Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

NỘI DUNG ÔN THI CUỐI KHÓA 1

I. PHẦN VĂN:
- Văn bản:
+ Chuyện người con gái Nam Xương.
+ Hoàng Lê nhất thống chí - Hồi 14.
+ Truyện Kiều của Nguyễn Du.
+ Chị em Thúy Kiều.
+ Cảnh ngày xuân.
+ Kiều ở lầu Ngưng Bích.
- Nội dung câu hỏi:
+ Đặc điểm chính của nhân vật.
+ Nội dung nghệ thuật chủ yếu của văn bản.
+ Giá trị nội dung và nghệ thuật của Truyện Kiều.
+ Chép 1 đoạn thơ và nêu nghệ thuật chủ yếu của đọan thơ vừa chép.

II. PHẦN TIẾNG VIỆT:
Làm lại tất cả các bài tập và câu hỏi lý thuyết trong các bài:
- CÁC PHƯƠNG CHÂM HỘI THOẠI.
- XƯNG HÔ TRONG HỘI THOẠI.
- CÁCH DẪN TRỰC TIẾP - CÁCH DẪN GIÁN TIẾP.
- SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TỪ VỰNG.

III. PHẦN LÀM VĂN:
Các đề trong bài viết số 2 - SGK/ tr.105

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Cảm nhận về truyện ngắn "CHIẾC LÁ CUÔI CÙNG" của O.Henry





Trong nhịp sống tất bật, hối hả quay cuồng , nếu không có một khoảng lặng, một phút dừng lại ngắm nhìn cuộc đời, hẳn con người sẽ không bao giờ tìm được chút bình yên, thanh thản cho tâm hồn mình. Những lo toan thường nhật, cuộc mưu sinh bận rộn với bao toan tính, đắn đo đã cuốn con người vào vòng quay bất tận. Nhưng không, ở đâu đó, hơi ấm tình người vẫn lặng lẽ toả sáng. Ngay trong một khu phố nhỏ tồi tàn, vẫn cất lên bản nhạc dịu dàng giữa một xã hội phồn vinh, rộng lớn. Nơi ấy, nhà văn Mĩ O’ Henri, bằng tấm chân tình của mình, đã giúp người đọc phát hiện bao vẻ đẹp của tình thương yêu giữa những người lao động nghèo khổ. Đoạn trích trong “Chiếc lá cuối cùng” diễn tả đầy đủ vẻ đẹp những trái tim nhân hậu cao cả .
Chiếc lá cuối cùng” là truyện ngắn kể về những người nghệ sĩ nghèo. Xiu và Giôn-xi là hai nữ hoạ sĩ trẻ sống trong một căn hộ thuê rẻ tiền ở khu quảng trường Griniz gần công viên Oa-sinh-tơn. Bệnh viêm phổi và sự nghèo túng đã khiến Giôn- xi ngã gục trên con đường tìm về với sự sống. Cô nằm bất động trên giường bệnh, dõi theo những chiếc lá thường xuân qua ô cửa sổ và tin rằng mình sẽ ra đi khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống. Vẻ chán nản làm bệnh tình của cô ngày một trầm trọng. Xiu vô cùng lo lắng và bộc lộ nỗi niềm với cụ Bơ-men - người hoạ sĩ nghèo luôn ấp ủ ước mơ vẽ một kiệt tác nhưng chưa bao giờ thực hiện được, đành sống qua ngày bằng tiền vẽ tranh quảng cáo và ngồi làm mẫu cho các hoạ sĩ trẻ cùng xóm... Một buổi sáng, Giôn- xi lại thều thào ra lệnh cho Xiu kéo chiếc màn cửa sổ để cô nhìn ra ngoài. Sau trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng đêm trước, một chiếc lá vẫn bướng bỉnh bám trên cành thường xuân. Đó là chiếc lá cuối cùng của cây. Cả ngày hôm ấy, Giôn-xi chờ cho chiếc lá rụng xuống và cô sẽ chết. Nhưng sáng hôm sau, chiếc lá vẫn còn nguyên trên cây, tiếp thêm cho Giôn- xi sức sống và niềm hi vọng một ngày nào đó sẽ được vẽ vịnh Na-plơ. Khi Giôn-xi gần như chiến thắng được bệnh tật thì cụ Bơ-men qua đời, vì bệnh lao phổi. Chiếc lá thường xuân giúp Giôn-xi vượt qua cơn nguy hiểm là kiệt tác cụ Bơ-men đã vẽ trên tường trong đêm mưa gió dữ dội, tàn bạo, cái đêm mà chiếc lá cuối cùng không chịu nổi sức gió đã lìa cành... Đoạn trích thấm đượm tình người đã rung lên những sợi dây cảm xúc trong tâm hồn độc giả.
Tình người cao đẹp được thể hiện trước hết ở nhân vật Bơ-men và bức kiệt tác của cụ. Ngay từ đầu đoạn trích, người hoạ sĩ già khắc khổ này chỉ xuất hiện qua một vài chi tiết: Xiu và cụ Bơ-men “sợ sệt ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn cây thường xuân. Rồi họ nhìn nhau một lát, chẳng nói năng gì”; “cụ Bơ-men mặc chiếc áo sơ mi cũ màu xanh, ngồi đóng vai một tay thợ mỏ già trên cái ấm đun nước lật úp giả làm tảng đá” và cuối cùng chỉ thấp thoáng qua lời kể của Xiu. Nhưng có lẽ đôi hình ảnh hiếm hoi ấy mãi còn lại trong tâm trí bao người. Giây phút “nhìn cây thường xuân” đầy lo lắng là lúc cụ cảm nhận rõ nhất dáng ngủ yếu ớt cũng như mạng sống mong manh của Giôn-xi. Không ai biết trong ánh nhìn lặng lẽ chẳng nói năng và cái dáng ngồi làm mẫu bất động, cụ đang ấp ủ một điều gì. Đã từ lâu, ông cụ già “nhỏ nhắn dữ tợn” tự coi mình là một con chó xồm lớn chuyên canh gác và bảo vệ cuộc sống của hai nữ hoạ sĩ trẻ yếu đuối Xiu và Giôn-xi.Với cụ Bơ-men cô độc, có lẽ hai cô gái không khác gì những người ruột thịt, những người thân yêu nhất trong những năm tháng tuổi già hiu quạnh. Thường ngồi làm mẫu cho những bản vẽ của cô chị và hay tâm tình về tác phẩm kiệt xuất của mình, phải chăng đó là những tình cảm ấm áp mà cụ dành cho họ? Cụ hiểu tâm trạng Giôn-xi và nỗi lòng Xiu. Và... O’ Hen-ri không kể ông cụ làm gì sau khi về căn hộ cũ tồi tàn của mình. Cách cắt đoạn tạo một khoảng không gian riêng mà trong đó, chẳng ai có thể đoán được cụ Bơ-men sẽ có những hành đông cụ thể nào. Nhưng rồi, qua lời kể của cô chị Xiu, Giôn-xi và người đọc chợt ngỡ ngàng hiểu rõ công việc mà cụ đã âm thầm làm trong im lặng, trong những tiếng gào thét dữ dội của giông bão. Một mình cụ, với ngọn đèn bão, với bảng màu và chiếc thang mà có lẽ phải vất vẻ lắm cụ mới có thể lôi được nó ra khỏi chỗ cũ.... đã hoàn thành bức kiệt tác của cuộc đời mình. Thân già khổ sở trong đêm tối khủng khiếp đang nhăm nhe quật ngã mọi thứ, phải dũng cảm, chịu khó, bến bỉ như thế nào thì cụ Bơ-men nhỏ nhắn mới có thể gắng sức đương đầu với cơn mưa phũ phàng như vậy? Hơn nữa, vẽ - dẫu chỉ là vật nhỏ nhoi như một chiếc lá - trong hoàn cảnh khắc nghiệt, không ai giúp đỡ lại càng khó khăn gấp bội. Chiếc lá rất thật: “tuy ở gần cuống lá vẫn còn giữ màu xanh sẫm, nhưng rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa” được vẽ nên bằng tất cả tấm lòng, tâm huyết và tài năng của người hoạ sĩ già Bơ-men. Nhưng điều quan trọng nhất là mục đích cuối cùng của người hoạ sĩ “thất bại trong nghệ thuật” đã đạt được. Chiếc lá mỏng manh chống chọi, thách thức cùng gió rét đã tiếp thêm sức sống và niềm tin cho Giôn-xi, kéo cô từ vực sâu của chết chóc và bệnh tật lên đỉnh chiến thắng. Nhưng bù lại, cụ Bơ-men đã vĩnh viễn ra đi. Hoá ra ông cụ già “hay chế nhạo cay độc sự mềm yếu của bất kì ai” lại là một người có thể hi sinh mạng sống của mình vì người khác. Chiếc lá là minh chứng cho tất cả tâm lòng thương yêu và sự quyết tâm cứu cô hoạ sĩ trẻ đầy tài năng với tương lai phía trước của cụ. Có thể cụ không nghĩ rằng đó là một kiệt tác. Dẫu bức tranh chẳng phải là tác phẩm có thể đưa cụ và hai cô gái trẻ ra khỏi nơi ẩm thấp rẻ tiền mà họ đang trú ngụ, nhưng có lẽ dưới suối vàng cụ vẫn sẽ mỉm cười mãn nguyện. Ngay hành động của cụ cũng đã là một kiệt tác, một kiệt tác vô giá dù không màu sắc, không đường nét, không âm thanh... nhưng chan chứa tình người. Tác giả không trực tiếp miêu tả mà tiết lộ cách “sáng tác” âm thầm, lặng lẽ ấy qua lời nói của Xiu tạo một sự bất ngờ cho người đọc, đồng thời tô đậm thêm tấm lòng cao cả và đức hi sinh như thánh thần của một hoạ sĩ già nghèo khổ.
Cũng như cụ Bơ-men, khi nhìn cây thường xuân chỉ còn trơ trọi vài chiếc lá, Xiu đã không giấu được nỗi lo sợ của mình. Giôn-xi tuy không ruột rà máu mủ gì với cô, nhưng cô thương Giôn-xi như một người em gái. Khoảnh khắc lặng nhìn cây thường xuân là khoảng lặng nặng nề đè trĩu tâm tư Xiu. Vì thế, sáng hôm sau, khi Giôn-xi yêu cầu kéo rèm cửa lên, cô “làm theo một cách chán nản”. Rõ ràng trong cô vẫn bị ám ảnh bởi tâm trạng bi quan của Giôn-xi. Cô không tin vào điều định mệnh về “chiếc lá cuối cùng” mà Giôn-xi nghĩ đến, nhưng cô sợ, với tình cảnh này, Giôn-xi sẽ thực sự rời xa cô mất. Cụ Bơ-men không nói gì với cô về việc làm của mình, về ý định thay thế chiếc lá thiên nhiên đã rơi rụng bằng một chiếc lá “nhân tạo” nên khi thấy trên cành chỉ còn duy nhất một chiếc lá lay lắt, mỏng manh, yếu ớt, Xiu không khỏi thắt lòng lo sợ. Tiếng thều thào đoán định của Giôn-xi: “Hôm nay nó sẽ rụng thôi và cùng lúc đó thì em sã chết” như bóp nghẹt trái tim Xiu. Trước mặt Giôn-xi, Xiu tỏ ra mạnh mẽ là thế - một Xiu luôn cứng cỏi gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực của em - nhưng Giôn-xi có biết từ sâu thẳm tâm hồn Xiu cũng yếu đuối và đa cảm lắm? Cô thương Giôn-xi đến nỗi lo sợ không biết rồi mình sẽ ra sao nếu Giôn-xi chết đi “Em thân yêu, thân yêu! Em hãy nghĩ đến chị, nếu em không còn nghĩ đến mình nữa. Chị sẽ làm gì đây?” Lời động viên tràn đầy tình thươmng yêu để Giôn-xi hiểu rằng với Xiu, Giôn-xi như nửa cuộc đời cô. Giôn-xi mất đi rồi, liệu cuộc sống của cô có còn gì gọi là ý nghĩa? “Ngày hôm đó trôi qua, và ngay cả trong ánh hoàng hôn, họ vẫn có thể trông thấy chiếc lá thường xuân đơn độc níu vào cái cuống của nó trên tường”, một câu kể ngỡ như bình thường mà chứa đựng bao nỗi niềm. Trong bóng tối đang dần buông xuống, những đôi mắt vẫn không ngừng dõi theo chiếc lá cuối cùng như muốn chứng kiến cảnh chống chọi của nó với thiên thiên khắc nghiệt. Niềm hi vọng vẫn còn đó, nhưng có thể phụt tắt bất cứ lúc nào, khác gì ngọn đèn leo lét trước cơn gió dữ. Nhà văn không dùng một từ ngữ nào để miêu tả tâm trạng Xiu khi sang ngày sau nữa, chiếc lá vẫn dũng cảm bám chặt trên cành, nhưng vẫn có thể hình dung nét mặt tươi tắn của cô. Hẳn Xiu rất mừng khi Giôn-xi muốn ăn cháo. Những cử chỉ chăm sóc tận tình đã được đáp lại. Lời nói của vị thầy thuốc “Được năm phần mười rồi. Chăm sóc chu đáo thì chị sẽ thắng” càng khơi dậy niềm hi vọng vốn có lúc tưởng như tắt lụi. Cùng với sự cổ vũ của “chiếc lá dũng cảm” - kiệt tác của cụ Bơ-men - Xiu đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Giôn-xi tìm lại được niềm tin và sự sống. Tình bạn và tấm lòng chân thật đã chiến thắng lão già viêm phổi quái ác. Lại một khoảng thời gian nữa trôi qua, khoảng thời gian thể hiện sự tinh tế và chín chắn trong vai trò làm chị của Xiu. Khi Giôn-xi đã lấy lại được sự vui vẻ, Xiu mới nhỏ nhẹ nói cho em sự thật mà có lẽ cô cũng chỉ mới biết không bao lâu. Nếu Xiu biết trước ý định của cụ Bơ-men thì truyện sẽ mất đi nhiều sức hấp dẫn, và chắc chắn cũng sẽ không có đoạn văn thể hiện tâm trạng lo lắng thấm đượm tình người của Xiu. Cô không phải là trung tâm tác phẩm nhưng lại đem đến cho người đọc một tình cảm êm dịu, hiền hoà, góp thêm một phần vào bức tranh với những gam màu sáng của tình người cao đẹp.
Còn Giôn-xi, người biết sự thật cuối cùng? Cảnh ngộ của cô thật đáng thương. Cái nghèo túng cùng cơn bệnh hoành hành cướp đi của cô tất cả sức lực. Cô gần như tuyệt vọng. Mỗi tiếng đếm lùi khi từng chiếc lá rơi xuống là mỗi lúc cô cảm thấy gần kề với cái chết hơn. Lưỡi hái tử thần cứ chập chờn trước mặt Giôn-xi đầy đe doạgắn với hình ảnh của nhưng chiếc lá thường xuân nhỏ bé. Sự sống mong manh của cô khác nào những chiếc lá ấy, chỉ một cơn gió thoảng qua là có thể lìa cành? Người đọc chợt căng thẳng, hồi hộp mỗi khi Giôn-xi bảo Xiu kéo mành lên. Ngay ngày hôm trước, sự tuyệt vọng của Giôn-xi làm nên nỗi niềm lo sợ trong Xiu và cụ Bơ-men, để rồi nỗi lo sợ lại len lỏi vào lòng người đọc. Lần thứ nhất kéo mành chỉ còn lại một chiếc lá, khiến không ai có thể dứt mắt khỏi sự sống nhỏ nhoi ấy suốt một ngày một đêm. Lần kéo mành thứ hai, liệu chiếc lá có còn và tính mạng của Giôn-xi sẽ ra sao? Giôn-xi có tàn nhẫn quá không khi bóp nghẹt trái tim người thân yêu bằng cách ra lệnh kéo mành như thế? Thật khó mà hồn nhiên, vui vẻ khi nghĩ rằng mình sắp chết, nhất là lúc con người đang ở vào độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời! Nghe những lời thủ thỉ tâm tình của Xiu, Giôn-xi cũng cô đơn lắm chứ. “Cái cô đơn nhất trong khắp thế gian là một tâm hồn đang chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi xa xôi bí ẩn của mình”. Cô đơn “khi những mối dây ràng buộc cô với tình bạn và với thế giới xung quanh cứ lơi lỏng dần từng sợi một”. Và nỗi sợ hãi choán hết tâm trí cô. Nhưng khi đêm đã qua rồi mà chiếc lá cuối cùng vẫn chưa lìa cành, Giôn-xi “nằm nhìn chiếc lá hồi lâu”,cái nhìn như dần sưởi ấm trái tim yếu đuối giá lạnh của cô. Có lẽ cô đang nghĩ và so sánh mình với sự mạnh mẽ của chiếc lá: “Có một cái gì đấy đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cho em thấy mình đã tệ như thế nào” và chợt nhận ra “muốn chết là cái tội”. Khoảng thời gian diễn ra sự hồi sinh diệu kì trong tâm hồn cô. Chiếc gương tay, ý muốn được ngồi dậy xem Xiu nấu nướng là những biểu hiện rõ rệt nhất của sự sống. Và niềm hi vọng được vẽ cảnh vịnh Na-plơ lại bùng cháy. Nhận được sự dộng viên, khích lệ âm thầm lặng lẽ của cụ Bơ-men, của Xiu, Giôn-xi đã tự mình biến cái không tưởng thành hiện thực. Tất cả sẽ trở nên vô nghĩa nếu như giờ phút này cô lại chấp nhận buông xuôi. Nhưng không, người đọc có thể thở phào nhẹ nhõm trước một sự sống mới đang hình thành.
Câu chuyện khép lại bằng lời kể của Xiu mà không để Giôn-xi có phản ứng gì thêm. Biết đâu mỗi lần ngắm chiếc lá là một lần Xiu và Giôn-xi được tiếp thêm sức lực và bản lĩnh để vượt qua nhưng khó khăn, gian khổ trong cuộc sống? Truyện đã dừng lại, nhưng dư âm vẫn còn vang vọng trong lòng người đọc với bao suy nghĩ, dự đoán...
Ngoài nghệ thuật miêu tả diễm biến tâm lí và khắc hoạ tính cách ba nhân vật, nhà văn O’hen-ri đã thành công trong việc xây dựng hai tình huống bất ngờ, thú vị. Ngay từ đầu, Giôn-xi đã đem đến bao lo lắng, thương cảm khi từng giờ phút chiến đầu và dần buông xuôi trước tử thần, nhưng theo thời gian, tình huống bỗng đảo ngược, Giôn-xi trở nên yêu đời, ham sống, tạo nên tiếng thở phào nhẹ nhõm. Ngược lại, cụ Bơ-men khoẻ mạnh bỗng chết vì bệnh viêm phổi, một cái chết để lại những giọt nước mắt cảm động. Cả hai lần đảo ngược tình huống đều xoay quanh một trục: Bênh viêm phổi, chiếc lá cuối cùng, có khác chăng là hành trình đi từ sự sống đến cái chết của một hoạ sĩ già để kéo cô gái trẻ từ cõi chết ngược về sự sống. Nghệ thuật đặc sắc ấy đã góp phần làm nên sức hấp dẫn của truyện.
Cả ba nhân vật xuất hiện bổ sung và hoàn chỉnh dần bức tranh thấm đượm tình người, dẫu là những con người không ruột thịt máu mủ. Và một nhân vật cứ im lìm, bất động, lặng lẽ chứng kiến sự đổi thay kì diệu. Chỉ vài trang kết truyện “Chiếc lá cuối cùng” với lối xây dựng theo kiểu có nhiều tinh tiết hấp dẫn, sắp xếp chặt chẽ khéo léo, kết cấu đảo ngược tình huống hai lần, O’Hen-ri đã gây hứng thú và làm cho chúng ta rung cảm trước tình yêu thương cao cả giữa những con người nghèo khổ.
(Bài của học sinh Lê Phan Vĩ Ái)

