Ngày 18/4/2003, nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi đã vĩnh biệt chúng ta.
Nguyễn Đình Thi tham gia cách mạng từ năm 1941; năm 1943, ông tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, phụ trách báo Độc lập, tham gia biên soạn tạp chí Tiền phong. Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Nguyễn Đình Thi là Tổng thư ký Hội văn hóa cứu quốc, Ủy viên tiểu ban dự thảo Hiến pháp và Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội (khóa I). Ông từng giữ các chức vụ Tổng thư ký Hội Văn nghệ (1956 - 1958), Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II và III. Từ năm 1995 đến khi mất (2003), ông là Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt I, năm 1996).
Ông là một nghệ sĩ đa tài, sáng tác ở nhiều thể loại: thơ, nhạc, văn xuôi; và ở thể loại nào ông cũng có những thành tựu đáng ghi nhận. Ông là tác giả của các tiểu thuyết: Xung kích, Vỡ bờ, Vào lửa, Mặt trận trên cao... và nhiều vở kịch, tiểu luận, tập truyện ngắn có giá trị... Nhưng theo đánh giá của các nghệ sĩ cùng thời, thơ là thể loại mà ông tâm đắc và đạt được những thành tựu lớn hơn cả. Ông là tác giả của bài thơ nổi tiếng Đất nước, và là một trong những người đầu tiên thể nghiệm cách tân thơ Việt Nam từ thời kháng chiến chống Pháp.
Nhân kỷ niệm 1 năm ngày mất nhà thơ Nguyễn Đình Thi, eVăn trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Chu Văn Sơn, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội.
Trên Báo Văn Nghệ ra ngày 19/8/1994, Nguyễn Đình Thi có cho in một bài tuỳ bút ngắn tựa đề "Trên sóng thời gian", trình bày những suy tư trầm tĩnh của mình nhân ngoảnh lại nửa thế kỷ tham gia cách mạng với những bước thăng trầm. Ông ngộ ra một chân lý giản dị mà sâu xa: "Những năm tháng ấy đã làm cho tôi tin mãi là con người, khi có một lẽ phải lớn để sống, thì có thể phát huy những tiềm năng hầu như vô tận bên trong mình, và làm được những việc tưởng chừng không thể làm nổi".
Nghĩ tiếng Việt thật thú vị. Một người khác có thể đã dùng chữ "lý tưởng", nghe oai hơn, mà chưa chắc đã thấm bằng. Nguyễn Đình Thi dùng "lẽ phải", rất nôm mà hàm súc, chân thực. Trong "lẽ phải" đâu chỉ có "chân lý", "triết lý" không thôi, còn bao gồm cả "đạo lý", lại cả "pháp lý" nữa. Gồm chứa đủ cả như vậy, nên lẽ phải lớn dễ thu phục được nhân tâm. Người trí thức thường dễ tâm phục khẩu phục trước những lẽ phải như thế. Có nó là có tín lý, tín niệm, có được con đường sáng mà vững bước trong đời, nhờ đó mà phát huy được những năng lực kì diệu. Sau này, Nguyễn Đình Thi cũng đã đúc kết: "Không sợ thiếu niềm tin / Sợ không nhận ra lẽ phải để tin". Thật may mắn cho ai, có được lẽ phải lớn để yên tâm chung thuỷ suốt đời, dù vẫn biết rằng, ngay cả những lẽ phải lớn cũng không hoàn toàn bất di bất dịch. Chẳng biết Nguyễn Đình Thi có thuộc số may mắn ấy không. Nhưng, về căn bản, ông vẫn là một trí thức yêu nước, một nghệ sĩ cách mạng với những tâm niệm về lẽ phải lớn của cuộc đời. Điều đáng nói là: ông vừa hồ hởi bước theo vừa lặng thầm chiêm nghiệm. Hơn tám mươi năm thăng giáng với đời, già nửa thế kỉ cầm bút, bao tâm niệm khôn nguôi kia đã hoá thân vào những sáng tạo đa dạng mà phần tinh hoa của nó hẳn sẽ còn trên sóng thời gian.
