Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Bài viết số 7 - lớp 8 - Đề 2

Dàn ý


Mở bài
Nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác đã viết thư cho các cháu học sinh, trong đó có câu:
" Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em."
Thân bài
- Giải thích câu nói:
+ Dùng những hình ảnh đẹp đẽ, Bác đã cho ta hiểu "công học tập" của học sinh hôm nay sẽ ảnh hưởng đến tương lai đất nước.
+ Bác khẳng định vai trò của tuổi trẻ với tương lai dân tộc, việc học tập của học sinh là quan trọng với đất nước.
+ Như vậy: Bác động viên các cháu học tập tốt.
- Vì sao việc học tập của thế hệ trẻ lại ảnh hưởng đến tương lai đất nước ?
+ Thanh niên học sinh hôm nay sẽ là thế hệ tiếp tục bảo vệ, xây dựng đất nước sau này.
+ Vốn tri thức được học và nếp đạo đức được nhà trường giáo dục là quan trọng, cơ bản để tiếp tục học cao, học rộng, đem ra thực hành trong cuộc sống khi trưởng thành.
+ Một thế hệ trẻ giỏi giang, có đạo đức hôm nay hứa hẹn có một lớp công dân tốt trong tương lai gần. Do đó, việc học hôm nay là rất cần thiết.
+ Thế giới không ngừng phát triển, muốn "sánh vai các cường quốc thì đất nước phải phát triển về khoa học kĩ thuật, văn minh - điều đó do con người quyết định mà nguồn gốc sâu xa là từ việc học tập, tu dưỡng thời trẻ.
- Việc học tập của tuổi trẻ tác động đến tương lai đất nước như thế nào ?
+ Ngày xưa: những người tài như Lí Công Uẩn, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi,... từ thời trẻ đã chăm chỉ luyện rèn, trưởng thành lập những chiến công làm rạng danh đất nước.
+ Ngày nay: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng. Các nhà khoa học xã hội có nhiều đóng góp cho đất nước trong mọi lĩnh vực như nhà bác học Lương Định Của, tiến sĩ Tạ Quang Bửu, anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa, ...
Kết bài
Làm thế nào để thực hiện lời dạy của Bác ?
- Mỗi học sinh phải hiểu lời Bác, chăm chỉ học hành, rèn luyện đạo đức.
- Nhà trường phải đẩy mạnh công tác giáo dục thế hệ trẻ về tài, đức.

NGUỒN: http://baogiaoduc.edu.vn/


Phân tích bài "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan


ĐỀ :      Nhận xét về thơ Bà Huyện Thanh Quan, SGK Văn học 9  ( chương trình cải cách)  có viết:
  “… Thơ bà thể hiện lòng yêu mến cảnh quan thiên nhiên đất nước, tâm sự u hoài trước thế sự đổi thay, bài nào cũng buồn thương da diết…”
                 Em hãy phân tích bài thơ “Qua Đèo Ngang” để chứng minh làm rõ nhận định trên.


 Bà Huyện Thanh Quan là một trong những nhà thơ nữ nổi tiếng trong dòng văn học viết thời phong kiến. Thơ của bà còn lại không nhiều, chỉ khỏang sáu bài. Nhưng mỗi bài thơ là một viên ngọc quý lấp lánh bởi từ ngữ trang nhã và tinh tế, bởi âm điệu trầm buồn mang mác một nỗi niềm hoài cổ. Nhận xét về thơ của bà, sách giáo khoa Văn học 9, tập một, nhà xuất bản Giáo dục năm 2000 có viết: “ … Thơ bà … buồn thương da diết…”
            Qua việc tìm hiểu, phân tích bà thơ “Qua Đèo Ngang” của bà, chúng ta sẽ làm sáng tỏ nhận định trên.
            Mở đầu bài thơ là lời giới thiệu khái quát tòan cảnh không gian và thời gian:
                                    “ Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà”
            Không gian là Đèo Ngang, thời gian là buổi xế tà. Nhà thơ đến với Đèo Ngang khi một ngày vừa lụi tắt. Anh tà dương đã khuất sau rặng núi phía Tây. Cụm từ “ bóng xế tà” lấy ý từ thành ngữ dân gian “chiều tà bóng xế” gợi lên trong lòng người đọc một cảm giác buồn mênh mang. Cảm giác ấy cứ lan tỏa dần theo vần “ a” ngân dài ở cuối câu như một nốt nhạc trầm sâu lắng. Không biết từ bao giờ, cảnh hòang hôn luôn gợi lên trong lòng người một cảm giác buồn da diết. Cảm giác này cùng với không gian chiều tà luôn là bối cảnh nền trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan:
                                    “ Chiều trời bảng lảng bóng hòang hôn
                                       Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn”    ( Chiều hôm nhớ nhà )
            Hoặc trong bài “Thăng Long thành hoài cổ” ta cũng gặp hình ảnh tương tự:
                                    “ Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
                                       Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
            Trên cái nền trời “ xế tà”, tác giả tiếp tục ngắm nhìn khung cảnh Hòanh Sơn. Trong ánh mắt nhà thơ, cảnh vật hiện lên thật đẹp nhưng cũng thật hoang sơ:
                                    “ Cỏ cây chen đa, lá chen hoa”
            Cỏ cây chen với đá, lá xen lẫn với hoa. Phép liệt kê kết hợp với nghệ thuật điệp từ, nhân hóa “ chen” làm cho mọi vật vừa xô bồ lại vừa sống động. Chúng như có hồn, đang cố chen chúc nhau ngoi lên đón chút ánh sáng thừa còn sót lại ở trời Tây. Cảnh Đèo Ngang hoang vu vang lặng và đượm một cảm giác buồn khó tả.
            Từ trên đỉnh đèo, tác giả phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh. Bức tranh Đèo Ngang lại xuất hiện thêm những hình ảnh mới qua nét bút của thi nhân:
                                    “ Lom khom dưới núi tiều vài chu
                                       Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
            Nhà cửa và con người đã xuất hiện trong thơ, nhưng điều đó không làm cho cảnh vật Đèo Ngang bớt đi cái cảm giác buồn cô liêu hoang vắng. Con người chỉ là vài chú tiều đang lom khom đi dưới núi, nhà cửa chỉ có mấy căn nhà chợ rải rác bên sông. Các từ gợi tả “lom khom” “lác đác” được đảo ra đầu câu như muốn khắc họa  sự bé nhỏ thưa thớt của đối tượng miêu tả. Tất cả như hòa lẫn, mất hút trong cái mênh mông lặng lẽ ở Đèo Ngang. Hình ảnh trong thơ đẹp như một bức tranh thủy mặc nhưng sao ta vẫn cảm thấy ẩn chứa trong đó một nỗi buồn mang mác.
            Nỗi buồn khó tả trong câu thơ được tăng lên gấp bội khi bức tranh tả cảnh Đèo Ngang được điểm tô thêm bởi tiếng kêu khắc khoải của chim rừng:
                                    “ Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
                                       Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
            Nhà thơ chuyển đổi cảm nhận từ thị giác sang thính giác để lắng nghe giữa muôn ngàn âm thanh của rừng núi tiếng kêu da diết của con chim  quốc  quốc, chim gia gia. Hòan tòan không phải là một sự ngẫu nhiên. Con chim quốc gợi nhớ về một điển tích xa xưa, vua nước Thục mất nước hóa thành chim, mãi kêu gào về một đất nước đã không còn. Còn chim gia gia, tiếng kêu thương về nỗi niềm xa cách quê nhà. Tiếng kêu thiết tha của chim hay chính là tiếng lòng của tác giả, một nữ sĩ tài hoa, một người lữ khách rời xa quê hương với Thăng Long huy hòang trong quá khứ, rời xa gia đình để vào kinh đô Huế nhận một chức nữ quan.Nghệ thuật chơi chữ đồng âm độc đáo cùng phép tu tư nhân hóa, đảo ngữ đã diễn tả một cách sống động ngoại cảnh và tâm cảnh.
            Từ nhìn thấy, đến nghe thấy rồi cảm thấy. Tâm sự của nhà thơ được cô đọng lại ở hai câu Kết chính là:
                                    “ Dừng chân đứng lại: trời, non, nước
                                       Một mảnh tình riêng, ta với ta”
            Câu thơ khái quát cảnh và tình của cả bài thơ. Trước mắt nhà thơ là khỏang không gian mênh mang rộng lớn ở Đèo Ngang. Và đứng trước cái bao la vô cùng vô tận ấy, con người bỗng trở nên nhỏ bé cô đơn đến lạ lùng. “Một mảnh tình riêng” không ai chia xe, chỉ một mình nhà thơ đối diện với chính mình. Cụm từ “ta với ta” cực tả cái cảm giác cô đơn của người lữ khách trên  Cảnh càng mênh mông, tâm hồn càng trở nên trống trải. Hai chi tiết tương phản nhau khắc họa đậm nét nỗi niềm của tác giả
            Tóm lại, đọc bài thơ “Qua Đèo Ngang”, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ nhưng hùng vĩ của “đệ nhất hùng quan” đất nước. Vẻ đẹp ấy được tô điểm bởi bàn tay tài hoa của nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan. Phải thật sự yêu thiên nhiên, hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên cuộc sống, nhà thơ mới có những vần thơ hay và trang nhã đến thế. Có thể nói, Bà Huyện Thanh Quan đã gửi hết tâm tư tình cảm, nỗi lòng cua mình vào trong từng nét bút vần thơ. Để rồi, trong mỗi nét đẹp của thiên nhiên đều ẩn chứa tâm sự buồn thương của tác giả. Đúng như lời thơ của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du :
                                    “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
                                      Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Trình bày suy nghĩ về bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên



