Tống lộ bố văn của Lý Thường Kiệt trong cuộc chiến tranh chống Tống năm 1077 và bài Dụ chư tỳ tướng hịch văn của Trần Quốc Tuấn trước cuộc chiến tranh chống quân Nguyên Mông năm 1285. Chúng đều là những tác phẩm văn học có ý nghĩa “vạch thời đại” cho dòng văn hịch Việt Nam lấy chiến tranh vệ quốc làm cơ sở tồn tại. Sau này, hịch văn phục hưng trong thời kỳ sôi động chống Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, với Hịch đánh Tây của Lãnh Cồ, Hịch diệt chuột của Nguyễn Đình Chiểu, Hịch Cần Vương của các sĩ phu yêu nước... cũng là sự tiếp nối những đỉnh cao chói lọi kể trên.
Dụ chư tỳ tướng hịch văn của Trần Quốc Tuấn là tác phẩm chẳng những có những đóng góp nghệ thuật rất cao mà còn góp phần khắc họa chân dung Trần Quốc Tuấn, con người “văn võ kiêm toàn”. Vốn được xem là một cái mốc quan trọng của lịch sử văn học, từ lâu bài hịch đã được tìm hiểu và giới thiệu khá kỹ lưỡng trong nhiều công trình nghiên cứu, các sách giáo khoa, các bài giảng về lịch sử văn học(5). Nhưng việc tiếp cận bản chất nghệ thuật của tác phẩm vẫn đòi hỏi nhiều cố gắng đi sâu nghiên cứu hơn nữa, từ động cơ sáng tác, hoàn cảnh ra đời, tên gọi tác phẩm, đối tượng và mục đích chiến đấu, đến tư tưởng nghệ thuật cơ bản của tác phẩm, qua đó soi tỏ thêm phần nào “gương mặt văn học” Trần Quốc Tuấn.
Để hiểu được tác phẩm này, trước hết chúng ta phải chú ý đúng mức tới thời điểm ra đời của tác phẩm. Trước đây, thời điểm ra đời của tác phẩm thường bị lãng quên, hay đúng ra được nhắc đến với những thông tin khá chung chung, như bài hịch ra đời trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, thậm chí cụ thể hơn như: nó xuất hiện trước cuộc kháng chiến lần thứ hai năm 1285. Nhưng những thông tin ấy hầu như không được để ý khai thác triệt để, không có mấy giá trị để hiểu tác phẩm. Trong khi đó, thời điểm ra đời tác phẩm thực sự có ý nghĩa quan trọng, được xem như là một chìa khóa để giải mã tác phẩm. Trong thời Trần từng diễn ra ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông vào các năm 1258, 1285 và 1287-1288(6). Ý nghĩa của thời điểm ra đời của tác phẩm đối với việc hiểu bài hịch này nằm ở khoảng cách thời gian giữa các cuộc kháng chiến. Từ cuộc kháng chiến lần I đến cuộc kháng chiến lần II là 27 năm, từ cuộc kháng chiến lần II đến cuộc kháng chiến lần III là 3 năm. Bài hịch ra đời trước cuộc kháng chiến lần II, ở trong khoảng cách thời gian 27 năm giữa hai cuộc chiến. Cần đặc biệt chú ý tới con số 27. Đó là một khoảng thời gian dài, đủ để sản sinh ra một thế hệ những “con người không còn biết mùi hun khói”(7), không biết tới khổ đau và mất mát, hy sinh và cống hiến…, một khoảng thời gian đủ để biến những kẻ anh hùng, cao thượng, vị tha, thành những kẻ hèn nhát, xấu xa, vị kỷ…, đủ để sinh ra những những thói hư tật xấu của kẻ thống trị và tầng lớp quý tộc quan lại như chơi bời, hưởng lạc, quên nhiệm vụ, quên trách nhiệm thậm chí nguội lạnh cả tình yếu giang sơn xã tắc, chỉ còn mải hưởng thụ và mưu sinh. Đó là khoảng thời gian đủ để sản sinh ra những “tên địch” trong mỗi con người… Trần Quốc Tuấn đã nhìn thấy những “tên địch” này trong chính những tỳ tướng của mình. Vì thế, trước yêu cầu chống “ngoại xâm”, ông đã phát động một cuộc chiến chống “nội xâm”, chống những “tên địch ở trong ta” trước đã. Và bài Dụ chư tỳ tướng hịch văn ra đời trước hết là để phục vụ cho cuộc “chiến đấu” chống “nội xâm” đó.
Chúng ta cần xác định rõ đối tượng cần chiến đấu và tiêu diệt của bài hịch. Nhìn chung trong văn hịch, đối tượng cần phải chiến đấu và tiêu diệt thường chỉ là “quân địch”. Nhưng trong tác phẩm này, đối tượng chiến đấu không phải là quân địch, kẻ thù bên ngoài, mà là “quân ta”, là chính các “tỳ tướng” của ông. Trần Quốc Tuấn viết Dụ chư tỳ tướng hịch văn không phải nhằm “vạch rõ sự hà lạm, ác ngược của kẻ thù, làm vững lòng kẻ tín thần” (Lưu Hiệp - Văn Tâm điêu long), kết tội quân giặc, kêu gọi, động viên tướng sĩ nhà Trần chống xâm lược Nguyên Mông như nhiều người nhầm tưởng. Mục đích chính của bài hịch là kêu gọi, động viên các tỳ tướng của mình chiến đấu chống lại những “tên địch ẩn nấp ngay trong chính mình”, tức là chống lại những hèn kém, xấu xa, bạc nhược, ích kỷ, cá nhân, vô trách nhiệm... của mỗi tỳ tướng trước vận nước lâm nguy. Hãy đọc một đoạn văn của Trần Khánh Dư sau đây để thấy rõ điều này: “Quốc công bèn so sánh, kê cứu trận đồ và binh pháp của các nhà, tổng hợp lại thành một bộ sách [tức bộ Vạn Kiếp tông bí truyền thư hay còn gọi là Binh thư yếu lược]… Lại còn thêm bớt với chiến thuật của thời Tam Đại… Rồi ông đem sách này dạy bảo con em làm gia truyền, không tiết lộ cho người ngoài biết”(8). Con em ở đây là chỉ các gia tướng, gia binh của Trần Quốc Tuấn. Rồi ông lại viết Dụ chư tỳ tướng hịch văn đề mọi người “hiểu rõ bụng” ông, và giục giã mọi người chuyên tập sách này(9).