*
Nguyễn Đình Thi thuộc típ trí thức nhập cuộc, dấn thân vào thời thế. Con đường nhập mình vào thời đại lớn của ông vừa do cảnh ngộ riêng, vừa nhờ vận hội, vừa bởi sự thôi thúc kiếm tìm một lẽ phải lớn để sống. Trải qua một tuổi thơ buồn cùng gia đình long đong, trôi dạt trên bước đường sinh nhai, hết ở Lào lại về Hà Nội, xuống Hải Phòng, vào Chợ Lớn… tuy liên tục bất ổn, xáo trộn như vậy, nhưng niềm ham mê với sách vở học hành trong ông không hề đứt đoạn giảm sút. Giã từ tuổi thơ lận đận, Nguyễn Đình Thi đến với tuổi thanh niên sôi nổi, không ít gian khổ, cay đắng nhưng cũng đầy vinh quang. Kể từ 1941, ông về lại Hà Nội học tập và tích cực tham gia đấu tranh trong phong trào học sinh sinh viên. Việc ông lao vào tìm hiểu và viết những tiểu luận triết học về Aristôt, Đêcactơ, Kăngtơ, Nitxơ đến Đacuyn, Anhxtanh… không chỉ vì muốn xây dựng căn bản tư tưởng cho một thanh niên tân học, mà còn là những bước mầy mò tìm kiếm cái lẽ phải lớn cho một trí thức tương lai. Rồi ông tham gia hoạt động bí mật trong Mặt trận Việt Minh, cùng thành lập hội Văn hoá cứu quốc. Cứ thế, người trí thức trẻ ấy nhập vào mạch sống lớn của dân tộc. Từ 1942 đến 1944, ông đã hai lần bị giặc Pháp bắt giam, nhưng những tai ương chỉ càng khiến ông gắn chặt hơn với Cách mạng. Có lẽ chính trong những ngày này, vừa lăn lộn trong trường tranh đấu vừa được tiếp xúc với sách báo Macxit, ông mới thấy một cách sâu sắc rằng lẽ phải lớn của người trí thức là phải gắn bó vận mệnh của mình với cuộc Cách mạng này. Vừa hoạt động, ông vừa bắt đầu sáng tác nghệ thuật phục vụ Cách mạng. Sang năm 1945, ông được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, được bầu vào Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam, rồi tham gia cướp chính quyền. Sau Tổng khởi nghĩa, ông được cử làm Tổng thư ký Hội Văn hoá cứu quốc, làm uỷ viên Uỷ ban dự thảo Hiến pháp, Uỷ ban thường trực Quốc hội. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông lại tích cực tham gia tổ chức hoạt động Văn hoá kháng chiến. Cứ thế, qua hai cuộc chiến tranh, vào ngày thống nhất đất nước và bước sang thời kì đổi mới, người trí thức nghệ sĩ này vừa luôn nắm giữ nhiều cương vị lãnh đạo chủ chốt của nền văn nghệ cách mạng, vừa không quên sáng tác trên nhiều lĩnh vực. Đến tận tuổi tám mươi, ông vẫn giữ chức Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, không ngừng điều hành công tác. Cả khi phải vào viện điều trị căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, cũng chính là lúc ông đang tham gia cuộc họp Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những cống hiến nhiều mặt, những thành đạt, những giải thưởng lớn được trao tặng, trong đó có giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu (1996) đã là minh chứng hùng hồn cho lựa chọn tỉnh táo của một trí thức theo Cách mạng trong thời đại này.
