Đọc “Bài thơ
về Tiểu đội xe không kính” nghĩ về những người lính chiến sỹ lái xe trong những
năm "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu
nước"
Đoàn giải phóng quân một lần ra đi.
Nào có sá chi đâu ngày trở về.
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi.
Ra đi ra đi thà chết chớ lui.
Khúc hát quen thuộc từ xa chợt vọng lại
gợi trong lòng chúng ta biết bao suy tưởng. Chúng ta như được sống lại một thời
hào hùng của dân tộc theo tiếng hát sôi nổi trẻ trung và cũng bình dị như cuộc
đời người lính. Không biết đã có bao nhiêu bài thơ nói về họ - những chàng
Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi. Tiêu biểu cho thời kì chống Mĩ cứu nước là Bài thơ về Tiểu đội xe không kính của Phạm
Tiến Duật.
-Bom
đạn khốc liệt của chiến tranh làm cho những chiếc xe ấy không có kính. Cái hình
ảnh thực này được diễn tả bằng hai câu thơ rất gần với văn xuôi lại có giọng
thản nhiên pha chút ngang tàng, đọc lên nghe rất thú vị. Ba chữ “không”
đi liền nhau với hai nốt nhấn “ Bom giật, bom rung” biểu lộ chất lính trong
cách nói phóng khoáng hồn nhiên. Như vậy tác giả đi từ hiện thực khốc liệt,
những chiếc xe vận tải bị bom Mỹ tàn phá để xây dựng lên một hình tượng thơ độc
đáo và nhiều ý nghĩa.
Tác giả miêu tả những chiếc xe không kính nhằm làm nổi rõ hình ảnh những
người chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn. Thiếu đi những điều kiện phương tiện vật
chất tối thiểu lại là một cơ hội để người lái xe bộc lộ những phẩm chất cao
đẹp, sức mạnh tinh thần lớn lao của họ. Những phẩm chất cao đẹp ấy được khắc
hoạ 1 cách cụ thể và gợi cảm ở những dòng thơ tiếp theo.
Trước hết là sự ung dung, bình tĩnh giữa chiến
trường hiểm nguy.
Những câu thơ tả thực, chính xác đến từng chi tiết. Không có kính chắn gió,
bảo hiểm, xe lại chạy nhanh nên người lái phải đối mặt với bao khó khăn nguy
hiểm: nào là “:gió vào xoa mắt đắng”, nào là “con đường chạy thẳng vào tim”,
rồi “sao trời”, rồi “cánh chim” đột ngột, bất ngờ như sa, như ùa- rơi rụng, va
đập, quăng ném.... vào buồng lái, vào mặt mũi, thân mình. Dường như chính nhà
thơ cũng đang cầm lái, hay ngồi trong buồng lái của những chiếc xe không kính
nên câu chữ mới sinh động và cụ thể, đầy ấn tượng, gợi cảm giác chân thực đến
thế.
- Cảm giác, ấn tượng căng thẳng, đầy thử thách. Song người chiến sĩ không
run sợ, hoảng hốt, trái lại tư thế các anh vấn hiên ngang, tinh thần các anh
vẫn vững vàng.... “ung dung.... nhìn thẳng. Hai câu thơ “ung dung.... thẳng” đã
nhấn mạnh tư thế ngồi lái tuyệt đẹp của người chiến sĩ trên những chiếc xe
không kính. Hai chữ “ta ngồi” với điệp từ “nhìn” cho ta thấy cái tư thế ung
dung, thong thả, khoan thai, bình tĩnh, tự tin của người làm chủ, chiến thắng
hoàn cảnh. Bầu không khí căng thẳng với “Bom giật, bom rung”, vậy mà họ vẫn
nhìn thẳng, cái nhìn hướng về phía trước của một con người luôn coi thường hiểm
nguy. Nhịp thơ 2/2/2 với những dấu phẩy ngắt khiến âm điệu câu thơ trở nên chậm
rãi, như diễn tả thái độ thản nhiên đàng hoàng. Với tư thế ấy, họ đã biến những
nguy hiểm trở ngại trên đường thành niềm vui thích. Chỉ có những người lính lái
xe với kinh nghiệm chiến trường dày dạn, từng trải mới có được thái độ, tư thế như
vậy.
Những người lính trẻ rất yêu đời lạc quan, bất chấp khó khăn, coi thường gian khổ.
Trước thử thách mới, người chiến sĩ
vẫn không nao núng. Các anh càng bình tĩnh, dũng cảm hơn. “mưa tuôn, mưa xối
xả”, thời tiết khắc nghiệt, dữ đội nhưng đối với họ tất cả chỉ “chuyện nhỏ”,
chẳng đáng bận tâm, chúng lại như đem lại niềm vui cho người lính.Chấp nhận
thực tế, câu thơ vẫn vút lên tràn đầy niềm lạc quan sôi nổi: “không có kính ừ thì có bụi, ừ thì ướt áo”.
Những tiếng “ừ thì” vang lên như một thách thức, một chấp nhận khó khăn đầy chủ
động, một thái độ cứng cỏi. Dường như
gian khổ hiểm nguy của chiến tranh chưa làm mảy may ảnh hưởng đến tinh thần của
họ, trái lại họ xem đây là một dịp để thử sức mình như người xưa xem hoạn nạn
khó khăn để chứng tỏ chí làm trai.
