Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

NGHỊ LUẬN ĐOẠN 2 - BÀI THƠ "NÓI VỚI CON" CỦA Y PHƯƠNG


Đề : 
            Nhận xét về bài thơ Nói với con ” của Y Phương, SGK Ngữ Văn 9 – Tập 2 – Trang 74 có viết : Y Phương đã ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình ”
           Hãy phân tích một đoạn thơ trong bài Nói với con ” để làm sáng tỏ nhận định trên.


BÀI LÀM

Ai đã từng đọc “ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm chắc chắn không thể quên được tình cảm yêu thương nồng thắm của người mẹ Tà ôi vừa địu con vừa làm rẫy. Nhạc điệu qua mỗi khúc ru là  những cung bậc tình cảm khác nhau của người mẹ đối với đứa con, với quê hương đất nước. Cùng mạch chủ đề này, nhà thơ người dân tộc Tày - Y Phương cũng có bài thơ “ Nói với con”. Mượn lời của người cha nói với con, nhà thơ gợi về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người, bộc lộ niềm tự hào, sức sống mạnh mẽ bền bỉ của quê hương mình.
Nhận xét về bài thơ Nói với con ” của Y Phương, SGK Ngữ Văn 9 – Tập 2 – Trang 74 có viết : Y Phương đã ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình ”. Quan việc phân tích đoạn hai của bài thơ, chúng ta sẽ làm sáng tỏ nhận định này.
                                    “ Người đồng mình thương lắm con ơi
                       
                        Nghe con ”
Cách diễn đạt độc đáo ấy còn được thể hiện ở những câu thơ tiếp theo:
                                    “ Người đồng mình thương lắm con ơi
                                     Cao đo nỗi buồn
                                    Xa nuôi chí lớn”
            Giai điệu Người đồng mình… một lần nữa lại cất lên đầy yêu mến tự hào. Người cha muốn khẳng định với con về vẻ đẹp tâm hồn, truyền thống của quê hương làng bản. Đó là sức mạnh truyền thống dân tộc, lòng thuỷ chung với quê hương. Hai câu thơ bốn chữ được xếp đối nhau như tục ngữ, đã đúc kết một thái độ một phương châm ứng xử cao quý của người đồng mình, lấy chiều cao của trời, của núi để “đo nỗi buồn”, lấy chiều xa của đất, của rừng  để “nuôi chí lớn”. Tứ thơ đầy phóng khoáng thể hiện một bản lĩnh sống cao đẹp của người dân miền núi. Họ sống vất vả mà mạnh mẽ, khoáng đạt, họ bền bỉ gắn bó với quê hương mặc dầu còn lắm đói nghèo, cực nhọc. Đọc các câu thơ, ta như bắt gặp lại tầm vóc kì vĩ của những anh hùng Đăm San, Xinh Nhã  trong các bản trường ca bất hủ của núi rừng Tây Nguyên.
            Từ đó, người cha bộc lộ mong muốn thiết tha đối với con :
                                    Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
                                    Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
                                    Sống trong thung không chê thung nghèo đói
                                    Sống như sông như suối
                                    Lên thác xuống ghềnh
                                    Không lo cực nhọc
Lời tâm tình của cha cũng là  lời khuyên răn con phải biết trân trọng mảnh đất quê hương, nơi mình sinh ra và lớn lên. Cha mong con phải biết sống hồn nhiên cần cù lạc quan để vượt qua gian khó. Trong câu thơ, ta bắt gặp những hình ảnh ẩn dụ, so sánh, thành ngữ dân gian. Điệp ngữ

“ sống” vang lên ba lần như lời khẳng định một tâm thế, một bản lĩnh, một dáng đứng… của “người đồng mình”. Lời thơ giản dị mà thấm thía, lay động tâm hồn. Điều người cha vẫn muốn vẫn hi vọng ở con là phải sống thuỷ chung tình nghĩa với quê hương, biết chấp nhận và vượt qua thử thách gian nan bằng ý chí niềm tin của mình. Lời khuyên ấy cũng chính là bài học đạo lí làm người.
 Những câu thơ tiếp theo là lời khẳng định với con, “ người đồng mình” tuy mộc mạc thô sơ nhưng không nhỏ bé:
                        “ Người đồng mình thô sơ da thịt
                         Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
                         Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
                         Còn quê hương thì làm phong tục”
            Ta lại bắt gặp lối diễn đạt đầy hình tượng vốn là nét đặc trưng  của thơ ca miền núi:  “ thô sơ da thịt”, “ nhỏ bé”, “tự đục đá kê cao quê hương”.. Qua những hình ảnh cụ thể ấy, người cha khái quát lên thành bản lĩnh sống, tinh thần tự  tôn, ý thức bảo tồn nguồn cội của những “người đồng mình. Sự đối lập giữa yếu tố bên ngoài "thô sơ da thịt" với yếu tố tâm hồn “chẳng mấy ai nhỏ bé” là lời khẳng định đầy tự hào về người đồng mình. Họ có ý chí tự lực tự cường, tự làm chủ cuộc sống của mình. Qua sự liên tưởng phong phú sáng tạo "tự đục đá kê cao quê hương ",người cha muốn khẳng định, chính những con người mộc mạc chân chất ấy bằng sự lao động cần cù nhẫn nại hằng ngày đã làm nên quê hương với những phong tục tập quán tốt đẹp. Họ đã giữ gìn bản sắc dân tộc, góp phần làm rạng rỡ quê hương, và người cha muốn con yêu quý và tự hào những đức tính cao đẹp ấy.
            Cả đoạn thơ như âm vang trong những lời tự hào ,sự gắn bó và tình yêu tha thiết của người cha về quê hương .Nó như trở thành một hành khúc mạnh mẽ ngợi ca quê hương .Và, lời nhắc nhở của người cha kết lại bản hành khúc của quê hương lại càng trở nên tha thiết:
                        “ Con ơi tuy thô sơ da thịt
                           Lên đường
                           Không bao giờ nhỏ bé được
                           Nghe con”
Mai sau, “ lên đường” để bay đến những chân trời xa, người cha ân cần căn dặn con không bao giờ được sống tầm thường, nhỏ bé , phải biết giữ  lấy cốt cách giản dị mộc mạc của người lao động, phải làm những điều cao thượng lớn lao.
Điều lớn lao nhất mà người cha muốn truyền cho con chính là lòng tự hào với quê hương và niềm tự tin khi bước vào đời. Nói với con mà chính là cha đã trao tặng cho con. Cha đã vun đắp cho con những tình cảm tốt đẹp , cho con một hành trang quý và đã sẵn sàng tung cánh cho con bay đi khắp mọi nơi.
Từ Nghe con kết thúc bài thơ vang lên thật nhỏ nhẹ, là lời dặn dò ân cần tha thiết mà người cha gửi gắm hết cho con.
Bài thơ không dài với 28 câu thơ tự do, tất cả bay theo cảm xúc tự nhiên ,dạt dào của ý thơ. Giọng thơ tha thiết, trìu mến, hình ảnh thơ vừa cụ thể, mộc mạc,cô đọng mà vừa phong phú, sinh động, giàu chất thơ. Nhà thơ Y Phương đã thấu hiểu và lột tả được tâm hồn tính cách, tình cảm của người dân miền núi. Khúc tâm tình của người cha trong thơ cũng là lời dặn dò của lớp người trước gửi trao thế hệ mai sau.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.