Vì thế, để hiểu được các nội dung trình bày hay tinh thần, tư tưởng của bài hịch, một yêu cầu rất quan trọng được đặt ra ở đây là xác định mối quan hệ giữa Trần Quốc Tuấn với các tỳ tướng. Đó có phải là mối quan hệ giữa vị Tiết chế thống lĩnh toàn quân, vị Tổng tư lệnh quân đội với toàn thể tướng sĩ nhà Trần, hay là mối quan hệ nào khác? Theo chúng tôi, đây không phải là mối quan hệ rộng lớn mang tính quốc gia đó, mà chỉ là một mối quan hệ có phạm vị hẹp, trong một không gian hẹp, có tính chất “nội bộ”. Chúng ta cần chú ý tới một đặc điểm của xã hội thời Trần. Trong thời Trần, các vương hầu quý tộc được phong cấp những điền trang thái ấp rộng lớn. Họ có người hầu kẻ hạ, có nông dân và nông nô để cai quản trên lãnh địa của mình(10). Khi chiến tranh nổ ra, các vương hầu quý tộc thường tổ chức ra những đội quân riêng, và có các tỳ tướng riêng. Trần Quốc Tuấn có một đội quân hùng mạnh với những tỳ tướng sau này nổi tiếng trong lịch sử như Yết Kiêu, Dã Tượng… Vì thế đây không phải là quan hệ giữa vị Tiết chế thống lĩnh quân đội Hưng Đạo vương với các tướng lĩnh và quân sĩ của triều đình, mà là quan hệ giữa chủ tướng Trần Quốc Tuấn với các tỳ tướng (tướng hầu cận) của ông. Đó là quan hệ “tôi chủ”. Bài hịch được viết ra dành cho các tướng hầu của riêng Trần Quốc Tuấn. Vì vậy ngôn từ trong bài hịch rất suồng sã, thân tình: “ta cùng các ngươi…”, vấn đề nêu lên trong bài hịch rất cụ thể, gần gũi, thiết cốt: “mồ mả tổ tông, vợ con, ruộng vườn, bổng lộc...”
Đi liền với điều này, cần khôi phục lại tên gọi ban đầu cho tác phẩm. Trong văn học Trung đại, tên gọi tác phẩm thường có giá trị thông báo quan trọng về nội dung và hình thức tác phẩm. Tên gọi Hịch tướng sĩ là không rõ nghĩa, vì khái niệm “tướng sĩ” ở đây không chỉ đúng bản chất của đối tượng. Cần khôi phục tên gọi đầy đủ của nó là Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Hịch văn răn bảo các tỳ tướng). Điều này sẽ giúp cho việc xác định đối tượng của bài hịch là các “tỳ tướng”, các “tướng hầu” của Trần Quốc Tuấn dễ dàng hơn. Việc giới hạn lại đối tượng và phạm vi ban đầu của bài hịch không làm giảm giá trị của tác phẩm, trái lại tạo điều kiện để tiếp cận tác phẩm một cách khách quan, khoa học và tránh những suy diễn không cần thiết.
Chúng ta cũng phải thấy được tính cấp thiết của việc Trần Quốc Tuấn viết bài hịch. Đó là sự lựa chọn thể loại hịch khi ông “dạy bảo” các tỳ tướng, quân sĩ của mình. Dụ chư tỳ tướng hịch văn nghĩa là “Hịch văn răn bảo tác tỳ tướng”. Tại sao Trần Quốc Tuấn không dùng những lời lẽ thân tình để răn bảo những người dưới trướng, mà lại phải dùng tới hình thức văn hịch vốn là loại văn học chiến đấu chỉ được dùng trong những hoàn cảnh hết sức cấp bách và khốc liệt của chiến tranh? Đây không phải là một sự “tùy tiện” của tác giả mà là một chủ ý. Trần Quốc Tuấn cho rằng, sau một khoảng thời gian rất dài tới hơn 20 năm “ngủ say trên chiến thắng”, con người đã bắt đầu thay đổi, bắt đầu tha hóa, bắt đầu chỉ lo cho cá nhân mà quên đi đất nước và dân tộc. Đó là thói cầu an hưởng lạc, thói vô trách nhiệm của kẻ làm tướng, kẻ lãnh đạo. Những “tên địch trong ta” ấy có nguy cơ tàn hủy đất nước, làm cho đất nước suy bại dẫn tới khả năng bại vong trước nạn xâm lược đang ngấp nghé. Vì thế ông quyết định chọn hịch để “dạy”, hay đúng hơn là để phát động “chiến tranh” chống lại “tên địch” đó. Việc viết hịch để “dạy bảo tỳ tướng” là thể hiện tính khẩn trương, gấp gáp, tính khốc liệt, sự khó khăn, gian khổ và cả những khả năng “hy sinh”, những mất mát đau thương có thể xảy ra trong cuộc “chiến đấu” này. Cuộc chiến đấu để cắt bỏ những ung nhọt trên chính cơ thể của mình là một cuộc chiến đấu cần nhiều sự can đảm. Điều đó cũng nói lên lòng quyết tâm cao độ của ông vào cuộc chiến đấu, sự tự tin tuyết đối vào chính nghĩa của ông, và sự tin tưởng mãnh liệt của ông vào phần tính thiện, phần tốt đẹp của con người các tỳ tướng, cũng tức là tin tưởng vào sự tất thắng trong cuộc chiến. Để chiến thắng những thói xấu xa, hèn đớn, lối sống ích kỷ, thói cầu an hưởng lạc, vô trách nhiệm, vinh thân phì gia, thu vén cá nhân mà quên vận nước và dân tộc của con người thì chỉ có thể là sự tự thức tỉnh, tự đấu tranh và tự chiến thắng chính mình của từng con người. Ông viết hịch để phát động cuộc chiến đấu “bên trong”, và để kêu gọi mọi người cùng tham gia vào chiến đấu. Có thể nói đấy là một tác phẩm đặc biệt trong một cuộc chiến đấu đặc biệt. Tính chất ác liệt của nó chẳng những không hề thuyên giảm vì nó là một cuộc chiến diễn ra trong thời bình, vì “kẻ thù” của nó lại là “quân ta”, mà lại dường như có phần khó khăn, gian khổ hơn những cuộc chiến đấu khác, nên nó đã chẳng những mang tính chiến đấu cao mà còn mang cả những ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc.
