Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp


Nhà tuởng niệm Danh nhân văn hoá Nguyễn Thiếp


La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp sinh ngày 24-9-1723, mất ngày 6-2-1804, quê làng Nguyệt Ao, huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ông đỗ Hương giải (1743) ra làm quan huấn đạo, tri phủ ít lâu thì cáo về, ở ẩn trên núi Thiên Nhẫn, đọc sách, nghiên cứu lý học.
Ông nổi tiếng là người đạo hạnh thanh cao, có trình độ uyên bác. Cả nước hâm mộ tôn ông là bậc thầy. Ông cũng là con người cao sĩ, sống ẩn dật.
Ngoài danh hiệu La Sơn phu tử, người ta còn gọi ông là Lạp Phong cư sĩ, hoặc gọi là ông Lục Niên (vì ông ẩn dật ở thành Lục Niên).
Chúa Trịnh nhiều lần mời ông ra làm quan, nhưng ông từ chối. Chỉ đến khi vua Quang Trung kiên nhẫn cầu hiền đến ba bốn lần, ông mới nhận lời giúp. Sử sách ghi rõ những đóng góp của ông:
- Thống nhất với Quang Trung thời cơ đánh quân Thanh. Chiến lược "thần tốc" là do ông nêu ra. Ông cũng khẳng định trước là Quang Trung sẽ thắng.
- Nhận chức viện trưởng Viện Sùng chính, chỉ đạo việc dịch các sách chữ Hán, chữ Nôm.
- Đề xuất với Quang Trung việc chính học, nhấn mạnh việc giảng dạy đạo đức.
- Ông còn được vua Quang Trung giao cho việc tìm đất ở Nghệ An để xây dựng Phượng Hoàng trung đô, nhưng việc này đã không xúc tiến được.
Khi Quang Trung mất, vua Cảnh Thịnh mời ông vào Phú Xuân, nhưng không giúp được gì để cứu vãn cơ đồ Tây Sơn. Vua Gia Long cũng tỏ ý trọng đãi ông, nhưng ông đã từ chối không cộng tác.
Cũng như các vị tiền bối đạo hạnh cao niên, Nguyễn Thiếp được người đương thời tôn làm Phu tử, uy tín lừng lẫy. Ông không có địa vị khoa bảng cao, chỉ dạy học, rồi lui về ở ẩn. Tiếng tăm của ông do phẩm chất cao thượng và công trình tu dưỡng của ông, Nguyễn Thiếp có chủ trương giáo dục riêng, theo lời ông tuyên bố thì là lối dạy và học theo Chu Hi đời Tống. Không thấy ông bàn gì đến những lí lẽ triết học, tư tưởng siêu hình của Chu Hi cả. Ông chỉ vụ sự thiết thực, để mong đưa nước tới một cái đạo có thể làm cho dân, nước thịnh cường.
"Đạo là những lẽ thường theo để làm người. Kẻ đi học là học điều ấy vậy. Nước Việt ta từ khi lập quốc đến bây giờ, chính học lâu ngày mất. Người ta chỉ tranh nhau đua tập việc học từ chương, cầu công lợi và quên bẵng cái giáo tam cương ngũ thường. Chúa tầm thường tôi nịnh hót. Quốc phá gia vong, những tệ kia đều ở đó mà ra cả" (bản tâu ngày 10 tháng 8 âm lịch - 1791).
Nguyễn Thiếp cũng đã đề ra phương châm phương pháp giáo dục: "Học cho rộng, rồi ước lược cho gọn, theo điều học biết mà làm. Họa may nhân tài mới có thể thành tựu, nhà nước nhờ nó mà yên".
Có giai thoại kể rằng, khi triều Tây Sơn đã mất, Gia Long đòi Nguyễn Thiếp ra hỏi:
- Tây Sơn mời ông làm thầy, vậy ông dạy "nó" ra sao?
Đáp:
- Có 8 điều trong sách Đại học, 9 điều trong sách Trung dung, người giỏi thì làm được, người không giỏi thì không làm được (1).
Nếu cuộc đối thoại này mà có thực, thì đúng là Nguyễn Thiếp đã tâm niệm một chủ trương giáo dục, học tập nhằm mục đích rèn luyện con người và quản lý xã hội. Ông đã tỏ ra có tinh thần thực tiễn, chú ý đến việc ích nước lợi nhà, chứ không phải là cái học kinh viện giáo điều như ở những nhà nho khác.
Hiện nay, không có tài liệu gì để có thể từ đó mà tìm ra phương pháp, nghệ thuật giảng dạy của Nguyễn Thiếp. Song về quan niệm của ông, thì có thể nhận ra được. Ngoài những vấn đề vừa nêu, còn tìm thấy trong thơ ca của ông những ý thức thuyết minh cho đạo lý giảng dạy. Thí dụ ông có 3 bài thơ tóm lược nội dung các sách tính lý, Tứ thư đại toàn, 5 bài thơ ca tụng các tiên nho như: Chu Hi, Trình Tử, Thiệu Khang, một bài thơ đề nhà học trong thôn làng.
Có một điểm đặc biệt đáng chú ý là Nguyễn Thiếp tỏ ra vừa chú trọng học đạo đức vừa chú trọng lao động.
Bài thơ "Sơn cư tác" có câu:
Thế sự vô như độc dữ canh
Lao nhiên ngô chỉ, tế ngô hành
Nghĩa là:
Việc đời không gì bằng đọc sách và cày ruộng
Lụt thì ta nghỉ, khô ráo thì làm.
