Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

NHÀ THƠ Y PHƯƠNG - Người “kê cao” nền thơ Tày hiện đại

Nhà thơ Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước. Ông sinh ngày 24 tháng 12 năm 1948 tại Trùng Khánh, Cao Bằng. Hiện ông đang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam. Bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình khi còn là một chiến sĩ bộ đội đặc công, sau khi chuyển ngành, ông từng theo học và tốt nghiệp Trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam và Trường Viết văn Nguyễn Du. Ông ghi dấu tên mình vào đời sống văn học Việt Nam từ bài thơ Tiếng hát tháng Giêng – Giải A cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1984. Và cũng từ ấy, cuộc đời ông gắn với thơ như duyên nghiệp và lẽ sống. Hơn hai mươi năm qua, ông sáng tác và công bố 6 tập thơ: Tiếng hát tháng Giêng (1986); Lời chúc (1987); Đàn then (1996); Chín tháng (trường ca, 1998), Thơ Y Phương (2000); Thất tàng lồm (Ngược gió, song ngữ Tày-Việt, 2006). Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
 


    Y Phương quan niệm: “Văn chương là một việc làm trả ơn những người sinh thành và nuôi dưỡng mình”. Trên thực tế, ông đã không chỉ làm được việc trả ơn cho cha mẹ, cho dân tộc đã sinh ra và nuôi dưỡng mình, mà bằng tài năng và quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, ông đã thực sự làm rạng danh cho thơ Tày, và góp một giọng điệu lạ cho thơ Việt thế kỷ XX. Đặt thơ Y Phương trong dòng chảy liên tục của thơ Tày thế kỷ XX, chúng tôi nhận ra: Nếu như thơ của các thế hệ trước Y Phương như Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Triều Ân… trên cơ sở kế thừa sâu sắc truyền thống thi ca Tày đã thực hiện sứ mệnh mang thơ Tày gia nhập nền thơ Việt Nam hiện đại, thì trong khoảng hai mươi năm qua, thơ Y Phương đã đưa thơ Tày lên một tầm cao mới, vừa chiếm lĩnh tư duy và thi pháp thơ hiện đại, vừa làm giàu bản sắc dân tộc.
 
    1. Cũng như thơ ca ở thời đại mà giá trị của con người được đo bằng sự cống hiến của anh ta đối với cộng đồng, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thơ Y Phương thấm đẫm tinh thần yêu quê hương, đất nước, yêu dân tộc mình. Nhưng sự khác biệt so với các nhà thơ thế hệ trước thể hiện rõ ở cách mà ông thể hiện tinh thần ấy. Nếu thơ Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Triều Ân…trực tiếp lấy quê hương – đất nước làm đề tài chủ đạo, họ làm thơ để hát lên những tiếng ca hào sảng về tình yêu quê hương đất nước, về những đổi thay lớn lao của số phận dân tộc mình, từ kiếp đói nghèo, nô lệ được làm chủ cuộc đời mình, thì thơ Y Phương trải rộng trên một hệ thống đề tài: chiến tranh, cuộc sống và con người miền núi, đô thị, tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi… Ở đề tài nào ông cũng thể hiện rất thành công.
    Sự phong phú về đề tài thể hiện sự trải nghiệm của cuộc đời ông, một cuộc đời bắt đầu từ mạch nguồn...cái làng của mẹ sinh con/ Có ngôi nhà xây bằng đá hộc/ Có con đường trâu bò đi vàng đen kìn kịt/  Có niềm vui lúa chín tràn trề/  Có tình yêu tan tành tiếng thác (Tên làng), đi qua khói lửa chiến tranh và trưởng thành: Nhận khẩu súng, đeo ngôi sao/ Đi dép lốp đạp bao thằng xâm lược/ Ăn cơm muối vừng mà thắng giặc/  Lớn lên chân cứng đá mếm (Thưa mẹ chúng con đã lớn); trải qua những thăng trầm của đất nước và thời cuộc, tìm về và khẳng định mình trong quan hệ máu thịt với cội nguồn dân tộc, khẳng định bản lĩnh, tài năng của một nhà thơ và niềm tin vào con người:   Mặt trăng/ Mặt trời từ đâu mà có/ Mặt trời, mặt trăng ư?/ Từ chúng ta ngước lên mà thành (Trò chuyện với các thần).