*
* *
Để thể hiện dụng ý nghệ thuật sâu kín của mình, trong Dụ chư tỳ tướng hịch văn, Trần Quốc Tuấn triệt để sử dụng một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của văn học trung đại, đó là tính đối xứng. Tính đối xứng là một đặc trưng nghệ thuật của văn học cổ, nảy sinh do nhu cầu nhận thức và phản ánh cuộc sống của con người thời quá khứ. Nó như một “công thức nghệ thuật có tính nhân loại”, không riêng trong văn học Phương Đông, mà cả trong văn học phương Tây. Trong văn học phương Đông (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam...) chúng ta có thể thấy vai trò to lớn của nó ở hầu hết các loại hình nghệ thuật ngôn từ: các thể thơ Đường luật, các thể văn biền ngẫu, trong những bộ phận của các loại văn xuôi tự sự như tiểu thuyết chương hồi, biên niên sử, các loại ký, lục... Ở đây, chúng tôi không đặt ra yêu cầu tìm hiểu tính đối xứng của các câu văn biền ngẫu trong tác phẩm, mà trên cơ sở của những hình thức “biền ngẫu phối hợp khéo léo với không biền ngẫu”(11), tìm hiểu những cấu trúc đối xứng của các hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm, được hình thành từ ý đồ nghệ thuật sâu xa của tác giả. Khi phân tích tác phẩm này, cần chú ý tới những thủ pháp nghệ thuật “tương phản”, như “tương phản đối đoạn”, “tương phản cách đoạn”(12), đến cả sự "đối chiếu", "đối chọi", "đối lập"(13) và đặc biệt là vấn đề "điệp", như "điệp ý", "điệp từ", "điệp ngữ"... tựu trung vẫn là chú ý tới tính "đối xứng" của tác phẩm. Cần xác định đâu mới là đối xứng chính trong tác phẩm. Thông thường, đối xứng chính của một bài hịch theo quy phạm của Trung Quốc là đối xứng địch - ta. Nhưng trong Dụ chư tỳ tướng hịch văn, đối xứng chính lại không phải là đối xứng địch - ta.
Theo Lưu Hiệp, phàm là hịch, bao giờ tác giả cũng bằng mọi cách đề cao ta, hạ thấp địch. Ta thuận bao nhiêu, địch nghịch bấy nhiêu, ta cao bao nhiêu, địch thấp bấy nhiêu... Nó tạo nên trục đối xứng địch - ta rõ rệt. Song, trong Dụ chư tỳ tướng hịch văn, Trần Quốc Tuấn tuy có nói tới những hà lạm, ác ngược của địch, vẫn không phải chủ đích là hạ thấp địch, tố cáo địch. Trong bài hịch cũng không có chỗ nào ông tự cao tự đại về thế và lực của ta. Đây không phải là nguyên tắc nghệ thuật của Trần Quốc Tuấn. Ông có những nguyên tắc khác, mà từ đó ông còn lấy cả những tấm gương của tướng giặc để răn dạy tỳ tướng của mình, mà không hề gượng gạo, gò ép. Đó không phải đơn giản chỉ là truyền thống sử dụng điển cố của Trung Quốc, lại càng không phải là hạn chế về tư tưởng của tác giả.
Trục đối xứng chính của tác phẩm có tính bền vững và xuyên suốt, là đối xứng giữa các tỳ tướng (chư tỳ tướng) với các nhân vật khác. Mọi sự chiếu ứng với các tỳ tướng được triển khai trên một hệ thống đối xứng nghệ thuật chạy suốt tác phẩm. Đó là hai hệ đối xứng lớn: Đối xứng bên ngoài (ngoại đối), đối xứng giữa các tỳ tướng bao gồm cả sự đối xứng với Trần Quốc Tuấn và với cả các trung thần, nghĩa sĩ Trung Hoa, hay các tỳ tướng của Nguyên Mông, và đối xứng bên trong (nội đối), đối xứng diễn ra giữa các phẩm chất trong tự thân con người các tỳ tướng. Trong Du chư tỳ tướng hịch văn, các đối xứng này được Trần Quốc Tuấn xây dựng trên cơ sở so sánh định loại rất rõ. Tác giả đặt các đối tượng so sánh trong các quan hệ tương đồng (ví dụ: Trần Quốc Tuấn đối với các tỳ tướng cũng như Vương Công Kiên đối với Nguyễn Văn Lập, Cốt Đãi Ngột Lang đối với Xích Tu Tư...) để vạch rõ quan hệ tương phản (một bên hy sinh quên mình vì chủ, một bên "nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn", chỉ biết ăn chơi, hưởng lạc...).