*
Không chỉ quyết định đến việc lựa chọn mẫu người trí thức thời đại, lẽ phải lớn kia còn khiến Nguyễn Đình Thi đến với một mẫu nghệ sĩ thích hợp nữa: nghệ sĩ - chiến sĩ. Mặc dù trước tác từ ngày tiền khởi nghĩa, nhưng Nguyễn Đình Thi không thuộc lứa tiền chiến. Không có hào quang, cũng không có những bận lòng của lứa nghệ sĩ cũ đi theo Cách mạng. Không phải trăn trở "lột xác", cũng không phải vật lộn "nhận đường" như những cây bút nặng căn với quá khứ Lãng mạn và Hiện thực của mình. Trái lại, người trí thức trẻ đã nhanh chóng nhập cuộc này còn nhanh nhạy giúp các đồng nghiệp nhận đường nữa. Cách mạng đã cho ông lẽ phải lớn ngay từ bước đầu, thì cũng ngay từ bước đầu, ông đã viết bằng và viết cho lẽ phải lớn ấy. Nghĩa là ông đã phụng sự cách mạng bằng tâm huyết sáng tạo của mình. Với những ca khúc "Diệt phát xít" như một tráng ca và "Người Hà Nội" như một giao hưởng thu nhỏ, khởi đầu cho nghiệp văn nghệ, người ta đã thấy đề tài lớn của Nguyễn Đình Thi là Đất nước và Cách mạng, mà âm hưởng chủ đạo là chính khí ca và anh hùng ca. Vào cuộc kháng chiến, trong cương vị một người lính kiêm nhà văn, ông lăn lộn với thực tế chiến trường vừa cầm bút vừa cầm súng. Cây bút trong tay ông cũng thực sự thành cây súng xung kích trên mặt trận văn hoá. Sáng tác của ông về căn bản là những trang hoặc phản ánh kịp thời chiến sự nóng bỏng như tập kí "Thu Đông năm nay", truyện ngắn "Bên bờ sông Lô" (viết trong cuộc chống Pháp, nhưng in thành sách sau hoà bình), tiểu thuyết "Xung kích" (1951), "Vào lửa" (1966), "Mặt trận trên cao" (1967), hoặc tái hiện lại những ngả đường tìm về cách mạng, hình thành cơn bão lịch sử trong bức tranh hoành tráng như "Vỡ bờ" (2 tập - 1962 và1970). Mà ở đâu cũng là ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam. Cũng như thế, thơ Nguyễn Đình Thi căn bản là sự suy tư về đất nước và người lính. Không phải ngẫu nhiên mà hình tượng tổng quát, bao trùm mọi trang thơ của ông là một cuộc trường chinh đầy lửa máu của cách mạng với "những đêm dài hành quân nung nấu", những "đoàn quân vẫn đi vội vã - Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa". Cũng không hề ngẫu nhiên mà nổi lên trong trường tranh đấu đó là hình tượng người chiến sĩ: "Ôm đất nước những người áo vải - Đã đứng lên thành những anh hùng". Và ở trang nào cũng là hình tượng một đất nước Việt Nam "vất vả đau thương tươi thắm vô ngần", một "Nước Việt Nam từ máu lửa - rũ bùn đứng dậy sáng loà". Vì thế, trước hết nghệ thuật Nguyễn Đình Thi đã góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu cho những người cầm súng.
*
Nhưng đó mới là một nửa của cái lẽ phải lớn kia. Trong ông còn có những suy tư không đơn giản về lẽ đời. Con người ta thường là một khối toàn vẹn trong đó chứa đựng các đối cực không ngừng tương tranh với nhau. Vừa tin vào những lẽ phải lớn vừa không nguôi trăn trở hoàn thiện lẽ phải lớn ấy cho mình chính là một cặp đối cực như thế. Bởi trong cuộc sống bộn bề muôn mối này, có phải đâu mọi chuyện đều thuần nhất, dễ thống nhất. Có nhiều giằng co, giằng xé đôi khi biến tâm tư thành một bãi chiến trường. Ví như, trong cuộc trường chinh kia vị thế của cá nhân như thế nào? Giữa tình cảm nhỏ và tình cảm lớn làm sao có được sự hài hòa? Giữa khát vọng và bổn phận có phải lúc nào cũng có tiếng nói chung?… Trong tình thế không hoá giải được xung đột, con người ta thường tìm cách hòa giải. Nguyễn Đình Thi đã hoà giải bằng tinh thần tự nguyện. Nghĩa là chấp nhận hi sinh cái riêng cho cái chung, hi sinh khát vọng cho bổn phận, tìm mối tương liên trong chia lìa xa cách, tự tìm lấy tái sinh trong mất mát âm thầm: "Bao nhiêu năm - Mỗi chúng ta phải không em - Như hạt thóc trong nắm tay Cách mạng - Tung lên giữa mùa gió lớn". Dù mất mát tổn thất thế nào vẫn phải sống, vẫn âm ỉ nảy mầm: "Những hạt thóc rơi - Trên đất bùn hay sỏi đá - Trên than bụi đầm máu - trên nước mắt mồ hôi - Chết đi vẫn nuôi