                                    “ Cái cò lặn lội bờ sông
                            Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non…” (Ca dao)
            Không biết từ bao giờ, hình ảnh con cò tự nhiên bước vào trong những làn điệu ca dao, mượt mà bay bổng theo lời ru của người mẹ. Cánh cò trắng cùng những hình ảnh thân quen của quê hương như luỹ tre làng, con đò, bến nước… đã theo âm điệu tiếng ru thấm vào tâm hồn đứa trẻ, trở thành một thứ dưỡng chất tinh thần nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng có bài thơ “ Con Cò”- bài ru con của người mẹ hiền. Bài thơ mang âm điệu đồng dao. Nhịp thơ và giọng thơ thấm đẫm hồn quê một cách đằm thắm nhẹ nhàng. Các câu thơ dài ngắn đan xen kết nối vào nhau thành lời ru ngân nga ngọt ngào biểu hiện tình thương và ước mơ của mẹ hiền đối với con thơ.
            Bài thơ chia thành ba đoạn, mỗi đoạn như một khúc ru gửi gắm tâm hồn của người mẹ yêu con. Đoạn thơ mở đầu ngọt ngào mang đậm chất ca dao :
                                    “Con còn bế trên tay
Con chưa thấy con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay”
            Từ câu thơ thứ hai cánh cò xuất hiện và trở thành người bạn đồng hành của em bé qua lời ru hời của mẹ:
                                    “ Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò cổng phủ
Con cò Đồng Đăng…”
            Cánh cò bay qua tuổi thơ trong trắng, cánh cò của làn điệu ca dao mộc mạc trữ tình:
                                    “ Con cò bay lả bay la
                             Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng”
            Câu ca dao gợi  tả không gian và khung cảnh quen thuộc của cuộc sống thời xưa, từ làng quê đến phố thị. Hình ảnh con cò nhẹ nhàng bay lượn như cuộc sống thong thả bình yên ít biến động của cuộc sống thuở xưa. Nhưng, hình ảnh con cò còn tượng trưng cho những con người lam lũ, những người mẹ, người phụ nữ nhọc nhằn vất vả kiếm sống:
“ Con cò ăn đêm
Con cò xa tổ
Cò gặp cành mềm
Cò sợ xáo măng…”
            Đọc câu thơ của Chế Lan Viên, ta như  thấy trước mắt hình ảnh một chị Dậu đang bương chải kiếm tiền nộp sưu nộp thuế cho chồng. Hoặc xa hơn, một bà Tú Xương trong bài thơ “ Thương vợ” :
                                    “ Lặn lội thân cò khi quãng vắng
                                       Eo sèo mặt nước buổi đò đông” ( Trần Tế Xương)
            Cứ thế, những hình ảnh qua lời ru của người mẹ đến với tâm hồn tuổi thơ một cách vô thức, mở đầu cho con đường đến với thế giới của tâm hồn. Đoạn thơ khép lại bằng hình ảnh thanh bình của cuộc sống hồn nhiên vô tư lự của trẻ thơ:
                                    “ Ngủ yên! Ngủ yên!
Cò ơi chớ sợ
Cành có mềm mẹ đã sẵn tay nâng
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân
Con chưa biết con cò con vạc
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”
            Nhịp thơ đều đặn như nhịp võng ru cùng những động tác vỗ về của mẹ. Lời ru ấy mang theo tình yêu thương ấm áp hoà cùng dòng sữa tràn trề  giúp cho con đi vào giấc ngủ sâu nồng.
            Sang đến đoạn hai của bài thơ, cánh cò từ trong lời ru  đã đi vào tiềm thức tuổi thơ, trở nên gần gũi thân thiết và theo cùng đứa con đến suốt cuộc đời:
                                    “ Ngủ yên! Ngủ yên!... đắp chung đôi”
            Mẹ nâng niu cánh cò trong câu hát cũng là nâng niu giấc ngủ của con thơ. Nghệ thuật nhân hoá làm cho hình ảnh con cò trở nên sống động, cánh cò trắng bay ra từ những câu ca dao để sống trong tâm hồn con người và nâng đỡ con người trong mỗi chặng đường. Cò và con đã thành bạn, cùng đồng hành sánh bước suốt  chặng hành trình cuộc đời từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành:
                                    “ Mai khôn lớn… hơi mát câu văn…”
            Hình ảnh cánh cò trắng “ bay hoài không nghỉ” mang một ý nghĩa mới- khát vọng sáng tạo, ý chí vươn lên. Cánh cò la hiện thân của cái đẹp, của giá trị nghệ thuật đích thực.
            Lời ru của mẹ trong đoạn ba bỗng trầm lắng lại, có vẻ như suy gẫm, chất chứa những bài học triết lý sâu sắc. Rồi sau này con sẽ lớn lên, không còn ở bên mẹ nữa, nhưng có một điều không bao giờ thay đổi- một chân lí cuộc đời:
                                    “ Dù ở gần con… lòng mẹ vẫn yêu con”
            Mãi mãi đứa con vẫn là con của mẹ cho dù con đã trưởng thành, đã nếm trải mọi lẽ đời. Tấm lòng người mẹ vẫn mong muốn được che chở bảo bọc cho con như lúc ấu thơ . Câu thơ chợt mở ra, lắng đọng, triết lí mà vẫn nhẹ nhàng nhờ tác giả sử dụng lối diễn đạt bằng hình ảnh.
                                    “ À ơi! … Quanh nôi”
            Tiếng “ À ơi!” cất lên mượt mà thấm thía. Trong tiếng à ơi , người mẹ gửi gắm cả tình thương yêu , có khi là cả những cay đắng ngot bùi trong cuộc đời của mẹ. Hình ảnh con cò mẹ hát chất chứa những nông sâu của cuộc đời . Có phải chăng ngoài chức năng  ru con, trong câu hát của người mẹ còn chất chứa những nỗi lòng, những ước mơ mà cuộc đời nay mẹ chưa làm được?
            Tóm lại, hình ảnh con cò xuất hiện trong thơ không phải là mới. Nhưng nhà thơ Chế Lan Viên đã biết kết hợp giữa nguồn mạch trữ tình tha thiết trong ca dao với chất triết lí giản dị mà sâu sắc vốn là đặc trưng của nhà thơ để cho ra đời một bài thơ đặc sắc. Bài thơ “ Con cò” mãi thấm được trong lòng bạn yêu thơ cho dù thời gian có đổi thay …
(ST và điều chỉnh)

VÀI NÉT CHÍNH VỀ TRUYỆN NGẮN “CHIẾC LƯỢC NGÀ” CỦA NGUYỄN QUANG SÁNG



1.                  Tác giả:
           Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932, quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, ông tham gia bộ đội, hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Từ sau năm 1954, tập kết ra Bắc, Nguyễn Quang Sáng bắt đầu viết văn. Trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, ông trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến và tiếp tục sáng tác văn học.

            Nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim và hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hoà bình.
          Lối viết của Nguyễn Quang Sáng giản dị, mộc mạc, nhưng sâu sắc, viết để "phục phụ ngay. Để đánh trả lại kẻ thù từng miếng, từng nhát thật sâu". Ông đã khắc hoạ những hình ảnh chân thực, đẹp đẽ của những con người miền Nam kháng chiến. Đó là hình ảnh những người dân Sài Gòn đánh địch ngoan cường theo "kiểu Sài Gòn" (Chị Nhung, Sài Gòn dưới tầng khói), đó là những người nông dân đồng bằng sông Cửu Long như anh Bảy Ngàn bình thản ngồi hút thuốc sau khi quần nhau lần hút chết với giặc (Một chuyện vui), hay anh Ba Hoành trong quán rượu ven sông và âm thầm chuẩn bị lực lượng cho ngày đồng khởi,...Trong những năm tháng kháng chiến, tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng đã có tác dụng to lớn trong việc cổ vũ, động viên sức chiến đấu mạnh mẽ của nhân dân miền Nam, củng cố niềm tin yêu của cả nước đối với đồng bào nơi thành đồng tổ quốc.
          Với thể loại truyện ngắn, qua nhiều tác phẩm, ông đã khẳng định một phong cách độc đáo đậm đà chất Nam Bộ từ việc xây dựng khung cảnh thiên nhiên đến khắc hoạ tính cách con người.

             Truyện Chiếc lược ngà được nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966, tại chiến trường Nam Bộ trong thời kì cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân ta đang diễn ra quyết liệt. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã chia sẻ về nghiệp viết văn và quan điểm sáng tác của mình một cách rất chân thành và tâm huyết. Ông chia sẻ một kỷ niệm vui về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm “Chiếc lược ngà”: Năm 1966, từ Hà Nội, ông cùng với một nhóm văn nghệ sĩ vượt Trường Sơn về chiến trường miền Nam. Về miền Nam, ông tự nhủ phải viết cái gì miền Bắc không tưởng tượng ra được. Tới đồng bằng, ông gặp một cô giao liên tên Thu (khoảng 17-18 tuổi) đưa ông xuống chiến trường và cô chính là hình mẫu cho nhân vật cô bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà”. Nguyễn Quang Sáng kể ông đã viết “Chiếc lược ngà” trong một buổi sáng, ngồi viết ở trên xuồng, kê giấy lên đầu gối mà viết, vừa viết vừa thả cần câu xuống sông câu cá rất lãng mạn.