Có người cho rằng một trong những “hạn chế lịch sử” của Trần Quốc Tuấn là không phân biệt rõ lập trường địch - ta, bạn - thù khi ca ngợi cả những tấm gương của kẻ thù. Đánh giá đó theo chúng tôi là không hợp lý. Cần phải hiểu đúng tư tưởng của Trần Quốc Tuấn trong bài hịch này. Mục đích chính của bài hịch không nhằm kêu gọi chiến đấu chống những tên giặc Nguyên Mông đang lăm le xâm lược, hay những tên “Đạt-lỗ-hoa-xích” đang “đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ...”, mà là nhằm vào một loại kẻ thù khác cũng cần tiêu diệt không kém: những “tên địch” trong con người mỗi tỳ tướng. Để tiêu diệt những tên địch ấy thì cần phải giúp các tỳ tướng nhận ra chúng. Vì thế mới có trục đối xứng đã nói. Trục đối xứng xác định phẩm chất của kẻ làm tướng. Nếu tỳ tướng của mình mà hèn kém hơn tỳ tướng của kẻ thù thì dứt khoát phải phê phán. Nếu tỳ tướng của kẻ thù mà có phẩm chất trung dũng hơn tỳ tướng của mình thì vẫn cần ca ngợi. Những phân tích như thế có sức thuyệt phục cao bởi tính khách quan của nó.
Tác phẩm đề cập tới các vấn đề nóng bỏng có liên quan đến phẩm chất của đám tỳ tướng, không chỉ trong so sánh với các trung thần nghĩa sĩ Trung Hoa. Ngay cả với tỳ tướng của kẻ thù Nguyên Mông, các tỳ tướng của Trần Quốc Tuấn đã tỏ ra thua kém, thì làm sao có thể chiến đấu và chiến thắng kẻ thù? Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc phản tỉnh đối tượng. Trần Quốc Tuấn đặt các tỳ tướng trong mối quan hệ tương đồng với mình (cùng đứng trước vận mạng dân tộc lâm nguy), một mặt để thể hiện sự tôn trọng của ông với kẻ tùy tòng địa vị thấp hơn, nhưng mặt khác cũng để vạch rõ sự tương phản gay gắt giữa các tỳ tướng với bản thân ông, một bên thì “thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa được xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù...”, còn một bên thì chỉ mải mê thu vén gia đình, vui thú điền viên, quyến luyến vợ con, thích rượu ngon, mê tiếng hát, ham chọi gà, săn bắn... Cuối cùng để đi tới kết luận: Trách nhiệm đối với sự tồn vong của đất nước không phải chỉ là của chủ tướng, mà còn là của cả các tỳ tướng.
Những so sánh, đối chiếu kể trên trong Dụ chư tỳ tướng hịch văn nhằm tạo nên một hệ suy luận chính luận, thể hiện "khả năng chinh phục của trí tuệ, bằng phương pháp lập luận chặt chẽ, sắc bén” (14). Những so sánh, đối chiếu này chỉ diễn ra trong một tuyến nhân vật (đơn tuyến) là các tỳ tướng, chứ không diễn ra giữa các tuyến nhân vật (đa tuyến) như nói ở phần trên. Thậm chí, ở đây, tác giả cùng hòa chung với các tỳ tướng của mình, nhưng chủ yếu là tạo nên sự tự hiện diện của các tỳ tướng. Mục đích của cách thể hiện của tác giả là nhằm tạo ra những hình ảnh đối lập giữa các hành động, các suy nghĩ, các quan điểm sống, các phương châm sống của chính các tỳ tướng để cuối cùng đi đến việc họ phải tự lựa chọn các khả năng cho mình trong tương lai. Ông đưa ra hai khả năng lựa chọn, thứ nhất, nếu các tỳ tướng không chịu theo lời dạy bảo của ông, không học binh thư, luyện tập quân sĩ, mà chỉ: Hoặc thích rượu ngon hoặc mê tiếng hát, ham chọi gà, săn bắn, cờ bạc...; hoặc nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn, hầu quân giặc mà không biết căm... thì điều chắc chắn sẽ xảy ra đối với các tỳ tướng trong tương lai khi “giặc tràn sang” sẽ là: Cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp quân thù, mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh, tiếng hát hay không thể làm giặc điếc tai, rượu ngon không thể làm cho giặc say chết... Cuối cùng chỉ có thể đi đến kết quả: “Quay mũi giáo đầu hàng, giơ tay không đón giặc”. Khi đó, đối với Trần Quốc Tuấn: “thái ấp không còn”, “gia quyến bị tan”, “xã tắc bị giày xéo”... Còn đối với các tỳ tướng cũng không khác: “bống lộc mất”, “vợ con khốn”, “mồ mả cha ông bị đào bới”.... Và mối quan hệ giữa Trần Quốc Tuấn lúc đó với tỳ tướng chỉ còn là mối quan hệ “trọn đời là nghịch thù”. Ông chỉ đích danh “kẻ thù” cần phải chiến đấu và tiêu diệt chính là những xấu xa, hèn đớn trong bản thân các tỳ tướng của ông.
