Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Người thầy trên hành trình cô độc



PN - Trong lịch sử của mình, có lẽ chưa bao giờ ngành giáo dục cùng lúc triển khai nhiều phong trào như hiện nay.
Ngoài phong trào "Hai tốt" - dạy tốt và học tốt- tồn tại từ mấy chục năm qua, còn có những cuộc vận động như cuộc vận động nói không với bệnh thành tích, nói không với những hiện tượng tiêu cực trong thi cử; cuộc vận động đổi mới phương pháp giảng dạy, rồi phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực v.v... Cứ thế, thầy và trò chạy mướt mồ hôi, nhưng chất lượng giáo dục thì cứ giẫm chân tại chỗ.
Tình trạng bạo lực học đường, đặc biệt trong giới nữ sinh, rộ lên gần đây, giữa lúc ngành giáo dục đang đẩy mạnh "Phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực" là một phản đề bi hài. Nó thêm một lần nữa chứng minh, không thể chấn hưng giáo dục bằng những giải pháp mang tính chất phong trào, bằng những khẩu hiệu không sai nhưng chẳng bao giờ đúng, bởi giáo dục không phải là một cuộc vận động chính trị mà là một khoa học. Từ những trải nghiệm của cả cuộc đời làm khoa học, nhà bác học thiên tài Albert Einstein đã đúc kết: "Ngôn từ là-và chỉ là-những thanh âm rỗng tuếch. Con đường dẫn đến diệt vong đã từng được đồng hành bởi những lời lẽ hoa mỹ. Nhân cách không hình thành từ những gì được nghe và nói, mà từ những hành động và sự cần lao" (On Education – Out of My Later Years, Philosophical Library Inc., NY, 1950).
Để đưa nội dung chống tham nhũng vào nhà trường, trong lúc chúng ta loay hoay với việc biên soạn tài liệu, giáo trình nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức mà ai cũng biết, thì ở Indonesia, các nhà giáo dục của nước này nghĩ ra cách tổ chức trong nhà trường những "căng-tin trung thực", ở đó chỉ có người mua, không có người bán. Học sinh tự chọn những hàng hóa theo nhu cầu của mình, tự trả tiền (và tự nhận tiền thối lại, nếu có) đúng nơi quy định. Và như vậy, thay vì huy động học sinh hô khẩu hiệu "đả đảo tham nhũng", họ đã kiên trì, thầm lặng nuôi dưỡng những mầm mống trung thực cho xã hội. Nhà trường không phải là nơi chỉ truyền thụ kiến thức, mà nói như nhà giáo dục lỗi lạc John Dewey, "giáo dục là một hành động của cuộc sống chứ không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống tương lai".
Nói cho công bằng, không phải chúng ta không thấy những khiếm khuyết của mình trong phương pháp giáo dục. Đã có lúc vấn đề xây dựng môi trường sư phạm, "thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp" được nâng lên tầm "quốc gia đại sự"; nhưng để thực hiện cuộc "cách mạng giáo dục" đó, người ta lại phó mặc cho người thầy làm được đến đâu hay đến đó. Cũng vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo, người ta thấy cần thiết phải đổi mới phương pháp dạy và học, nhưng để làm được việc đó, các nhà quản lý cũng chỉ tung ra một cuộc vận động và trông chờ vào nỗ lực tự thân của mỗi người thầy; mặc dù ai cũng biết rằng, phương pháp giảng dạy được quy định bởi nhiều yếu tố: triết lý giáo dục, chương trình, sách giáo khoa, cơ sở vật chất v.v... Thế đó, các nhà quản lý giáo dục muốn người thầy phải chạy với tốc độ 100km/giờ, nhưng chỉ trang bị cho họ mỗi chiếc xe đạp cọc cạch.
Mới đây, sau vụ Võ Thụy Thanh Thảo, học sinh lớp 8 trường THCS Lê Lai (Q.8, TP.HCM) bị hai bạn học "xử" theo kiểu xã hội đen, thầy Ngô Đức Bình, hiệu trưởng trường này đã nộp đơn xin thôi việc. Dẫu đây là hành động thường thấy ở những người biết tự trọng, nhưng sao nghe vẫn nặng lòng. Không biết trong lá đơn xin thôi việc, thầy Bình viết những gì, nhưng tôi "đọc" được đằng sau lá đơn ấy có một lời cảnh tỉnh.
Trần Thức
(phunuonline)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.