“Tôi đã chứng kiến
cuộc sống của những cô gái thanh niên xung phong trong thời chống Mỹ - nhà văn
Lê Minh Khuê tâm sự về truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của mình
(được đưa vào SGK lớp 9, và có tên trong tuyển tập “The art of the short
story” (Nghệ thuật truyện ngắn thế giới)
"Những ngày ấy tôi thấy nhớ Hà Nội vô cùng và tất cả
đã được gửi gắm vào trong tác phẩm"
* Viết bằng kỷ niệm, kí ức và tình yêu Hà nội.…
Đây là một truyện ngắn rất khó có thể
tóm tắt. Ba nữ TNXP làm thành một tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm
trên tuyến đường Trường Sơn. Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối
lượng đất đá phải san lấp, đánh dấu các trái bom cho nổ...
Công việc của họ hết sức nguy hiểm. Họ
phải đối mặt với thần chết trong khi phá bom... Nhưng cuộc sống của họ vẫn có
những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản, mơ mộng...
“Những ngôi Sao xa xôi” là một
trong những tác phẩm đầu tiên trong sự nghiệp cầm bút của nhà văn Lê Minh Khuê.
Bà kể lại:
“Ngày đó tôi là phóng viên báo Tiền Phong, đã từng đi đến rất nhiều
các chiến trường để viết báo. Năm 1971 tôi cùng một binh chủng làm đường đến
đèo Côlanhip và đã ở lại một đêm trong một hang đá cùng một tiểu đội công binh.
Họ cũng là những người trẻ, hầu
hết là học sinh trung học, những sinh viên… đi tham gia kháng chiến. Sống cùng
nhau, cùng tuổi, cùng lý tưởng như nhau trong một hoàn cảnh vô cùng ác liệt nên
dễ dàng hiểu và chia sẻ cho nhau. Trong tâm hồn những cô gái thanh niên xung
phong, quê nhà bao giờ cũng hiện lên kỳ diệu. Và bởi vẻ đẹp kỳ diệu đó mà họ
sẵn sàng hy sinh. Đó cũng chính là ý tưởng lớn nhất mà tôi muốn gửi gắm qua
truyện ngắn này”.
Tôi không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng thời còn nhỏ,
hè nào tôi cũng ra Hà Nội vì họ hàng ở ngoài này nhiều. Khi lớn lên tôi làm
việc tại Hà Nội. Vào những ngày cuối tuần tôi thường cùng bạn bè cùng lứa trong
đó có cả Lưu Quang Vũ đạp xe đi dọc các con đường, những phố phường Hà Nội…Rồi
đến khi vào chiến trường, dù trong hoàn cảnh ác liệt nhưng những cảnh núi rừng
Trường Sơn tuyệt đẹp cũng không khỏi khiến người ta xao xuyến. Những cây cổ thụ
cao vút dễ làm người ta liên tưởng đến những rừng bạch dương trong nhạc Nga,
rồi những ngày mưa mù mịt khiến những người sống bên nhau như xích lại gần nhau
hơn…để từ đó trong tôi nảy sinh những cảm xúc mãnh liệt để đến khi trở về Hà
Nội tôi đã chắp bút viết rất nhanh bằng kỷ niệm, bằng kí ức và một tình yêu tha
thiết với Hà Nội.
Mọi người hỏi tôi: “Tại sao chứng kiến
cuộc sống của những cô gái thanh niên xung phong mà nhà văn lại cảm thấy nhớ Hà
Nội?”. Tôi trả lời rằng: “Tôi cũng giống như bao nhiêu cô gái khác đã trở thành
một thanh niên xung phong để góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào cuộc
chiến tranh giữ nước thần kỳ của dân tộc.
