(Bài viết chưa chỉnh sửa)
Trong lúc cuộc
kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt nhất, không chỉ các chàng trai mà các cô
gái thanh niên cũng xung phong ra chiến trường, tham gia vào cuộc chiến tranh
để dành lại độc lập cho dân tộc. Đó cũng chính là đề tài gợi nguồn cảm hứng cho
các nhà văn, nhà thơ lúc bấy giờ. Với khả năng sáng tạo và xây dựng hình tượng
sống động cùng với những ngày tháng lăn lộn nơi chiến trường, Lê Minh Khuê đã
khắc họa thành công hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến
đường Trường Sơn với những vẻ đẹp kì diệu của tâm hồn, lòng dũng cảm và tình
đồng đội thân thương qua truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”. Tiêu biểu là nhân
vật Phương Định_ nhân vật chính của truyện
Lê Minh Khuê là
một cây bút nữ chuyên viết truyện ngắn. Trưởng thành trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ của dân tộc, ngòi bút của bà trong chiến tranh luôn hướng về cuộc sống
chiến đấu của tuổi trẻ trên tuyến đường Trường Sơn. Truyện ngắn “Những ngôi sao
xa xôi” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của bà viết về đề tài này. Tác
phẩm được bà sáng tác vào năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc
diễn ra hết sức ác liệt. Bài thơ là một bức tranh sinh động về cuộc kháng chiến
với những ngôi sao mà ánh sáng của nó chiếu rọi trong lòng ta – ánh sáng của
chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó là những cô trinh sát mặt đường giữa bụi mù
Trường Sơn.
Truyện
xoay quanh nhân vật chính là Phương Định – một cô gái thanh niên xung phong
sống cùng đồng đội, Thao, Nho, trên cao điểm, giữa một vùng trọng điểm ở tuyến
đường Trường Sơn. Công việc của họ tuy vất vả và nguy hiểm nhưng các cô vẫn có
những giây phút hồn nhiên, thơ mộng của tuổi trẻ. Trong một lần phá bom, Nho bị
thương, Phương Định và Thao đã chăm sóc rất tận tình. Cũng là lúc có một trận
mưa đá ào xuống, Phương Định được sống lại với niềm vui trẻ thơ và cô lại nhớ
về thành phố và gia đình.
Phương
Định có hoàn cảnh sống và chiến đấu rất khó khăn, gian khổ. Họ sống trên một
cao điểm, trọng điểm ở tuyến đường Trường Sơn giữa mênh mông khói bụi và bom
đạn hủy diệt của kẻ thù. Công việc của họ là “đo khối lượng đất lấp vào hố bom,
đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Các cô phải đối diện với thần chết
từng phút, từng giờ, “thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhip điệu
chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ.Trong “lúc
đơn vị thường ra đường vào lúc mặt trời lặn và làm việc có khi suốt đêm” thì
các cô, tổ trinh sát mặt đường, phải chạy trên cao điểm cả ban ngày, dưới cái
nóng trên 30 độ. Từ cao điểm trở về, mặt các cô ai cũng “hai con mắt lấp lánh”,
“cười thì hàm răng lóa lên khuôn mặt nhem nhuốc”. Nhiệm vụ của họ thật quan
trọng nhưng cũng đầy gian khổ, hi sinh, thể hiện phần nào hiện thực cuộc chiến
đầy khắc nghiệt. Và cũng từ đó, ta thấy sáng ngời lên tinh thần yêu nước, đầy
quả cảm của các cô gái thanh niên xung phong
Phương Định là
một cô gái Hà Nội vào chiến trường. Ấn tượng đầu tiên về cô là vẻ bề ngoài đáng
yêu, trẻ trung, xinh xắn và đầy sức sống. Cô có “hai bím tóc dày, tương đối
mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa lòa kèn”. Đặc biệt, cô có đôi mắt
với ánh cái nhìn sao mà xa xăm. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các anh pháo thủ và
lái xe lại hay hỏi thăm cô, hay “viết những thư dài gửi đường dây”, “mặc dù có
thể chào nhau hằng ngày”. Phương Định cảm nhận được điều đó, cô cảm thấy vui và
tự hào nhưng chưa dành tình cảm cho một ai. Cô chỉ thích ngắm mình trong gương
và làm điệu hoặc có vẻ kiêu kì một cách đáng yêu khi thấy các đồng đội của mình
tiếp xúc với một anh bộ đội nói giỏi nào đó.