              Đây là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Nguyễn Quang Sáng. Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc và xây dựng tình huống bất ngờ, tác giả đã thể hiện một cách cảm động tình cha con của ông Sáu và bé Thu.


 GIÁ TRỊ TÁC PHẨM
           Chiếc lược ngà (1966) là một trong những truyện ngắn xuất sắc thời kì chống Mĩ. Với một tình huống độc đáo, câu chuyện cảm động về tình cha con đã phản ánh sâu sắc tình cảm con người trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Đoạn trích từ "Các bạn! Mỗi lần nhìn thấy cây lược ngà nhỏ ấy..." cho đến "Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi." thể hiện rõ chủ đề tư tưởng cũng như những đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm.
          Nguyễn Quang Sáng đã rất thành công khi xây dựng được một cốt truyện đầy tính bất ngờ, có sức cuốn hút ngư¬ời đọc. Tình huống không chịu nhận ba của bé Thu là bất ngờ đầu tiên. Anh Sáu đi kháng chiến chống Pháp từ khi đứa con duy nhất của anh chư¬a đầy một tuổi. Từ đó hai ba con chư¬a hề gặp lại nhau, cho đến khi kháng chiến kết thúc, anh trở về, đứa con gái tám tuổi không chịu nhận ba. Trong ba ngày ở nhà, bằng đủ mọi cách mà con bé vẫn không chịu gọi lấy một tiếng ba. Đến lúc phải ra đi nhận nhiệm vụ mới, bé Thu mới gọi anh bằng ba. Thật bất ngờ. Thì ra, nó không chịu nhận ba là vì vết thẹo trên má đã khiến anh không còn giống như¬ trong bức ảnh chụp ngày cưới. Con bé chỉ gọi ba khi bà ngoại giải thích cho nó rõ điều này. Giây phút anh nghe được tiếng gọi mà anh chờ đợi đã bao năm ấy cũng là lúc cha con xa nhau. Anh Sáu hứa sẽ mang về tặng con một cây lược. Những ngày chiến đấu trong rừng, anh Sáu cặm cụi làm chiếc lược bằng ngà cho con gái. Chiếc lược đã làm xong nhưng chưa kịp trao cho con gái thì anh hi sinh.
          Những sự việc chính của câu chuyện trong đoạn trích là như vậy. Nhưng độ căng và tính bất ngờ của nó chỉ được đẩy lên đỉnh điểm khi trong từng sự việc tác giả đã miêu tả những diễn biến tâm lí của nhân vật một cách tinh tế, sinh động. Tình cha con sâu nặng bộc lộ trong những tình huống éo le, ngặt nghèo của bom đạn chiến tranh. Bản thân cốt truyện của đoạn trích Chiếc lược ngà đã có giá trị tố cáo tội ác chiến tranh đối với cuộc sống con người. Cha con tám năm trời không gặp nhau là do chiến tranh. Vết thẹo làm biến dạng khuôn mặt anh Sáu, khiến con bé không nhận ra ba là do chiến tranh. Và thật đau xót, ngư¬ời cha chưa kịp trao cho đứa con hết mực yêu thương của mình kỉ vật như lời hứa thì chiến tranh đã cướp đi sinh mạng anh. Tuy nhiên, cái mà tác giả tập trung thể hiện là những con người, là nhân vật.
         Tác giả đã chứng tỏ tài năng của mình trong việc xây dựng nhân vật một bé gái tám tuổi bướng bỉnh và gan góc. Trong tâm hồn trẻ thơ của bé Thu, chỉ có duy nhất hình ảnh một người ba mà nó biết qua bức ảnh chụp với má ngày cưới. Nó nhất quyết không chịu nhận ba, không gọi ba vì thấy ba nó trong bức ảnh không hề có vết thẹo trên má còn người cứ gọi nó là con, bắt nó gọi bằng ba bây giờ lại có vết thẹo dài trên má. Nguyễn Quang Sáng đã tỏ ra rất am hiểu tâm lí trẻ thơ. Chi tiết gọi "trổng" và chi tiết chắt nước cơm đã khắc hoạ nổi bật sự đáo để hồn nhiên của bé Thu. Đặc biệt là chi tiết bé Thu hất đổ cả chén cơm khi anh Sáu gắp cho nó cái trứng cá. Bị ba đánh, tưởng đâu "con bé sẽ lăn ra khóc, sẽ giẫy, sẽ đạp đổ cả mâm cơm, hoặc sẽ chạy vụt đi. Nhưng không, nó ngồi im, đầu cúi gằm xuống. Nghĩ thế nào nó cầm đũa, gắp lại cái trứng cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm". Đành rằng trẻ con chỉ tin vào những gì chúng thấy, đành rằng bé Thu không thể biết được sự ác nghiệt của bom đạn là thế nào, và nó có cách suy nghĩ theo kiểu trẻ con của nó, nhưng phải thừa nhận rằng cô bé này có một cá tính mạnh mẽ. Sự bướng bỉnh, gan góc đến kì lạ của bé Thu sau này trở thành lòng dũng cảm, sự lanh lợi của cô giao liên Thu. Nh¬ưng lẽ nào ở bé Thu chỉ là sự bướng bỉnh, gan góc đến đáo để? Không hề giản đơn như vậy, trong buổi sáng cha nó lên đường:
           "Con bé như bị bỏ rơi, lúc đứng vào góc nhà, lúc đứng tựa cửa và cứ nhìn mọi người đang vây quanh ba nó. Vẻ mặt của nó có cái gì hơi khác, nó không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có nữa, vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu, cái vẻ buồn trên gương mặt ngây thơ của con bé trông rất dễ thương. Với đôi mi dài uốn cong, và như không bao giờ chớp, đôi mắt nó như to hơn, cái nhìn của nó không ngơ ngác, không lạ lùng, nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa."
        Cho đến khi nghe tiếng kêu thét lên: "- Ba.. a... a...ba!" thì mọi người mới vỡ lẽ ra rằng nó thèm được gọi ba như thế nào, "Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng "ba" mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng "ba" như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó.". Bé Thu là đứa trẻ giàu tình cảm. Thái độ của bé Thu với ba trái ngược trong những ngày đầu khi ông Sáu về thăm nhà và lúc ông sắp ra đi. Song, trái ngư¬ợc mà vẫn nhất quán. Vì quá yêu ba, quá khao khát được có ba nên khi nhận định không phải ba nó thì nó nhất định không chịu nhận, nhất định không gọi "ba" lấy một tiếng. Cho nên, khi tiếng gọi như xé kia cất lên ta thấy nó thiêng liêng vô cùng. Tiếng gọi ấy càng trở nên thiêng liêng, quý giá bởi đón chờ nó là cả tấm lòng cao đẹp, thư¬ơng yêu con vô hạn của người cha.
Người đọc sẽ nhớ mãi hình ảnh một ngư¬ời cha, người cán bộ cách mạng xúc động dang hai tay chờ đón đứa con gái bé bỏng duy nhất của mình ùa vào lòng sau tám năm xa cách. Mong mỏi ngày trở về, nóng lòng được nhìn thấy con, được nghe tiếng gọi "ba" thân thư¬ơng từ con, anh Sáu thực sự bị rơi vào sự hụt hẫng: "anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy". Mong mỏi bao nhiêu thì đau đớn bấy nhiêu. Anh cũng không ngờ rằng chính bom đạn chiến tranh vừa là nguyên nhân gián tiếp, vừa là nguyên nhân trực tiếp của nỗi đau đớn ấy. Tám năm xa vợ xa con, ở nhà được ba ngày rồi lại lên đường, và ra đi mãi... Ba ngày anh đ¬ược ở nhà anh chẳng đi đâu xa, để được gần gũi, vỗ về bù đắp những ngày xa con. Lòng người cha ấy đau đớn biết như¬ờng nào khi đứa con là máu mủ của mình gọi mình bằng "người ta": "Anh quay lại nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười. Có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên anh phải cười vậy thôi". Cử chỉ gắp từng miếng trứng cá cho con cho thấy anh Sáu là người sống tình cảm, sẵn sàng dành cho con tất cả những gì tốt đẹp nhất. Và chao ôi là hình ảnh hai đôi mắt của hai cha con trong thời khắc chia xa: "Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao". Ngư¬ời cha ấy sẽ ra đi khi chưa được gọi bằng "ba" lấy một lần. Đến tận giây phút cuối cùng, khi không còn thời gian để chăm sóc vỗ về nữa, anh mới thực sự được làm cha. Đó là sự thiệt thòi, là sự hi sinh không thể xem là nhỏ của ng¬ười chiến sĩ cách mạng. Dầu sau này anh Sáu có hi sinh cả tính mạng của mình.
Câu chuyện được kể từ ngôi thứ nhất, người kể chuyện xưng "tôi" có mặt và chứng kiến toàn bộ câu chuyện giữa cha con anh Sáu. Đoạn trích bắt đầu với hình ảnh chiếc l¬ược ngà, khép lại cũng với hình ảnh chiếc lược ngà. Người kể chuyện kể lại câu chuyện cảm động đã xảy ra, khi anh còn chưa thực hiện được ý nguyện cuối cùng của anh Sáu trước lúc hi sinh: trao lại tận tay con gái kỉ vật của người cha. Người cha ấy đã vui mừng "hớn hở như trẻ được quà" khi kiếm được khúc ngà để làm lược tặng con gái như lời hứa lúc ra đi. Anh "cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc.[...] anh gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: "Yêu nhớ tặng Thu con của ba"". Nơi rừng sâu, tất cả nỗi nhớ, tình thư¬ơng yêu con của anh dồn cả vào công việc ấy, chiếc lược ấy. Người cha nâng niu chiếc lược ngà, ngắm nghía nó, mài lên tóc cho cây lược thêm bóng thêm mượt, "Cây lược ngà ấy chưa chải lược mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh". Chiếc lược ngà như là biểu tượng của tình thương yêu, săn sóc của người cha dành cho con gái, cho dù đến khi không còn nữa anh chưa một lần được chải tóc cho con. Người kể chuyện, đồng đội của ông Sáu đã bộc lộ một sự đồng cảm và xúc động thực sự khi kể lại câu chuyện. Có lẽ, không ai hiểu nhau hơn những người đồng đội, gần nhau hơn những ngư¬ời đồng đội. Cho nên, sau này, khi trao tận tay Thu chiếc lược , giữa thu và người đồng đội của cha mình nảy nở một tình cảm giống như tình cha con.