Ông cũng đưa ra khả năng thứ hai, đó là nếu như các tỳ tướng luyện tập quân sĩ, tập dượt cung tên, chuyên tập sách Binh thư yếu lược theo lời dạy bảo của ông, để sao cho quân sĩ trong tay họ “người người như Bàng Mông, nhà nhà như Hậu Nghệ”, để nếu giặc Mông Thát tràn sang thì có khả năng “bêu đầu Hốt Tất Liệt”, “làm rữa thịt Vân Nam vương”, thì lúc đó cả chủ tướng và tỳ tướng mới được toàn mệnh. Lúc đó với Trần Quốc Tuấn thì “thái ấp còn”, “gia quyến còn”, “tông miếu còn”... mà với các tỳ tướng cũng vậy, “bổng lộc còn”, “vợ con còn”, “tổ tông còn”.... Và mối quan hệ giữa Trần Quốc Tuấn với các tỳ tướng sẽ là mối quan hệ “trọn đời là tôi chủ”.
Tư tưởng trên của tác phẩm được triển khai theo logic của sự lập luận, phân tích bằng những liên thông nhân quả. Tác giả chỉ ra sự tương phản để vạch rõ nguyên nhân của các hậu quả nghiêm trọng sau này. Tác giả cũng chỉ rõ sự tăng tiến mức độ của hậu quả, trong sự phân tích nghiệt ngã nhất. Tác giả triệt để sử dụng sự so sánh, đối chiếu trong việc biểu đạt tư tưởng của mình, được thể hiện thông qua một hệ suy luận có tính quy nạp. Nó đánh dấu một trình độ khái quát cao của tư duy nghệ thuật đương thời, mà sự xâm nhập sâu sắc của tư duy lôgíc, biện chứng, của phương pháp so sánh định loại, đã ngầm tạo nên "những câu hỏi bức bối mà bên trong đã mang sẵn kết luận"(15). Từ những cách trình bày trên, tác phẩm đã xây dựng thành công một hệ suy luận chính luận có sức thuyết phục mạnh mẽ, trên cơ sở phân tích tình hình thực tế, và các kết quả dự báo trong tương lai. Tác phẩm đề cao chủ nghĩa anh hùng phong kiến, ca ngợi những tấm gương chói lọi hy sinh quên mình vì chủ tướng. Nhưng quan trọng nhất là ông đã, một mặt phê phán mạnh mẽ lối sống và thái độ sống vô trách nhiệm trong hiện tại của các tỳ tướng, mặt khác ông lại khẳng định vai trò quyết định của các tỳ tướng, rộng ra là các tướng lĩnh quân đội, đối với số phận quốc gia, dân tộc, cũng như của từng gia đình, từng cá nhân. Quyền quyết định số phận dân tộc không phải ai khác, mà là do các tỳ tướng, các tướng lĩnh đó. Nòng cốt mọi luận điểm được nêu lên trong tác phẩm là ở đấy.
Một đặc sắc nghệ thuật khác trong tác phẩm của Trần Quốc Tuấn là nghệ thuật đối thoại. Tác phẩm hịch bao giờ cũng mang tính đối thoại. Chúng chỉ khác nhau ở chỗ đối thoại được xây dựng bằng kiểu thức nào, phụ thuộc vào từng thể tài văn học, trong ý đồ nghệ thuật của tác giả. Đối với bài hịch của Trần Quốc Tuấn, tính chất đối thoại (dụ) đã được đặt lên hàng đầu. Mặc dù chưa ai đề cập tới vấn đề đối thoại trong Dụ chư tỳ tướng hịch văn, nhưng không phải người ta không thừa nhận vai trò quan trọng của nó. Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long nhấn mạnh vai trò của "thuật", "kể", "lời nói", "bố cáo", "trách mắng"... của văn hịch. Các nhà nghiên cứu Việt Nam không ai không khẳng định tầm quan trọng của hoạt động lời nói trong Dụ chư tỳ tướng hịch văn. Hoạt động lời nói trong tác phẩm này chính là hoạt động đối thoại.
Với bản chất là một bài nói, một bài phát biểu, trong Dụ chư tỳ tướng hịch văn, hoạt động đối thoại diễn ra giữa người nói (Trần Quốc Tuấn) với người nghe (các tỳ tướng). Và như vậy, điều quan tâm đối với chúng ta ở đây không phải chỉ là người nói, mà còn là người nghe - đối tượng tác động của bài hịch. Đối thoại của Dụ chư tỳ tướng hịch vănđối thoại bên ngoài. Ngôn từ đối thoại là ngôn từ đơn thanh, ngôn từ tác giả, thực hiện trong một hoạt động hướng ra bên ngoài, nhằm mục đích tác động tới người nghe.
Đối tượng và mục đích tác động của bài hịch sẽ quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm. Nhưng từ trước đến nay, việc tìm hiểu đối tượng tác động của bài hịch dường như chưa được quan tâm đúng mức. Nói về loại hình nghệ thuật hịch (thiên “Hịch di”, Văn tâm điêu long), Lưu Hiệp (khoảng 466 - 539) cho chúng ta biết, tính đến thời đại của ông, đối tượng của văn hịch chỉ là quân địch. Đối tượng đó quy định nội dung và hình thức, cho nên, "đại để hịch, hoặc là vạch rõ sự tốt lành, quang minh của bên ta, hoặc là kể rõ sự hà lạm ác ngược của bên địch..."; "làm táng đởm kinh hồn bọn gian cừu, làm vững lòng kẻ tín thần, làm cho chiến xa lớn trăm thước bị bẻ gãy trước bài văn viết chữ to tám tấc, làm cho tòa thành cao vạn trĩ phải đổ sụp trước một tờ hịch vậy...". Bởi thế mà, tuy hịch là "một loại văn tín thực quốc gia", nhưng không loại trừ việc dùng những lời "dối trá", "khoa trương", mà như Lưu Hiệp tổng kết thì "không ai viết hịch lại làm trái ngược đi được"(16).