     Niềm tin vào sức mạnh của chính mình, sức mạnh của Con Người không chỉ là niềm tin cá nhân của nhà thơ. Niềm tin ấy phải chăng có nguồn gốc sâu xa từ văn hóa tín ngưỡng - tôn giáo của dân tộc Tày? Trong lịch sử văn hoá của mình, người Tày đã tiếp nhận nhiều giá trị văn hoá - văn minh trong khi giao lưu văn hoá với các cộng đồng dân tộc khác, nhưng riêng về tôn giáo thì hầu như chưa có một tôn giáo nào từ bên ngoài lại có thể tìm được chỗ đứng trong sinh hoạt tâm linh của người Tày. Ở thời hiện đại, điều này vẫn có ý nghĩa của nó. Người Tày tin vào sức mạnh của chính mình. Họ, chứ không phải thế lực siêu nhiên nào khác, tự làm nên cuộc sống, làm nên xứ sở của mình, như Y Phương kiêu hãnh: “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” (Nói với con). Họ dựa vào các quy luật tồn tại và phát triển của vạn vật trong thiên nhiên để cùng tồn tại và phát triển. Niềm tin và lòng tự tôn dân tộc trải qua ngàn năm, tạo nên một tâm thức, một trạng thái sống vững vàng và hài hòa của các thế hệ người Tày. Niềm tin lớn lao ấy nuôi dưỡng tâm hồn và tài năng thơ của nhà thơ Y Phương, giúp ông nghiệm sinh những chiều kích khác của cuộc sống.
    Có thể thấy ở thơ Y Phương sự đổi mới không ngừng trong ý thức điều hòa quan hệ giữa lý trí và tình cảm, giữa cái riêng của cộng đồng xuất phát và cái chung của cộng đồng gia nhập. Đó là sự tự nghiệm:  Tôi có một dòng suối mơ/ Ra biển lớn vẫn chưa bằng lòng/ Bạc đầu sóng không một ngày ngơi nghỉ/ Cả cuộc đời tự vặn mình sinh nở/ Chảy mãi hoài vào người (Tôi có một dòng suối). Đó là ý thức về cội nguồn, truyền thống dân tộc, như những con đường núi, như tên làng, như câu hát tháng Giêng, như lời ru của bà,… không bao giờ mất đi. Ông không chỉ ý thức được việc giữ gìn bản sắc dân tộc, mà còn chủ động kiếm tìm và hòa nhập với sự biến đổi của cuộc sống theo thời gian. Điều đó làm cho thơ Y Phương vượt lên trên các nhà thơ Tày cùng thời và ngày càng chiếm lĩnh các giá trị mới.  
 
    2.  Sự trải nghiệm cuộc sống, bản lĩnh và niềm tin cùng với tài năng và ý thức nghề nghiệp của nhà thơ đã làm nên trong thơ ông một giọng điệu đa thanh, vừa đằm thắm chất trữ tình vừa hào hùng chất sử thi, vừa hồn nhiên chân chất vừa sâu lắng tâm tư. Điều đó là sự khác biệt rõ nét đối với giọng điệu mạnh mẽ, hào sảng mang đậm chất sử thi, vốn là giọng điệu chủ đạo thể hiện qua lối kể tả chân thực của các nhà thơ thế hệ trước.
    Khi viết về quê hương mình, dân tộc mình (trong các bài Lên Cao Bằng. Phòng tuyến Khau Liêu, Tên làng, Nói với con, Người sinh ra bài ca, Chín tháng…) ông sử dụng giọng điệu sử thi hào sảng và kiêu hãnh: Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/ Còn quê hương thì làm nên phong tục (Nói với con);  Thắp sáng lên ngọn đèn/ Lịch sử hiện dần lên mặt vải/ Dân tộc vừa bơi thuyền vừa hát trường ca Khảm hải (Chín tháng).  Và lớn hơn thế, là tình yêu, niềm tự hào và ý chí giữ gìn đất nước, giữ gìn nền văn hóa làm nên đất nước: Ta quyết không lùi /Cả đất nước trong vòng tay ta giữ / Câu hát thiêng liêng lắm chứ / Hát bây giờ còn để hát mai sau (Tiếng hát tháng Giêng)
    Nhưng cũng trong những bài thơ ấy lại rung lên những bè trầm đằm thắm, thiết tha mà nhà thơ nhẩn nha và chân thành gieo vào lòng người: Đất nước/ Chưa một ngày yên nghỉ/ Ngủ cũng đi/ Mà ăn cũng đi/ Biển réo đằng kia/ Còn trời/ Còn đau khổ/ Đất nước dài nước mắt người thiếu phụ  (Chín tháng), Em có buồn?/ Sao em bâng khuâng/ Quê hương mãi nghèo thế… (Tiếng hát tháng Giêng), Mẹ và em nhỏ/ Đeo đầy nhớ thương/  Cong cả đường cái quan (Phòng tuyến Khau Liêu), Bài hát ấy ở trong tôi/  Mỗi khi hát lại đầm đìa nước mắt/  Thương cho dân tộc mình lao đao bốn mặt/  Những phương trời lửa vừa tắt, lại bùng lên (Người sinh ra bài ca)…Đó là những vần thơ được viết từ trái tim nhiều rung cảm tình đời, từ sự trải nghiệm và thấu hiểu của một người yêu nước yêu dân tộc, không chỉ có niềm lạc quan chiến thắng mà còn hiểu cả sự bi tráng phía sau những chiến thắng ấy. Đó là khó khăn gian khổ và sự hy sinh, mất mát, điều mà các nhà thơ Tày trước ông ít khi đề cập tới.
