Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Tế Hanh


Tế Hanh - nhà thơ lớn Việt Nam thế kỷ 20 - có thể nói như vậy trong ý nghĩa toàn vẹn nhất của nó. Ông có mặt ấn tượng trong phong trào thơ mới, ở hàng đầu nền thơ ca cách mạng và kháng chiến. Thơ ông là bài ca đấu tranh thống nhất rực lửa. Thơ ông thể hiện một cách phong phú và dào dạt những tình cảm của con người Việt Nam thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông cũng là nhà thơ tình xuất sắc.

Trên con đường lớn của văn nghệ, mỗi nhà văn, nhà thơ đều có một phong cách và một lối đi riêng. Có lối đi nở đầy hoa trong hiện tại nhưng mau chóng mờ nhạt và bặt hẳn dấu tích trước nhịp bước thời gian. Có lối nhỏ luồn qua hẻm núi, rừng gai hôm nay, một ngày nào đó chợt mở òa đài lộ. Có tiếng nói, có con đường hôm qua được đồng cảm, nâng niu mà hôm nay và ngày mai cũng được nâng niu, đồng cảm - đó là đường thơ Tế Hanh.
Với mảnh hồn làng, ông bay qua nhiều thế kỷ.
Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh sinh ngày 20-6-1921 ở làng Ðông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Về làng Ðông Yên, Tế Hanh đã từng kể: "Cái làng miền nam ấy tên gọi Ðông Yên là một hòn đảo nằm giữa lòng sông Trà Bồng trước khi đổ xuôi về biển lớn. Tuổi nhỏ của tôi đã trôi qua những cái mùi mặn mặn của những mẻ cá và trong tiếng ru vừa bát ngát vừa êm đềm của bốn bề sóng vỗ. Trên làng tôi, quay mặt về phương nào cũng thấy những tấm lưới, những mái chèo và nhất là những cánh buồm căng gió...".
Cha ông là một nhà nho lỡ vận. Ông tham gia Cần Vương, khi phong trào bị đàn áp, ông bị quản thúc ở làng, thường ngâm câu "chim quyên xuống đất ăn trùn, anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than" trong nỗi lòng u uất.
Ông cũng là một nhà thơ có những bài thơ đặc sắc về quê hương mà Tế Hanh chỉ còn nhớ một câu, chỉ một câu thôi cũng đủ thấy một thi tài, một ngọn nguồn nuôi dưỡng hồn thơ Tế Hanh sau này: “Chim bay dọc bể đem tin cá; Sông ở kề sân, nước sát nhà”.
Năm 1939, Tế Hanh đã có tập thơ “Nghẹn ngào” được giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn. Các nhà thơ mới khi ấy, mỗi người đã như một tinh cầu chói sáng với những tư tưởng, cảm quan lớn lao và khác lạ so với sự cũ kỹ và đơn điệu trước đó. Chế Lan Viên làm sống lại lịch sử và những nước non đã mất; Xuân Diệu làm hoa lá cũng phải bừng dậy để yêu nhau; Huy Cận với cảm quan vũ trụ; Hàn Mặc Tử đồng hóa hồn mình với sự vật, sáng tạo hẳn một thế giới vừa gần gũi, vừa kỳ bí của tâm linh; Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Vĩ... dấn thân trong thác loạn.
Tế Hanh đến với Thơ mới, đến với thơ bằng xúc cảm chân thực của mối tình quê trong sáng nhưng cũng tinh tế và nhuốm nỗi buồn thương nhân thế. Cho đến mãi sau này, Tế Hanh vẫn thích bài “Quê hương”: Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới, Nước bao vây cánh biển nửa ngày sông..., Cánh buồm giương to như một mảnh hồn làng, Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...; còn bọn học trò thì thích “Vu vơ”, đồng cảm với những biệt ly trên sân ga: Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề, Khói phì như nghẹn nỗi đau tê, Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ, Lòng của người đi réo kẻ về ...
Ngay từ hồi đó, Hoài Thanh đã nhận xét: "Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi", "Tế Hanh sở dĩ nhìn đời một cách sâu sắc như thế là vì người có sẵn một tâm hồn tha thiết".
Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Mã Giang Lân cho rằng, tạng thơ của Tế Hanh là "giản dị, trong sáng, tinh tế mà đậm tình đất nước" (tựa tuyển tập Tế Hanh, tập 2, NXB Văn học, 1997).
Còn nhà thơ Chế Lan Viên, người bạn thân thiết của Tế Hanh thì viết: "Khả năng nhìn thấy hồn sự vật, khả năng suy nghĩ trừu tượng của anh khá mạnh. Nhưng hình như nói đến anh, người ta hay nghĩ đến thơ tình, đến trái tim yếu đuối của anh hơn là những thao tác sắc sảo của trí tuệ" ...