Nhà văn O. Henry: Trăm năm còn nhớ

Nhà văn Mỹ nổi tiếng, bậc thầy truyện ngắn thế giới O.Henry sinh ngày 11/9/1862 tại Greensboro và mất ngày 5/6/1910 tại thành phố New York. Ở Việt Nam đã có nhiều bản dịch tác phẩm của O.Henry. Đặc biệt, truyện ngắn "Chiếc lá cuối cùng" của ông đã được đưa vào chương trình văn học nhà trường. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của O.Henry (1910-2010), chúng tôi xin giới thiệu vài nét về cuộc đời và văn nghiệp của ông.
Tháng 12 năm 1899, một người đàn ông cao, gầy với chòm ria mép rậm  đang chậm rãi bước đi trong xà lim nhà tù Columbus ở bang Ohio của nước Mỹ. Đó là cựu nhân viên ngân hàng William Sydney Porter, bị kết án 5 năm tù vì biển lận 1.150USD trong két sắt. Ông có một cô con gái 9 tuổi Margaret ở trong trại mồ côi. William đang nghĩ tới món quà Giáng Sinh cho con gái.
William bao giờ cũng gặp khó khăn khi mua quà. Năm ngoái, thay cho con búp bê, ông tặng con gái một cái đường ray tàu hỏa. Còn quà cho vợ là thuốc chữa bệnh. Năm nay, William lần đầu tiên không phải sắm gì cho vợ. Athol của ông đã qua đời vì bệnh lao khi ông đang chạy trốn cảnh sát ở Honduras. Nếu như bà không mất, chưa chắc ông đã phải vào ngồi sau song sắt.
Trong tù, William lấy tờ giấy trắng, cây bút và bắt đầu chép câu chuyện mà ông chưa kịp kể cho gia đình mình. Truyện ngắn có tên "Chiếc bít tất Giáng sinh của Dick - người hay huýt gió" và ký: O.Henry. William Porter lấy bút danh đó để tỏ lòng tôn kính dược sĩ Pháp Henry. Ông thường nhìn thấy cái họ này trên các cuốn sách tra cứu y học. Ông chọn chữ O làm tên vì cho rằng nó là chữ cái đơn giản nhất trong bảng chữ cái.
O.Henry gửi truyện ngắn tới một tạp chí và được đăng ngay mà không bị sửa chữa gì. Với món tiền nhuận bút đầu tiên trong đời ông đã mua cho con gái một con búp bê bằng sứ có mái tóc dài.
Các nhân vật trong truyện ngắn mới của O.Henry là các bạn tù của ông, còn cốt truyện được rút ra từ cuộc đời của họ. Trước khi gửi tác phẩm của mình cho nhà xuất bản, O. Henry thường đọc cho các bạn tù nghe.
Mùa hè năm 1901, hơn ba năm sau khi bị bắt, O.Henry được trả tự do sớm nhờ tư cách tốt. Tòa soạn tuần báo Word đã mời ông ký một hợp đồng dài hạn. Hàng tuần ông phải gửi cho họ một truyện ngắn, còn họ trả cho ông 100USD - mơ ước của bất cứ nhà văn Mỹ nào lúc bấy giờ. O.Henry ngay lập tức nhận lời. Ông viết mỗi năm 66 truyện ngắn. Cả tòa soạn háo hức chờ đợi ông, ai cũng muốn được là người đầu tiên đọc tác phẩm mới của nhà văn.
O.Henry rất khó viết về những gì không được tận mắt chứng kiến. Những năm cuối đời, nhà văn hầu như không viết gì, ông uống rượu nhiều, sức khỏe ngày càng sút kém. O.Henry qua đời ngày 5 tháng 6 năm 1910 tại khách sạn trong sự cô độc, ở tuổi 48. Trong bệnh án của ông ở mục "Nguyên nhân chết", các bác sĩ ghi: "Không rõ nguyên nhân".
Lễ cầu siêu cho nhà văn tại nhà thờ đột ngột bị cắt đứt bởi một cặp tình nhân. Cùng với những người bạn say rượu, họ vừa cười vừa chạy vào nhà thờ để làm lễ cưới. "Nếu người quá cố còn sống, nhất định ông ấy sẽ viết một truyện ngắn về điều đó" -  Vị linh mục nói.
Tổng cộng, cả đời mình, O.Henry đã viết 273 truyện ngắn. Toàn tập tác phẩm của ông gồm 18 tập
                                                                                                                                    Trần Hậu

                          

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Hoàng Lê nhất thống chí - Hồi thứ 14