    Sự hòa nhịp giữa chất sử thi và chất trữ tình làm nên giọng điệu trữ tình – sử thi, là giọng điệu chủ đạo của thơ Y Phương trong khoảng mười năm đầu. Sau này, trong khoảng mười lăm năm trở lại đây, thơ Y Phương thể hiện một giọng điệu mới, giọng điệu trữ tình – thế sự. Trong thơ đằm thắm niềm vui, khi nhà thơ nhận ra những nét đẹp làm nên giá trị của cuộc sống quanh mình:  Mồng một Tết thắp hương/ Khói đi lang thang/ Theo khói/ Gặp bưởi vàng/ Dọc đường làng/ Chọc là cười/ Bầy trẻ nhỏ vừa mổ vừa ăn vừa đem ra nghịch/ Chân tay thơm quê hương/ Chúng nó nói giọng ông bà ngoại (Lời ru quê ngoại),  Bất chợt ùa ra đường/ Từng đôi trăng đi/ Từng đôi trắng đi/ Cười lóa/ Sung sướng về đâu em (Một chút Lạng Sơn), Sớm nay/ giàn mướp rung rinh đài hoa/ Con ếch cốm ngắm vịt bơi rinh rích/  Cơn gió nồm chảy qua người xanh mướt/ Thung lũng như em/ Chìm lặng yêu thương(Chim trắng)…  
    Nhưng thơ Y Phương cũng chất chứa những suy tư, lo lắng về nhân tình thế thái, về những nỗi buồn, những hoài niệm mang sắc thái, cung bậc khác nhau, mà sự tinh tế đã giúp nhà thơ nhận ra. Đó là sự tù túng của vùng đất hay của thời cuộc, khiến nhà thơ hoang mang:  Những mùa dài sông Bằng không chảy/ Tôm cá đi thơ thẩn như người/ Mái chèo chạm nỗi lòng gợn sóng/  Đi đâu?/ Về đâu?/ Bè ơi!(Những mùa sông Bằng không chảy).  Đó là nỗi lòng của một người mẹ: Con thương mẹ bằng mưa/  Mưa một ngày đã nhạt/  mưa cả tháng thì sao (Lời mẹ)…Là nỗi lo lắng cho quê hương không thể nói hết lời trong câu thơ buông lửng vừa hàm chứa những nỗi niềm, vừa độc đáo về cách diễn đạt, và “bắt” người đọc phải tự hoàn tất cái khoảng trống thẩm mỹ ấy: Đời ông còn đun củi/ Đời cha đã chặt cành/ Đến đời con đun…cỏ/ Đất mỗi ngày mỗi khó/ Người mỗi ngày mỗi…(Người mỗi ngày).
    Còn đây là sự cô độc của một người miền núi ở nơi thị thành, một cá nhân bé nhỏ, xa lạ giữa dòng chảy khổng lồ của thế giới hiện đại. Là nỗi đau đớn đến xót xa, giống như nỗi đau của một cái cây đã bứt khỏi cội rễ: Đây đâu phải nhà mình / Không thấy cánh đồng lúa vàng / Bãi đá sau làng/ ... / Mở cửa ra/ Nhà chồng lên nhà/ Nhà cũng guồng chân chạy/Những dòng sông người sôi lên ầm ào / Cháy khét/ Inh tai nhức óc/....Đóng cửa vào / Tiếng máy lạnh thở dài/ Màn hình chớp như khóc/ Gối/ Chăn/ Ga/ Đệm/ Nói tiếng gì/ Không biết/ Cây trong bồn/Hoa trong bình / Tranh trên tường/ Cười nỗi gì/Không biết.  (Cười nỗi gì)
Sự đa giọng điệu trong thơ Y Phương mà giọng điệu nào cũng thành công là nét khác biệt và nổi bật không chỉ so với các tác giả thơ Tày lớp trước mà ngay cả với lớp tác giả cùng thời và sau ông cũng chưa ai có được.
 
    3. Thơ Y Phương là kết quả của một quá trình tự ý thức trong tiếp nhận và sáng tạo để đạt tới sự hài hòa giữa dân tộc và hiện đại.   