        Đoạn trích Chiếc lược ngà đã đạt được giá trị sâu sắc cả về nội dung và hình thức biểu đạt. Hình tượng chiếc lược ngà và câu chuyện giữa hai cha con người cán bộ cách mạng sẽ còn gây được xúc động lâu bền trong lòng người đọc.
Nguồn: http://xuandinh.123.st/t13-topic

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Suy nghĩ về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê.


(Bài viết chưa chỉnh sửa)
Trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt nhất, không chỉ các chàng trai mà các cô gái thanh niên cũng xung phong ra chiến trường, tham gia vào cuộc chiến tranh để dành lại độc lập cho dân tộc. Đó cũng chính là đề tài gợi nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ lúc bấy giờ. Với khả năng sáng tạo và xây dựng hình tượng sống động cùng với những ngày tháng lăn lộn nơi chiến trường, Lê Minh Khuê đã khắc họa thành công hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn với những vẻ đẹp kì diệu của tâm hồn, lòng dũng cảm và tình đồng đội thân thương qua truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”. Tiêu biểu là nhân vật Phương Định_ nhân vật chính của truyện
Lê Minh Khuê là một cây bút nữ chuyên viết truyện ngắn. Trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, ngòi bút của bà trong chiến tranh luôn hướng về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ trên tuyến đường Trường Sơn. Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của bà viết về đề tài này. Tác phẩm được bà sáng tác vào năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc diễn ra hết sức ác liệt. Bài thơ là một bức tranh sinh động về cuộc kháng chiến với những ngôi sao mà ánh sáng của nó chiếu rọi trong lòng ta – ánh sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó là những cô trinh sát mặt đường giữa bụi mù Trường Sơn.
            Truyện xoay quanh nhân vật chính là Phương Định – một cô gái thanh niên xung phong sống cùng đồng đội, Thao, Nho, trên cao điểm, giữa một vùng trọng điểm ở tuyến đường Trường Sơn. Công việc của họ tuy vất vả và nguy hiểm nhưng các cô vẫn có những giây phút hồn nhiên, thơ mộng của tuổi trẻ. Trong một lần phá bom, Nho bị thương, Phương Định và Thao đã chăm sóc rất tận tình. Cũng là lúc có một trận mưa đá ào xuống, Phương Định được sống lại với niềm vui trẻ thơ và cô lại nhớ về thành phố và gia đình.
            Phương Định có hoàn cảnh sống và chiến đấu rất khó khăn, gian khổ. Họ sống trên một cao điểm, trọng điểm ở tuyến đường Trường Sơn giữa mênh mông khói bụi và bom đạn hủy diệt của kẻ thù. Công việc của họ là “đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Các cô phải đối diện với thần chết từng phút, từng giờ, “thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhip điệu chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ.Trong “lúc đơn vị thường ra đường vào lúc mặt trời lặn và làm việc có khi suốt đêm” thì các cô, tổ trinh sát mặt đường, phải chạy trên cao điểm cả ban ngày, dưới cái nóng trên 30 độ. Từ cao điểm trở về, mặt các cô ai cũng “hai con mắt lấp lánh”, “cười thì hàm răng lóa lên khuôn mặt nhem nhuốc”. Nhiệm vụ của họ thật quan trọng nhưng cũng đầy gian khổ, hi sinh, thể hiện phần nào hiện thực cuộc chiến đầy khắc nghiệt. Và cũng từ đó, ta thấy sáng ngời lên tinh thần yêu nước, đầy quả cảm của các cô gái thanh niên xung phong
Phương Định là một cô gái Hà Nội vào chiến trường. Ấn tượng đầu tiên về cô là vẻ bề ngoài đáng yêu, trẻ trung, xinh xắn và đầy sức sống. Cô có “hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa lòa kèn”. Đặc biệt, cô có đôi mắt với ánh cái nhìn sao mà xa xăm. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các anh pháo thủ và lái xe lại hay hỏi thăm cô, hay “viết những thư dài gửi đường dây”, “mặc dù có thể chào nhau hằng ngày”. Phương Định cảm nhận được điều đó, cô cảm thấy vui và tự hào nhưng chưa dành tình cảm cho một ai. Cô chỉ thích ngắm mình trong gương và làm điệu hoặc có vẻ kiêu kì một cách đáng yêu khi thấy các đồng đội của mình tiếp xúc với một anh bộ đội nói giỏi nào đó.
Phương Định vừa bước qua tuổi học trò hồn nhiên, vô tư lự. Cô mang theo vào chiến trường Trường Sơn đầy ác liệt cả những nét đáng yêu của một cô gái tuổi mới lớn, mang theo cả một tâm hồn mơ mộng, rất hồn nhiên, yêu đời. Cô mê hát. Sống trong hoàn cảnh ác liệt của bom đạn trên chiến trường Trường Sơn,  lúc nào cũng cận kề với cái chết, cô vẫn không bỏ đi sở thích của mình. “Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn mà ngớ ngẩn đến tôi cũng phải ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một mình “Tuy vậy, chị Thao vẫn say mê chép những lời bài hát mà Định bịa ra. Cô thích rất nhiều bài, “thích Ca-chiu-sa của Hồng quân Liên Xô. Thích ngồi bó gối mơ màng: “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh..”Đó là dân ca Ý trữ tình giàu có”. Cô hát trong những khoảnh khắc “im lặng” khi máy bay trinh sát rè rè trên đầu, khi cơn bão lửa sắp chụp xuống cao điểm. Cô hát để động viên đồng đội và cũng là để động viên chính bản thân mình, để gửi vào trong tiếng hát nỗi khát khao của tuổi trẻ, của người chiến sĩ, mong được trở về quê hương yêu dấu, được gặp lại người yêu sau bao nhiêu nhớ nhung, chờ đợi.
 Phương Định sống với những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư giữa gia đình và thành phố Hà Nội thân yêu. Gặp một trận mưa đá, ở cô lập tức toát lên một niềm vui con trẻ, niềm vui ấy nở tung ra, say sưa, tràn đầy. Cô nhặt những hạt mưa đá để rồi bâng khuâng ngơ ngác khi thấy nó tan biến bất ngờ,  cũng nhanh như khi nó ập đến. “Tôi bỗng thẫn thờ, tiếc không nói nỗi...Tôi nhớ một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố” Tất cả mọi kỉ niệm đẹp nhất ở thành phố Hà Nội, về mẹ, về tuổi thiếu nữ trong sáng, vô tư như ùa về, xoáy mạnh trong lòng cô gái. Chính những kỉ niệm đó đã làm dịu mát tâm hồn cô trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh.
Cũng như bao cô gái thanh niên xung phong khác, ở Phương Định nổi bật lên tinh thần dũng cảm, thái độ bình tĩnh vượt lên mọi hiểm nguy. Điều đó được thể hiện cụ thể qua một lần phá bom trên cao điểm ở Trường Sơn. Sau những đợt thả bom của giặc, Định cùng đồng đội chạy lên cao điểm để làm nhiệm vụ, nơi vẫn còn có những quả bom chưa nổ. Không gian lúc đó vắng lặng đến phát sợ. Nhưng cô không hề sợ hãi. Cô có cảm giác như các chiến sĩ đang dõi theo mình, vì vậy mà cô cảm thấy an tâm hơn. Cô quyết định không đi khom, bởi một lý do rất đơn giản “Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đường hoàng mà bước tới.” Cảm giác ấy vừa thể hiện lòng tự trọng, vừa là ý chí mạnh mẽ giúp cô dũng cảm vượt qua mọi hiểm nguy.
Phương Định “dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom”. Quả bom nằm lạnh lùng. Lưỡi xẻng thỉnh thoảng lại chạm vào quả bom, một tiếng động sắc đến gai người vang lên, cứa vào da thịt cô. “Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí. Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành” Cách miêu tả của tác giả thật tài tình, khiến cho người đọc cũng có thể cảm nhận được âm thanh của hai vật bằng sắt chạm vào nhau rồi lại cảm thấy rùng mình như Định, càng thấy rõ hơn sự bình tĩnh, gan dạ của cô.
Những lúc đối mặt với quả bom sắt lạnh lùng, cô cũng có nghĩ đến cái chết. “Nhưng một cái chết rất mờ nhạt, không cụ thể”. Đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua. Còn điều mà cô quan tâm lúc này là “liệu mìn có nổ không, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai?”Trong suy nghĩ của Định, cô luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thật tốt dù có phải hi sinh. Cảm xúc, suy nghĩ chân thật ấy của cô đã truyền sang người đọc nhiều đồng cảm, yêu mến, trân trọng và kính phục. Chính nhờ sự gan góc, dũng cảm và tinh thần trách nhiệm cao đã giúp Định thực hiện tốt công việc của mình. Một cô gái như muôn ngàn cô gái khác trên tuyến đường Trường Sơn, đang hàng giờ dệt nên những kì tích cho Tổ quốc thân thương: Những con đường bằng phẳng để các chuyến xe vượt Trường Sơn tiến vào Nam.
Công việc “chọc giận thần chết” đã trở nên quen thuộc với cô, là công việc hàng ngày, nhưng nó không làm cho tâm hồn cô trở nên chai lì, khô cứng. Ở Định, ta còn thấy thường trực một tình cảm đồng đội, đồng chí nồng ấm. Cô luôn yêu thương trìu mến và quan tâm đến đồng đội. Cô lo lắng cho chị Thao lên cao điểm chưa về đến nỗi “nói như gắt vào máy” khi đại đội trưởng hỏi tình hình. Cô vỗ về và chăm sóc cho Nho tận tình như một cô y tá khi Nho bị thương lúc phá bom: “moi đất, bế Nho đặt lên đùi mình”, “rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than”, “tiêm cho Nho” rồi “pha sữa trong cái ca sắt”. Sự chăm sóc tận tình của Định đã giúp Nho khỏe lại nhanh chóng. Ba cô gái thanh niên xung phong tuy với tính cách khác nhau nhưng họ yêu thương nhau và đối xử với nhau như chị em ruột thịt. Cô còn dành tình cảm trân trọng, yêu mến của mình cho những người chiến sĩ đang trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường. Trong suy nghĩ của cô, “những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ.” Tình đồng đội, đồng chí của Phương Định thật thiêng liêng, cao cả và đáng quý. Chính điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho cô để cô làm tốt nhiệm vụ của mình. Có được trang viết này cũng một phần xuất phát từ tâm hồn giàu tình cảm của cây bút Lê Minh Khuê.
Thành công nhất trong truyện là nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. Truyện được miêu tả theo ngôi thứ nhất, cũng là nhân vật chính, tạo điều kiện để tác giả tập trung miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật chính, làm cho câu chuyện diễn tả một cách chân thật, tự nhiên cảm xúc, tâm trạng của những người chiến sĩ. Nhan đề truyện xuất phát từ ánh nhìn của Phương Định, những ngôi sao xa xăm trên bầu trời gợi nhiều cảm xúc. Bên cạnh đó, vẻ đep tâm hồn của ba cô gái thật lấp lánh, lãng mạn giữa hiện thực khắc nghiệt như những ngôi sao xa xôi, lấp lánh trên bầu trời cao rộng.
Trường Sơn là nơi thử thách ý chí, khí phách con người Việt Nam. Chính những con người như Phương Định, Thao, Nho đã xướng nên bài ca tuyệt đẹp của “những bông hoa trên tuyến lửa” anh hùng. Giữa sự ác liệt của chiến tranh, vẻ đẹp của họ vẫn tỏa sáng. Sức trẻ, lòng yêu nước, khát vọng hòa bình đã tạo nên sức mạnh cho cuộc kháng chiến gian khổ mà anh hùng. Họ vốn chỉ là những con người rất đỗi bình thường nhưng đã góp phần tạo nên những kì tích anh hùng cho dân tộc:
                        “Em là người thanh niên xung phong
                        Không có súng chỉ có đôi vai tải đạn
                        Giữa tầm đạn thù tấm lòng dũng cảm
                        Em vượt đường dài tiếp thêm lửa chiến công”
 Tóm lại, truyện “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê đã làm sống lại trong mọi người hình ảnh tuyệt đẹp của những cô gái thanh niên xung phong thời kháng chiến chống Mỹ với tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan. Phương Định, tuy chỉ là một ngôi sao bé nhỏ, nhưng sẽ luôn tỏa sáng, sáng lấp lánh trên bầu trời Việt Nam. Các cô mãi là những hình ảnh đẹp, tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến.
(Bài của em Phạm Lê Nhã Đoan - Hs Trần Đại Nghĩa - NH: 2009-2010)