Đọc – Hiểu văn bản :
Đoạn trích ở phần sau của hồi mười bốn. Có thể chia làm ba đoạn :
+ Đoạn 1 (từ đầu đến “hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng chạp năm Mậu Thân (1788)”) : được tin báo quân Thanh đã chiếm Thăng long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và thân chinh cầm quân ra Bắc dẹp giặc.
+ Đoạn 2 (tiếp theo đến “vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long rồi kéo vào thành”) : cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.
+ Đoạn 3 (phần còn lại) : sự đại bại của quân Thanh và tình trạng thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.
1. Hình tượng người anh hùng Nguyễn Huệ :
Trong đoạn trích, hình tượng Nguyễn Huệ nổi lên sáng ngời phẩm chất của người anh hùng.
a. Hành động mạnh mẽ, quyết đoán :
Trong mọi tình huống, Nguyễn Huệ luôn luôn thể hiện là một con người hành động một cách xông xáo, nhanh gọn, có chủ đích và rất quả quyết. Nghe tin giặc đã đánh chiếm đến tận Thăng Long, chiếm cả một vùng đất đai rộng lớn, Nguyễn Huệ vẫn không hề nao núng, “định thân chinh cầm quân đi ngay”. Rồi sau đó, chỉ trong vòng một tháng (từ 24 tháng 11 đến 30 tháng chạp), Nguyễn Huệ đã làm được bao nhiêu việc lớn : “tế cáo trời đất” lên ngôi Hoàng đế, “đốc xuất đại binh” ra Bắc, gặp gỡ “người cống sĩ ở huyện La Sơn” Nguyễn Thiếp, tuyển mộ quân lính và mở cuộc duyệt binh ở Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch hành quân, đánh giặc và kế hoạch đối phó với nhà Thanh sau chiến thắng.
b. Trí tuệ sáng suốt, sâu sắc và nhạy bén :
+ Trí tuệ ấy biểu hiện trong việc xét đoán và dùng người. Khi đến Tam Điệp, gặp Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân “đều mang gươm trên lưng và xin chịu tội”, Nguyễn Huệ xử trí vừa có lí vừa có tình. Ông rất hiểu sở trường, sở đoản của các tướng sĩ, khen chê đều đúng người, đúng việc.
+ Trí tuệ ấy biểu hiện trong việc phân tích tình hình thời cuộc và tương quan ta – địch. Trong lời phủ dụ quân lính ở Nghệ An, vua Quang Trung khẳng định chủ quyền dân tộc của ta và hành động xâm lăng phi nghĩa, trái đạo trời của giặc (đất nào sao ấy đều đã phân biệt rõ ràng) ; nêu bật dã tâm của giặc (bụng dạ ắt khác… giết hại nhân dân, vơ vét của cải) ; nêu cao truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta từ xưa ; kêu gọi quân lính “đồng tâm hiệp lực ; ra kỉ luật nghiêm minh… Lời phủ dụ như một bài hịch ngắn gọn mà ý tứ thật phong phú, sâu xa, có tác dụng kích thích lòng yêu nước và truyền thống quật cường của dân tộc.
c. Ý chí quyết thắng và tầm nhìn xa trông rộng : mới khởi binh đánh giặc, chưa giành lại được một tấc đất nào, vậy mà vua Quang Trung đã tuyên bố chắc chắn như đinh đóng cột “phương lược tiến đánh đã có tính sẵn”, lại còn tính sẵn cả kế hoạch ngoại giao sau khi chiến thắng một nước “lớn gấp mười nước mình” để có thể “dẹp việc binh đao”, “cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng”.
d. Tài dụng binh như thần :
Đến tận hôm nay, chúng ta vẫn còn kinh ngạc vì cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn do vua Quang Trung chỉ huy. Ngày 25 tháng chạp bắt đầu xuất quân ở Phú Xuân (Huế), ngày 29 đã tới Nghệ An, vượt khoảng 350 km qua núi, qua đèo. Đến Nghệ An, vừa tuyển quân, tổ chức đội ngũ, vừa duyệt binh, chỉ trong vòng một ngày. Hôm sau, tiến quân ra Tam Điệp (cách khoảng 150km). Và đêm 30 tháng chạp đã “lập tức lên đường”, tiến quân ra Thăng Long. Mà tất cả đều là đi bộ. Có sách còn nói vua Quang Trung sử dụng cả biện pháp dùng võng khiêng, cứ hai người khiêng thì một người được nằm nghỉ, luân phiên nhau suốt đêm ngày. Từ Tam Điệp ra Thăng Long (khoảng hơn 150 km), vừa hành quân, vừa đánh giặc mà vua Quang Trung định kế hoạch chỉ trong vòng 7 ngày, mồng 7 tháng giêng sẽ vào ăn tết ở Thăng Long. Trên thực tế, đã thực hiện kế hoạch sớm hai ngày : trưa mồng 5 đã vào Thăng Long. Hành quân xa liên tục như vậy, thường quân đội sẽ mệt mỏi, rã rời, nhưng nghĩa binh Tây Sơn thì cơ nào đội ấy vẫn chỉnh tề. Đó là do tài tổ chức của người cầm quân : hơn một vạn quân mới tuyển đặt ở trung quân, còn quân tinh nhuệ từ đất Thuận Quảng ra thì bao bọc ở bốn doanh tiền, hậu, tả, hữu.
e. Lẫm liệt trong chiến trận :
Hoàng đế Quang Trung thân chinh cầm quân không phải chỉ trên danh nghĩa. Ông là một tổng chỉ huy chiến dịch thực sự : hoạch định phương lược tiến đánh, tổ chức quân sĩ, tự mình thống lĩnh một mũi tiến công, cưỡi voi đi đốc thúc, xông pha tên đạn, bày mưu tính kế… Đội quân của vua Quang Trung không phải toàn là lính thiện chiến, lại vừa trải qua những ngày hành quân cấp tốc, không có thì giờ nghỉ ngơi, vậy mà dưới sự lãnh đạo tài tình của Quang Trung, đã đánh những trận thật hào hùng, thật đẹp, thắng áp đảo kẻ thù (bắt sống hết quân do thám của địch ở Phú Xuyên, giữ được bí mật để tạo thế bất ngờ, vây kín làng Hà Hồi, “quân lính luân phiên dạ ran” làm cho lính trong đồn “ai nấy rụng rời sợ hãi” xin hàng ; công phá đồn Ngọc Hồi, lấy ván ghép phủ rơm dấp nước để làm mộc che, dàn trận tiến đánh, khi giáp lá cà thì “quăng ván xuống đất, ai nấy cầm dao ngắn chém bừa, những người cầm binh khí theo sau cũng nhất tề xông tới”…). Khí thế của đội quân này làm cho kẻ thù phải khiếp vía “Thật là : tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên, và hình ảnh người anh hùng cũng được khắc hoạ thật lẫm liệt. Trong trận đánh đồn Ngọc Hồi, giữa cảnh “khói tỏa mù trời, cách gang tấc không thấy gì”, nổi bật hình ảnh nhà vua “cưỡi voi đi đốc thúc”. Có sách ghi khi Quang Trung vào đến Thăng Long, tấm áo bào màu đỏ đã sạm đen khói súng.
* Cách trần thuật của đoạn văn thật đặc sắc, không chỉ nhằm ghi lại những sự kiện lịch sử diễn biến gấp gáp, khẩn trương qua từng mốc thời gian, mà còn chú ý miêu tả cụ thể từng hành động, lời nói của nhân vật chính, từng trận đánh và những mưu lược tính toán, thế đối lập giữa hai đội quân (một bên thì xộc xệch, trễ nãi, nhát gan, một bên thì xông xáo dũng mãnh, tổ chức nghiêm minh). Qua đó, hình ảnh người anh hùng được khắc họa khá đậm nét, có tính cách quả cảm, mạnh mẽ, có trí tuệ sáng suốt, nhạy bén, có tài dụng binh như thần, là người tổ chức và là linh hồn của chiến công vĩ đại. Đây là đặc điểm khẳng định rõ tính chất thể loại tiểu thuyết lịch sử của tác phẩm.
* Dường như có sự mâu thuẫn giữa nhan đề tác phẩm với nội dung tác phẩm. Nhan đề mang ý nghĩa ca ngợi nhà Lê, nhưng nội dung tác phẩm lại vạch rõ sự thối nát, mục ruỗng của triều đình nhà Lê, và ca ngợi người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ. Điều đó nói lên quan điểm phản ánh hiện thực của các tác giả là tôn trọng sự thực lịch sử  ý thức dân tộc. Dù có cảm tình với nhà Lê, họ không thể bỏ qua sự thực là ông vua nhà Lê hèn yếu đã cõng rắn cắn gà nhà. Dù không theo Tây Sơn, họ không thể không thấy chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung là niềm tự hào lớn lao của dân tộc. Bởi thế nên các tác giả họ Ngô đã viết thực và viết hay về người anh hùng Nguyễn Huệ.
2. Sự thảm bại của bọn quân tướng nhà Thanh :
Tôn Sĩ Nghị kéo quân sang An Nam là nhằm những lợi ích riêng, lại không muốn tốn nhiều xương máu. Hơn nữa, y còn là một tên tướng bất tài, cầm quân mà không biết được tình hình thực hư ra sao, lại còn kiêu căng tự mãn, chủ quan khinh địch. Dù đã được vua tôi Lê Chiêu Thống báo trước, y vẫn không chút đề phòng, suốt mấy ngày Tết chỉ “chăm chú vào yến tiệc, vui mừng, không lo chi đến việc bất trắc”, cho quân lính mặc sức vui chơi.
Khi quân Tây Sơn đánh đến nơi, tướng thì “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp… chuồn trước qua cầu phao”, quân thì lúc lâm trận “ai nấy đều rụng rời sợ hãi” xin ra hàng” hoặc “bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết”, “quân sĩ các doanh nghe tin, đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu qua sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều” đến nỗi “nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa”. Cả đội binh hùng tướng mạnh chỉ còn biết tháo chạy, mạnh ai nấy chạy “đêm ngày đi gấp, không dám nghỉ ngơi”.
3. Số phận thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống :
Lê Chiêu Thống và những bề tôi trung thành với ông ta đã vì mưu lợi ích riêng của dòng họ mà cõng rắn cắn gà nhà, đem vận mệnh của cả dân tộc đặt vào nanh vuốt của kẻ thù xâm lược. Bọn người phi nghĩa ấy đã phải chịu đựng nỗi sỉ nhục của kẻ đi cầu cạnh van xin, và cuối cùng phải chịu chung số phận bi thảm của kẻ vong quốc. Khi có biến, Lê Chiêu Thống cùng bọn bề tôi thân tín vội vã “đưa thái hậu ra ngoài”, chạy trối chết, cướp thuyền dân để qua sông, chạy “luôn mấy ngày không ăn”. May gặp người thổ hào thương tình cho ăn và chỉ đường cho chạy trốn. Đuổi kịp được Tôn Sĩ Nghị, vua tôi chỉ còn biết “cùng nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt”. Đoạn văn miêu tả chân thực tình cảnh khốn quẫn của vua Lê Chiêu Thống, phơi bày tất cả sự thảm hại trong kết cục của một ông vua phản dân hại nước. Nhưng có thể thấy tác giả vẫn gửi gắm ở đó chút tình cảm riêng của một bề tôi cũ nhà Lê. Lòng thương cảm của tác giả biểu hiện qua những giọt nước mắt và thái độ săn sóc tận tình của người thổ hào. Giọng văn cũng có phần ngậm ngùi, khác với âm hưởng sôi nổi, hào hứng ở đoạn trên.
C. Tổng kết :
Với quan điểm lịch sử đúng đắn và niềm tự hào dân tộc, các tác giả “Hoàng Lê nhất thống chí” đã tái hiện chân thực, sinh động hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm bại của các tướng lĩnh nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.

Tác giả Nguyễn Dữ và "Chuyện người con gái Nam Xương"



Nguyễn Dữ, tác giả truyện Truyền kỳ mạn lục nổi tiếng sống ở thế kỷ XVI, xuất thân trong gia đình có cha đỗ tiến sĩ cuối đời Hồng Đức, quê làng Đỗ Tùng, huyện Gia Phúc, nay là Đỗ Lâm, Tứ Lộc, Hải Dương. Ông là học trò của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đỗ hương tiến (tức cử nhân), có làm tri huyện một thới gian rồi cáo quan về quê sống ẩn dật, phụng dưỡng mẹ già và viết sách. Tác phẩm Nguyễn Dữ để lại có Truyền kỳ mạn lục, một tác phẩm được đánh giá là "thiên cổ kỳ bút". 
Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ hiện còn, là một bản trùng san, in năm 1763, có phần dịch ra Nôm và chú thích cẩn thận, với tên gọiTân biên Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú, gồm 20 truyện.

Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống văn học nước nhà đương thời cũng như rất lâu về sau. Chính Nguyễn Bỉnh Khiêm đã là người hiệu đính cho tác phẩm này. Nhiều văn nhân có tiếng tăm đã bình luận, khen ngợi cái hay, cái lạ của bút lực Nguyễn Dữ trong Truyền kỳ mạn lục và nó từng mấy lần được khắc in. Sau Nguyễn Dữ, có một nhân vật tiếp bước là Nguyễn Diễn Trai viết Truyền văn tân lục kể về những chuyện lạ của các nhân vật hiển đạt từ thời Lý đến thời Lê, Đoàn Thị Điểm soạn Tục truyền kỳ, tức Truyền ký tân phả, chép các chuyện kinh dị, ly kỳ.

Trong Truyền kỳ mạn lục Nguyễn Dữ viết về các nhân vật, các sự việc kỳ lạ xảy ra thời Lý, Trần, Hồ và thời Lê sơ. Bằng trí tưởng tượng phong phú và bằng một bút pháp linh hoạt, tác giả Truyền kỳ mạn lục đưa người đọc vào một thế giới huyền bí vừa có người, vừa có thần, hư hư thực thực nhưng qua những gì thêu dệt ấy vẫn hiện rõ một thế giới thật của cuộc đời thực mà ở đó chúng ta thấy cả những kẻ có quyền thế độc ác, đồi bại. Có thể nói đó chính là hình ảnh của xã hội Nguyễn Dữ đang sống và của những thời kỳ mạt vận, một xã hội phong kiến lúc suy yếu, mục nát. Tuy nhiên, bên cạnh sự tung hoành của cái xấu cái ác, tác giả Truyền kỳ mạn lục vẫn nhìn thấy những phẩm cách lương thiện, trung trinh, những tâm hồn thanh cao, những tình người đằm thắm của cái Thiện vĩnh hằng đã hiện lên rực rỡ, sống động, lung linh dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Dữ.

Trong 20 truyện ông viết, truyện nào cũng thể hiện một quan điểm chính trị, một thái độ nhân sinh, một ý tưởng đạo đức nghiêm túc. Đó là những mong muốn của Nguyễn Dữ về một xã hội yên bình trong nền đức trị, trong sự công bằng, trong tình cảm yêu thương nhân ái giữa người và người...

Nhân đọc cuốn Cổ kim quái dị tập thành của văn học Trung Quốc, tôi lại xốn xang nhớ về ông-Nguyễn Dữ, một con người tài hoa và tác phẩm của ông, những tác phẩm có tầm nhìn nhân văn cao cả.

Nguyễn Hạnh (Theo tư liệu văn học cổ Việt Nam qua kho tàng Hán Nôm)



CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG

 

Đọc – Hiểu văn bản :
1. Truyện có thể chia làm 3 đoạn :
+ Đoạn 1 : từ đầu đến “lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình”, nói về cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương, sự xa cách vì chiến tranh và phẩm hạnh của nàng trong thời gian xa cách.
+ Đoạn 2 : “Qua năm sau … nhưng việc trót đã qua rồi”, nói về nỗi oan khuất và cái chết bi thảm của Vũ Nương.
+ Đoạn 3 : phần còn lại, Vũ Nương được cứu và sống ở thủy cung của Linh Phi. Nỗi oan được giải nhưng nàng quyết không trở lại trần gian.
2. Nhân vật Vũ Nương :
“Chuyện người con gái Nam Xương” là chuyện về nàng Vũ Nương – vợ chàng Trương Sinh : “Vũ Thị Thiết, người con gái Nam Xương, tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Nếu truyện cổ tích thường chỉ thiên về cốt truyện và hành động của nhân vật, thì ở đây, dưới ngòi bút sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Dữ, nhân vật hiện lên có đời sống, có tính cách rõ rệt hơn nhiều. Tác giả đã đặt nàng Vũ Nương vào nhiều tình huống khác nhau để khắc họa tính cách nhân vật.
2.1. Trong cuộc sống vợ chồng bình thường : chồng có tính đa nghi, nhưng nàng đã là một người vợ tốt, biết giữ đạo làm vợ, lúc nào cũng “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa”.
2.2. Khi tiễn chồng đi lính, nàng rót rượu tiễn chồng và nói những lời mà ai nghe cũng “đều ứa hai hàng lệ”. Nàng không mong vinh hiển mà chỉ mong cho chồng được bình an trở về : “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm, trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”. Đó là mong ước hết sức bình thường của một người vợ, một người phụ nữ khao khát cuộc sống gia đình bình yên. Tình thương chồng còn thể hiện qua sự cảm thông những vất vả gian lao mà chồng sẽ phải chịu đựng : “Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường. Giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều còn gian lao, rồi thế chẻ tre chưa có…”, qua nỗi khắc khoải nhớ nhung : “mà mùa dưa chín quá kì, khiến cho tiện thiếp băn khoăn, mẹ hiền lo lắng. Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rũ bãi hoang, lại thổn thức tâm tình, thương người đất thú ! Dù có thư tín ngàn hàng, cũng sợ không có cánh hồng bay bổng”. Trong nỗi niềm của người vợ xa chồng, nàng cảm thông cho cả nỗi niềm của bà mẹ xa con.
2.3. Khi xa chồng, Vũ Nương là người vợ thủy chung, yêu chồng tha thiết. Tác giả đã miêu tả thật xúc động nỗi buồn thương nhớ chồng khắc khoải triền miên theo thời gian : “Ngày qua tháng lại, thoắt đã nửa năm, mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”. Thời gian trôi qua, không gian cảnh vật thay đổi, mùa xuân vui tươi – “bướm lượn đầy vườn”, mùa đông ảm đạm – “mây che kín núi”, còn lòng người thì chỉ dằng dặc một nỗi buồn thương.
Nàng còn là người mẹ hiền, dâu thảo. Chồng đi chinh chiến xa xôi, một mình nàng vừa nuôi con nhỏ, vừa chăm sóc mẹ chồng. Cách chăm sóc của nàng thật cảm động. Mẹ già đau ốm, “nàng hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”. Lời trối trăng của bà mẹ chồng trước khi mất chính là một sự ghi nhận nhân cách và đánh giá cao công lao của nàng đối với gia đình nhà chồng : “Một tấm thân tàn, nguy trong sớm tối, việc sống chết không khỏi phiền đến con. Chồng con nơi xa xôi, chưa biết sống chết thế nào, không thể về đền ơn được. Sau này, trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, trời xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”. Mẹ mất, “nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình”. Nàng làm tất cả những việc đó không phải vì trách nhiệm mà vì tình nghĩa thực sự trong lòng.
Vũ Nương là người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Namtruyền thống.
2.4. Khi bị chồng nghi oan :
+ Nàng một mực phân trần để chồng hiểu rõ lòng mình. Nàng nói về thân phận mình : “Thiếp vốn con nhà kẻ khó, được nương tựa nhà giàu”.  Nàng nói về tình nghĩa vợ chồng và khẳng định tấm lòng thủy chung trong trắng của mình : “Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói”. Nàng cầu xin chồng đừng nghi oan : “Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp”. Trong những lời nói ấy, Vũ Nương đã cố gắng tìm mọi cách để hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ.
+ Vũ Nương hết lời phân trần nhưng Trương Sinh vẫn không tin, vẫn “mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi”. Ngay đến cái quyền được tự bảo vệ mình, nàng cũng không có. Lời nói của nàng thâu tóm tất cả những đau khổ của một đời phụ nữ. Hạnh phúc gia đình – “cái thú vui nghi gia nghi thất”, niềm khao khát của cả đời nàng đã tan vỡ. Tình yêu cũng không còn : “bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió ; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn”. Ngay cả nỗi đau khổ chờ chồng đến hóa đá trước đây cũng không còn có thể làm lại được nữa : “nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng phu kia nữa”.
+ Mọi cố gắng của Vũ Nương đều trở thành vô ích. Không thể giải được nỗi oan khuất, tất cả đã tan vỡ, nàng đau khổ tuyệt vọng tìm đến cái chết để bày tỏ tấm lòng trong trắng, mượn nước sông để rửa sạch tiếng nhơ oan ức. “Nàng tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng :
- Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.”.
Lời than như một lời nguyền, xin thần sông chứng giám nỗi oan khuất và tiết sạch giá trong của nàng, của một “kẻ bạc mệnh” đầy đau khổ. Hành động tự trẫm mình của nàng là một hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự. Truyện cổ tích miêu tả việc tự tử của nàng như một hành động bột phát trong cơn tuyệt vọng : “Vũ Nương chạy một mạch ra bến Hoàng Giang đâm đầu xuống nước”. Trong tác phẩm của Nguyễn Dữ, hành động ấy có nỗi đau khổ tuyệt vọng nhưng cũng có sự tham gia của lí trí. Có thể thấy rõ điều đó qua chi tiết nàng “tắm gội chay sạch” trước khi quyên sinh, và lời nguyền của nàng rất rõ ràng, dứt khoát. Cái chết của Vũ Nương thể hiện nỗi đau khổ của nàng đã lên đến tột cùng.
Vũ Nương là một người phụ nữ xinh đẹp, thùy mị, nết na, hiền thục, lại đảm đang tháo vát, phụng dưỡng mẹ chồng rất mực hiếu thảo, một dạ thủy chung với chồng, hết lòng vun đắp hạnh phúc gia đình. Nàng xứng đáng được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, thế nhưng lại phải chết một cách oan uổng, đau đớn. Câu chuyện về Vũ Nương đã thể hiện sâu sắc số phận bi kịch của người phụ nữ trong chế độ phụ quyền phong kiến đầy bất công.
3. Nhân vật Trương Sinh :
3.1. Trương Sinh là “con nhà hào phú, nhưng không có học”. Trương lấy Vũ Nương nào phải là tình yêu, mà chỉ là “mến vì dung hạnh, xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về”. Mầm mống bi kịch của Vũ Nương có lẽ đã bắt đầu từ những yếu tố này. Cuộc hôn nhân vốn đã không bình đẳng giữa nam và nữ, lại thêm sự cách bức giàu nghèo : Vũ Nương “vốn con kẻ khó”, lấy Trương Sinh là “được nương tựa nhà giàu”. Vũ Nương sẽ là nạn nhân của một chế độ đầy bất công.
3.2. Trong đời sống vợ chồng, Trương là người chồng “có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức”.
3.3. Hết chiến tranh, Trương Sinh trở về và đối diện với nỗi mất mát : mẹ già thương nhớ con nên sinh bệnh và đã qua đời.
Trong hoàn cảnh và tâm trạng như thế, tính tình chàng càng dễ bị kích động. Lời nói ngây thơ của con trẻ đã kích động tính ghen tuông của Trương. Tác giả đã xây dựng đoạn truyện này bằng những chi tiết đầy kịch tính. Chàng bế con, “đứa trẻ không chịu, ra đến đồng, nó quấy khóc”. Chàng dỗ dành, đứa con ngây thơ nói “Ô hay ! Thế ra ông cũng là cha tôi ư ? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít”. Lời nói được tách ra thành hai phần, phần sau thông tin càng “ghê gớm” hơn phần trước. Làm sao Trương Sinh khỏi bàng hoàng khi biết đứa trẻ có những hai người cha, người cha – Trương Sinh biết nói còn người cha trước kia “chỉ nín thin thít” ? Sau đó lại thêm những thông tin : “một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”. Tục ngữ có câu : “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, trẻ con bao giờ cũng nói thật. Những lời nói ngây thơ của đứa con khiến người ta không thể không nghĩ đến cảnh tượng của một đôi gian phu dâm phụ, huống chi là Trương Sinh : “Tính chàng hay ghen, nghe con nói vậy, đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được”. (Cách dẫn dắt tình tiết như vậy là rất chân thực và khéo léo.)
Tuy nhiên, điều đáng trách là cách xử sự của Trương Sinh. Con người ít học này đã hành động một cách quá nông nổi và hồ đồ. Không cần hỏi đến vợ nửa lời, vừa về đến nhà, chàng đã “la um lên cho hả giận”. Chàng không còn bĩnh tĩnh để phân tích, phán đoán, mặc kệ những lời phân trần của Vũ Nương, rồi “họ hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng, cũng chẳng ăn thua gì”. Cách duy nhất để làm sáng tỏ mọi chuyện là giải quyết chính cái nguyên nhân gây xung đột : kể lại câu chuyện của đứa trẻ. Nhưng điều tệ hại nhất là chàng cũng không cho nàng cơ hội để minh oan khi nhất quyết “giấu không kể lời con nói”. Trương Sinh từ một người chồng độc đoán, ghen tuông mù quáng, đã trở thành một kẻ vũ phu, thô bạo : “mắng nhiếc nàng, và đánh đuổi đi”. Hàng động ấy đã bức tử Vũ Nương, đã buộc người phụ nữ đáng thương ấy phải chết một cách bi thảm. Đáng giận hơn nữa là cái chết của Vũ Nương vẫn không thể làm cho Trương tỉnh ngộ để tin nàng trong sạch. Chàng vẫn “giận là nàng thất tiết” và chỉ “động lòng thương”.
Nhân vật Trương Sinh là hiện thân của chế độ phụ quyền phong kiến bất công. Sự độc đoán, chuyên quyền đã làm tê liệt lí trí, đã giết chết tình người và dẫn đến bi kịch.
4. Những yếu tố kì  ảo :
Truyện cổ tích “Vợ chàng Trương” kết thúc ở chỗ thằng bé chỉ cái bóng trên tường, Trương Sinh tỉnh ngộ và thấu nỗi oan của vợ. Kết thúc như thế đã là có hậu vì nỗi oan của Vũ Nương đã được giải. Nguyễn Dữ thêm vào đoạn kết, đem lại cho tác phẩm sức hấp dẫn và những giá trị mới.
4.1. Câu chuyện ở trần gian đã chấm dứt, tác giả mở tiếp câu chuyện ở thế giới thần linh. Sức hấp dẫn của đoạn truyện này, trước hết và chủ yếu, là ở những yếu tố hoang đường, yếu tố kì ảo : Phan Lang nằm mộng thấy người con gái áo xanh, rồi thả rùa mai xanh ; Phan Lang lạc vào động rùa của Linh Phi, được đãi tiệc yến và gặp Vũ Nương ; câu chuyện Vũ Nương được tiên rẽ nước cứu mạng đưa về thủy cung ; Phan Lang được sứ giả Xích Hỗn rẽ nước đưa về dương thế ; hình ảnh Vũ Nương hiện ra sau khi Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng ở bến Hoàng Giang, lung linh huyền ảo với “một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện”, rồi sau đó “bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất” trong chốc lát. Dẫu biết rằng đó chỉ là những yếu tố hoang đường, nhưng người đọc vẫn cảm thấy gần gũi và chân thực bởi tác giả đã khéo kết hợp với những yếu tố thực về địa danh , về thời điểm lịch sử, sự kiện và nhân vật lịch sử, những chi tiết về trang phục của các mĩ nhân và Vũ Nương, câu chuyện của Phan Lang về tình cảnh nhà Vũ Nương sau khi nàng mất.
4.2. Ý nghĩa của những yếu tố kì ảo :
+ Trước hết, những yếu tố kì ảo có ý nghĩa hoàn chỉnh thêm nét đẹp của nhân vật Vũ Nương. Dù ở thế giới khác, nàng vẫn nặng tình với cuộc đời, vẫn quan tâm đến chồng con, phần mộ tổ tiên, thương nhớ quê nhà. Khi nghe Phan Lang nói về tình cảnh quê nhà, nàng “ứa nước mắt khóc, rồi quả quyết đổi giọng mà rằng :
- Có lẽ, không thể gửi hình ẩn bóng ở đây được mãi, để mang tiếng xấu xa. Vả chăng, ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày”.
Và dù không còn là con người của trần gian, nàng vẫn còn đó nỗi đau oan khuất, vẫn khao khát được phục hồi danh dự : “Nhờ nói hộ với chàng Trương, nếu còn nhớ chút tình xưa nghĩa cũ, xin lập một đàn giải oan ở bến sông, đốt cây đèn thần chiếu xuống nước, tôi sẽ trở về”.
+ Điều quan trọng hơn, là những yếu tố kì ảo đó đã tạo nên một kết thúc có hậu cho tác phẩm, thể hiện mơ ước ngàn đời của nhân dân về lẽ công bằng : người tốt dù có trải qua bao oan khuất, cuối cùng cũng được đền trả xứng đáng, cái thiện bao giờ cũng chiến thắng.
Tuy nhiên, kết thúc có hậu vẫn không làm giảm đi tính bi kịch của tác phẩm. Vũ Nương trở về uy nghi, rực rỡ nhưng chỉ thấp thoáng, lúc ẩn lúc hiện ở giữa dòng sông. Sau lời tạ từ đầy ngậm ngùi “Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng trở về nhân gian được nữa”, “trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến mất”. Nàng không thể trở lại trần gian, thực ra đâu phải chỉ vì cái nghĩa với Linh Phi : “Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ”, mà điều chủ yếu là nàng chẳng còn gì để trở về. Đàn giải oan chỉ là một chút an ủi cho người bạc phận chứ không thể làm sống lại tình xưa. Nỗi oan đã được giải, nhưng hạnh phúc thực sự đâu có thể tìm lại được nữa. Sự dứt áo ra đi của Vũ Nương biểu hiện thái độ phủ định cõi trần thế với cái xã hội bất công đương thời, cái xã hội mà ở đó người phụ nữ không thể có hạnh phúc. Điều đó càng khẳng định niềm thương cảm của tác giả đối với số phận bi thảm của người phụ nữ trong chế đôï phong kiến.
So với truyện dân gian, kết thúc truyện của Nguyễn Dữ cũng làm tăng thêm sự trừng phạt đối với Trương Sinh. Vũ Nương không trở về, Trương Sinh càng phải cắn rứt ân hận vì lỗi lầm của mình.
C. Tổng kết :
 “Chuyện người con gái Nam Xương” khẳng định nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời cảm thương cho số phận nhỏ nhoi, đầy tính chất bi kịch của họ dưới chế độ phong kiến. Đây là một áng văn hay, thành công về mặt dựng truyện, dựng nhân vật, kết hợp cả tự sự, trữ tình và kịch.