Thơ của Tế Hanh vì thế bộc trực tả tình, tràn tình, tình để ở trần hơn là nấp sâu, che giấu một cái tứ. Cố nhiên anh có nhiều bài lập tứ khá hay. Nhưng ý tứ ở anh cũng là cái tứ của trái tim hơn của óc, cái tứ của anh không phải cái bẫy cầu kỳ của trí tuệ để nhử những con chim kỳ lạ, mà chỉ là cái nhành giản đơn vừa đủ cho tình cảm bay về" (Tế Hanh hay thơ và cách mạng).
Là một ngòi bút tả thực và thiên về tình cảm, gần gũi với sự vật, rất nhiều khi người ta không còn thấy thi sĩ Tế Hanh ở đâu nữa. Ông bị sự vật nuốt lấy, bị tầm thường hóa cùng sự vật.
Trong 15 tập thơ của ông, tập nào cũng có những bài, những câu mà bây giờ đọc lại không thấy thơ nữa mà chỉ là những câu chuyện nôm na:
Một tay cầm thêu
Một tay cầm súng
Căm thù bao nhiêu
Muối càng cao đống
(Muối, 1965)
Bố cháu đâu ?- Bố đi hợp tác
Hai ba hôm mới trở về nhà
Còn anh cháu?- Nghỉ hè theo bố
Tập làm nghề kéo lưới, kéo chài
Mẹ cháu đâu ?- Mẹ đi vá lưới
Ở nhà bà tổ trưởng trong thôn ...
(Thăm nhà một người đánh cá,1963)
Tế Hanh là người đầu tiên nhận ra những bài thơ dở của mình. Ông thành thật: "Hồi kháng chiến, tôi có làm một số bài thơ có phần dễ dãi, trong đó tôi ít chú ý đến chất lượng nghệ thuật", "gần đây (thời chống Mỹ) vẫn còn có những bài thơ mà tôi làm không đạt, do tình cảm chưa sâu chưa thực, nhất là về một số vấn đề thời sự mà hầu như tôi làm thơ với cái ý nghĩ "không lẽ ở đây mình không có một bài thơ"".
Nhưng dù số bài thơ không đạt có nhiều đến bao nhiêu chăng nữa, có lấn át về số lượng, thì những bài hay còn lại của Tế Hanh cũng đủ khẳng định ông là một thi sĩ tài hoa.
Và quan trọng hơn, khẳng định một con đường thơ cần tiếp bước: đi vào sự gần gũi, thể hiện "mảnh hồn làng" và những nỗi niềm thiết thân của tâm hồn Việt. Ðó là con đường có đích, có kết tinh giá trị thật, cứ đi rồi sẽ đến, chứ không nên theo những lối mầu mè để nhử những con chim lạ.
Nhắc đến Tế Hanh là nhắc đến bài “Nhớ con sông quê hương” được viết năm 1956. "Hòa bình lập lại, Tế Hanh viết, tiếng súng ngừng nổ, nhưng ai không đau lòng về tình trạng đất nước chia cắt? Tôi nhớ miền nam, nhớ quê hương tôi, nhớ từng "bờ tre", "mặt nước", nhớ "chài lưới bên sông", "mưa nắng ngoài đồng", nhớ bà con, đồng chí và "nhớ cả những người không quen biết"...
Ôi mảnh đất quê hương yêu dấu đó, nay bị nằm trong nanh vuốt của Mỹ - Diệm, mang nặng bao nhiêu đau xót giận hờn. Bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của tôi đã nảy sinh ra trong niềm buồn hận day dứt đó. Niềm buồn hận day dứt càng trở nên day dứt khi những hình ảnh của quê hương lại lẫn lộn cùng những kỷ niệm của tuổi nhỏ nên thơ"...
Bài thơ tả về con sông. Ðó là con sông soi bóng hình ảnh quê hương "nước gương trong soi tóc những hàng tre", soi bóng kỷ niệm tuổi thơ và gợi về những nỗi nhớ. Còn có một dòng sông khác, đó là tâm hồn. Hai dòng sông soi bóng vào nhau trong cả quá khứ, hiện tại và cho đến muôn đời. Ðó là vĩnh hằng quê hương, Tổ quốc. Con sông còn gợi lên sự trôi chảy, đổi thay của kiếp người và ước mơ trở lại với tuổi hồn nhiên, trong sáng, đầy ắp tình thương và tiếng cười. Với thẳm sâu những tầng ý nghĩa ấy, bài thơ được thuộc lòng trong nhiều thế hệ. Lòng yêu nước, yêu nhà cũng được thắp lên từ những điều giản dị như vậy. Và phải chăng, đó chính là sứ mệnh của nhà thơ ?
Cũng thiên về tình cảm, Tế Hanh có những câu thơ cô đọng mà lay động, rợn ngợp như thơ Ðường và hơn cả thơ Ðường.
(Quehuong.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.