Sau thái độ ấy là những tiếng cười
đùa, những lời hứa hẹn, quyết tâm vượt gian khổ hiểm nguy:”Chưa cần rửa.... khô mau thôi”. (Nếu chúng ta quen đọc, hoặc yêu
thích nhưng vần thơ trau chuốt, mượt mà thì lần đầu tiên đọc những vần thơ này,
có thể cảm thấy hơi gợn, ít chất thơ. Nhưng càng đọc thì lại càng thấy thích
thú, giọng thơ có chút gì nghịch ngợm, lính tráng. Ta nghe như họ đương cười
đùa, teeos táo với nhau vậy. Có lẽ với những năm tháng sống trên tuyến đường .
Cái cười sảng khoái vô tư, khác với cái cười buốt giá trong bài thơ “Đồng chí”,
nụ cười hồn nhiên ấy rất hiếm khi gặp trong thơ ca chống Pháp, nụ cười ngạo
nghễ của những con người luôn luôn chiến thắng và tràn đầy niềm tin.)
Tình đồng chí, đồng đội gắn
bó, yêu thương.
- Sau mỗi trận
mưa bom bão đạn cùng với những chiếc xe bị tàn phá nặng nề hơn, họ lại gặp nhau
trong những phút dừng chân ngắn ngủi.
Hình tượng người chiến sĩ lái xe thêm một nét đẹp nữa về tâm hồn và tình
cảm. Đấy là tình cảm gắn bó, chia sẻ ngọt bùi của những chàng trai vui vẻ, sôi
nổi, yêu đời. Cái bắt tay độc đáo là biểu hiện đẹp đẽ ấm lòng của tình đồng
chí, đồng đội đầy mộc mạc nhưng thấm thía : “bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”, cái
bắt tay thay cho lời nói. Chỉ có những người lính, những chiếc xe thời chống Mĩ
mới có thể có những cái bắt tay ấy, một chi tiết nhỏ nhưng mang dấu ấn của cả
một thời đại hào hùng. Sự sống không chỉ tồn tại mà còn tồn tại trong một tư
thế kiêu hãnh, hiên ngang – tư thế của người chiến thắng.
Ấy vậy mà những chiếc xe như những
chiến sĩ kiên cường vượt lên trên bom đạn, hăm hở lao ra tiền tuyến với một
tình cảm thiêng liêng:
“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước. Chỉ cần trong xe có một trái tim”
Hình ảnh đậm nét. Vậy là đoàn xe đã chiến thắng, vượt lên bom đạn, hăm hở
tiến ra phía trước, hướng ra tiền tuyến lớn với một tình cảm thiêng liêng “vì
Miền Nam”, vì cuộc chiến đấu giành độc lập thống nhất đất nước đang vẫy gọi.
Thì ra cội nguồn sức mạnh của cả đoàn xe, gốc rễ, phẩm chất anh hùng của
người cầm lái tích tụ, đọng kết lại ở cái “trái tim” gan góc, kiên cường, giầu
bản lĩnh và chan chứa tình yêu thương này. Phải chăng chính trái tim con người
đã cầm lái? Tình yêu Tổ Quốc, tình yêu thương đồng bào, đồng chí ở miền Nam đau
khổ đã khích lệ, động viên người chiến sĩ vận tải vượt khó khăn gian khổ, luôn
lạc quan, bình tĩnh nắm chắc tay lái, nhìn thật đúng hướng để đưa đoàn xe khẩn
trương tới đích?
Ẩn sau ý nghĩa trái tim cầm lái, câu thơ còn muốn hướng người đọc về một
chân lí của thời đại chúng ta: sức mạnh quyết định, chiến thắng không phải là
vũ khí, là công cụ... mà là con người- con người mang trái tim nồng nàn yêu
thương, ý chí kiên cường dũng cảm, niềm lạc quan và một niềm tin vững chắc. Có
thể nói, bài thơ hay nhất là câu thơ cuối cùng này. Nó là nhãn tự, là con mắt
của bài thơ, bật sáng chủ đề, toả sáng vẻ đẹp của hình tượng nhân vật trong
thơ.
“Bài
thơ về tiểu đội xe không kính” là bài thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam thời
chống Mĩ. Bài thơ gợi lại bao kỷ niệm hào hùng của người chiến sĩ lái xe nơi
Trường Sơn khói lửa. Đọc xong bài thơ, ta càng hiểu hơn về các chiến sĩ lái xe,
về lòng dũng cảm, tư thế hiên ngang bất khuất của họ. Ta cũng thấy được chất
tinh nghịch hồn nhiên của mỗi người lính trẻ. Chiến tranh đã qua đi nhưng lời
thơ của Phạm Tiến Duật vẫn còn văng vẳng đâu đây cái chất vui tươi khỏe khoắn
yêu đời của cả một thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ.
Tháng
Tư năm 2013
Đức Hà
Nguồn: http://thcsphuonghung.pgdgialoc.edu.vn/pgl/doc-Bai-tho-ve-Tieu-doi-xe-khong-kinh--t11548-10525.html