Phương Định vừa
bước qua tuổi học trò hồn nhiên, vô tư lự. Cô mang theo vào chiến trường Trường
Sơn đầy ác liệt cả những nét đáng yêu của một cô gái tuổi mới lớn, mang theo cả
một tâm hồn mơ mộng, rất hồn nhiên, yêu đời. Cô mê hát. Sống trong hoàn cảnh ác
liệt của bom đạn trên chiến trường Trường Sơn,
lúc nào cũng cận kề với cái chết, cô vẫn không bỏ đi sở thích của mình.
“Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời tôi bịa lộn
xộn mà ngớ ngẩn đến tôi cũng phải ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một mình “Tuy
vậy, chị Thao vẫn say mê chép những lời bài hát mà Định bịa ra. Cô thích rất
nhiều bài, “thích Ca-chiu-sa của Hồng quân Liên Xô. Thích ngồi bó gối mơ màng:
“Về đây khi mái tóc còn xanh xanh..”Đó là dân ca Ý trữ tình giàu có”. Cô hát
trong những khoảnh khắc “im lặng” khi máy bay trinh sát rè rè trên đầu, khi cơn
bão lửa sắp chụp xuống cao điểm. Cô hát để động viên đồng đội và cũng là để
động viên chính bản thân mình, để gửi vào trong tiếng hát nỗi khát khao của
tuổi trẻ, của người chiến sĩ, mong được trở về quê hương yêu dấu, được gặp lại
người yêu sau bao nhiêu nhớ nhung, chờ đợi.
Phương Định sống với những kỉ niệm của tuổi
thiếu nữ vô tư giữa gia đình và thành phố Hà Nội thân yêu. Gặp một trận mưa đá,
ở cô lập tức toát lên một niềm vui con trẻ, niềm vui ấy nở tung ra, say sưa,
tràn đầy. Cô nhặt những hạt mưa đá để rồi bâng khuâng ngơ ngác khi thấy nó tan
biến bất ngờ, cũng nhanh như khi nó ập
đến. “Tôi bỗng thẫn thờ, tiếc không nói nỗi...Tôi nhớ một cái gì đấy, hình như
mẹ tôi, cái cửa sổ hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố” Tất cả mọi
kỉ niệm đẹp nhất ở thành phố Hà Nội, về mẹ, về tuổi thiếu nữ trong sáng, vô tư
như ùa về, xoáy mạnh trong lòng cô gái. Chính những kỉ niệm đó đã làm dịu mát
tâm hồn cô trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh.
Cũng như bao cô
gái thanh niên xung phong khác, ở Phương Định nổi bật lên tinh thần dũng cảm,
thái độ bình tĩnh vượt lên mọi hiểm nguy. Điều đó được thể hiện cụ thể qua một
lần phá bom trên cao điểm ở Trường Sơn. Sau những đợt thả bom của giặc, Định cùng
đồng đội chạy lên cao điểm để làm nhiệm vụ, nơi vẫn còn có những quả bom chưa
nổ. Không gian lúc đó vắng lặng đến phát sợ. Nhưng cô không hề sợ hãi. Cô có
cảm giác như các chiến sĩ đang dõi theo mình, vì vậy mà cô cảm thấy an tâm hơn.
Cô quyết định không đi khom, bởi một lý do rất đơn giản “Các anh ấy không thích
cái kiểu đi khom khi có thể cứ đường hoàng mà bước tới.” Cảm giác ấy vừa thể
hiện lòng tự trọng, vừa là ý chí mạnh mẽ giúp cô dũng cảm vượt qua mọi hiểm
nguy.
Phương Định
“dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom”. Quả bom nằm lạnh lùng. Lưỡi xẻng thỉnh
thoảng lại chạm vào quả bom, một tiếng động sắc đến gai người vang lên, cứa vào
da thịt cô. “Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên
một tí. Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành” Cách miêu tả của tác giả thật
tài tình, khiến cho người đọc cũng có thể cảm nhận được âm thanh của hai vật
bằng sắt chạm vào nhau rồi lại cảm thấy rùng mình như Định, càng thấy rõ hơn sự
bình tĩnh, gan dạ của cô.
Những lúc đối
mặt với quả bom sắt lạnh lùng, cô cũng có nghĩ đến cái chết. “Nhưng một cái
chết rất mờ nhạt, không cụ thể”. Đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua. Còn điều mà
cô quan tâm lúc này là “liệu mìn có nổ không, bom có nổ không? Không thì làm
cách nào để châm mìn lần thứ hai?”Trong suy nghĩ của Định, cô luôn cố gắng hoàn
thành nhiệm vụ thật tốt dù có phải hi sinh. Cảm xúc, suy nghĩ chân thật ấy của
cô đã truyền sang người đọc nhiều đồng cảm, yêu mến, trân trọng và kính phục. Chính
nhờ sự gan góc, dũng cảm và tinh thần trách nhiệm cao đã giúp Định thực hiện
tốt công việc của mình. Một cô gái như muôn ngàn cô gái khác trên tuyến đường
Trường Sơn, đang hàng giờ dệt nên những kì tích cho Tổ quốc thân thương: Những
con đường bằng phẳng để các chuyến xe vượt Trường Sơn tiến vào Nam.