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Xéc-van-tét và đoạn trích "Đánh nhau với cối xay gió"



 
A. CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP XÉC-VAN-TÉC
Mi-ghen Đơ Xéc-van-téc (Miguel de Cervantes, 1547-1616), nhà văn Phục hưng Tây Ban Nha, là tiểu thuyết gia bậc thầy của nhân loại. Ông không chỉ nổi tiếng với tư cách là nhà nhân văn mang tư tưởng tiến bộ hướng về quyền bình đẳng, tự do cho con người mà còn được xem là người khai sinh ra tiểu thuyết hiện đại, đặc biệt là loại tiểu thuyết phiêu lưu. Hình thức tiểu thuyết này được kế thừa bởi nhiều nhà văn thuộc các thế hệ sau như Đi-phô (Anh), Mac Tuên (Mĩ)... Đặc biệt, Xéc-van-téc còn khai sinh ra kiểu nhân vật lưỡng diện, vừa điên rồ vừa sáng suốt, dùng tiếng cười và thủ pháp lạ hóa điêu luyện trong việc bóc trần những thói hư tật xấu của con người và xã hội. Đôn Ki-hô-tê và Xan-chô Pan-xa của ông trở thành những biểu tượng bất hủ của mọi thời.
Xéc-van-téc sinh năm 1547 tại An-ca-la Đơ Hê-na-rex, gần thủ đô Ma-đrit. Cha ông là một thầy thuốc nghèo đông con. Thuở ấu thơ, Xéc-van-téc chịu nhiều khổ cực, cùng gia đình di chuyển qua nhiều thành phố để kiếm sống. Việc học của ông, vì thế phải chịu nhiều phen gián đoạn. Theo các tài liệu đáng tin cậy, ta biết Xéc-van-téc tốt nghiệp tại Học viện nhân văn (Humanist academy)(có ý kiến khác cho rằng ông tốt nghiệp đại học thần học) ở Ma-đrít. Năm 1569, Xéc-van-téc rời Tây Ban Nha sang I-ta-li-a và một năm sau, ông gia nhập quân đội Tây Ban Nha.
Xéc-van-téc trưởng thành dưới thời vua Phi-lip Đệ nhị (1556–1589). Giai đoạn này Tây Ban Nha là cường quốc số một của Châu Âu. Sau sự kiện Cri-xtốp Cô-lông tìm ra châu Mĩ vào năm 1492, Tây Ban Nha đẩy nhanh quá trình đầu tư và khai thác thuộc địa. Nhờ vào sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân với hạm đội Ác-ma-đa, Tây Ban Nha vừa mở rộng thuộc địa, vừa tăng cường cướp bóc trên biển, nên chẳng mấy chốc đã trở nên giàu có. Tuy nhiên, tiền của lại rơi vào tay quý tộc phong kiến, khoảng cách giữa người giàu người nghèo ngày càng nới rộng hơn. Sự xa xỉ trong cung đình và sự xao lãng trong sản xuất, cùng với mâu thuẫn trong nội bộ giới lãnh đạo đã khiến cho Tây Ban Nha suy thoái kể từ giữa thế kỉ mười sáu. Khi hạm đội Ác-ma-đa bị bão vùi quá nửa lúc đang tiến đánh nước Anh và sau đó là sự bại trận thảm hại đã khiến Tây Ban Nha mất quyền thống trị mặt biển, làm giảm nguồn lợi nhuận đáng kể, khiến đất nước rơi nhanh vào khủng hoảng.
Xéc-van-téc trực tiếp chứng kiến những đổi thay này. Năm 1571, ông tham gia trận thủy chiến Lê-pan-tô chống quân Thổ Nhĩ Kì. Tinh thần quả cảm của ông được ngợi khen nhưng trận chiến ấy đã để lại thương tật vĩnh viễn trên bàn tay trái của ông. Sau đó ông còn tham gia nhiều trận đánh lớn trên biển Địa Trung Hải trước khi quay về Tây Ban Nha từ Na-plơ. Không may cho Xéc-van-téc, ông bị bọn cướp biển Bắc Phi bắt giữ làm tù binh để đòi tiền chuộc. Khoản tiền quá lớn khiến gia đình ông không thể đáp ứng, triều đình thì không hề quan tâm. Do vậy, Xéc-van-téc phải sống trong cảnh mất tự do năm năm ở An-giơ. Thời gian này, ông có điều kiện tiếp xúc với văn hóa Hồi giáo và hiểu biết những xung đột giữa Hồi giáo và Thiên chúa giáo để về sau dùng làm tư liệu cho nhiều trang viết thành công của mình. Chặng đường mười năm luân lạc (1570–1580) đã được Xéc-van-téc hư cấu thành chuyện của một người tù trong Đôn Ki-hô-tê (phần một, chương 39 – 41).
Năm 1580, nhờ khoản tiền chuộc giảm xuống vì những kẻ bắt giữ khâm phục lòng dũng cảm của ông (ông tổ chức vượt biển bốn lần nhưng không thành công và lần nào cũng nhận trách nhiệm về mình), gia đình và bạn bè mới có thể quyên góp để mua lại tự do cho ông. Lúc này Xéc-van-téc đã quá thấm thía về cảnh tù tội, sự vô trách nhiệm của triều đình song bù lại, ông có khoảng thời gian trực tiếp nếm trải và chiêm nghiệm cuộc đời. Đấy là khối tài sản vô giá cho sự nghiệp văn chương ông.
Ở Ma-đrít, Xéc-van-téc bắt đầu con đường sáng tác của mình. Ông làm thơ, nhưng không thành công. Ông viết kịch (khoảng ba mươi vở) song chẳng một vở nào được trình diễn. Ông viết tiểu thuyết đồng quê (pastoral romance), La Ga-la-te-a (1585) nhưng chẳng gây được tiếng vang... Như thế cuộc sống vất vả gian truân của ông lại càng gian truân hơn. Năm 1587, Xéc-van-téc nhận chân ủy viên hội đồng cung ứng lương thực cho Hạm đội Ác-ma-đa (một năm sau, Ác-ma-đa qua thời hoàng kim vì bại trận dưới tay người Anh và trở thành gánh nặng về chi phí đối với đất nước) mà thực chất là đi đốc thuế. Vì công việc mà Xéc-van-téc nhiều lần mâu thuẫn với nhà thờ và giới quý tộc (bởi đó là hai đối tượng chiếm giữ nhiều đất đai và phải nộp thuế nhiều). Bi đát hơn, vào năm 1597, Xéc-van-téc phải ngồi tù vì sự phá sản của ngân hàng Se-vi-li-an nơi ông gửi số tiền thuế để chuyển về nộp tại Ma-đrít. Trong thời gian này ông nảy ý định viết Đôn Ki-hô-tê. Phần một của cuốn tiểu thuyết được hoàn thành vào năm 1605. Ngay lập tức, tên tuổi của ông vang dội khắp Tây Ban Nha và châu Âu. Sách được tái bản và phát hành tới hàng triệu cuốn nhưng Xéc-van-téc nghèo vẫn cứ nghèo vì tiền rơi hết vào tay các nhà xuất bản và lãnh chúa bảo trợ. Cảnh cơ hàn của Xéc-van-téc đã được lưu truyền qua giai thoại sau: năm 1615, nhân chuyến thăm Tây Ban Nha, đoàn sứ giả Pháp đến thăm Xéc-van-téc. Thấy sự nghèo khổ của ông, một người thốt lên, – “Sao ! Một con người như vậy mà nước Tây Ban Nha không lấy công quỹ cung dưỡng và làm cho giàu có ư !”. Người khác nói thêm một cách ý nhị, “Nếu sự nghèo túng buộc ông ta phải viết sách thì cầu Chúa cho ông ta không bao giờ sung túc để những tác phẩm của một người nghèo khổ như ông làm giàu cho thiên hạ” (Đôn Kihôtê - nhà quý tộc tài ba xứ Mantra, Trương Đắc Vỵ dịch, Nxb Văn học, H.,1997, tr. 8, tập 1). Năm 1613, Xéc-van-téc hoàn thành tập Truyện nêu gương. Tập truyện ngắn này mang lại cho ông danh tiếng là Bô-ca-xi-ô của Tây Ban Nha. Nhưng vào thời điểm ấy, độc giả chú ý đến tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê nhiều hơn. Trong lúc Xéc-van-téc đang dốc sức hoàn thành phần hai của cuốn tiểu thuyết trứ danh thì có kẻ định cướp công của ông bằng cách tung ra thị trường phần hai của Đôn Ki-hô-tê vào năm 1614. Cuốn này, dĩ nhiên không thể sánh bằng cuốn của Xéc-van-téc. Sự việc ăn cắp trắng trọn này đã được Xéc-van-téc viết rõ trong phần hai Đôn Ki-hô-tê của mình, xuất bản năm 1615.
Về đời tư, kể từ năm 1582, Xéc-van-téc chung sống với A-na Phran-ca Đơ Rô-giax, hai người sinh được cô con gái I-sa-ben. Đến năm 1584, Xéc-van-téc chia tay với A-na để kết hôn với Ca-ta-li-na Đơ Sa-la-da nhưng không có con.
Xéc-van-téc qua đời ngày 22 tháng 4 năm 1616. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng được xuất bản sau khi ông mất là Pơ-xi-lex Xi-gi-xmun-đa (1617).

B. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. TÓM TẮT TIỂU THUYẾT “ĐÔN KI-HÔ-TÊ”
Đôn Ki-hô-tê, nhan đề đầy đủ là Đôn Ki-hô-tê nhà quý tộc tài ba xứ Mancha, bao gồm hai phần: phần một 52 chương, phần hai 74 chương, với gần 700 nhân vật, xoay quanh ba chuyến đi làm hiệp sĩ giang hồ của Đôn Ki-hô-tê.
Tiểu thuyết kể chuyện nhà quý tộc nghèo A-lôn-xô Ki-ha-na tuổi ngoài ngũ tuần say mê truyện hiệp sĩ đến mức phát rồ, tự trang bị cho bản thân những vũ khí gỉ sét của tổ tiên còn sót lại để lên đường hành hiệp. Chuyến đi thứ nhất, chàng cưỡi con ngựa còm mà chàng đặt cho cái tên mĩ miều là Rô-xi-nan-tê (có nghĩa: con ngựa đứng đầu loài ngựa) đến một quán trọ mà chàng đinh ninh là lâu đài. Gã chủ quán trong mắt chàng là quan trấn thành. Theo đề nghị của Đôn Ki-hô-tê, gã phong tước hiệp sĩ cho chàng. Trên đường đi, Đôn Ki-hô-tê gây sự với cánh lái la, bênh vực cậu bé An-đrêx rồi chặn đường toán lái buôn bắt họ ca tụng sắc đẹp của tình nương mình là Đuyn-xi-nê-a – một cô thôn nữ béo phị được chàng đặt cho cái tên sang trọng ấy nên bị bọn họ và gã chăn lừa nện cho một trận thập tử nhất sinh. Người làng của chàng tình cờ phát hiện bèn đưa chàng về nhà.
Biết được nguyên nhân khiến Đôn Ki-hô-tê điên rồ, Cha xứ Pê-rô Pê-rex và bác phó cạo Ni-cô-lax trong làng cùng với cô cháu gái và bà quản gia của Đôn Ki-hô-tê đốt sạch sách trong thư viện rồi xây tường bịt kín cửa. Đôn Ki-hô-tê khi bình phục, không tìm thấy sách bèn giải thích là do tên pháp sư Phơ-re-xtôn thù địch gây ra.
Không lâu sau, Đôn Ki-hô-tê lại ra đi lần thứ hai cùng với Xan-chô Pan-xa. Bác nông dân hiền lành chất phác này đồng ý làm giám mã cho Đôn Ki-hô-tê do được hứa là sẽ cho làm thống đốc vài hòn đảo khi hai thầy trò công thành danh toại. Hai người khởi hành vào ban đêm, qua cánh đồng Môn-ti-en đánh nhau với cối xay gió, đến gần cảng La-pi-xê, hai thầy trò gặp một phu nhân và mấy kị sĩ theo hầu, cho rằng đấy là một công chúa bị bắt cóc, Đôn Ki-hô-tê xông vào giải thoát, đánh thắng kị sĩ Vi-xcai-a sau khi bị chém mất nửa cái mũ và nửa cái tai. Tiếp đó, Đôn Ki-hô-tê bị bọn lái la đánh cho một trận nhừ tử vì Rô-xi-nan-tê trêu ghẹo đám ngựa cái của họ. Hai thầy trò đến một quán trọ mà Đôn Ki-hô-tê cho là lâu đài. Tối đến, do nhầm lẫn khi cô hầu gái tìm đến với gã người tình lái la, thầy trò bị cuốn vào cuộc đánh nhau loạn xạ. Đôn Ki-hô-tê không trả tiền trọ nên Xan-chô Pan-xa bị bọn lái buôn chơi trò tung hứng. Đôn Ki-hô-tê cướp chậu cạo râu làm mũ đội. Gặp đoàn tù khổ sai đang bị giải đi, phẫn nộ vì thấy sự tự do của con người bị tước đoạt, Đôn Ki-hô-tê giải phóng cho họ rồi bị chính họ ném đá bị thương khi chàng bắt họ tìm gặp Đuyn-xi-nê-a để tán dương công trạng mình. Vì việc làm này mà hai thầy trò phải bỏ trốn vào núi, gặp Các-đê-ni-ô điên khùng do bị bạn cướp mất người yêu rồi sau đó tình cờ được đoàn tụ. Cha xứ và bác phó cạo đi tìm Đôn Ki-hô-tê, đưa chàng về quán trọ, mọi người cùng nghe đọc bản thảo “Truyện anh chàng hiếu kì khờ dại”, cùng nghe Người Tù kể lại chuyện của mình. Đôn Ki-hô-tê lao vào lễ cầu mưa giải thoát cho bức ảnh Đức Mẹ vì cho rằng đấy là công chúa bị bắt cóc. Chàng bị nện nhừ tử. Mọi người phải khênh chàng lên xe bò đưa về nhà.
Lần ra đi thứ ba của hai thầy trò bắt đầu bằng việc đến thăm nàng Đuyn-xi-nê-a. Đấy là một cô thôn nữ xấu xí. Đôn Ki-hô-tê cho là nàng bị phù phép. Trên đường, hai thầy trò gặp nhà quý tộc Đôn Đi-e-gô với triết lí sống an nhàn. Đôn Ki-hô-tê phản đối cách sống ấy bằng cách chặn đoàn xe chở sư tử lại, bắt người áp tải mở cửa để mình đánh nhau với sư tử. Con sư tử chui ra giương mắt nhìn rồi lại chui vào. Đôn Ki-hô-tê chiến thắng. Sau khi thực hiện vài chiến công nữa, thầy trò Đôn Ki-hô-tê gặp vợ chồng Công tước, những người đã đọc Đôn Ki-hô-tê (tập một) nên biết chuyện của hai thầy trò Họ bày trò mua vui cho Xan-chô Pan-xa làm thống đốc đảo. Bác giám mã tỏ ra rất tài ba, công bằng khi cai trị. Song vì bị biến thành trò cười, hai thầy trò cảm thấy mất tự do nên quyết chí bỏ đi. Đến Xa-ra-go-xa, hai thầy trò gặp đám thanh niên chán cuộc sống thành thị tụ tập làm mục đồng. Đến Bac-xê-lô-na, họ gặp tướng cướp cao thượng Rô-ke, rồi gặp nhà quý tộc An-tô-ni-ô, Xan-chô bị mang ra chơi trò tung hứng...
Cậu tú Ca-ra-xcô, muốn cứu Đôn Ki-hô-tê, bèn giả trang thành hiệp sĩ Vầng trăng bạc thách đấu Đôn Ki-hô-tê với điều kiện, người thua sẽ không được phép đi làm hiệp sĩ nữa. Đôn Ki-hô-tê bị đánh ngã, phải trở về nhà, không lâu sau thì qua đời.

2. TIẾP CẬN ĐOẠN TRÍCH “ĐÁNH NHAU VỚI CỐI XAY GIÓ”

Hành động đánh nhau với cối xay gió của Đôn Ki-hô-tê từ lâu đã trở thành điển tích nhằm chỉ những người bất bình thường trong hành động hoặc chỉ một hành động thiếu thực tế, không mang lại kết quả.
Cả hai nét nghĩa trên đều được rút ra từ phẩm chất cơ bản của chàng hiệp sĩ Mặt Buồn Đôn Ki-hô-tê: giàu trí tưởng tượng và kiên quyết sống, hành động trong thế giới tưởng tượng đó. Chuyện Đôn Ki-hô-tê đánh nhau với cối xay gió thuộc phần đầu của chương tám, có tựa đề là “Cuộc gặp gỡ rùng rợn quá sức tưởng tượng giữa hiệp sĩ dũng cảm Đôn Ki-hô-tê với cối xay gió và những sự việc đáng ghi nhớ khác”.

a. Chạm trán

Trước khi để chàng hiệp sĩ chạm trán với “những tên khổng lồ” cối xay gió, Xéc-van-téc khéo léo đưa người đọc vào thế giới giả tưởng bằng cách để hai thầy trò đối thoại với nhau về cái tương lai gần của “thống đốc” Xan-chô Pan-xa và Xan-chô nghĩ đến cái gánh nặng mình phải mang và cả việc không xứng đáng làm hoàng hậu của bà vợ quê mùa của mình. Đôn Ki-hô-tê bèn dạy đệ tử:
“– Xan-chô, hãy trông chờ Thượng đế. Người sẽ dành cho vợ anh một địa vị thích hợp. Còn anh cũng chớ quá tự hạ mình không dám nhận chức thống đốc.
– Thưa ngài, tôi không dám thế nữa. Vả chăng có một ông chủ tốt bụng như ngài, tôi tin chắc sẽ được xếp đặt đúng nơi, đúng chỗ và sẽ gánh vác được công việc”.
Từ chỗ thuyết phục được Xan-chô tin vào lời mình, Đôn Ki-hô-tê lại tiếp tục đưa Xan-chô đi sâu vào thế giới tưởng tượng. Tín hiệu thẩm mĩ được đặt ngay đầu chương, tiếp nối mạch suy nghĩ viễn vông của chàng hiệp sĩ với thế giới thực tại: “Chợt... phát hiện có ba, bốn chục chiếc cối xay gió giữa đồng, và Đôn Ki-hô-tê vừa nhìn thấy liền nói với giám mã”(tr. 75), cũng vẫn là lời dụ dỗ vinh hoa phú quý:
“Vận may run rủi khiến cho sự nghiệp của chúng ta tốt đẹp quá sự mong muốn, vì kia kìa, anh bạn Xan-chô Pan-xa ơi, có đến ba bốn chục tên khổng lồ ghê gớm, ta quyết giao chiến giết hết bọn chúng ; và với những chiến lợi phẩm thu được, chúng ta sẽ bắt đầu giàu có” (tr. 75).