Phân tích bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải (Dàn ý)



I/MỞ BÀI:
            - Mùa  xuân là đề tài, nguồn cảm hứng bất tận để các nhà thơ thưởng thức và sáng tác.
            - Thông qua từng vẻ đẹp của mùa xuân, các nhà thơ gian tiếp bộc lộ nhân sinh quan của bản thân mình. Mỗi bài thơ có thể là một bài học về triết lý cuộc sống.
            - Tuy nhiên, đọc đến những vần thơ trong bài thơ “MXNN” của Thanh Hải, người đọc mới cảm thấy trọn vẹn vẻ đẹp cua mùa xuân thiên nhiên, cuộc sống và đặc biệt là khát vọng cống hiến cho đời của nhà thơ.
II/ THÂN BÀI:
v     KHỔ 1:  “Mọc …tôi hứng”
- Dòng sông xanh - bông hoa tím biếc- con chim chiền chiện: hai hình ảnh mộc mạc, đơn sơ mang một vẻ đẹp nên thơ của thiên nhiên xứ Huế. Bức tranh mùa xuân được phác hoạ với những hình ảnh ,màu sắc hài hoà. Điểm tô vào bức thanh xuân là âm thanh rộn rã tưng bừng của con chim chiền chiện.
- Ơi!... Hót chi mà…:  Từ cảm thán - cảm xúc dâng tràn của nhà thơ khi bắt gặp vẻ đẹp của mùa xuân. (Mở rộng: vì sao tác giả xúc động?)
- Giọt long lanh rơi - tôi hứng: từ gợi tả - có thể là giọt nắng, giọt mưa, giọt sương hay đó là giọt nước mắt xúc cảm của nhà thơ trước vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, cuộc sống? Tất cả đều được nhà thơ đón nhận với niềm trân trọng.
v     Khổ 2:  “Mùa xuân … nương mạ”
- Người cầm súng - Người ra dồng: hình ảnh đối xứng -  hình ảnh của mùa xuân đất nước được thể hiện qua hai lực lượng tiêu biểu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ. Người cầm súng ở ngoài tiền tuyến chiến đấu để bảo vệ thành quả Cách mạng. Người ra đồng ở lại hậu phương đe lao động sản xuất nhằm xây dựng và phát triển đất nước. Hình ảnh tương xứng hài hoà như nhịp bước đi lên của toàn dân tộc.
- Lộc: một sự phát hiện độc đáo của nhà thơ. Đây là chồi non, cũng có nghĩa là sự may mắn. Nhưng cành lộc trong thơ gắn liền với công cuộc xây dựng và bảo vệ. Đối với người chiến sĩ, lộc là cành lá nguỵ trang che mắt quân thù đem lại sự bình an, nhưng đối với người nông dân ra đồng, lộc lại là những áng nương ma trải dài xanh tốt báo hiệu một vụ mùa thắng lợi.
- Tất cả như…xôn xao:  Cấu trúc điệp trong thơ cùng với từ gợi tả tạo nên một không khí hối hả khẩn trương như nhịp sống đi lên của đất nước.
v     Khổ 3:  “ Đất nước … phía trước” – giọng thơ bỗng chuyển sang trầm lắng suy tư.
- 2 câu đầu: nhà thơ nhìn về chặng hành trình bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Suốt một quãng đường dài ấy, đất nước phải trải qua bao thăng trầm mất mát,bao thử thách gian lao vất vả trong cuộc chiến giành độc lập và giữ gìn nền độc lập ấy. Trong đau thương mất mát càng kiêu hãnh tự hào
                        Mở rộng: “ Nước Việt Nam từ trong máu lửa
                                             Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
- 2 câu sau:  một sự so sánh khá độc đáo khi nhà thơ nhìn về chặng hành trình của tương lai. Đất nước như một vì sao tỏa sáng cứ đi về phía trước trong chặng hành trình vô tận của cuộc sống. Câu thơ ẩn chứa niềm tự hào của nhà thơ khi nghĩ về tương lai phía trước.
v     Khổ 4:
- Ta làm… : điệp ngữ, nhịp thơ dồn dập bày tỏ khát vọng của nhà thơ trước vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân đất nước. Tác giả muốn làm một tiếng chim hòa vào muôn vạn tiếng chim hót ca ngợi núi sông đang đổi mới; muốn làm một càng hoa giữa vườn hoa đất nước âm thầm khoe sắc tỏa hương cho cuộc đời; muốn làm một nốt nhạc trầm trong bản hòa ca của dân tộc. Niềm kiêu hãnh âm thầm cua nhà thơ thể hiện một cách tế nhị qua từ gợi tả “âm thầm”. Tất cả khát vọng khiêm tốn ấy được nhà thơ gọi là “mùa xuân nho nhỏ”
v     Khổ 5:
- “lặng lẽ dâng…”: Từ gợi tả “lặng lẽ được đảo ra đầu câu như lời nhấn mạnh. Niềm mong muốn cống hiến tuổi xuân, sức sống cho đời được thể hiện khiêm tốn bất chấp thời gian, tuổi tác
- “Dù là…” : cấu trúc điệp trong khổ thơ là lời thách thức với thời gian.
v     Khổ 6:
- Bài thơ kết thúc bằng khúc dân ca xứ Huế. Khúc hát Nam Ai, Nam Bình hòa vào nhịp phách tiền cứ ngân nga mãi trong lòng người những giai điệu mùa xuân…
III/ KẾT BÀI:
            Bài thơ hay bởi những giai điêu của thơ với âm hưởng nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, bởi hình ảnh mộc mạc bình dị của thơ, đặc biệt là sự phát hiện độc đáo của nhà thơ  qua hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ”. Càng đặc biệt hơn nữa khi người đọc biết rằng bài thơ được sáng tác trong lúc tác giả nằm trên giường bệnh, trước khi mất ít lâu. Đọc những vần thơ của Thanh Hải, ta càng thêm yêu những con người mới biết lấy hạnh phúc của mọi người làm hạnh phúc cá nhân. Mở rộng;
                                    “ Nếu là con chim chiếc lá
                                       Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
                                        Lẽ nào vay mà không có trả
                                        Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình…” – Tố Hữu

