Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013


Nhật ký trong tù, nguyên văn chữ Hán: 獄中日記 - Ngục trung nhật ký, là một tập thơ của Hồ Chí Minh, viết từ ngày 29 tháng 8 năm 1942 đến ngày 10 tháng 9 năm 1943, trong thời gian ông bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải đi khắp các nhà giam ở Quảng Tây, Trung Quốc.
Nguyên gốc tập thơ chỉ là một quyển sổ tay nhỏ, bìa xanh đã bạc màu, có ghi bốn chữ "Ngục trung nhật ký" (tức Nhật ký trong tù) kèm theo bốn câu thơ và một hình vẽ hai nắm tay bị xích; bên trong gồm hơn 100 bài thơ chữ Hán và một số ghi chép. Tập thơ được nhiều người đánh giá là một thể hiện khác của con người Hồ Chí Minh qua cách nhìn là một nhà thơ.
Tác phẩm Nhật ký trong tù đã được xuất bản nhiều lần, được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới, nhiều lần được thể hiện bằng thư pháp tiếng Việt, Hán, Hàn, Nhật...
Chân dung Hồ Chí Minh trong nhà tù Tưởng Giới Thạch


Giá trị
Tập thơ "Nhật ký trong tù" đã được một số nhà phê bình đánh giá. Theo BBC, không chỉ các tác giả Việt Namphương Tây mà ngay chính các nhân vật của Trung Quốc - quê hương của thơ chữ Hán - như Quách Mạt Nhược, Viên Ưng, Hoàng Tranh đều ca ngợi tập thơ này. Cũng theo BBC, nhà phê bình Đặng Tiến lại nói tác phẩm này không có giá trị cao về nghệ thuật và tư tưởng.
Xuân Diệu có viết: "Thơ Nhật ký trong tù theo ý tôi, rất dễ và rất khó. Dễ là dễ hiểu, giản dị, gần gũi với mọi người, các bài có cơ sở đầu tiên ở thực tế dễ thông cảm. Nhưng nếu chưa nâng tâm trí mình lên đúng mức thì chưa thấy hết các tinh tuý ở bên trong thơ, cho nên nói là rất khó... Người xưa nói:" Đối diện đàm tâm" nghĩa là mặt nhìn mặt miệng không nói mà hai tâm hồn trò chuyện, như vậy là tinh vi lắm, là cái thứ im lặng rất cao đàm tâm được với nhau...Cái hay vô song của tập thơ là chất người cộng sản Hồ Chí Minh, được đào tạo trong lò hun đúc của Lê nin mà vẫn mang cái tinh anh của Nguyễn Trãi, Văn Thiên Tường..."
Trang bìa của quyển "Ngục trung nhật kí"- Hồ Chí Minh

Giá trị nội dung
Miêu tả hiện thực nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Theo các bài thơ trong tập thơ này thì đó là hiện thực tồi tệ của một chế độ tồi tệ, nơi số phận những người tù, trong đó có Hồ Chí Minh, thật là cay đắng và đau khổ, đầy rẫy những điều oan ức và bất bình.
Nhà thơ cho rằng mình chỉ bị tù về thể xác nhưng vẫn là "khách tiên", vẫn tự do. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong bài đề từ của tập thơ:
Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao
Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần càng phải cao.
Trong hoàn cảnh nghiệt ngã đến cùng cực, vẫn có các bài thơ lạc quan yêu đời, khao khát tự do, thể hiện khí phách của một nhà cách mạng, thể hiện tấm lòng đối với quê hương và những lo nghĩ đối với sự nghiệp cách mạng, thể hiện nỗi oan ức vì bị tình nghi là gián điệp, diễn tả tình yêu thiên nhiên và tấm lòng nhân đạo.
Cơm tù
Không rau, không muối, canh không có
Mỗi bữa lưng cơm đỏ gọi là
Có kẻ đem cơm còn chắc dạ
Không người lo bữa đói kêu cha.
Tiền vào nhà giam
Mới đến nhà giam phải nộp tiền
Lệ thường ít nhất năm mươi nguyên
Nếu anh không có tiền đem nộp
Mỗi bước anh đi mỗi bước phiền.
Đánh bạc
Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội
Trong tù đánh bạc được công khai
Bị tù, con bạc ăn năn mãi
Sao trước không vô quách chốn này?
Giá trị tư tưởng
Tập thơ "Nhật ký trong tù" nói lên một số tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc.
Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giá trị của tự do, lòng yêu nước.
Trên đời ngàn vạn điều cay đắng
Cay đắng chi bằng mất tự do ? (Cảnh binh khiêng lợn cùng đi)
Thà chết chẳng cam nô lệ mãi ("Việt Nam có báo động", nguồn tin xách đạo trên báo Ung Ninh)
Tư tưởng về văn học nghệ thuật được diễn tả trong bài thơ "Cảm tưởng đọc Thiên Gia Thi".
Cảm tưởng đọc Thiên Gia Thi
Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi sông
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
Giá trị về Đường thi
Tập thơ có nhiều bài được viết theo lối chơi chữ, chiết tự chữ Hán (trong đó có một số chữ khó), nên các bản dịch tiếng Việt đôi khi không nói hết ý của bài.
Ví dụ: câu thơ "Ly khai trúc sản xuất chân long" (Mở cửa nhà lao ắt rồng bay). Trong tiếng Hán, nếu phát âm, cả hai chữ Rồng và Lồng cùng được phát âm là Lung. Khi viết, nếu bỏ bộ Trúc ở trên đi, thì chữ Lồng trở thành chữ Rồng.
Tập thơ đã sử dụng một cách sáng tạo các quy luật của thơ Đường, các tục ngữ, điển cố Trung Hoa. Ông Quách Mạt Nhược khi đọc tập thơ nhận xét rằng "Nhiều bài trong tập thơ sánh ngang Đường thi".
Ví dụ: tức cảnh sinh tình, lấy cảnh làm nền cho con người:
Tức cảnh
Cánh lá khéo in hình Dực Đức
Vầng hồng sáng mãi dạ Quan Công
Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng
Tin tức bên nhà bữa bữa trông.
(Theo Wikipedia)
Tự khuyên mình
Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện, tinh thần thêm hăng.
Không ngủ được
Một canh...hai canh...lại ba canh...
Trằn trọc, băn khoăn, giấc chẳng thành
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.
Chiết tự
Người thoát khỏi tù ra dựng nước
Qua cơn hoan nạn, rõ lòng ngay
Người biết lo âu, ưu điểm lớn
Nhà lao mở cửa, ắt rồng bay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.