Cuộc chiến tranh ấy để bảo vệ vẻ đẹp,
vẻ thanh bình cho những làng quê Việt mà trong đó, Hà Nội là trái tim, là biểu
tượng cao nhất của đất Mẹ Việt Nam. Bằng truyện ngắn này tôi muốn phân tích
cuộc sống, tình cảm của những cô gái thanh niên xung phong qua cái nỗi nhớ
'tượng trưng" đó. Tất cả họ đều không ngại gian nguy để giữ cho đất nước
được yên bình. Những hình ảnh thành phố trong nỗi nhớ không đối lập với cuộc
sống gian khổ của các cô gái thanh niên xung phong mà đó là cái đích tượng
trưng mà mỗi ngưòi trong số họ đều sẵn sàng huy sinh”.
* “Tôi hạnh phúc vì được sống trong thời đại ấy”
Trong tác phẩm, cảm xúc về chiến tranh và Hà Nội đều rất
thật dù câu chuyện không hoàn toàn là sự thật. Tên tác phẩm là một câu nói của
một nhân vật và cũng là một cái gì đó xa xôi hư ảo…
Thời của chúng tôi, mọi thứ cứ mông
lung nhưng trong sáng. Có lẽ trong thời đại bây giờ khó có được những điều đó.
Dường như mọi thứ giờ đây rõ ràng quá làm cho con người mất đi sự bí ẩn về
nhau. Trong cái thời đại mà chúng tôi ra đi không hẹn ngày về, gặp nhau nơi
chiến trường lửa đạn, gặp đấy, quen đấy, có khi thân ngay đấy nhưng chẳng bao
giờ dám nghĩ đến ngày gặp lại. Nhiều khi những con người ấy lướt qua mình như
cổ tích như huyền thoại làm nên sự bí ẩn về nhau của những con người.
Mấy chục năm đã trôi qua, tôi đã không
còn gặp lại những người lính năm xưa, mà có gặp có lẽ bây giờ cũng khác. Cái
thời của chúng tôi đã không còn nữa. Dù giờ đây đất nước đã hòa bình và cũng
chẳng ai mong đất nước gặp chiến tranh nhưng với tôi, tôi thực sự hạnh phúc vì
đã được sống một thời tuổi trẻ với những người lính, với những điều mông lung
và đầy bí ẩn…
Có một điều khá lạ lùng mà chính tôi đã cảm nhận trong
thời gian tôi ở chiến trường. Đó là giữa bom đạn như vậy, giữa rừng núi bạt
ngàn như vậy, con người lại cảm thấy rất được tự do. Sau này khi đi thực tế,
gặp gỡ các cô gái thanh niên xung phong tôi mới hiểu ra rằng khi con người được
lao động, được sống và được huy sinh cho cái lý tưởng lớn lao trong tâm hồn
mình thì con người đó sẽ cảm thấy rất tự do, vui vẻ. Nhân vật trong câu chuyện
quả thật rất thảnh thơi và vô tư lự nữa. Họ có lý tưởng bảo vệ cuộc sống bình
yên của đất nước và đang hàng ngày hàng giờ thực hiện lý tưởng đó. Thế cho nên
trong những giây phút nghỉ ngơi, họ sống hoàn toàn thoả mái. Bom đạn không thể
làm nguôi đi niềm vui sống trong tâm hồn họ”.
Tác phẩm này được in lần đầu tiên
trong tạp chí “Tác phẩm mới” và cả trong tuyển tập “The art of the
short story” (Nghệ thuật truyện ngắn thế giới). Sau này, tôi rất vui khi
biết tác phẩm này được đưa vào giảng dạy trong SGK lớp 9.
Tôi cũng mong những thế hệ trẻ giờ đây
sẽ hiểu được phần nào cuộc sống của một thế trẻ trong chiến tranh. Cho dù các
bạn không phải trải qua những tháng ngày như thế, thậm chí cả những thầy cô
giáo giảng dạy về những tác phẩm chiến tranh cũng không có cuộc sống trải
nghiệm.
Những quả thực, điều đó là rất
khó. Bởi lẽ có sống mới thực hiểu được tất cả những gì mà những người lính,
những cô gái thanh niên xung phong đã trải qua. Cũng chỉ có thế mới hiểu hết
được giá trị thực sự của cuốc sống này. Và như đã nói ban đầu, tôi hạnh phúc vì
được sống trong thời đại ấy…”
(Yến Khương)
Nguồn:
yenkhuong.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.