Thế mà Trần Quốc Tuấn viết hịch đã làm “trái ngược đi”! Cả bài hịch, như mọi người đều biết, không hề có những lời “đại thanh tật hô”, mà chỉ là những lời tâm tình, khuyên răn, thức tỉnh đầy tâm huyết và thiết xác về những người thật, việc thật. Vì sao vậy? Vì rằng đối tượng của bài hịch không phải là quân địch, kẻ thù, mà là quân ta - các tỳ tướng. Nhưng hịch là một loại văn chiến đấu. Trong cuộc đối thoại này đúng là đã diễn ra một cuộc chiến đấu. Điều cần thiết là tìm hiểu xem cuộc chiến đấu ấy diễn ra như thế nào. Kết cấu ngữ pháp của bài hịch cho thấy vai trò chủ từ trong cuộc đối thoại chủ yếu thuộc về Trần Quốc Tuấn và các tỳ tướng. Trong nguyên bản, tác giả một lần xưng là “cô”, một lần xưng là “ngã”, 18 lần xưng là “dư”, đều dịch là “ta”. Người nghe - các tỳ tướng - là “nhữ đẳng”, dịch là “các ngươi” cũng 18 lần. Đây là cuộc đối thoại giữa ta với ta, nên không có những lời dối trá hay cao đàm khoát luận, và đây cũng không phải là bài hịch “viết chữ to tám tấc” để mọi người cùng thấy, mà là những lời tâm tình, những động viên, khích lệ, trách móc, yêu cầu. Nhưng đây lại là cuộc chiến đấu ta - địch quyết liệt. Vì thế mà lời văn gấp gáp, khẩn trương, phân tích chặt chẽ, lập luận lôgíc, nêu và xử lý vấn đề khách quan, tỉnh táo đến nghiệt ngã, tàn nhẫn. Đó chính là quan điểm xử lý đối tượng của Trần Quốc Tuấn, đối với việc định vị, định loại, định tính cho đối tượng đối thoại - các tỳ tướng.
- Định vị: vị trí và các mối quan hệ của tỳ tướng xác nhận đây là quân ta.
- Định loại: qua đối chiếu, so sánh trên các góc độ và mức độ, tác giả phân loại từng trường hợp cụ thể, và đi tới kết luận rằng, nếu rơi trúng vào các loại hành vi ông chỉ ra thì đều là những kẻ hèn kém, xấu xa cần giáo dục, giác ngộ.
- Định tính: qua hệ thống phân tích, xác định rõ tính chất kẻ thù trong con người các tỳ tướng, cần phải tiêu diệt.
Việc dùng từ, hay việc tạo dựng đối thoại nghệ thuật của tác phẩm thể hiện rõ ngữ khí phê phán rất quyết liệt, mang tính phủ định cao, có phần giống với ngữ khí phê phán đối với kẻ thù trong tác phẩm hịch thơ Nam quốc sơn hà: “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Nhắm vào chính “quân ta” để triệt hạ cái phần không phải là “ta” trong nó, làm cho cái “ta” được gột rửa trở nên tinh khiết hơn, trên cơ sở tư liệu hiện có, Dụ chư tỳ tướng hịch văn là tác phẩm mở đầu cho loại hình nghệ thuật đặc thù có một này trong văn học Việt Nam.
Qua nghệ thuật trình bày của bài hịch, chúng ta thấy rõ dụng ý xử lý vấn đề của tác giả, đặt các tỳ tướng làm trung tâm của sự phân tích. Trong cuộc đối thoại, tác giả đã tạo nên một sự chiếu ứng, nhấn mạnh vào cái tương đồng, để vạch rõ sự tương phản, đi tới sự xác định dứt khoát, lập trường ta - địch, bạn - thù: “Nếu các ngươi chuyên tập sách này theo lời ta dạy bảo, thì trọn đời tôi chủ, nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy, thì trọn đời là nghịch thù...
Trần Quốc Tuấn đã làm một nhiệm vụ vô cùng khó khăn mà cũng vô cùng cấp thiết, là tiến hành cuộc đấu tranh với chính ta, đấu tranh trong nội bộ những người tham gia và lãnh đạo cuộc kháng chiến. Đấu tranh với chính mình bao giờ cũng là cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp và không dễ thắng lợi. Yêu cầu này không chỉ đặt ra với các tỳ tướng, mà còn đặt ra với chính Trần Quốc Tuấn. Sử sách còn ghi lại việc ông đã gạt mọi hiềm khích và quyền lợi cá nhân, của dòng họ, để đoàn kết hoàng tộc trong một khối thống nhất, góp phần lãnh đạo kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Ông là người đầu tiên phát động cuộc chiến đấu quyết liệt chống lại “những tên địch trong ta” trước khi lãnh đạo cuộc chiến đấu quyết liệt chống lại “những tên địch ngoài ta” - lũ giặc Nguyên Mông đang lăm le xâm lược bờ cõi. Chắc chắn rằng thắng lợi của cuộc chiến đấu này đã là điều kiện tiên quyết, góp phần kịp thời làm nên chiến thắng của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1285, cũng như sau này.
