Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Thuyết minh về đền Bến Dược - Củ Chi



ĐỀ :     Trình bày những hiểu biết của em về địa danh lịch sử ĐỀN BẾN DƯỢC – CỦ CHI


BÀI LÀM

            Đến với địa danh lịch sử Địa đạo Củ Chi, không ai có thể bỏ qua Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược – Ngôi đền được xây dựng để tưởng nhớ công  ơn to lớn của đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu hi sinh trên vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp và Mĩ.

            Đền Bến Dược nằm trong quần thể của Khu Di tích Lịch sử Địa đạo Bến Dược -Củ Chi, cách trung tâm thành phố khỏang 70km, tọa lạc bên bờ sông Sài Gòn xuôi chảy hien hòa. Ngôi đền này do Đảng bộ và nhân dân thành phố tạo dựng nhân kỉ niệm 20 năm ngày thành phố được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất.
            Ngôi đền tọa lạc trên vùng đất rộng 7 ha, khởi công xây dựng ngày 19/5/1993 và khánh thành giai đọan 1 ngày 19/12/1995.
            Từ ngoài đi vào, ta sẽ gặp ngay cổng tam quan. Mái ngói và cột gắn hoa văn theo phong cách cổ điển Việt Nam được canh tân bằng đường nét, chất liệu mới. Trên thân cột khắc nổi hàng chữ đỏ do nhà thơ Bảo Định Giang trân trọng ghi:
                                    “ Trải tấm lòng son vì đất nước
                                    Đem dòng máu đỏ giữ quê hương”

                                    “ Lòng biết công ơn nhang thơm một nén
                                    Đời còn bóng dáng sao sáng ngàn năm”
            Qua khỏi cổng tam quan, mọi người gặp ngay nhà văn bia chắn ngay trên lối vào đền. Vẫn là lối kiến trúc đền chùa Việt Nam, mái nhà văn bia lợp ngói vàng tươi chia thành hai tầng, tấm bia đá ở giữa nhà văn bia cao 3m, ngang 1,7m, dày 0,25m, nặng 3,7 tấn tạc từ  khối đá nặng 18 tấn lấy từ Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng mang về. Các nghệ nhân Việt Nam đã gia công đẽo gọt và chạm hoa văn với đường nét độc đáo của dân tộc.
            Bài văn được khắc vào bia đá với tựa đề “ Đời đời ghi nhớ” là của nhà văn Viễn Phương, người đã gắn bó với vùng đất Củ Chi suốt những năm tháng chiến tranh chống Mỹ. Bài văn bia được chọn trong cuộc thi viết văn bia với 217 bài của 29 tỉnh thành tham dư. Trong đó, có những câu văn đọc lên nghe rung động lòng người:
                                    “ Máu hồng toả hương chính khí
                                    Nhân kiệt làm nên địa linh
                                    Đất nước lớn vì nhân dân anh hùng
                                    Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước
                                    Người đang sống nhớ thương người đã khuất
                                    Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời…”
            Từ nhà văn bia, bước qua một khoảng sân rộng là đến đền chính. Ngôi đền nguy nga đồ sộ với kiến trúc mang dáng dấp đền đài cổ Việt Nam, vừa tôn nghiêm vưa tĩnh mịch. Điện thờ bố trí theo hình chữ U ( vòng cung). Chính giữa là bàn thờ Tổ Quốc với di tượng bán thân của Bác Hồ nổi bật trên nền cờ đỏ sao vàng. Trên đỉnh cao có ghi ba câu “ Tổ Quốc ghi công – Vì nước quên mình – Đời đời ghi nhớ”. Tả hưũ là hương án thờ các bậc tiền hiền tiên liệt và đồng bào chiến sĩ hy sinh chưa tìm được tên. Chạy theo các vách tường là tên của các anh hùng liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh … tat cả được khắc vào đá hoa cương có chữ mạ vàng. Trong ngày khánh thành, đã có 41.447 liệt sĩ được khắc tên, trong đó co 8972 liệt sĩ là con em của 25 tỉnh thành khác trên mọi miền đất nước.
            Bên cạnh đền chính là ngôi thap 9 tầng cao 39 m thể hiện cho sự vươn lên. Từ tầng cao của tháp, ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh vùng căn cứ cách mạng mà tên gọi ở vùng đất này đã đi vào lịch sử – Vùng Tam giác sắt…

            Đến với đền Bến Dược là đến với chuyến hành hương về nguồn. Từ không gian u tĩnh của ngôi đền, ta có thể lắng lòng để hoà nhấp cùng quá khứ hoặc thả hồn mình bay bổng trong bao la của không gian. Có thể nói, Đền Bến Dược là công trình trí tuệ và đạo lý của thế hệ hôm nay và của mai sau đối với những người đã hy sinh vì đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.