    Y Phương chủ động làm cho hai thi pháp cổ điển và tự do hoà quyện với nhau. Ông kết hợp hài hòa giữa lối trần thuật, phô diễn gần với diễn xướng dân gian và lối viết cô đọng, súc tích, nói ít gợi nhiều của thơ hiện đại. Các tác phẩm Chín tháng, Tiếng vó ngựa trên đèo Heo, Người vùng cao…về sau này là Lời ru quê ngoại, Người mỗi ngày…,Mưa, Keng Pảng… thể hiện rõ điều này. Trong thơ Y Phương, ta thường bắt gặp những hình ảnh, ngôn từ, cách diễn đạt mang đậm chất Tày, đó là sử dụng cú pháp theo mạch liên kết thẳng, ít khi phá vỡ cấu trúc thông thường, thông tin thẩm mỹ đến trực tiếp; xây dựng những hình tượng thơ giàu tính biểu cảm, lối so sánh ví von, lối diễn đạt mang phong vị dân gian: Núi như trăm voi rùng rình/ Suối như bạc ào ào chảy…/ Mé già ơi nhớ mẹ râm ran khắp người/  Như chàm đã kín nương/ Như lúa trĩu đồi/  Mé yêu con bằng trời/ Nhưng không giữ/  Mé thả con mình theo nước về xuôi (Người vùng cao);  Bất ngờ/ Em đổ vào tôi/ Củi mục cành khô lại xanh chồi/ Hòn đá vỡ mọc lên cây nghiến (Yêu muộn)…
    Nhưng nếu như các nhà thơ trước ông dừng lại ở đấy, thì Y Phương đi tiếp. Ông luôn tìm tòi và thành công trong việc phá vỡ cấu trúc ngôn ngữ thông thường để cấu tạo lại (tái cấu trúc), tạo ra giá trị biểu đạt cao. Ông rất giỏi trong việc lập tứ, bài thơ nào của ông cũng có tứ mới. Đồng thời, ông hay tạo ra những phá cách về ngữ nghĩa, tạo ra những hình ảnh thơ lạ, có sức gợi rất cao:
Khi lửa tắt/ Nó thoát vào không khí/ Khi mặt trời lặn/ Nó thoát vào không khí Khi mặt trăng lặn/ Nó thoát vào da thịt em (Da thịt em);  Bàn tay mềm ra suối mọc thành cây/ Cầm ngọn khói dựng lên trời thẳng tắp (Em - cơn mưa rào – ngọn lửa);  Cháu tỉnh rồi/ Đôi mắt đen như chữ Hán/Hau háu nhìn (Lời chúc).
     Ông luôn cố gắng “lạ hóa” ngôn ngữ thơ, sáng tạo ra những từ láy mới nhằm tạo ấn tượng thẩm mỹ cao hơn: Cỏ lấp lánh/ Khe khẽ ướt (Ánh trăng),  Lúc bấy giờ/ tốc tác hạt mưa/… Quả gì túng tínhđấy mình ơi/…Quả gì nhúm nhímđấy mình ơi/… Mẹ nhằm nhìnói… (Chín tháng), Cháu bé vừa đầy tháng/ Non nỏnnhư vành trăng (Lời chúc),…
    Nhìn lại sự thành công của Y Phương mà đỉnh cao là Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, xin tạm cắt nghĩa, có lẽ đó là sự kết tinh và toả sáng của một bản năng thơ thiên phú, một quá trình lao động nghệ thuật mà ở đó thơ như một lẽ sống, và vốn văn hoá sâu rộng khởi nguồn từ văn hoá Tày đặc sắc. Xã hội càng hiện đại, nhà thơ dân tộc thiểu số càng làm cho mình giàu có lên bằng tri thức và bản sắc văn hoá dân tộc, thì càng vững vàng hội nhập mà không đánh mất mình. Điều đó lý giải vì sao ngay cả ở những năm đầu của thế kỷ XXI này, trong khi các nhà thơ Tày cùng thế hệ với ông hầu như vẫn giữ lối nghĩ, lối viết như cách đây vài mươi năm, khó thay đổi, còn lớp trẻ hòa nhập nhanh với đời sống đương đại nhưng lại có phần nhạt nhòa bản sắc dân tộc, thì Y Phương vẫn vững vàng trên cả hai phương diện: dân tộc và hiện đại. Những thành quả sáng tạo của ông đã làm cho thơ Tày bay cao hơn trên bầu trời thi ca Việt Nam.
NGUYỄN THUÝ QUỲNH
(Nguồn: http://www.nhavantphcm.com.vn) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.