Khảo sát các biểu hiện nghệ thuật nêu trên mục đích cuối cùng là nhằm xác định được xung đột nghệ thuật của tác phẩm. Đây là vấn đề cơ bản nhất của mọi tác phẩm nghệ thuật. M. Gorki nói: “Xung đột bao giờ cũng là linh hồn của một tác phẩm nghệ thuật” (17). Viện sĩ M. B. Khraptrenko đặc biệt lưu ý các nhà nghiên cứu trong việc xác định xung đột nghệ thuật của tác phẩm văn học. Ông viết: “Cơ sở cấu trúc của tác phẩm văn học là xung đột trong sự biểu hiện nghệ thuật của nó”(18). Những tác phẩm văn học lớn phải là những tác phẩm phản ánh được những vấn đề lớn của thời đại một cách nghệ thuật. Xung đột nghệ thuật của tác phẩm chính là “sự khám phá nhất định đối với những xung đột của một thời đại nhất định”(19). Xung đột nghệ thuật đó được thể hiện ra trong các đối xứng nghệ thuật như đã nêu; nó cũng được biểu hiện qua đối thoại nghệ thuật giữa Trần Quốc Tuấn và các tỳ tướng. Tuy nhiên, còn phải đi tới định danh cho xung đột nghệ thuật trong tác phẩm, cơ sở quan trọng để nhận thức đúng đắn chủ đề tư tưởng tác phẩm.
Vậy những xung đột nghệ thuật cơ bản trong Dụ chư tỳ tướng hịch văn là gì? Ta biết rằng đây là thời đại chống xâm lược và xây dựng nhà nước tự chủ. Mâu thuẫn có tính chất lịch sử là mâu thuẫn dân tộc, là đối kháng dân tộc giữa Đại Việt và các vương triều Trung Hoa, trong cuộc đấu tranh giữ nước vĩ đại trải nhiều thế kỷ. Song tác phẩm này không trực tiếp nêu lên những xung đột ấy. Tác phẩm hướng sự chú ý tới một phương diện khác. Đó là, thời kỳ lịch sử này yêu cầu con người đặt quyền lợi dân tộc, quốc gia lên trên hết. Muốn giữ nước và xây dựng đất nước, con người phải biết hy sinh quyền lợi cá nhân, phải biết tự vượt lên trên mình, tự chiến thắng, tự hoàn thiện mình ở mức độ cao nhất để đáp ứng các yêu cầu của lịch sử. Vì thế mà trong Dụ chư tỳ tướng hịch văn, Trần Quốc Tuấn không hề có ý định đối lập mà chỉ là đối chiếu mình với các tỳ tướng, với ý nghĩa nêu gương. Cũng như vậy, không có sự đối lập mà chỉ là đối chiếu giữa các tỳ tướng với các tấm gương trung thần nghĩa sĩ Trung Hoa, để hướng họ đi tới một sự lựa chọn thích hợp. Bài hịch cũng không nêu vấn đề xung đột địch - ta giữa Nguyên Mông với Đại Việt. Xung đột chính của tác phẩm nằm ở hướng khác, bằng mối xung đột địch - ta diễn ra trong nội bộ dân tộc, trong nội bộ hàng ngũ tướng lĩnh, thậm chí trong nội tại một con người. Xung đột nghệ thuật của Dụ chư tỳ tướng hịch văn được hình thành giữa một bên là số phận của quốc gia dân tộc trong cuộc đấu tranh sinh tử với Nguyên Mông xâm lược, sự tồn vong của cả cộng đồng hay của từng cá nhân với một bên là trách nhiệm và nghĩa vụ của con người trong thời đại ấy, trực tiếp nhất là hàng ngũ các tỳ tướng, các tướng lĩnh quân đội. Tư tưởng cơ bản của tác phẩm là đề cao trách nhiệm và nghĩa vụ của con người trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc. Rõ ràng, bài học tư tưởng Trần Quốc Tuấn nêu lên thật vô cùng ý nghĩa, không riêng cho thời đại ông mà cho mọi thời đại: đó là bài học cảnh giác trước sự đầu hàng của chính tầng lớp cầm chịch lãnh đạo đất nước, do quyền lợi ích kỷ của mình, do thói cầu an hưởng lạc, mà rất có thể dẫn đến rời bỏ nghĩa vụ thiêng liêng bảo toàn xã tắc.
Qua khảo sát Dụ chư tỳ tướng hịch văn của Trần Quốc Tuấn, có thể thấy, văn hịch ở thời Trần tuy vẫn sử dụng hình thức nghệ thuật phổ biến nhất của hịch Trung Quốc là văn biền ngẫu, song lại có sự biến đổi to lớn trong cách biểu cảm, thể hiện ở chỗ nó đã phản ánh một nội dung tư tưởng mới, là tư tưởng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng phong kiến trong bảo vệ Tổ quốc, chống xâm lược; ở chỗ nó đã thay đổi cách sử dụng ngôn ngữ cho thiết thực, gần gũi, thân tình với người nghe chứ không khoa trương, điêu trá; ở chỗ đối tượng đối thoại của hịch không phải là quân địch mà là quân ta; ở chỗ mục tiêu chiến đấu của nó không phải kẻ thù bên ngoài, mà là những “tên địch trong ta”; ở chỗ mục đích nêu trong tác phẩm không phải là “phá hoại” (“làm táng đởm kinh hồn bọn gian cừu... làm cho tòa thành cao vạn trĩ phải đổ sụp trước một tờ hịch vậy"), mà là “xây dựng”, là “bồi dưỡng”, là động viên khích lệ con người hãy chiến thắng chính mình trước khi chiến thắng giặc ngoại xâm. Mà sự chiến thắng chính mình nhiều khi còn dễ thất bại hơn so với việc chiến thắng những tên địch ngoại xâm bên ngoài. Sự chuyển dịch mục tiêu phản ánh của văn hịch của Trần Quốc Tuấn được xem là một biểu hiện của sự “cách tân nghệ thuật”, khi tác giả đã chuyển dịch nội dung chức năng của thể loại, đưa hịch vốn là một thể văn phục vụ “chiến tranh chống xâm lược” trở thành một thể văn phục vụ cuộc chiến đấu chống lại sự hèn yếu của con người. Do nội dung chức năng thay đổi, Trần Quốc Tuấn cũng đã biến hịch, vốn là một “công văn hành chính” trở thành một “phương tiện trữ tình”. Vì thế, Dụ chư tỳ tướng hịch văn không chỉ là một bản hùng văn mang tính chiến đấu cao, mà còn là một tác phẩm trữ tình đặc sắc, không chỉ đề cao chủ nghĩa yêu nước mà còn đề cao con người, đề cao nghĩa vụ và trách nhiệm của con người đối với đất nước. Nhờ đó, bên cạnh tính chiến đấu, tác phẩm còn có ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc, trở thành một trong những kiệt tác, có sức sống lâu bền trong đời sống tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Và Trần Quốc Tuấn đã trở thành một trong những nhân cách sáng chói nhất của nền văn hóa và văn học Lý - Trần.