Đó cũng có thể là một gợi ý cho thấy Nguyễn Thiếp có chú ý cả lao động trí óc và lao động chân tay. Thực tế thì cuộc sống của ông cũng gắn bó với nông thôn, và việc giảng dạy đạo lý của ông chủ yếu là làm cho con người tự bồi dưỡng nâng cao để xây dựng cuộc đời thường cho trong sạch, tiến bộ. Ông dạy như thế, và đã tự mình sống như thế. Ông ham thơ ca, yêu lý thuyết, nhưng nhà ông không phải là tháp ngà, ông không hề tách rời cuộc sống như những nhà học giả chỉ biết thu mình trong sách vở: Có lẽ vì thế mà ông dã thực sự trở thành một nhà giáo nhân dân (mặc dù lúc này, chưa có cái danh hiệu ấy).
Sách Lê mạc tiết nghĩa lục chép: "Cách dạy của cụ là trước học tiểu học để bồi đắp lấy gốc, sau học kinh truyện đỗ hiểu đến ngành. Kẻ theo học đều cảm hóa cả, lại đem điều học được về giảng lại cho làng xóm. Cho nên cái luồng gió lễ nghĩa lan khắp cả vùng" (2).
Cả một đất nước lúc bấy giờ đều nhận thấy ở Nguyễn Thiếp một vị thầy đạo cao đức trọng. Người ta đã xem ông như cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cây đại thụ trước đây tỏa rợp bóng trong thế kỷ 16, thì giờ đây ở đất Hồng Lam lại có một cây đại thụ khác cho giai đoạn cuối thế kỷ 18. Các thầy giáo thường là những người có phẩm chất thanh cao, có tư cách gương mẫu, nhưng không nhiều thì ít, người nào có tên tuổi thì cũng phải vướng với bụi trần. Chỉ có Nguyễn Thiếp có đường lối xuất xử độc đáo, có phong cách riêng biệt. Cuộc sống ẩn dật của ông - và ông kiên trì với lối sống này - lại khiến cho ông vượt lên trên tất cả mọi người. Cuộc sống ấy cũng là một bài học để cảnh tỉnh được những tư tưởng và hành vi thoái hóa của những người cùng thế hệ. Ngay thời đại ông sống, người ta đã nhận ra điều này.
Hoàng giáp Bùi Huy Bích, làm Hiệp trấn ở Nghệ An (là vị quan đầu tỉnh, trực tiếp lãnh đạo Nguyễn Thiếp) đã viết cho ông những lời ca ngợi:
… Ngẩng trông am núi cách vời
Núi cao rừng thẳm, tột trời mây xanh
Muốn lên thăm hỏi sự tình
Lại e một nỗi ông khinh người phàm
Và:
…Khác người chỉ có một ông
Ấn quan trao trả, non sông thỏa tình
Người ta trỏ Lục Niên thành
Nam Sơn cạnh núi, náu hình am ông
(Hoàng Xuân Hãn dịch)
Tiến sĩ Bùi Bật Trực viết về ông - trực tiếp dành cho ông những lời tán tụng không thể dành cho ai được:
Tứ hải ngưỡng cao Thiên Nhẫn đỉnh
Cửu trùng trọng vọng Lục Niên quan
(Cả bốn biển đều cúi trông lên đỉnh Thiên Nhẫn.
Từ chín bệ (nơi ngự của nhà vua) rất tôn vinh cửa thành Lục Niên)
Một người thầy được suy tôn như vậy, quả là xưa nay có một.
Tất nhiên, vào thời điểm đó, không phải không có người có ý khác về Nguyễn Thiếp. Nhất là khi thấy ông ra làm việc cho nhà Tây Sơn. Đó là những người còn nặng tư tưởng ngu trung đối với nhà Lê, hoặc ghen tỵ với ông, hoặc không hiểu ông. Nhưng trước những ý kiến ngược chiều, đã có người chiêu tuyết cho ông, công nhận hành vi xuất xử của ông và phân tích rất thỏa đáng:
… "Tiên sinh có học hơn đời, có khí trùm chúng. Đương khi nhà nước đạo thịnh, người ta vui ra làm quan, chỉ một mình tiên sinh từ nhật nguyệt mà vui với yên hà. Dựng nhà ở chốn danh sơn, gác công danh ngoài bụng nghĩ…
… Kịp khi quốc vận suy đồi. Tây Sơn chiếm cứ. Tiên sinh lại vì giỏi giang mà bị mời ra. Kẻ cho là phải, mừng tiên sinh ra làm. Kẻ cho là hay, sợ tiên sinh mang tiếng.
Một mình tiên sinh nhận lễ và ra, rồi từ chức lại về. Giúp Tây Sơn mà không trái đạo. Tây Sơn lấy bình dân Nguyệt Ao để ban lộc, đặt thư viện Nam Hoa để trọng đãi. Tiên sinh ung dung tiến thoái, thật là kẻ khác thường muôn vạn bậc.
Ôi! Người đời chê tiên sinh. Mấy ai đã hiểu tiên sinh. Chí tiên sinh chưa kịp thi hành, Tây Sơn đã mất. Tiên sinh cũng mất theo. Thực là tiên sinh không thể không có điều giận, mà người ta cũng không thể không tiếc cho tiên sinh. Nếu không thế thì với thực học ấy, anh phong ấy gặp thời đắc dụng, há chỉ có thế mà thôi sao?".

(Văn tế của hàng huyện La Sơn - bản dịch của Hoàng Xuân Hãn)
 Theo Thầy giáo Việt Nam Mười thế kỷ (Địa chí Bình Định)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.