b. Nhận thức

Gắn những tên “khổng lồ ghê gớm” với hành động “quyết giao chiến giết hết bọn chúng” và kết quả “giàu có” nhờ “chiến lợi phẩm”, quả thực Đôn Ki-hô-tê tỏ ra rất lô-gích trong sự điên rồ của mình, song Xan-chô đâu dễ bị thuyết phục bởi ban nãy, cái chức thống đốc một hòn đảo nhờ trừu tượng nên bác có thể tin được, còn gọi những cối xay gió là khổng lồ thì thật là khó tin vì chúng rất thực. Xan-chô không chấp nhận: “Những tên khổng lồ nào cơ?”
Câu hỏi lại này là một lời phủ nhận vì dẫu có mơ tưởng đến hòn đảo kia đến đâu chăng nữa thì bác giám mã cũng không thể nào tưởng tượng được theo kiểu của ông chủ:
“– Những đứa mà anh nhìn thấy kia kìa.”
Đôn Ki-hô-tê khẳng định: Khổng lồ ở kia kìa, song vấn đề là Xan-chô có nhìn thấy hay không? Dụng ý của Đôn Ki-hô-tê là Xan-chô chưa nhìn thấy nên chưa chịu thừa nhận bởi theo chàng sự thực đã quá hiển nhiên, “cánh tay chúng dài ngoẵng, có đứa, cánh tay dài tới hai dặm”. Mục đích của việc đưa thêm bằng chứng (cánh tay) và khẳng định tính chất khổng lồ (dài tới hai dặm) của Đôn Ki-hô-tê cốt chỉ để nhấn mạnh thêm rằng đấy chính là bọn khổng lồ.
Đến đây tiếng cười từ phía người đọc được đẩy cao thêm bước nữa. Người đọc đồng ý với Xan-chô, cùng cười sự điên rồ thái quá của Đôn Ki-hô-tê. Tiếng cười được xây dựng theo lối tương phản giữa thực tế và tưởng tượng, giữa tỉnh và điên. Người đọc bị lôi cuốn vào cuộc đối thoại nghịch lí của hai thầy trò khi mỗi bên đều cố giữ cho mình một lô-gích nội tại riêng. Xan-chô đâu dễ chấp nhận lí luận điên rồ của thầy mình:
“– Thưa ngài, – Xan-chô nói, – xuất hiện ở kia chẳng phải là các tên khổng lồ đâu mà chỉ là những cối xay gió, và cái vật trông giống cánh tay là những cánh quạt” (tr. 75).
Quả thật thầy nào trò ấy. Xan-chô cũng kiên định trong nhận thức của mình. Điều này có lí do vì một người nông dân như bác thì quá hiểu thế nào là cối xay gió, nên đã giải thích cặn kẽ cho chủ “cánh tay” là “cánh quạt” và cả cơ chế vận hành “khi có gió thổi, chúng sẽ quay tròn làm chuyển động cối đá bên trong” (tr. 75).
Điểm khác nhau cơ bản giữa hai thầy trò đã rõ: cối xay là những tên khổng lồ và cối xay chỉ là cối xay. Cách nhận thức của Xan-chô thì khỏi phải bàn: quả là chỉ có những chiếc cối xay gió thật sự. Cái thế giới này như thế thì sẽ vận hành như thế. Đây là thái độ chấp nhận thực tại theo nguyên tắc tồn tại của nó. Trong khi đó, nhận thức của Đôn Ki-hô-tê lại được đặt trong cái nhìn lạ hóa: Nguyên tắc tồn tại của thế giới ấy có vấn đề, như cách Hăm-lét nhận ra Đan Mạch là chốn ngục tù ghê tởm song mọi người sống trong thế giới ấy đâu có ý thức được như Hăm-lét. Nói cách khác, Xan-chô thấy cuộc sống đâu có gì đáng bàn (việc ra đi phiêu lưu của bác cũng chỉ nhằm để “thỏa mãn cái dạ dày” mà thôi). Trong khi đó, thì ngay từ khi nhìn thấy cối xay gió, chàng hiệp sĩ đã xác định: Đây là một cuộc chiến đấu chính đáng, và quét sạch cái giống xấu xa này khỏi mặt đất là phụng sự Chúa đấy (tr. 75).
Lớp nghĩa thứ hai đã lộ rõ: cối xay – khổng lồ – giống xấu xa. Đôn Ki-hô-tê không đánh nhau với cối xay vì cối xay mà vì đấy là hiện thân của giống xấu xa. Mục đích của chàng hiệp sĩ vô cùng cao cả “quét sạch cái giống xấu xa này khỏi mặt đất”. Hạt nhân hợp lý trong mục đích này thường xuyên đối thoại với hành động điên rồ của chàng hiệp sĩ. Người đọc cười ngặt nghẽo trước lối nói, cử chỉ, hành động của chàng, song không thể không thừa nhận điểm sáng nhân văn trong các hành động đó.
Như thế, giá trị từ hành động của Đôn Ki-hô-tê là giá trị cảnh tỉnh. Hành động đó giúp cho người đọc hiểu ra được tính vấn đề trong sự bình lặng của xã hội. Mi lan Kun-đe-ra – nhà văn kiêm phê bình gia nổi tiếng của thế kỉ hai mươi – nồng nhiệt ca ngợi Xéc-van-téc ở điểm này: “Khi Đôn Ki-hô-tê bước vào thế giới, cái thế giới ấy hóa thành bí ẩn trước mắt chàng. Đấy là di sản từ cuốn tiểu thuyết châu Âu đầu tiên đối với toàn bộ lịch sử tiểu thuyết sau này. Xéc-van-téc dạy độc giả nhận thức được tính vấn đề của thế giới xung quanh”.(1)
Trận chiến của Đôn Ki-hô-tê sắp nổ ra. Đây là trận chiến quyết liệt vì chàng đơn thương độc mã. Xan-chô đã rụt cổ vì (theo lời Đôn Ki-hô-tê) sợ hãi mà thực chất (vẫn là lời Đôn Ki-hô-tê) là “Chẳng thạo gì về những chuyện phiêu lưu”.
Như thế, vấn đề ở đây là nhìn thấy và hiểu (thạo). Xan-chô không nhìn thấy khổng lồ và cũng không hiểu bản chất của chúng. Vậy nên ông chủ can đảm, hào phóng của bác không khiến bác cùng xung trận: “Nếu anh sợ thì hãy lánh ra xa mà cầu kinh trong lúc ta sẽ đương đầu với chúng trong một cuộc giao tranh điên cuồng và không cân sức” (tr. 75).

c. Hành động

Phẩm chất anh hùng mà cùng với nó là hiệu quả gây cười mỗi lúc được đẩy cao hơn ở Đôn Ki-hô-tê lộ rõ khi chàng đơn thương độc mã đối mặt với kẻ thù. Nếu ở đoạn trên, người kể chuyện hoàn toàn sử dụng ngôn từ đối thoại để dẫn dắt truyện (cách trần thuật này nhằm tạo hiệu quả sinh động trong khắc họa tính cách nhân vật, người kể để nhân vật tự bộc lộ mình) thì tiếp theo đây, người kể xuất hiện, dùng lời phân tích tâm lý và miêu tả để làm nổi bật hình ảnh người anh hùng: “Nói rồi, Đôn Ki-hô-tê thúc con Rô-xi-nan-tê xông lên”. Thái độ kiên quyết của chàng hiệp sĩ được khẳng định qua các cụm từ miêu tả: “Chẳng thèm để ý”, “trong bụng vốn đinh ninh”, “chẳng những không nghe lời can”... mà “cũng không nhận ra”...
Xéc-van-téc, rất tài tình trong nghệ thuật khắc họa nhân vật bất bình thường của mình. Thế giới thực không có nghĩa lý gì đối với Đôn Ki-hô-tê và cả những lời khuyên ngăn đầy tỉnh táo cũng thế. Mặt khác, đây còn là thủ pháp tài tình để tác giả “hợp lý hóa” hành động điên rồ của Đôn Ki-hô-tê, bởi nếu để chàng để ý đến lời khuyên của Xan-chô hay nhận ra thì chắc hẳn chàng sẽ bừng tỉnh khỏi cơn mê của mình.
Giống mọi hiệp sĩ tài ba trong nghi thức giao đấu, Đôn Ki-hô-tê thét lên thách thức: “Chớ có chạy trốn, lũ hèn mạt nhát gan kia, bởi duy nhất chỉ có một hiệp sĩ tấn công bọn mi đây” (tr. 76). Tiếng thét này hoàn toàn phù hợp với lô-gích tâm lý được miêu tả bên trên (“trong bụng vốn đinh ninh phía trước là những tên khổng lồ”) của Đôn Ki-hô-tê. Và cũng phù hợp với sự vận động được miêu tả tiếp đó về những chiếc cối xay gió. Dường như thiên nhiên cũng “toa rập” trong việc giúp cho Đôn Ki-hô-tê tin vào sự đúng đắn từ suy nghĩ của mình. Lại cũng là chuyện ngẫu nhiên xảy ra ngay sau lời thách đấu của trang hiệp sĩ: “Vừa lúc đó nổi lên một làn cơn gió nhẹ và các cánh quạt lớn của những chiếc cối xay gió bắt đầu chuyển động ; thấy thế, Đôn Ki-hô-tê liền nói: – Dù cho bọn ngươi có vung nhiều cánh tay hơn cả gã khổng lồ Bri-an-rê-ô, các ngươi cũng sắp phải đền tội” (tr. 76).
Khổng lồ đi kèm với sức khỏe phi thường và nhiều cánh tay. Quả thật, Đôn Ki-hô-tê hoàn toàn không thể nào ý thức được mình đang đánh nhau với mấy cái cối xay gió. Với chàng, đấy là sự thách thức của thế lực tội ác, thù địch và nhiệm vụ của chàng là bắt chúng phải đền tội.
Và đây là nghi thức thứ hai của cuộc quyết đấu, chàng hiệp sĩ cầu xin tình nương giúp đỡ: “lão nhiệt thành tâm niệm cầu mong nàng Đuyn-xi-nê-a của mình cứu giúp cho trong lúc nguy nan này ; rồi lấy khiên che kín thân, tay lăm lăm ngọn giáo, lão thúc con Rô-xi-nan-tê phi thẳng tới chiếc cối xay gió gần nhất ở trước mặt” (tr. 76).
Độ căng của hành động được đẩy đến đỉnh điểm bằng các cụm từ gắn với các cuộc đấu xáp lá cà: “khiên che kín” “lăm lăm ngọn giáo” phi ngựa “thẳng tới” nhưng đối thủ lại là “chiếc cối xay gió gần nhất”. Rõ ràng người kể không “đứng” về phía Đôn Ki-hô-tê, nói cách khác là không kể theo cách nhìn hiện thực của chàng hiệp sĩ vì nếu thế thì đoạn văn trên sẽ được viết là “phi thẳng tới tên khổng lồ gần nhất”.
Vậy nên điểm nhìn trần thuật ở đây rất khách quan, đặt bên ngoài nhân vật và nhất quán. Nếu những đoạn Đôn Ki-hô-tê đối thoại với Xan-chô bộc lộ sự điên rồ của chàng thì hành động của chàng qua lời kể cũng cho thấy lô-gích phát triển của sự điên rồ đó. Đỉnh điểm của xung đột được giải quyết khi Đôn Ki-hô-tê đâm mũi giáo vào cánh quạt cối xay gió và ngay lúc đó “gió làm cánh quạt quay tít khiến ngọn giáo gẫy tan tành, kéo theo cả ngựa lẫn người ngã văng ra xa” (tr. 76).
Xem ra gió đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến “không cân sức” giữa hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê và những kẻ khổng lồ độc ác. Xéc-van-téc tỏ ra quan sát rất thấu đáo. Một chiếc cối xay gió đứng im thì chưa hẳn là một tên khổng lồ nhưng khi nó quay thì rất dễ biến thành một tên khổng lồ đương dương oai diệu võ. Làm sao mà Đôn Ki-hô-tê lại chịu đứng yên?