Lặng lẽ Sa Pa - Truyện ngắn


                                                                                      Tác giả: Nguyễn Thành Long
       
       Rời cầu cây số 4 một quãng, xe trèo lên núi. Mây hắt từng chiếc quạt trắng lên từ các thung lũng. Chỉ thấy thấp thoáng trong màu xanh bao la, ở phía trước, một vệt hình ba góc màu vàng, chính là đoạn đường mình vừa đi qua. Đi một lúc lâu, ngửng lên, vẫn thấy cái vệt ba góc đó. Đến bây giờ, người lái xe già mới cất tiếng nói: 
- Con suối có thác trắng xoá ta vừa qua là trạm rừng. Một lúc nữa thì tới Sapa. Bác không ghé thăm Sapa ư? Họa sĩ nào cũng đến Sapa! Ở đấy tha hồ mà vẽ. Tôi đi đường này ba mươi hai năm. Trước Cách mạng tháng Tám, tôi chở lên chở về mãi nhiều họa sĩ như bác. Họa sĩ Tô Ngọc Vân này, họa sĩ Hoàng Kiệt này… 
     Thật là đột ngột! Nhà hội họa có tuổi mỉm cười thay lời đáp. Lúc nãy, ở bến Lao Cai, lúc xe sắp nổ máy, thấy hàng ghế thứ ba chật vì đôi vợ chồng Mèo trẻ mua vé không cùng chuyến nhưng nhất định không rời nhau, bác lái xe mời ông lên ghế đầu, ngồi giữa bác và một cô gái. Ông vừa yên chỗ, bác lái xe ngắm nghía thế nào hỏi ngay: “Bác là họa sĩ à?” À, ra thế - ông nghĩ thầm – bác từng quen nhiều họa sĩ. Cũng là một tay lái có máu nghệ thuật đây.
- Nực cười, lúc còn trẻ, tôi cũng qua đường này nhiều lần chứ. Gíá vẽ, hộp màu, cuộn giấy, lích kích lắm chứ. Thế nhưng chẳng ai nhận ra tôi. Bây giờ già rồi, đi đâu trong túi cũng mỗi cuốn sổ con này thôi, vậy mà ai cũng nói đúng mình làm nghề gì, không lẫn đi đâu được. Cô đây, hôm qua cô chẳng hỏi tôi thế là gì?
     Cô gái nhếch mép cười, có vẻ rất bằng lòng về việc ông được chuyển lên ngồi cạnh cô. Sau một đêm và một ngày đi tàu từ Hà Nội, cùng ngồi trong một ngăn toa cứ chật dần lên, đến nơi lại không có cách nào khác đành gộp hành lý luồn vào một chiếc đòn gánh cùng khênh đến khách sạn cách thị xã bốn cây, sau một đoạn đường như vậy, người ta coi nhau như là bà con. Nhà họa sĩ có cái cảm giác lẫn lộn thường có ở tuổi già, nhanh chóng coi cô gái là con.
- Tuần lễ này, ở nhà, anh em định làm tiệc tiễn tôi về hưu. Tôi xin anh em hoãn bữa tiệc đến cuối tuần sau. Đợi tôi đi chuyến “thực tế” này về đã. Đối với một nghệ sĩ, trong cuộc đời có hai hồi thích nhất, đó là hồi mình còn trẻ và hồi này của tôi. Mình có thể năng nổ đi, vẽ, như thời thanh niên. Mình có thêm sự chín chắn hồi ấy mình chưa có. Không bi quan, không ảo tưởng, tôi cho tôi cũng còn được mười năm sống nữa. Phải vẽ được cái gì suốt đời mình thích, cô nhỉ?
     Ông dễ dàng cởi mở với cô gái những lời tự tin mà, đã già, ông vẫn giữ một cách khiêm tốn vô lí, không bao giờ dám thổ lộ với bạn bè. Còn cô gái là kĩ sư vừa đỗ, đi nhận việc ở Ti Nông nghiệp Lai Châu. Lần đầu ra khỏi Hà Nội, qua cuộc đời học trò chật hẹp, bước vào cuộc sống bát ngát mới tinh, cái gì cũng làm cho cô háo hức. Cô cứ nhìn ra ngoài cửa xe, mắt lặng lẽ mà say mê. Cô là thanh niên trẻ ra trường có thể đi bất kì đâu, làm bất kì gì, nhận bất kì lương hướng, tiếp đón thế nào, cô thấy lòng cô cũng nhẹ nhàng. Sự thật thì cô cũng có lần yêu, nhưng rồi xóa ngay vì biết mình lầm.


     Hai ngày sống gần với nhau, với sự nhạy cảm riêng của người nghệ sĩ, nhà hội họa già biết điều đó. Ông nói như nói một điều hiển nhiên và không quan trọng:
- Đối với một người khao khát trời rộng, sự dứt bỏ một tình yêu nhiều khi lại nhẹ lòng. Người con gái xúc động vì đột nhiên nghe một người đã già diễn tả bằng lời cảm nghĩ vốn mơ hồ và lả tả của mình. Từ phút đó trở đi, hai người gần nhau thêm một mức nữa.
- Hay đấy. Tôi cũng đi Lai Châu. Tôi sẽ đưa cô đến ti, giao cô tận tay ông trưởng ti, nhờ ông ta hết sức giúp cô, xem qua chỗ ăn, chỗ nằm của cô như một ông bố thật sự, rồi tôi quay về. Cô không lo đâu.
     Như vậy đấy, bắt đầu sự thân thiết giữa cô gái và ông già vui tính.
- Chúng ta vừa qua Sa Pa , bác không nhận ra ư? - Người lái xe bỗng nhiên lại hỏi.
- Có. Tôi có nhận ra. Sa Pa bắt đầu với những rặng đào. Và với những đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng cỏ trong lũng hai bên đường. Chỗ ấy là Tả Phình phải không bác? - Nhà họa sĩ hỏi.
- Vâng. Bác không thích dừng lại Sa Pa ạ?
- Thích chứ, thích lắm. Thế nào tôi cũng về ở hẳn đấy. Tôi đã định thế. Nhưng bây giờ chưa phải lúc.
- Bác sợ Sa Pa buồn chứ gì?
     Nhà họa sĩ phá lên cười:
- Buồn thì ai mà chả sợ? Nó như con gián gậm nhấm người ta? Tốt hơn là tránh nó để làm việc đời.
     Những nét hớn hở trên mặt người lái xe chợt duỗi ra rồi bẵng đi một lúc, bác không nói gì nữa. Còn nhà họa sĩ và cô gái cũng nín bật, vì cảnh trước mặt bỗng hiện lên đẹp một cách kì lạ. Nắng bây giờ bắt đầu lèn tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kính thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe. Giữa lúc đó, xe dừng sít lại. Hai ba người kêu lên một lúc:
- Cái gì thế?
     Bác lái xe xướng to:
- Cho xe nghỉ một lúc lấy nước. Luôn tiện bà con lót dạ. Nửa tiếng, các ông, các bà nhé. 
     Trong lúc mọi người xôn xao vui vẻ phía sau lưng, bác lái xe quay sang nhà họa sĩ nói vội vã:
- Tôi sắp giới thiệu với bác một trong những người cô độc nhất thế gian. Thế nào bác cũng thích vẻ hắn.
     Không hiểu sao nói đến đây, bác lái xe lại liếc nhìn cô gái. Cô bất giác đỏ mặt lên! 