Công việc “chọc
giận thần chết” đã trở nên quen thuộc với cô, là công việc hàng ngày, nhưng nó
không làm cho tâm hồn cô trở nên chai lì, khô cứng. Ở Định, ta còn thấy thường
trực một tình cảm đồng đội, đồng chí nồng ấm. Cô luôn yêu thương trìu mến và
quan tâm đến đồng đội. Cô lo lắng cho chị Thao lên cao điểm chưa về đến nỗi
“nói như gắt vào máy” khi đại đội trưởng hỏi tình hình. Cô vỗ về và chăm sóc
cho Nho tận tình như một cô y tá khi Nho bị thương lúc phá bom: “moi đất, bế
Nho đặt lên đùi mình”, “rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than”, “tiêm cho
Nho” rồi “pha sữa trong cái ca sắt”. Sự chăm sóc tận tình của Định đã giúp Nho
khỏe lại nhanh chóng. Ba cô gái thanh niên xung phong tuy với tính cách khác
nhau nhưng họ yêu thương nhau và đối xử với nhau như chị em ruột thịt. Cô còn
dành tình cảm trân trọng, yêu mến của mình cho những người chiến sĩ đang trực
tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường. Trong suy nghĩ của cô, “những người
đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục
có ngôi sao trên mũ.” Tình đồng đội, đồng chí của Phương Định thật thiêng
liêng, cao cả và đáng quý. Chính điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho cô để cô làm
tốt nhiệm vụ của mình. Có được trang viết này cũng một phần xuất phát từ tâm
hồn giàu tình cảm của cây bút Lê Minh Khuê.
Thành công nhất
trong truyện là nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. Truyện được miêu tả theo
ngôi thứ nhất, cũng là nhân vật chính, tạo điều kiện để tác giả tập trung miêu
tả thế giới nội tâm của nhân vật chính, làm cho câu chuyện diễn tả một cách
chân thật, tự nhiên cảm xúc, tâm trạng của những người chiến sĩ. Nhan đề truyện
xuất phát từ ánh nhìn của Phương Định, những ngôi sao xa xăm trên bầu trời gợi
nhiều cảm xúc. Bên cạnh đó, vẻ đep tâm hồn của ba cô gái thật lấp lánh, lãng
mạn giữa hiện thực khắc nghiệt như những ngôi sao xa xôi, lấp lánh trên bầu
trời cao rộng.
Trường Sơn là
nơi thử thách ý chí, khí phách con người Việt Nam. Chính những con người như Phương
Định, Thao, Nho đã xướng nên bài ca tuyệt đẹp của “những bông hoa trên tuyến
lửa” anh hùng. Giữa sự ác liệt của chiến tranh, vẻ đẹp của họ vẫn tỏa sáng. Sức
trẻ, lòng yêu nước, khát vọng hòa bình đã tạo nên sức mạnh cho cuộc kháng chiến
gian khổ mà anh hùng. Họ vốn chỉ là những con người rất đỗi bình thường nhưng
đã góp phần tạo nên những kì tích anh hùng cho dân tộc:
“Em là người thanh niên
xung phong
Không có súng chỉ có đôi
vai tải đạn
Giữa tầm đạn thù tấm
lòng dũng cảm
Em vượt đường dài tiếp
thêm lửa chiến công”
Tóm lại, truyện “Những ngôi sao xa xôi” của Lê
Minh Khuê đã làm sống lại trong mọi người hình ảnh tuyệt đẹp của những cô gái
thanh niên xung phong thời kháng chiến chống Mỹ với tâm hồn trong sáng, mơ
mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất
hồn nhiên, lạc quan. Phương Định, tuy chỉ là một ngôi sao bé nhỏ, nhưng sẽ luôn
tỏa sáng, sáng lấp lánh trên bầu trời Việt Nam. Các cô mãi là những hình ảnh
đẹp, tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến.
(Bài của em Phạm Lê Nhã Đoan - Hs Trần Đại Nghĩa - NH: 2009-2010)
cảm ơn bạn đã cho mình đọc và hiểu thêm cảm ơn rất nhiều
Trả lờiXóa