màu cho đất - Sống thì từng giờ âm ỉ - Hạt thóc vẫn nảy mầm". Không gặp nhau trong đoàn tụ thì đành tin nhau trong xa cách: "Trăng soi khuôn mặt nghìn yêu dấu - Ngày mai hai đứa đã hai nơi - Hai đầu đất nước trong giông bão - Cùng chung chiến đấu hai phương trời", cũng tựa như cách "hai đứa đoàn tụ / hai đầu chiến trường" của Chính Hữu vậy. Nảy sinh từ cuộc trường chinh kia thì cũng suốt đời gắn với những bước trường chinh đó: "Ngọn lửa trong đêm không bao giờ tắt / Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời". Nhìn vào lòng mình, nếu hiện lằn ranh tình yêu lớn / nhỏ thì tự tìm một gạch nối: "Anh yêu em như anh yêu đất nước / Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần". Thậm chí, sự hoà giải nhiều khi thật ngộ nghĩnh: "Anh ôm em và ôm cả cây súng trường bên vai em". Lẽ phải lớn lúc này là tự nguyện hy sinh. Hy sinh đầy trăn trở chứ không phải nông nổi thiêu thân. Vì thế trong sáng tác Nguyễn Đình Thi, bên cạnh một con người hồ hởi kiên trì, luôn có một con người chiêm nghiệm không nguôi về những lẽ đời. Nhiều lúc không dễ nói lên, nhưng vẫn phải thốt lên. Ai đã đọc đã xem vở "Rừng trúc", hẳn không thể quên những xung đột giữa Trần Thủ Độ và Lý Chiêu Hoàng. Một đằng là đại diện cho quyền lợi của vương triều mình mà sẵn sàng dày xéo lên tất cả, một đằng là cái tâm nguyện nhân bản muôn thuở của con người. Khiến cho lẽ phải của vương triều và lẽ phải của con người tranh chấp ứa máu. Bằng những lời đầy bi phẫn, Chiêu Hoàng đã nói với Thủ Độ như khắc một chân lý lớn, một đạo lý lớn: "Việc nước là lớn nhất, nhưng việc giữa người với người cũng không phải là nhỏ hơn". Càng về sau những chiêm nghiệm của Nguyễn Đình Thi về lẽ phải lớn không còn bó hẹp trong cái nhất thời, mà muốn mở rộng ra với lẽ phải lớn của muôn đời. Hàng loạt vở kịch "Con nai đen" (1961), "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" (1979), "Tiếng sóng" (1980), "Người đàn bà hoá đá" (1980), "Cái bóng trên tường" (1982), "Trương Chi" (1983), "Hòn cuội" (1986)… đều là những trăn trở khác nhau về những lẽ phải muôn đời của tình người. Trong những bài thơ cuối đời, chiêm nghiệm khôn nguôi đã giúp nhà nghệ sĩ nhận chân ra nhiều lẽ phải sáng giá: "Sự sống luôn tự mở đường qua tất cả", "Đã mấy mươi năm trong bão lửa / Tình quê hương đưa dắt con người", "Cái không mất thường ở trong nước mắt", "Tình yêu dắt đời người trong sóng gió / Đau thương lặng gieo hạt giống nhân từ", "Còn lại niềm thương đau im lặng / Và tình yêu đi mãi cùng ta"… Có thể nói, với những suy tư như thế, người trí thức ở Nguyễn Đình Thi đã cố điều chỉnh, bổ sung cho cái lẽ phải ban đầu mình tưởng đã là lớn nhất và hằng nhất nhất tâm niệm. Gắng làm cho nó nhân bản hơn, chân thực hơn và cũng tầm vóc hơn.
*
Trăn trở với lẽ phải lớn của cuộc đời, Nguyễn Đình Thi cũng dùng nó để soi tỏ chính mình. Dưới ánh sáng muôn đời của cái lẽ phải lớn mà cuối đời ông thật sự nghiệm ra và gắng hoàn thiện ấy, người nghệ sĩ này đã xét duyệt mình nghiêm khắc, sòng phẳng biết bao. Có lúc lời thơ mà như những lời trăng trối: "Trên tay cốc nhỏ không đầy / Uống chúc bạn bè ở lại / Anh chắt đời anh chắt mãi / Chút ngọt bùi chút đắng cay / Người tôi còn nhiều bùn tanh / Mặt tôi nhuốm màu xanh đỏ / Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ / Nhiều dây nhợ tự buộc mình / Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm / Quên những dối lừa khoác lác / Tôi biết tôi đã nhiều lần ác / Và ngu dại còn nhiều hơn". Với những ăn năn chân thành ấy, người trí thức sống trong đời kia đã cố vượt lên chính mình, cố hoàn thiện mình theo lẽ phải lớn của cuộc đời. Mong sao những lời ăn năn đó có thể hoá giải cho một cõi lòng tự lúc nào đã thành bãi chiến trường của bao vật lộn giằng co. Và những ký thác như trút lòng ra thế, sau này ông thường gửi gắm vào thơ. Có lẽ thơ là cái tiếng thì thầm tin cậy nhất đối với những trăn trở trong tâm linh cá thể.