- Một anh thanh niên hai mươi bảy tuổi! Đây là đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét. Anh ta làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Cách đây bốn năm, có hôm tôi cũng đang đi thế này chợt thấy một khúc thân cây chắn ngang đường, phải hãm lại. Một anh thanh niên ở đâu chạy đến, hè với tôi và khách đi xe đẩy khúc cây ra một bên cho xe đi. Hỏi ở đây mà ai đẩy cây ra giữa đường thế này, anh chỉ đỏ mặt. Thì ra anh ta mới lên nhận việc, sống một mình trên đỉnh núi, bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo, chưa quen, thèm người quá, anh ta kiếm kế dừng xe lại để gặp chúng tôi, nhìn trông và nói chuyện một lát. Kìa, anh ta kia.


     Những lời giới thiệu trước ấy làm nhà họa sĩ già xúc động mạnh khi nhìn thấy người con trai tầm vóc bé nhỏ, nét mặt rạng rỡ từ trên sườn núi trước mặt chạy lại chỗ xe đỗ. Ông không chú ý cô con gái cũng víu chặt vào vai ông, nửa vì tò mò, nửa vì để tự vệ chống lại một cái gì đó. Người con trai đưa cho bác lái xe một gói nhỏ:
- Cái gì thế này? - Bác lái xe hỏi.
- Củ tam thất cháu vừa đào thấy. Cháu gửi bác gái ngâm rượu uống. Hôm nọ bác chẳng bảo bác gái vừa ốm dậy là gì?
     Bác lái xe cũng rút từ túi cửa xe ra một gói giấy:
- Còn đây là sách tôi mua hộ anh.
     Người con trai mừng quýnh cằm cuốn sách còn đang cười cười nhìn khắp khách đi xe bây giờ đã xuống đất tất cả. Kẻ đang vươn vai, người ngồi bệt xuống ven đường giở thức ăn mang theo ra. Bác lái xe dắt anh ta lại chỗ nhà hội họa và cô gái:
- Đây, tôi giới thiệu với anh một họa sĩ lão thành nhé. Và cô đây là kĩ sư nông nghiệp. Anh đưa khách về nhà đi. Tuổi già cần nước chè, ở Lao Cai đi sớm quá. Anh hãy đưa ra cái món chè pha nước mưa thơm như nước hoa của Yên Sơn nhà anh.
     Anh thanh niên đỏ mặt, rõ ràng luống cuống:
- Vâng, mời bác và cô lên chơi. Nhà cháu kia. Lên cái bậc cấp kia, trên ấy có cái nhà đấy. Nước sôi đã có sẵn, nhưng cháu về trước một tí. Bác và cô lên ngay nhé.
     Nói xong, anh chạy vụt đi, cũng tất tả như khi đến.
- Bác và cô lên với anh ấy một tí. Thế nào bác cũng thích vẽ anh ta - Người lái xe lại nói.  
     Họa sĩ nghĩ thầm: “Khách tới bất ngờ, chắc cu cậu chưa kịp quét tước dọn dẹp, chưa kịp gấp chăn chẳng hạn.” Ông rất ngạc nhiên khi bước lên bậc thang bằng đất, thấy người thanh niên đang hái hoa. Còn cô kĩ sư chỉ “ô” lên một tiếng! Sau gần hai ngày, qua ngót bốn trăm cây số đường dài cách xa Hà Nội, đứng trông mây mù ngang tầm với chiếc cầu vồng kia, bỗng nhiên lại gặp hoa dơn, hoa thược dược, vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong… ngay lúc dưới kia là mùa hè, đột ngột và mừng rỡ, quên mất e lệ, cô chạy đến bên người con trai đang cắt hoa. Anh con trai, rất tự nhiên như với một người bạn đã quen thân, trao bó hoa đã cắt cho người con gái, và cũng rất tự nhiên, cô đỡ lấy. 
- Tôi cắt thêm mấy cành nữa. Rồi cô muốn lấy bao nhiêu nữa, tùy ý. Cô cứ cắt một bó rõ to vào. Có thể cắt hết, nếu cô thích. Tôi không biết kỷ niệm thế nào cho thật long trọng ngày hôm nay. Bác và cô là đoàn khách thứ hai đến thăm nhà tôi từ tết. Và cô là cô gái thứ nhất từ Hà Nội lên tới nhà tôi từ bốn năm nay.

     Người con trai nói to những điều đáng lẽ người ta chỉ nghĩ. Cũng là những điều ta ít nghĩ. Việc ấy làm bác già và cô gái cảm động và cuốn hút ngay. Cô ôm bó hoa vào ngực, bạo dạn nhìn thẳng vào mặt anh. Anh thanh niên bắt gặp cái nhìn đó, phủi vội giọt mồ hôi trên sống mũi, mỉm cười, hạ giọng hỏi:
- Cũng đoàn viên, phỏng?
- Vâng - cô gái sẽ nói.
- Thôi, chấm dứt tiết mục hái hoa - Người con trai bất chợt quyết định - Bác lái xe chỉ cho ba mươi phút thôi. Hết năm phút rồi. Cháu nói qua công việc của cháu năm phút. Còn hai mươi phút, mời bác và cô vào nhà uống chè, cho cháu nghe chuyện. Cháu thèm nghe chuyện dưới xuôi lắm. Công việc của cháu cũng quanh quẩn ở mấy chiếc máy ngoài vườn này thôi. Những cái máy vườn trạm khí tượng nào cũng có. Dãy núi này có ảnh hưởng quyết định với gió mùa đông bắc đối với miền Bắc nước ta. Cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Đây là máy móc của cháu. Cái thùng đo mưa này, ở đâu bác cũng trông thấy, mưa xong đổ nước ra cái cốc li phân mà đo. Cái này là máy nhật quang kí, ánh sáng mặt trời xuyên qua cái kính này, đốt các mảnh giấy này, cứ theo mức độ, hình dáng vết cháy vết cháy mà định nắng. Đây là máy vin, nhìn khoảng cách giữa các răng cưa mà đoán gió. Ban đêm không nhìn mây, cháu nhìn gió lay lá, hay nhìn trời, thấy sao nào khuất, sao nào sáng, có thể nói được mây, tính được gió. Cái máy nằm dưới sâu kia là máy đo chấn động vỏ quả đất. Cháu lấy những con số, mỗi ngày báo về “nhà” bằng máy bộ đàm: bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng. Bản báo ấy trong ngành gọi là “ốp”. Công việc nói chung dễ, chỉ cần chính xác. Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung… Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được.

     Anh thanh niên đang nói, dừng lại. Và tại sao họa sĩ cảm giác mình bối rối? Vì nhác thấy người con gái nhỏ nhẻ, e lệ, đứng giữa các luống dơn, không cần hái hoa nữa, ôm nguyên bó hoa trong tay, lắng tai nghe? Vì họa sĩ đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết, ôi, một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đủ là giá trị một chuyến đi dài.
- Anh nói nữa đi - Ông giục.
- Báo cáo hết! - Người con trai vụt trở lại giọng vui vẻ. - Năm phút nữa là mười. Còn hai mươi phút thôi. Bác và cô vào trong nhà. Chè đã ngấm rồi đấy.


     Thì giờ ngắn ngủi còn lại thúc giục cả chính người họa sĩ già. Ông theo liền anh thanh niên vào trong nhà, đảo nhìn qua một lượt trước khi ngồi xuống ghế. Một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc gường con, một chiếc bàn học, một giá sách. Họa sĩ còn đang nheo mắt cố đọc tên các sách trên giá thì cô gái đã bước tới, dường như làm việc ấy hộ bố. Cô không trở lại bàn giữa và ngồi ngay xuống trước chiếc bàn học con, lật xem bìa một cuốn sách rồi để lại nguyên lật mở như cũ. Anh thanh niên rót nước chè mời bác già, ngoảnh lại tìm cô gái, thấy cô đang đọc, liền bưng cái chén con đến yên lặng đặt trước mặt cô.


     Họa sĩ nhấp chén trà nóng ba ngày nay ông mới lại gặp, không giấu vẻ thích thú, tự rót lấy một chén nữa, nói luôn:
- Ta thỏa thuận thế này. Chuyện dưới xuôi, mười ngày nữa trở lại đây, tôi sẽ kể anh nghe. Tôi sẽ trở lại, danh dự đấy. Tôi cũng muốn biết cái yên lặng lúc một giờ sáng chon von trên cao nó thế nào. Bây giờ có cả ba chúng ta đây, anh hãy kể chuyện anh đi. Sao người ta bảo anh là người cô độc nhất thế gian? Rằng anh “thèm” người lắm?
  
   Anh thanh niên bật cười khanh khách:
- Các từ ấy đều là của bác lái xe. Không, không đúng đâu. Một mình thì anh bạn trên trạm đỉnh Phan-xi-păng ba nghìn một trăm bốn mươi hai mét kia mới một mình hơn cháu. Làm khí tượng, ở được cao thế mới là lí tưởng chứ.
     Anh hạ giọng, nửa tâm sư, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều:
- Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Còn người thì ai mà chả “thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy, cháu tự nói với cháu thế đấy. Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào giờ “ốp” là cháu chạy xuống chơi, lâu thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi: Cái nhớ xe, nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng. Cháu ở liền trong trạm hằng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc, cháu gan lì nhất định không xuống. Ấy thế là một hôm, bác lái phải thân hành lên trạm cháu. Cháu nói: “Đấy, bác cũng chẳng “thèm” người là gì?”
    
