Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

TÒA THÁNH TÂY NINH


Tòa Thánh Tây Ninh khởi công xây dựng vào năm 1933, chính thức hoàn thành vào năm 1955. Một điều đáng nói là công trình này được xây dựng theo hướng dẫn từ cõi siêu nhiên. Trong những ngày đầu lập đạo, các đệ tử Cao Đài cầu cơ Thông Công cùng Thượng Đế, và việc xây dựng tòa thánh được hướng dẫn qua các bài cơ. Từ bản phác thảo, kích thước cho đến những chi tiết nhỏ nhặt trong khi xây dựng đều được hướng dẫn rất chi tiết. Việc còn lại của các đệ tử là quyên góp vật liệu rồi ra công thực hiện. Việc xây dựng bị tạm ngưng trong thời gian Hộ Pháp Phạm Công Tắc bị người Pháp bắt và đày đi Madagascar (1941-1946). Cũng trong thời gian này hết người Nhật đến người Pháp thay phiên chiếm giữ Tòa Thánh. Đến khi người Pháp trả tự do cho Hộ Pháp Phạm Công Tắc thì công việc lại được tiếp tục cho đến khi hoàn thành.

Tòa Thánh tọa lạc trên diện tích 12km² có hàng rào bao bọc xung quanh, gồm nhiều công trình kiến trúc tôn giáo: tòa thánh, đền thờ Phật mẫu, bửu tháp. Tòa thánh dài trên 100m với 12 cửa, cửa Chánh Môn là lớn nhất. Mặt ngoài có 2 tháp cao 36m. Phía trước tòa thánh, trên cao có hình Thiên nhãn-một con mắt tỏa hào quang, đây là biểu tượng của đạo Cao Đài. Trên nóc có Nghinh Phong Đài, (có tượng kỳ lân đứng trên quả địa cầu). Trên nóc phía sau có Bát Quái Đài (có tượng các thiên tướng). Bên trong gồm:
  • Hai hàng cột trụ rồng được trang trí, chạm khắc tinh xảo. Bao gồm 10 cặp cột trụ, cặp trụ chính giữa là Giảng Đài, nơi giáo chủ đứng để giảng đạo cho các tín đồ.
  • Nền tòa thánh có 9 cấp gọi là “Cửu phẩm thần tiên”, mỗi cấp là một phẩm cấp.
  • Phía trước gian Chánh Điện có 7 ghế chia làm tam cấp:
    • Cao nhất là ghế của Giáo Tông.
    • Tiếp theo là 3 ghế của 3 vị Chưởng Pháp.
    • Cuối cùng là 3 ghế của 3 vị đầu sư.
  • Chánh điện có 8 cột trụ rồng xếp thành vòng tròn. Giữa là quả địa cầu lớn tượng trưng cho vũ trụ với thiên nhãn nằm phía trước, xung quanh là 3072 vì sao, 72 quả địa cầu và 3000 thế giới. Trên thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Tiên Lý Thái Bạch (hiện nay là Giáo Tông thiêng liêng của Đạo Cao Đài).
Giờ lễ chính trong ngày ra vào 12 giờ trưa. Điều đặc biệt ở công trình Tòa Thánh Tây Ninh là nó được xây dựng bằng bê-tông cốt tre
Theo kinh sách Đạo Cao Đài, Tòa Thánh Tây Ninh tượng trưng cho Bạch Ngọc Kinh (nơi Thượng Đế ngự) tại thế gian. Ngoài ra, tại Tòa Thánh còn có nhiều biểu tượng ẩn chứa những ý nghĩa đặc biệt. Mỗi người, tùy theo dân tộc, trình độ văn hóa, trình độ tâm linh, khi quan sát Tòa Thánh sẽ tự mình khám phá ra những ý nghĩa này. Một số biểu tượng dễ nhìn thấy nhất, và cũng dễ hiểu nhất có thể kể ra như sau: Tượng Ông Thiện và Ông Ác, Tượng Hộ Pháp vv…
Hai bên cửa Tòa Thánh là tượng Ông Thiện và Ông Ác. Theo truyện cổ Ấn Độ, ông Thiện và Ông Ác là hai anh em ruột, con của một vị Tiểu Vương. Vị Tiểu Vương này muốn truyền ngôi lại cho Ông Thiện bởi vì ông rất hiền lành đạo đức, trái hẳn với Ông Ác tính tình hung dữ. Ông Ác không đồng tình với ý kiến này, cho rằng cần phải cứng rắn, thậm chí là tàn nhẫn thì mới có thể cai trị một quốc gia được. Do đó, Ông Ác tìm đến Ông Thiện để yêu cầu nhường ngôi cho mình. Không muốn trái ý cha, cũng không muốn xung đột với em nên Ông Thiện bỏ trốn và chết vì trượt chân ngã xuống vực sâu. Ông Ác đến nơi, vô cùng