e. Thất bại

Nhưng kết cục thì thật bi đát. Khi Xan-chô thúc lừa đến nơi thì “thấy chủ nằm không cựa quậy” sau cái ngã như trời giáng. Xéc-van-téc dùng phép đối nghịch để miêu tả Đôn Ki-hô-tê trước và sau trận đấu:
*
Trước trận đấu
Thét lớn
Cầu cứu nàng Đuyn-xi-nê-a
Lăm lăm ngọn giáo
Thúc Rô-xi-nan-tê phi thẳng tới
*
Sau trận đấu
Dịu giọng
Không nhắc gì đến nàng
Ngọn giáo gãy tan tành
Cả người lẫn ngựa ngã chổng kềnh.
Bức tranh tương phản này cho thấy sự thất bại thảm hại của chàng hiệp sĩ. Lúc đầu, ta cứ ngỡ thái độ, ý chí của chàng sẽ khuất phục được mọi đối thủ, nhưng kết cục thì hoàn toàn ngược lại. Đây là cách tiếng cười được tạo dựng chủ yếu trong tác phẩm. Người đọc cười khi lòng nhiệt tình, ý chí, sức mạnh, trí tuệ (nếu có) của nhân vật tập trung vào điệu bộ hùng dũng lao đến lẽ ra phải chiến thắng thì lại phải nhận một cái thất bại cay đắng. Sự trái khoáy này đã mang lại cho tiếng cười nhiều tầng nghĩa:
– Bên trên là tiếng cười hài hước: cười anh chàng đi đánh nhau với cối xay gió.
– Bên dưới là tiếng cười mỉa mai, bi đát: con người bất lực trước những khổng lồ xấu xa.
Các kiểu tiếng cười được tạo nên bởi quan hệ giữa người đọc với nhiều ẩn dụ khác nhau từ nhân vật, đồ vật.

Qua hành động đánh nhau với cối xay gió của Đôn Ki-hô-tê, độc giả cùng lúc tiếp xúc với bốn đối tượng, song thực chất đấy chỉ là hai nhân vật: hiệp sĩ và cối xay. Do vậy nhân vật trong tác phẩm thường được đặt trong thế lưỡng diện trước cái nhìn tiếp nhận của người đọc. Tính chất lưỡng diện này luôn mang lại cho họ những cảm xúc, tâm lý, nhận thức cùng chiều và ngược chiều, tạo nên các mối quan hệ tương tác độc đáo đến bất ngờ giữa người đọc và nhân vật, giữa nhân vật và nhân vật...
Trong các quan hệ của các dạng nhân vật, Đôn Ki-hô-tê tỉnh không hề có quan hệ với cối xay gió. Tiến trình quan hệ có thể được biểu thị như sau: Cối xay gió Đôn Ki-hô-tê điên rồ Những tên khổng lồ Đôn Ki-hô-tê tỉnh.
Người đọc cười là cười hành động bất bình thường của Đôn Ki-hô-tê. Song chính hành động điên rồ ấy lại là phương tiện để tác giả hướng đến mục đích cuối cùng: thế giới ấy có nhiều xấu xa tội lỗi cần phải giũ bỏ. Điều mà độc giả ở mọi thời cần ở câu chuyện phiêu lưu kì quặc này là một Đôn Ki-hô-tê tỉnh. Một con người hành động và vững tin ở lý tưởng của mình.

g. Lạc quan

Do vậy sau cú ngã khủng khiếp kia, sau những lời than vãn, đầy trách móc, gây cười của Xan-chô (“Tôi đã chẳng bảo ngài rằng phải coi chừng cẩn thận đấy ư, rằng đó chỉ là những chiếc cối xay gió, ai mà chả biết thế, trừ kẻ nào đầu óc cũng quay cuồng như cối xay !”) Đôn Ki-hô-tê không chấp nhận sự thất bại của mình. Chàng tìm lý do để biện minh cho thất bại đó. Điều này không khó vì trong cái đầu ngồn ngộn chuyện hiệp sĩ phiêu lưu kia, Đôn Ki-hô-tê dễ tìm ra lời giải thích: “chuyện chinh chiến thường biến hóa khôn lường chứ không như các chuyện khác”. Khả năng biến hóa ấy là do tác nhân bên ngoài, xuất phát từ thế lực siêu phàm thù nghịch: các pháp sư, cụ thể là Phơ-re-xtôn – pháp sư đã đánh cắp thư phòng, “bây giờ lại biến những tên khổng lồ kia thành cối xay gió để tước đi của ta niềm vinh quang đánh bại chúng” (tr. 77). Vẫn biết các pháp sư có quyền năng vô hạn song không vì thế mà chàng hiệp sĩ chịu khuất phục. Bản lĩnh của Đôn Ki-hô-tê được tôn vinh khi khẳng định “các pháp thuật xấu xa của lão cũng sẽ không thể nào đối chọi được với thanh kiếm lợi hại của ta” (tr. 77).
Niềm tin chiến thắng ấy đã giúp Đôn Ki-hô-tê vượt qua mọi trở ngại, mọi đau đớn về thể xác để tiếp tục cuộc phiêu lưu tìm kiếm những chuyện mạo hiểm khác của mình. Hai thầy trò “đi về phía cảng La-pi-xê, vì theo Đôn Ki-hô-tê, con đường này có lắm người qua lại chẳng thể nào không gặp nhiều chuyện phiêu lưu khác” (tr.77).
Bản lĩnh của tinh thần nhân văn Phục hưng thể hiện rõ ở điểm này: thất bại không hề làm trang hiệp sĩ nản chí. Hơn thế nữa, con người Đôn Ki-hô-tê luôn luôn lạc quan và luôn củng cố niềm tin của mình qua sách vở, qua tình nhân, và thậm chí là qua cả khát vọng làm nở mặt nở mày về con cái ở tương lai. Đôn Ki-hô-tê nhớ lại những trang sách miêu tả một hiệp sĩ Tây Ban Nha, bị gãy gươm trong một trận đấu giống như mình vừa gãy giáo, bèn nhổ một cây sồi làm vũ khí, giết chết nhiều kẻ địch nên được tặng biệt hiệu Hiệp sĩ diệt địch, “Về sau, con cháu của chàng cũng mang tên đó”. Đôn Ki-hô-tê muốn noi theo gương ấy và dự định “nếu gặp một cây sồi, ta cũng sẽ lấy thân cây làm vũ khí như chàng hiệp sĩ Tây Ban Nha kia”, rồi lớn tiếng khẳng định với Xan-chô: “Ta sẽ lập những chiến công phi thường, và anh sẽ là người có diễm phúc được mục kích những sự việc khó có thể tưởng tượng nổi”.
Nhưng tại thời điểm Đôn Ki-hô-tê ngây ngất trong vòng hào quang rực rỡ của trí tưởng tượng ấy, thì bác giám mã thực dụng lại ngắt ngang lời, đưa ông chủ quay về với hiện thực bi đát: “Nhưng kìa, ngài ngồi thẳng lại một chút chứ, vì tôi thấy hình như ngài hơi vẹo sang một bên, chắc là do bị ngã lúc nãy” (tr .77). Quả là khát vọng “nhổ cây sồi làm vũ khí” thì không thể nào được thực hiện bởi một người vừa mới đánh nhau với cối xay gió, thua trận ngã đến “vẹo” người đi. Bằng cách đặt liền kề các sự vật hiện tượng với dụng ý tương phản để tạo tiếng cười, Xéc-van-téc đã cho thấy sự trái khoáy giữa ước mơ và thực tiễn của chàng hiệp sĩ. Ước mơ của Đôn Ki-hô-tê sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Đến đây, ta gặp một đặc điểm nữa trong đối thoại giữa hai thầy trò Đôn Ki-hô-tê: đối thoại giữa thực tế và lý tưởng. Đôn Ki-hô-tê là người tuyệt đối tuân theo lý tưởng của mình, cho dù lý tưởng đó kỳ quặc đến đâu đi nữa thì chàng cũng nhất mực tuân theo: “Đúng thế, và ta không kêu đau là vì các hiệp sĩ giang hồ có bị thương thế nào cũng không được rên rỉ, dù sổ cả ruột ra ngoài” (tr. 77).
Lời thú nhận thật thà này lại chính là sự giễu cợt tiểu thuyết hiệp sĩ một cách mạnh mẽ nhất. Con người dẫu có can đảm đến mấy thì sẽ vẫn phải rên khi bị thương “sổ cả ruột”. Nhưng ở đây, tiểu thuyết hiệp sĩ lại đi dạy con người ta làm trái với quy luật tự nhiên mà quy luật đó được bác giám mã hồn nhiên thừa nhận: “Còn tôi, có thể xin thưa với ngài rằng chỉ cần hơi đau một chút là tôi rên rỉ ngay, trừ phi cả đến giám mã của hiệp sĩ giang hồ cũng bị cấm không được rên rỉ” (tr. 77).
Tính đối thoại trong ngôn từ đối thoại này của hai thầy trò cũng góp phần kiến tạo nhiều diện mạo tâm lí khác nhau. Mục đích cuối cùng là đưa nhân vật và cả người đọc vào cái kết thúc vui vẻ, quên đi nỗi đau thể xác, hòa vào tiếng cười lạc quan: “Tính chất phác của giám mã làm Đôn Ki-hô-tê không nhịn được cười và lão bảo Xan-chô cứ việc rên la lúc nào và thế nào cũng được, dù muốn hay không, vì cho tới nay lão chưa đọc thấy có chuyện cấm đoán như thế bao giờ” (tr. 77).

h. Bảng so sánh

Ngoài văn bản được trích dẫn, trong toàn bộ tiểu thuyết, hai thầy trò Đôn Ki-hô-tê còn được khắc họa ở nhiều nét tương phản nhau như:
- Về ngoại diện (gầy cao >< béo lùn).
- Về vật cưỡi (ngựa gầy cao >< lừa lùn béo).
- Về vũ khí (trang bị đầy đủ >< không trang bị gì)...
Những nét tương phản này có tác dụng rất lớn trong việc khắc họa diện mạo nhân vật. Đặc biệt, chúng là cơ sở để tiếng cười xuất hiện. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến tính thống nhất giữa các mặt đối lập này. Vì suy cho cùng Đôn Ki-hô-tê và Xan-chô Pan-xa, mỗi nhân vật đều điển hình cho một nét tính cách của con người: thực tế – lí tưởng, tốt – xấu... mà nếu thiếu chúng thì con người khó có thể tồn tại một cách thăng bằng trên cuộc đời. Vì lẽ đó, cặp đôi nhân vậtnày có sức bổ trợ lớn lao, không thể thiếu vắng trong việc hình thành nên một diện mạo con người đúng nghĩa với biết bao nét tính cách tích cực, tiêu cực. Mà lẽ sống chân chính là phải kìm hãm những xấu xa, phát huy những mặt tốt đẹp để cuộc sống, xã hội ngày một thấm đẫm giá trị nhân văn nhiều hơn.
Quay lại cuộc chiến với cối xay gió, nếu phần đầu, Đôn Ki-hô-tê nhìn thấy những tên khổng lồ độc ác (cối xay gió), giao chiến với chúng và bị thất bại bởi pháp sư (Phơ-re-xtôn) và cuối cùng là noi gương theo các hiệp sĩ trong tiểu thuyết (không rên la), trước sau chàng hiệp sĩ tài ba vẫn nhất quán trong vai trò hành hiệp của mình. Người đọc có thể cười vì biểu hiện điên rồ của Đôn Ki-hô-tê nhưng không một ai không kính trọng bản chất hành động của chàng: vì công bằng, tự do, hạnh phúc cho bất kì ai bị áp bức. Vì lẽ này mà lí tưởng nhân văn ấy sẽ luôn tỏa sáng khi trên trái đất còn bất công ngang trái.
                                                                                                       LÊ HUY BẮC 
(NGUỒN: https://www.facebook.com/permalink.php?id=386172891455593&story_fbid=392229200849962)