Chú thích:
(*) Trích Mục 5, Chương II: “Những gương mặt qua các thời kỳ dựng nước đuổi giặc”, sách Gương mặt văn học Thăng Long bộ mới do Nguyễn Huệ Chi chủ biên. Xem BVN từ ngày 20-3-2011.
([1]) Đại Việt sử ký toàn thư. Tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993; tr. 23.
(2) Như trên; tr. 23.
(3) Như trên; tr. 72.
(4) Như trên; tr. 79.
(5) Xem các công trình về tác phẩm này của Bùi Văn Nguyên: Giảng văn, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1982; Lê Trí Viễn: Những bài giảng văn ở đại học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1982; Nguyễn Huệ Chi: Mục từ Trần Quốc Tuấn, trong Từ điển văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984, Từ điển văn học Bộ mới, Nxb. Thế giới, 2004; Nguyễn Phạm Hùng: Văn học Lý - Trần nhìn từ thể loại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996 ...
(6) Cuộc kháng chiến lần thứ nhất có thời gian rất ngắn, khoảng hơn nửa tháng, từ ngày 12 đến gần hết tháng Chạp năm Đinh Tỵ (dương lịch tháng I năm 1258). Cuộc kháng chiến lần thứ hai kéo dài khoảng nửa năm, từ ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thân (dương lịch khoảng tháng I năm 1285) đến cuối tháng Năm năm Ất Dậu (dương lịch khoảng tháng VI năm 1285). Cuộc kháng chiến lần thứ ba kéo dài hơn một năm, từ tháng Hai năm Đinh Hợi (dương lịch khoảng tháng III năm 1287) đến cuối tháng Ba năm Mậu Tý (dương lịch khoảng tháng IV năm 1288) – theo Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd; tr. 28 – 29, 50 – 57, 60 - 62).
(7) Lấy ý từ một truyện ký giả tưởng của Nguyễn Ái Quốc, “Con người biết mùi hun khói”, in năm 1922 tại Pháp, viết về những chiến sĩ cách mạng châu Phi đã được tôi luyện qua rất nhiều hy sinh, gian khổ (Hồ Chí Minh: Toàn tập, T. I, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980; tr. 57)
(8) Trần Khánh Dư: Vạn Kiếp tông bí truyền thư tự. Thơ văn Lý Trần, Tập II, Q thượng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989; tr. 600.
(9) “Nay ta chọn lọc binh pháp các nhà hợp thành một quyển, gọi là Binh thư yếu lược. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo, thì trọn đời là tôi chủ; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy, thì trọn đời là nghịch thù.” (Trích Dụ chư tỳ tướng hịch văn)
([1]0) Vì thế mà sau này, trong thời kỳ suy thoái của triều Trần, Hồ Quý Lý đã đề ra chính sách “hạn điền” và “hạn nô” để cải cách xã hội.
([1]1) Nguyễn Huệ Chi: Mục từ Trần Quốc Tuấn trong Từ điển văn học bộ mới. 2004, Sđd.
([1]2) Nguyễn Huệ Chi: Mục từ Trần Quốc Tuấn trong Từ điển văn học bộ mới. 2004, Sđd.
([1]3) Lê Trí Viễn: Những bài giảng văn ở đại học. Sđd.
([1]4) Nguyễn Huệ Chi: Mục từ Trần Quốc Tuấn trong Từ điển văn học bộ mới. 2004, Sđd.
([1]5) Nguyễn Huệ Chi: Mục từ Trần Quốc Tuấn trong Từ điển văn học bộ mới. 2004, Sđd.
([1]6) Lưu Hiệp. Văn tâm điêu long. Phan Ngọc dịch, giới thiệu và chú thích. Bản đánh máy, tư liệu Viện Văn học. Trong bản in do Nxb. Văn học công bố, 1997 chương này đã cắt bỏ.
([1]7) M. Gorki: Trao đổi về phim của Xcala. Tạp chí Nghệ thuật điện ảnh Liên Xô, số 12, Moskva, 1960.
([1]8) M. B. Khravchenko: Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học. Lê Sơn dịch. Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội. 1976; tr. 353.
([1]9) M. B. Khravchenko. Sdd; tr. 364.
Tác giả bài viết: Nguyễn Phạm Hùng
(Nguồn: http://lequydon.info/index.php?)