Có thể ai đó sẽ nghĩ, một trí thức như ông sao không thể hoàn thiện một lẽ phải lớn cho mình sớm hơn? Nhưng đòi hỏi thế nào được, kể cả những trí thức tỉnh táo nhất không phải lúc nào cũng ngộ ra, và không phải cứ ngộ ra là làm ngay được. Cái gì không làm được đành thì thầm cùng thơ.
*
Nguyễn Đình Thi thuộc kiểu nghệ sĩ đa tài. Trong nghệ thuật, đây là một hiện tượng khá phổ biến. Nhưng tiếc rằng nó chưa được nhìn nhận đúng mức như một loại hình có quy luật nội tại. Thông thường, có hai quy luật chính chi phối những hiện tượng ấy là: thứ nhất, vừa phân tán vừa tập trung - hoạt động sáng tạo của họ mở ra khá nhiều lĩnh vực, nhưng lại thường nổi trội nhất ở một lĩnh vực nào đó; thứ hai, vừa phân liệt lại vừa liên thông - các lĩnh vực ấy có sự độc lập riêng nhưng giữa chúng vẫn có một mối dây liên hệ nào đó. Điều này làm nên tính đa dạng mà thống nhất của hiện tượng. Thế Lữ vừa viết văn, viết kịch, diễn kịch, làm thơ nhưng trội nhất vẫn là thơ. Hoàng Cầm viết truyện, viết kịch, nhưng thơ vẫn là mũi nhọn nhất. Quang Dũng viết văn, viết kịch, viết nhạc, vẽ tranh, nhưng kết tinh nhất là thơ. Văn Cao và Trịnh Công Sơn vừa viết nhạc vừa làm thơ vừa vẽ, nhưng phần vang dội nhất của họ vẫn là nhạc. Lưu Quang Vũ viết kịch, làm thơ, vẽ, nhưng nổi đình đám nhất vẫn là kịch… Nguyễn Đình Thi cũng thế. Ông viết nhạc, viết văn xuôi (cả ký và truyện, cả ngắn lẫn dài), viết tiểu luận (cả triết học lẫn văn học), viết kịch… nhưng trội nhất vẫn là thơ. Và thơ đã xâm nhập vào các thể khác của ông. Người ta thấy cả nhạc, văn xuôi, kịch của ông đều đẫm chất trữ tình, chất thơ. Bài tiểu luận "Mấy suy nghĩ về thơ "(1948) đã báo trước một quan niệm thơ, một cá tính thơ, một hướng cách tân bứt phá so với thơ đương thời. Như một nghệ sĩ chân chính, Nguyễn Đình Thi cho rằng: "Một thời đại mới của nghệ thuật thường bao giờ cũng tạo ra một hình thức mới". Cách mạng tháng Tám đã khép lại một thời đại, và giờ đây đang mở ra một thời đại mới cho nghệ thuật. Đây chính là lúc những nhà nghệ thuật chân chính cần tìm kiếm cho thời đại mình một hình thức mới tương ứng. Và thế là chủ trương "thơ không vần", "thơ như nói", "thơ không kể lể tình cảm", "thơ bỏ nhạc bên ngoài tìm vào nhạc bên trong", "thơ khơi dậy cái nhịp điệu tâm hồn"… đã ra đời. Chùm thơ đầu tay thử nghiệm theo tinh thần này gồm "Đường núi", "Sáng mát trong như sáng năm xưa", "Không nói vừa chào đời" đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của đời sống đương thời. Chồi non bị dội nước đá. Nhưng chồi khoẻ ấy vẫn không từ bỏ cái lẽ phải lớn của thơ. Nên tuy có lúc không công bố nhưng ông vẫn kiên trì thử nghiệm và điều chỉnh. Gắng kết hợp cách tân với truyền thống. Và cứ theo năm tháng, các tập thơ Nguyễn Đình Thi vẫn ra đời, tuy không thật đều đặn : "Người chiến sĩ" (1956), "Bài thơ Hắc hải" (1958), "Dòng sông trong xanh" (1974), "Tia nắng" (1985), "Sóng reo" (2000). Về mặt sắc thái cảm xúc, thơ trữ tình của ông có sự hoà hợp giữa chất tráng ca và chất triết lý. Bên cạnh những trang nóng bỏng :
"Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà"…,
là những trang trầm tĩnh, giấu trong lòng bao triết lý sâu nặng:
"Dòng sông vẫn rì rào đang trôi đi
Ngọn cỏ mang sự sống qua cõi chết
Trong đêm xa xưa mờ tỏ ngôi sao
Bông hoa nở cho hương thơm bay toả
Tình yêu dắt đời người trong sóng gió
Đau thương lặng gieo hạt giống nhân từ",
"Cái đẹp làm cho mọi vật không cùng"...