Anh xoay sang người con gái đang một mắt đọc cuốn sách, một mắt lắng nghe, chân cô đung đưa khe khẽ, nói:
- Và cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ.
- Quê anh ở đâu thế? - Họa sĩ hỏi.
- Quê cháu ở Lào Cai này thôi. Năm trước, cháu tưởng cháu được đi xa lắm cơ đấy, hóa lại không. Cháu có ông bố tuyệt lắm. Hai bố con cùng viết đơn xin ra lính đi mặt trận. Kết quả: bố cháu thắng cháu một - không. Nhân dịp Tết, một đoàn các chú lái máy bay lên thăm cơ quan cháu ở Sa Pa. Không có cháu ở đấy. Các chú lại cử một chú lên tận đây. Chú ấy nói: nhờ cháu có góp phần phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ đựơc bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng. Đối với cháu, thật là đột ngột, không ngờ lại là như thế. Chú lái máy bay có nhắc đến bố cháu, ôm cháu mà lắc “Thế là một - hòa nhé!”. Chưa hòa đâu bác ạ. Nhưng từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc. Ơ, bác vẽ cháu đấy ư? Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn.


     Phải, người họa sĩ già vừa nói chuyện, tay vừa bất giác hí hoáy vào cuốn sổ tì lên đầu gối. Hơn bao nhiêu người khác, ông biết rất rõ sự bất lực của nghệ thuật, của hội họa trong cuộc hành trình vĩ đại là cuộc đời. Ông thấy ngòi bút của ông bất lực trên từng chặng đường đi nhỏ của ông, nhưng nó như là một quả tim nữa của ông, hay chính là quả tim cũ được “đề cao” lên, do đó mà ông khao khát, mà ông yêu thêm cuộc sống. Thế nhưng, đối với chính nhà họa sĩ, vẽ bao giờ cũng là một việc khó, nặng nhọc, gian nan. Làm một bức chân dung, phác họa như ông làm đây, hay rồi vẽ dầu, làm thế nào làm hiện lên được mẫu người ấy? Cho người xem hiểu được anh ta, mà không phải hiểu như một ngôi sao xa? Và làm thế nào đặt được chính tấm lòng của nhà họa sĩ vào giữa bức trnh đó? Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành được sáng tác còn là một chặng đường dài. Mặc dù vậy, ông đã chấp nhận sự thử thách.

     Để khỏi vô lễ, người con trai vẫn ngồi yên cho ông vẽ, nhưng cho là mình không xứng với thử thách ấy, anh vẫn nói:
- Không, bác đừng mất công vẽ cháu! Cháu giới thiệu với bác ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa ! Ngày này sang ngày khác ông ngồi im trong vườn su hào, rình xem cách ong lấy phấn, thụ phấn cho hoa su hào. Rồi, để được theo ý mình, tự ông cầm một chiếc que, mỗi ngày chín mười giờ sáng, lúc hoa tung cánh, đi từng cây su hào làm thay cho ong. Hàng vạn cây như vậy. Để củ su hào nhân dân toàn miền Bắc nước ta ăn được to hơn, ngon hơn trước. Ông kĩ sư làm cháu thấy cuộc đời đẹp quá. Bác về Sa Pa vẽ ông ta đi, bác. Hay là, đồng chí nghiên cứu khoa học ở cơ quan cháu ở dưới ấy đấy. Có thể nói đồng chí ấy trong tư thế sẵn sàng suốt ngày chờ sét. Nửa đêm mưa gió rét buốt, mặc, cứ nghe sét là đồng chí choáng choàng chạy ra. Như thế mười một năm. Mười một năm không một ngày xa cơ quan. Không đi đến đâu mà tìm vợ. Đồng chí cứ sợ nhỡ có sét lại vắng mặt mình. Đồng chí đang làm một cái bản đồ sét riêng cho nước ta. Có cái bản đồ ấy thì lắm của lắm bác ạ. Của chìm nông, của chìm sâu trong lòng đất đều có thể biết, quý giá lắm. Trán đồng chí cứ hói dần đi. Nhưng cái bản đồ sét thì sắp xong rồi.


     Trong cái lặng im của Sa Pa , dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.
     Cũng may mà bằng mấy nét, họa sĩ ghi xong lần đầu gương mặt của người thanh niên. Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh. Và về những điều anh suy nghĩ trong cái vắng vẻ vòi vọi hai nghìn sáu trăm mét trên mặt biển, cuồn cuộn tuôn ra khi gặp người. Những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có những vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác, có sẵn mà chưa rõ hay chưa được đúng. Ví dụ như quan niệm về cái đất Sa Pa mà ông quyết định sẽ chỉ đến để nghỉ ngơi giai đoạn cuối trong đời, mà ông yêu nhưng vẫn còn tránh.


     Những băn khoăn ấy làm cho nhà hội họa không nhận xét được gì ở cô con gái ngồi trước mặt đằng kia. Những điều cô cùng nghe, cộng với những điều cô khám phá thấy trên hai trang sách hay đang đọc dở của người con trai làm cô bàng hoàng. Có phải cái ánh sáng trong quyển sách rọi sang, làm cho cô hiểu thêm cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về cái thế giới những con người như anh mà anh kể, và về con đường cô đang đi tới? Có phải cái cảm giác bàng hoàng, đáng lẽ cô phải biết khi cô yêu, bây giờ cô mới biết, giúp cô đánh giá đúng hơn mối tình nhạt nhẽo mà cô đã bỏ, và yên tâm hơn về quyết định của mình? Một ấn tượng hàm ơn khó tả dạt lên trong lòng cô gái. Không phải chỉ vì bó hoa rất to sẽ đi theo cô trong chuyến đi thứ nhất ra đời. Mà vì một bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho thêm cô. Và vì một cái gì đó nữa mà lúc này cô chưa kịp nghĩ kĩ. Cô loay hoay tìm trong túi xách. Nhà họa sĩ thì còn trở lại, nhưng cô, trong trời đất Tây Bắc bạt ngàn, trong cuộc đời mông mênh nói chung, chốc nữa, chắc là cô sẽ đi luôn, biến mất, có cái gì tặng lại anh ta để, như anh ta nói, kỉ niệm lần gặp gỡ này. Một cái cỏn con gì rồi ra có thể biến thành một chút xíu dịu dàng, một chút xíu dũng cảm trong cuộc sống của anh ta? Một cuốn sách, một món trang trí nhỏ chẳng hạn? Không, hiện giờ trong cái túi xách của cô không có vật gì như thế.
- Trời ơi, chỉ còn có năm phút!
     Chính là anh thanh niên giật mình nói to, giọng cười nhưng đầy tiếc rẻ. Anh chạy ra nhà phía sau, rồi trờ vào liền, tay cầm một cái làn. Nhà họa sĩ tặc lưỡi đứng dậy. Cô gái cũng đứng lên, đặt lại chiếc ghế, thong thả đi đến chỗ bác già. 
- Ô! Cô còn quên chiếc mùi soa đây này!
     Anh thanh niên vừa vào, kêu lên. Để người con gái khỏi trở lại bàn, anh lấy chiếc khăn tay còn vo tròn cặp giữa cuốn sách tới trả cho cô gái. Cô kĩ sư mặt đỏ ửng, nhận lại chiếc khăn và quay vội đi.
- Chào anh. - Đến bậu cửa, bỗng nhà họa sĩ già quay lại chụp lấy tay người thanh niên lắc mạnh. - Chắc chắn rồi tôi sẽ trở lại. Tôi ở với anh ít hôm được chứ?
     Đến lượt cô gái từ biệt. Cô chìa tay ra cho anh nắm, cẩn trọng, rõ ràng, như người ta cho nhau cái gì chứ không phải là cái bắt tay. Cô nhìn thẳng vào mắt anh - những người con gái sắp xa ta, biết không bao giờ gặp ta nữa, hay nhìn ta như vậy.
- Chào anh.
     Lần đầu, chính là anh thanh niên quay mặt đi. Anh ấn cái làn vào tay bác già và nói vội vã:
- Cái này để ăn trưa cho bác, cho cô và bác lái xe. Cháu có bao nhiêu là trứng, ăn không xuể. Cháu không tiễn bác và cô ra xe được, vì gần tới giờ “ốp” rồi. Thôi chào bác, chào cô. Bác sẽ trở lại nhé.

     Hai ông con theo bậc cấp bước xuống đồi, đến mặt đường nhìn lên, không thấy người con trai đứng đấy nữa. Anh ta đã vào nhà trong. Ông xách cái làn trứng, cô ôm bó hoa to. Lúc bấy giờ, nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiếu làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo. Hai người lững thững đi về phía chiếc xe đỗ, im lặng rất lâu. Bỗng bác già nhìn chiếc đồng hồ nói một mình:
- Thanh niên bây giờ lạ thật! Các anh chị cứ như con bướm. Mà đã mười một giờ, đến giờ “ốp” đâu? Tại sao anh ta không tiễn mình đến tận xe nhỉ?
     Cô gái liếc nhìn bác già một cái rất nhanh, tự nhiên hồi hộp, nhưng vẫn im lặng.    
                                                        Lào Cai tháng sáu, Hà Nội tháng bảy - 1970.