hối hận nên cũng tự tử chết theo. Câu truyện này vừa ngụ ý mối liên hệ phức tạp của hai yếu tố Thiện Ác, (hay nói rõ hơn là Đúng Sai) trong tư tưởng con người vừa đưa ra cách giải quyết của Cao Đài đối với hai thành tố Nhị Nguyên này. Hiển nhiên đời sống con người xoay quanh Thiện Ác. Thông thường, Thiện Ác vẫn được xem là đối chọi lẫn nhau, điều Thiện được cho là Tốt, trái với điều Ác là Xấu. Do đó, con người vẫn cố công loại bỏ điều Ác và nuôi dưỡng điều Thiện. Tuy nhiên người ta không nhận ra một điều quan trọng: Thiện và Ác, như ngụ ý trong câu truyện trên, vốn có chung một nguồn gốc, hay nói cách khác, đó là hai mặt không thể thiếu của một vấn đề. Chính vì thế mà loài người không thể nào loại hết điều Ác trên thế gian được. Đạo Cao Đài khuyên con người hãy nhìn ra chân lý này trong mọi sự thể, để từ đó đạt được trạng thái sáng suốt tột đỉnh. Trạng thái này sẽ giúp xóa bỏ những đau khổ muộn phiền ở thế gian và đưa con người trở về hợp nhất với Thượng Đế.
Trong Tòa Thánh, đối diện với bàn thờ Thượng Đế là tượng của ba trong số mười hai đệ tử đầu tiên của Thượng Đế: Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư và Thượng Sanh Cao Hoài Sang. Đặc biệt là tượng Hộ Pháp trong trang phục giáp cổ, ngồi trên ngai Thất Đầu Xà (ghế ngồi tượng hình rắn bảy đầu). Trên tường sau lưng tượng Hộ Pháp là hình vẽ một chữ “Khí” rất lớn.
Theo Đạo Cao Đài, về mặt tổ chức, hội thánh gồm có ba đài: Cửu Trùng Đài (dưới quyền của Giáo Tông) , Hiệp Thiên Đài (dưới quyền của Hộ Pháp) và Bát Quái Đài (dưới quyền của Thượng Đế). Cấu trúc phân quyền này đồng thời ngụ ý ba yếu tố cơ bản của một con người: Thể Xác, Ý Thức và Linh Hồn. Suy ra, Hộ Pháp tượng trưng cho ý thức, và tượng của Hộ Pháp ngầm chứa một phương pháp tu tập.
Hộ Pháp phải mặc áo giáp bởi vì ý thức của con người lúc nào cũng phải đối mặt với những cuộc chiến trong tư tưởng. Trước hết, là cuộc chiến với những yếu tố tâm lý của chính bản thân. Chính những yếu tố tâm lý này làm cho con người rối loạn, không sáng suốt từ đó dễ gây ra tội lỗi. Tượng Hộ Pháp ngồi trên Ngai Thất đầu Xà ngụ ý hướng dẫn tín đồ luyện tập tư tưởng của mình: hai tay và hai chân đặt trên bốn đầu rắn có ghi (bằng từ Hán Việt): Giận, Ghét, Buồn, Tham Vọng. Còn lại ba đầu rắn ghi: Vui, Mừng, Thương Yêu thì vươn lên cao sau lưng tượng Hộ Pháp, nhìn vào đỉnh đầu. Nói tóm lại, tín đồ Cao Đài phải tập luyện kềm chế bốn tình cảm tiêu cực và nuôi dưỡng ba tình cảm tích cực như đã nêu. Đây được xem là bước đầu trong giai đoạn luyện đạo cao cấp về sau trong các Tịnh Thất.
Ngoài ra, còn có rất nhiều biểu tượng khác nữa với những ẩn ý khác nhau. Thí dụ như: kích thước của các cột chạm rồng, các bậc trong Cửu Trùng Đài, các tượng đắp nổi trên trần vv… Tín đồ Cao Đài cho rằng tất cả những biểu tượng này cũng giống như các lời tiên tri trong các sấm truyền đang chờ người giải đáp.
Giống như các công trình kiến trúc tôn giáo khác trên toàn thế giới, Đền Thánh Tây Ninh, dù kích thước khiêm tốn, cũng chứa đựng những bí ẩn về triết lý, tôn giáo hoặc huyền học. Tín đồ Cao Đài tin rằng trong tương lai, khi có những người (mà họ thường gọi là CON CÁI CỦA ĐỨC CHÍ TÔN THƯỢNG ĐẾ) từ nhiều nơi trên thế giới đến quan sát Đền Thánh, sẽ còn có nhiều phát hiện mới nữa

(NGUỒN: http://tayninh.dmon.com/index/toa_thanh_tay_ninh/0-5)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.