Trong phần thành công nhất, thơ Nguyễn Đình Thi đã tạo ra một điệu mới như tiếng sóng reo trong lặng lẽ, tấu lên một thứ nhạc mới - trong lặng mà rung ngân :
"Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
...Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em"
"Nắng soi ngõ vắng
Thềm cũ lối ra đi
Lá rụng đầy"
"Ôi những vạt ruộng vàng
Chiều nay rung rinh lúa ngả
Dải áo chàm bay múa
Tiếng hát ai lênh đênh…".
Tiếc rằng, trước sự phản ứng gay gắt, Nguyễn Đình Thi cũng đã phải hoà giải một cách tự nguyện là: lại gia tăng vần cho thơ. Nhiều khi "thơ có vần" đã đồng hoá "thơ không vần". Giá ông cứ dám là mình, cứ dám đi cho thật hết cái lẽ phải của thơ theo quan niệm của mình, thì rất có thể ông đã có vai trò như Xuân Diệu với phong trào Thơ Mới. Hoà giải đôi khi là thoả hiệp là nhượng bộ, làm mất một cơ hội tạo diện mạo cho mình, tạo diện mạo hoàn toàn mới cho thơ. Vừa muốn là mình, vừa không dám là mình, gẫm bi kịch ấy đâu chỉ diễn ra trong mỗi việc cách tân thơ, cũng đâu chỉ với riêng ông. Nó khó thế, nó cũng buồn thế!
Nguyễn Đình Thi không có những đỉnh vượt trội, cũng không có một kết tinh lớn quy tụ tất cả những năng lực phong phú của mình thành một ngọn tháp bề thế. Nhưng bù lại, ông đã có những đóng góp trải ra nhiều lĩnh vực. Có lẽ ông không thuộc kiểu nghệ sĩ dồn tất cả năng lực nội tại vào một điểm sáng tạo duy nhất. Cũng có không ít người tiếc cho ông về điều đó. Nhiều người kỹ tính cứ thích chẻ hoe ra để so bì. Nhạc thì không sánh được Văn Cao. Thơ không sánh được Tố Hữu. Văn không sánh được Nam Cao. Kịch không sánh được Nguyễn Huy Tưởng… Nói thế e rằng đòi hỏi quá. Thời Lêôna đơ Vanhxi đã qua lâu rồi. Mà bảo vì tham quá, "tay vướng nhiều đồ bỏ" quá, "nhiều dây nhợ tự buộc mình" quá, khiến nội lực bị dàn mỏng, tán chứ không tụ, cũng không hẳn. Thôi thì, vâng thôi thì, đó âu cũng là một cái tạng. Trời cho thế, trời cũng xui thế. Ông thuộc kiểu nghệ sĩ mà tài năng cứ phải dàn trải trên diện rộng. Chỗ đứng của ông được xác định bằng sự đa dạng đa diện vậy. Trong nền Văn học Việt Nam hiện đại, kiểu nghệ sĩ đa tài khá phổ biến, nhưng để có được những đóng góp đều tay như Nguyễn Đình Thi, xem ra, cũng không có nhiều.
Đến nay, có thể thấy trong gia tài văn học của ông, Thơ và Kịch tỏ ra có sức vóc hơn cả. Nhất là Thơ ca. Cùng với những thành tựu sáng tác, tinh thần cách tân thơ của Nguyễn Đình Thi vẫn luôn là một tâm nguyện đáng trân trọng, dù vẫn còn dang dở. Hy vọng rằng tâm nguyện cách tân ấy sẽ vẫn đi cùng những thế hệ sau trên sóng thời gian.
Văn chỉ, 2003
Bài đăng lần đầu trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số 573, 5/2003.
Đất nước
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng, thềm nắng lá rơi đầy
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng về
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn.
Bát cơm chan nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng Tây thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da
Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà
Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôi đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng
Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường, mỗi bước hy sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Giũ bùn đứng dậy sáng loà.
(ST)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.